Trở Về Trang chính
▼
Wednesday, November 5, 2014
CSVN sẽ “chi $20 triệu để mở 24 đài TV và phát thanh ra hải ngoại”
Truyền thông tại Việt Nam hiện nay vẫn bị kiểm soát độc quyền của đảng CSVN, và nay đang hướng ra hải ngoại. (Hình: Getty Images).
* Phản ứng của cộng đồng người Việt Little Saigon
QUẬN CAM (NV) - Trước tin nhà cầm quyền CSVN sẽ “chi $20 triệu để mở 24 đài TV và phát thanh ra hải ngoại” tại các “địa bàn trọng điểm” hiện dẫn đến nhiều phản ứng khác nhau trong dư luận Little Saigon, California.
Có những phản ứng bày tỏ sự lo lắng cho giới truyền thông Việt ngữ ở hải ngoại, như nhận xét của giám đốc đài Saigon TV.
Cũng có những ý kiến cho rằng dự án này của nhà cầm quyền Việt Nam một lần nữa sẽ thất bại, như nhận xét của giám đốc đài Little Saigon TV.
Hoặc “để xem sao” của một số khán giả trước nay vẫn theo dõi các tiết mục truyền hình của Việt Nam do một số đài truyền hình Việt ngữ ở hải ngoại chiếu lại.
Bản tin đăng trên trang mạng của báo Sài Gòn Giải Phóng hôm 2 Tháng Mười Một viết: “Thủ tướng chính phủ vừa phê duyệt đề án cung ứng dịch vụ phát thanh, truyền hình qua mạng Internet phục vụ người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2015-2020 với tổng kinh phí hơn 411.6 tỷ đồng.” (tương đương $20 triệu)
Theo bản tin trên, “Ðề án trong giai đoạn 2015-2017 sẽ cung cấp 10 kênh truyền hình và 4 kênh phát thanh; giai đoạn 2018-2020 sẽ cung cấp 20 kênh truyền hình và 4 kênh phát thanh phục vụ người Việt Nam ở nước ngoài, trên nền tảng công nghệ: truyền hình Internet qua giao diện web; truyền hình Internet trên tivi; truyền hình Internet trên thiết bị di động; truyền hình trên nền tảng mạng ngang hàng và truyền hình trên cơ sở sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp dịch vụ video trực tuyến.”
*Nhận định của giới truyền thông
Ông Nam Nguyễn, tổng giám đốc Saigon TV, nói không đọc qua bản tin trên, nhưng Việt Nam có khả năng để “làm khó” cho giới truyền thông hải ngoại:
“Tôi chưa nghe qua tin này, nhưng nếu đúng là như vậy thì sẽ rất khó khăn cho các đài truyền hình ở đây. Số tiền $20 triệu là số tiền lớn. Các đài ở đây hiện đã cạnh tranh rất nhiều rồi. Cạnh tranh với sự đầu tư lớn như vậy từ phía trong nước nữa sẽ là rất rắc rối.”
“Riêng về cộng đồng mình ở Little Saigon, tôi nghĩ họ khó mà chấp nhận được đài truyền thông do Việt Nam đầu tư để tuyên truyền hay vì mục đích gì khác.”
Nhưng ông Ðinh Xuân Thái, tổng giám đốc Little Saigon TV, có suy nghĩ hoàn toàn khác.
Ông Thái nói dự án của Việt Nam sẽ thất bại vì hai mươi năm trước họ cũng tìm cách thực hiện việc này rồi nhưng không thành công.
“Ví dụ như VTV4 đó. Nếu họ có thể gây ảnh hưởng thì một là tư duy, hai là kinh tế, nhưng bao nhiêu năm nay họ đâu thay đổi được gì. Họ có bỏ hai mươi, ba mươi triệu thì người ở đây cũng không thay đổi tư duy của mọi người về chế độ Cộng Sản. Về kinh tế, các tiệm ở đây có dám đăng quảng cáo trên đài của họ không?”
“Truyền thông trong nước là truyền thông trong nước, truyền thông hải ngoại là truyền thông hải ngoại. Với tôi, chuyện của người ta muốn làm gì là chuyện của người ta, tôi không quan tâm tới. Chúng tôi chỉ lo làm thật tốt chuyện của mình thôi, là phục vụ người Việt Nam của cộng đồng mình.”
