TTO – Việc áp dụng các biện pháp
đảm bảo thu hồi tài sản trong tố tụng hình sự chưa được thực hiện kịp
thời dẫn đến tình trạng người phạm tội tẩu tán tài sản.
Toàn cảnh cuộc đối thoại – Ảnh: Minh Quang |
Thu hồi tài sản tham nhũng chỉ đạt 22,3%
Báo cáo về tiến triển trong công tác PCTN năm 2014, ông Phạm Trọng
Đạt, Cục trưởng Cục chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ, nêu rõ Việt
Nam đã có nhiều biện pháp hoàn thiện về cơ chế chính sách trong PCTN.Đối với việc phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng đã tăng cường và coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm của PCTN năm 2014.
Qua thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, cơ quan thanh tra đã phát hiện, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 144 vụ; phát hiện, xử lý 54 vụ với 87 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng; kiến nghị xử lý trách nhiệm hàng nghìn tập thể, cá nhân; đôn đốc, thu hồi tài sản thất thoát, sai phạm được phát hiện qua thanh tra đạt 64% về tiền, 80,6% về đất.
Riêng thu hồi tài sản trong các vụ, việc liên quan đến tham nhũng phát hiện qua thanh tra đạt 68,5%.
Cơ quan điều tra các cấp đã phát hiện, khởi tố mới 256 vụ án với 593 bị can tham nhũng, tăng so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, các cơ quan tố tụng đã hoàn thành việc xét xử sơ thẩm 287 vụ án tham nhũng và đã kết tội 673 tội phạm tham nhũng, tăng 9 vụ với 91 bị cáo so với năm 2013.
Báo cáo của ông Đạt nêu rõ một số vụ án
kinh tế, tham nhũng lớn như vụ Nguyễn Đức Kiên, Dương Chí Dũng, công ty
cho thuê tài chính II, Huỳnh Thị Huyền Như… đã được xét xử nghiêm minh,
có tác dụng răn đe mạnh mẽ.
Tuy nhiên, thanh tra Chính phủ cũng thừa
nhận tội phạm kinh tế, tham nhũng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng,
tín dụng, chứng khoán, quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản
tiếp tục diễn biến phức tạp gây thiệt hại lớn.
Nguyên nhân chủ yếu do việc rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung khắc
phục những sơ hở, bất cập của chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực
kinh tế – xã hội còn chậm.
Hiệu quả thực hiện một số giải pháp
phòng ngừa tham nhũng còn thấp; việc tự phát hiện tham nhũng trong cơ
quan, tổ chức, đơn vị còn yếu; cơ chế bảo vệ và khuyến khích, khen
thưởng người tố cáo tham nhũng chưa đủ mạnh; xử lý một số vụ án tham
nhũng chưa kịp thời; thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả còn thấp.
Theo thống kê, năm 2014, mặc dù giá trị
tài sản thu hồi được trong các vụ án tham nhũng đã tăng lên so với năm
2013 nhưng mới đạt 22,3% so với giá trị tài sản bị thiệt hại do tham
nhũng.
Khó thu hồi tài sản vì rửa tiền, chuyển tiền
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cũng thừa nhận công tác PCTN và
thu hồi tài sản tham nhũng còn nhiều khó khăn, thách thức do điều kiện
trong nước và tính phức tạp của hai vấn đề này.
Đặc biệt là công tác thu hồi tài sản
tham nhũng rất phức tạp từ góc độ pháp luật trong nước và quốc tế. Do
đó, tại cuộc đối thoại, các đại biểu đã đưa ra nhiều đánh giá cũng như
những giải pháp cho vấn đề này.
Một trong những khó khăn được đánh giá
là nhiều vụ việc không thể thu hồi tài sản do không phát hiện, truy tìm
được tài sản đã được các đối tượng phạm tội đã chuyển hóa tinh vi dưới
nhiều hình thức khác nhau như chuyển quyền sở hữu cho người thân, thông
qua hoạt động rửa tiền, mua sắm các tài sản, phương tiện có giá trị…
thậm chí chuyển tiền ra nước ngoài.
Báo cáo của Bộ Tư pháp nêu rõ
còn có những khó khăn trong phát hiện, chứng minh, truy tìm, quản lý tài
sản do phạm tội tham nhũng.
Trong đó khó khăn nhất là văn hóa sử dụng tiền mặt nên mức độ minh
bạch chưa cao. Việc áp dụng các biện pháp đảm bảo thu hồi tài sản trong
tố tụng hình sự chưa được thực hiện kịp thời dẫn đến tình trạng người
phạm tội tẩu tán tài sản.
Bên cạnh đó, có một số vụ việc không thể
xử lý là tội phạm tham nhũng mà chỉ có thể xử lý tội “cố ý làm trái…”
hoặc tội phạm khác nên việc thu hồi tài sản không thể thực hiện được.
Các cơ quan tố tụng cũng chưa quan tâm
nhiều đến tội phạm rửa tiền, hay tập trung trừng phạt trực tiếp người bị
kết án mà chưa lưu ý nhiều vào việc đánh vào lợi ích kinh tế của người
phạm tội tham nhũng.
Do đó, Bộ Tư pháp đưa ra 3 giải pháp lớn
gồm việc thay đổi nhận thức để thấy rõ việc thu hồi tài sản tham nhũng
không chỉ thông qua kết án hình sự mà cần thông qua các kênh khác như
kênh dân sự, kênh hành chính vì vấn đề quan trọng nhất là đánh vào và
làm triệt tiêu động cơ, lợi ích kinh tế của người phạm tội tham nhũng và
những người có liên quan.
Thứ hai là việc hoàn thiện pháp luật, thiết chế về thu hồi tài sản tham nhũng, cần bổ sung các quy định cụ thể của pháp luật.
Thứ ba là tăng cường nhân lực cho công tác PCTN nói chung và thu hồi tài sản tham nhũng nói riêng.
Theo số liệu của viện KSND tối cao, từ 1-10-2010 đến 30-4-2013, tổng
giá trị tài sản tham nhũng và thiệt hại do tham nhũng gây ra được phát
hiện và xác định trên 17.000 tỉ đồng. Tổng giá trị thu hồi được gần
5.000 tỉ đồng (đạt khoảng 29,4%).
Năm 2014, cơ quan điều tra các cấp đã thu lý 415 vụ án về tham nhũng với số tiền thiệt hại trên 6.740 tỉ đồng, đã thu hồi nộp ngân sách trên 1.500 tỉ đồng (đạt 22,3%).
Cơ quan tình báo về tài chính của Việt
Nam cũng khẳng định những thông tin về giao dịch đáng ngờ và những thông
tin về tình báo tài chính khác đã được cơ quan này gửi đến các cơ quan
có thẩm quyền nhưng hiện vẫn chưa có một vụ việc nào được xử lý trên cơ
sở nội dung này.
|
MINH QUANG
No comments:
Post a Comment