Trở Về Trang chính

Sunday, September 21, 2014

Nỗi buồn xuất khẩu lao động: Giấc mơ không trọn của Trịnh Đăng Trường

Đài Loan, Nam Hàn, Mã Lai... những cái tên xa lạ dần dần đã trở thành quen thuộc trong các hang cùng, ngõ hẻm, trên các ruộng đồng, làng núi xa xôi. Và những cô bé, những trai làng trẻ tuổi đã tưởng tượng, đã mơ mộng đến một vùng đất hứa. Vùng đất mà ta có thể kiếm ra tiền không mấy cực nhọc, vùng đất sẽ đưa chị, đưa em, đưa cha đưa mẹ ra khỏi cảnh nghèo đói triền miên ở làng mạc xác xơ.

Thế rồi, lần lượt người ta bỏ đất ra đi. Đi với một món nợ kếch xù trên vai, món nợ mà nếu còn ở Việt Nam, chắc không bao giờ người ta dám mượn. Mượn nợ để có ngày thoát nợ, họ nghĩ như thế! Anh đi vào miền Nam kiếm ăn, chị tham gia chương trình xuất khẩu lao động để xóa đói giảm nghèo của nhà nước... Ngôi làng bỗng chốc trở thành hoang vắng, chỉ còn ông bà già và trẻ em ở lại giữ gìn mảnh ruộng đìu hiu.

Chỉ hơn 1 giờ bay, một trong những thiên đường mơ ước đó đã hiện ra trước mắt: Mã Lai!!!. Cũng nắng miền nhiệt đới, cũng hàng dừa, cũng lũy tre, cũng biển mặn như quê hương... và một tương lai đầy hứa hẹn! Sau chuyến bay đầu tiên trong đời, những gương mặt mệt mỏi nhưng hân hoan nghĩ đến ngày mai, đến những cổ máy hiện đại mà nay mai đây mình sẽ là người điều khiển. Được ra nước ngoài đã là một sự kiện lớn trong đời, lại còn kiếm được nhiều tiền cho thằng cu, cái bé, xây lại ngôi nhà, bốc lại nắm mộ. Chỉ nghĩ tới là lòng đã lâng lâng...

Cái lạnh của máy điều hòa trong phi trường KLIA cũng không lạnh bằng cái lạnh trong lòng của họ sau khi ngồi hơn 3 tiếng đồng hồ trong phi trường mà không thấy một ai ra đón. Những gương mặt hân hoan đã biến sang ngỡ ngàng và chuyển nhanh thành sợ hãi. Họ như những con thú xa bầy, đang bơ vơ trước một cánh rừng xa lạ. Họ bám chặt lấy hành lý và bám chặt lấy nhau như tìm chút nương tựa nơi kẻ cùng cảnh ngộ. Trong một thoáng, họ cảm thấy hối hận đã đến đây và sợ hãi nghĩ đến món nợ to còn đợi ở quê nhà...

Sau những giờ phút chờ đợi dài đằng đẵng, thế rồi cũng có người đến đón họ. Không phải là chị Hai, anh Ba nói cùng ngôn ngữ. Mà là những khuôn mặt xa lạ, tiếng nói cũng xa lạ. Họ không hiểu gì hết, chỉ biết răm rắp đi theo. Đi đâu? không biết! đủ xa để họ có thể ngắm một phần xứ sở mà họ sẽ phải làm quen trong 3 năm sắp tới.

Nhóm của họ bị chia ra thành nhiều mảnh, thôi thì phận ai nấy lo. Vẫn là cái ngôn ngữ xa lạ ấy, Họ bảo ký giấy, ừ thì ký, họ bảo đưa hộ chiếu cho họ giữ, ừ thì đưa. Hỏi làm gì, mà biết làm thế nào để mà hỏi. Cái sợ nó đã ngấm vào xương tủy rồi. Từ nhỏ đến lớn, chỉ học mỗi cái vâng lời; Vâng lời là yên chuyện. Vã lại, hỏi han lôi thôi, họ đuổi về nước thì khốn!

Rồi mọi chuyện cũng đâu vào đấy, những bước bỡ ngỡ lúc đầu cũng qua. Ở quê nhà, ngủ đất đã quen, sang đây chủ cho 8 người ngủ trong 1 container, mỗi người được 1 ngăn khoảng 1 mét ngang 2 mét dài đã là hạnh phúc. Ngày làm việc 12- 14 tiếng, khuya về lọc cọc xách nồi nấu ăn, hôm nào mệt quá thì ngủ luôn đỡ tốn cơm, sáng sớm hôm sau đi làm tiếp. Một tuần làm 6-7 ngày. Chẳng cần biết mặt trời Mã Lai tròn hay méo. Bệnh ư? cứ nghỉ, họ chỉ trừ lương thôi, trừ lương có nghĩa là kéo dài nợ, thế thì đi làm vậy. Nó mắng chửi ư? cứ giả vờ điếc, gục mặt xuống tiếp tục làm như con đà điểu chui đầu vào cát. Ức quá, đình công ư, họ kêu cảnh sát Mã Lai đến bắt và trừ lương. Tìm công ty môi giới để than phiền ư? môi giới đã biến mất như tuyết dưới mặt trời nhiệt đới. Thôi thì tiếp tục đi làm mặc mọi bất công, khốn khó. Ngày lại qua ngày. Cuộc đời công nhân xuất khẩu lao động quả là thần tiên.

Đời công nhân trên đất khách buồn nhiều hơn vui. Cái buồn còn có thể phôi pha, nhưng có nhiều nỗi bất hạnh đã ghi lại những vết thương không thể nào lành bằng cả nghĩa bóng lần nghĩa đen.