Ông Chí Thiện, giám đốc Radio Bolsa, lại cho rằng cách thức đầu tư ra hải ngoại của truyền thông Việt Nam sẽ không tạo được bất kỳ ảnh hưởng gì:
“Theo chi tiết của bản tin thì Việt Nam không bỏ tiền ra để mua đài mà chỉ làm qua Internet. Vốn dĩ luật của Mỹ không cho các nước Cộng Sản mua đài để tuyên truyền. Mà thực ra $20 triệu là một số tiền quá ít, không đủ để mua một băng tần radio, chưa kể đến chi phí vận hành. Người muốn coi VTV3 hay VTV4 của Việt Nam thì mua máy về để xem rồi, nhiều đài ở đây cũng đã chiếu các chương trình của Việt Nam, chứ không phải đợi đến dự án này. Bản tin này nghe cho vui vậy thôi, chứ Việt Nam sẽ không gây được ảnh hưởng gì đến hải ngoại với $20 triệu này.”
Ông Lý Kiến Trúc, nhà báo tự do, phân tích khá chi tiết và kết luận: “Tất cả đều sẽ được đo lường bởi quần chúng.”
Ông Trúc nói: “Cách đây khoảng 15, 20 năm thì Việt Nam đã từng có một dự án tương tự nhưng thất bại. Nhưng dự án này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giới truyền thông và cộng đồng người Việt hải ngoại. Khán giả sẽ chính là người quyết định xem dự án của Việt Nam có thành công hay không.”
*Dư luận với ý kiến trái chiều
Ông Trương Ngãi Vinh, chủ tịch Cộng Đồng Việt Nam Nam California, khẳng định dự án của Việt Nam sẽ thất bại, và nếu có tạo được một sự thay đổi nào đó thì cũng sẽ không đáng kể.
Ông nói: “Việc làm này của cộng sản là theo đường hướng của nghị quyết 36, cố gắng thu phục cộng đồng người Việt hải ngoại, mà Việt Nam vẫn coi là ‘con bò sữa.’ Thu phục cộng đồng người Việt hải ngoại sẽ giúp Việt Nam làm việc dễ dàng hơn với Hoa Kỳ và quốc tể. Nhưng cộng đồng sẽ lên tiếng và ngăn chặn thực hiện điều đó.”
Cô Lan Anh Trần, cư dân Westminster, cho biết theo dõi tất cả các đài Việt ngữ, và “coi đài của Việt Nam thì cũng đâu có sao”:
“Ba mẹ mình đi tù cải tạo nên họ đau lòng, chống hết tất cả những gì ở Việt Nam mang qua, nhưng thế hệ mình thì khác. Nếu Việt Nam mở đài thì mình cũng xem thử xem coi họ đăng cái gì, thực hư ra sao, để mà kiểm chứng.”
Khi được hỏi về những chương trình truyền hình cô thường xem nhất, cô Lan Anh nói: “Mình thích nhất là các phim tâm lý xã hội Việt Nam. Mấy đài bên đây chiếu nhiều phim Việt Nam lắm, diễn viên bên đó đóng vừa tự nhiên vừa hay. Mình coi để thấy cuộc sống thực tế thôi, chứ coi phim Việt Nam cũng đâu có hại gì. Ðài nào miễn phí thì mình coi thôi.”
Hoàn toàn trái ngược với cô Lan Anh, ông Quế Nguyễn, cư dân Santa Ana, bày tỏ sự bất mãn với việc Việt Nam “ngày càng lấn tới” về truyền thông:
“Trời ơi. Nó đi từng bước một đó. Trước giờ nó từ từ cho mấy đài bên này đưa tin, chiếu chương trình của nó. Mình không phản ứng gì thì bây giờ nó tiến tới. Cơ quan tuyên truyền luôn được nó ưu tiên hàng đầu…”
“Các giới truyền thông phải đoàn kết lại thì sẽ ngăn chặn được truyền thông Việt Nam. Dù sao bên đây cũng là đất của mình. Nó chỉ tuyên truyền cho người không biết, chứ người đã biết nó thực hư thế nào thì nó sẽ không tuyên truyền được.”
Anh Duy Ngô, cư dân Westminster, cũng cho biết không chào đón các đài Việt Nam, nhưng không vì lý do chính trị như ông Quế, mà đơn giản là vì: “Tôi thích coi tin tức, chứ không coi mấy chương trình giải trí. Coi tin của đài Việt ngữ là được rồi. Ðài Việt Nam mà đăng tin tức thì có coi cũng chẳng biết gì.
Thiên An/Người Việt
No comments:
Post a Comment