Trong những ngày lang thang trên đất Mã, tôi đã gặp Trường, một trong những công nhân có số phận không may, với Trường là tuyệt cùng bất hạnh. Những vết thẹo kinh khiếp trên người Trường ám ảnh tôi trên suốt chuyến trở về. Câu chuyện thương tâm bắt đầu vào 1 tối giao thừa:

Tết Nguyên Đán năm 2010, Tại Melacca, Trường và các bạn lại ăn thêm 1 cái Tết xa nhà. Đêm giao thừa, trong container nóng bức, các anh em bày biện bánh kẹo, hạt dưa ra ăn uống. Cũng có vài bạn trổ tài nấu thịt đông, tuy không đúng cách nhưng cũng tạm để có 1 món gì đó gọi là hương vị quê hương, hưởng ké tiếng pháo từ xa vọng về để thêm nỗi nhớ gia đình. Rồi cũng xong 1 cái Tết xa quê.

Hơn 1 giờ khuya, khi mọi người chìm vào giấc ngủ, thì bỗng có tiếng la lớn: "cháy, cháy...!!!" Trường chưa kịp hiểu ra chuyện gì đang xảy ra thì đã nhìn thấy những tấm vải treo làm màn trong "phòng" đang phựt cháy. Trường vội chạy ra ngoài. Ra đến ngoài thì đã thấy một số anh em đang ở ngoài sân. Những container nơi hãng sử dụng làm chổ ở cho các công nhân đang tiếp tục cháy dữ dội. Trường sực nhớ mình để quên cái điện thoại di động trong "phòng". Điện thoại di động là vật bất ly thân của bất cứ công nhân Việt Nam nào, nó là vật cần thiết hơn cả cơm ăn nước uống, mất nó là đứt mọi sợi dây liên lạc, nó đáng giá bằng mấy tháng lương của Trường. Không kịp suy nghĩ Trường lao trở lại chiếc container đang ngùn ngụt lửa để cứu chiếc điện thoại. Khi vào đến bên trong, Trường không biết nơi nào là chổ ở của mình, khắp nơi là lửa, tìm không được, Trường chạy trở ra thì đã quá trễ, lửa đang bao vây tứ phía, những thanh sắt ngã xuống chấm dứt lối thoát của Trường, chấm dứt một đời trai.


Công nhân Trịnh Đăng Trường những ngày mới bị cháy

Những ngày sau đó của Trường là những ngày chịu đựng sự đau đớn khủng khiếp. Sau thời gian ở nhà thương, Trường được về nhà, em của Trường đang làm ở Penang phải nghỉ việc để lo cho Trường. Cách vài ngày, Trường phải vào nhà thương để "tắm". Một bên lỗ tai bị mất, miệng chưa lành nên Trường không ăn uống và nói chuyện được, tay chân vẫn còn băng kín. Chủ hãng của công ty chỉ trả 1 phần tiền nhà thương. Phần còn lại họ cho Trường nợ. Ngoài ra còn tiền mua những loại băng đặc biệt để băng những vết phỏng, tiền nhà thương, tiền thuốc men, tiền ăn uống cho 2 anh em…v.v Nhưng với tình trạng này, không mong gì Trường có thể hồi phục lại để đi làm, còn mong gì trả nổi nợ???

Trong lúc khó khăn mới thấy tình đồng hương là quý: Anh em công nhân đến thăm hỏi và chia sẻ. Các anh em trong Hội Thánh Tin Lành đến cầu nguyện cho Trường. Ủy ban Bảo vệ Người Lao động Việt Nam cho người đến tặng tiền, đóng góp phần nào vào chi phí nhà thương mà hiện giờ đã lên đến hàng chục ngàn tiền Mã.

Cho đến ngày hôm nay, Trường và em của Trường cũng không dám cho gia đình ở Việt Nam biết. Bà mẹ già bị bệnh cao huyết áp của Trường vẫn còn nghĩ con mình đang lao động đâu đó ở Mã Lai.

Công nhân Trường hai tháng sau khi bị cháy

Sau hơn 6 tháng điều trị, vết phỏng đã lành nhưng hậu quả của nó để lại thật rõ nét trên thân thể Trường: Một lỗ tai đã mất, những ngón tay đã rút lại, thịt lồi lên như một tảng băng nổi, những vết thẹo kinh khiếp trên lưng như mảnh ruộng nứt nẻ vào mùa khô.

Như chưa đủ khổ, cái nóng của Mã Lai đã tiếp tay hành hạ người công nhân bạc phước này: do da đã thành thẹo, không có lỗ chân lông nên mồ hôi không thể thoát ra ngoài, do đó cái nóng không giảm đi, nó tồn đọng lại trong người, làm trong người Trường lúc nào cũng bị nóng bức khủng khiếp, suốt ngày Trường phải ngồi trước chiếc quạt máy.





Trịnh Đăng Trường 8 tháng sau khi bị cháy (tháng 10 năm 2010)

Rời Việt Nam với ước vọng kiếm tiền giúp đỡ gia đình, nhưng than ôi, ngọn lửa tàn ác đã đốt cháy mộng ước đơn giản của Trường, ngọn lửa đêm giao thừa đã thiêu rụi tương lai của người thanh niên. Bây giờ, bên cạnh nỗi đau thể xác, Trường chỉ quay quắt với ý nghĩ: làm sao để trả món nợ khổng lồ? Nỗi đau của chính mình Trường có thể chịu đựng được, nhưng liệu Mẹ mình có thể chịu đựng được không khi nghe tin con mình bị nạn? Làm sao báo tin cho Mẹ? Làm sao có tiền trả nợ???

Những câu hỏi không có câu trả lời cho người thanh niên bất hạnh.


No comments:

Post a Comment