Trở Về Trang chính

Tuesday, September 23, 2014

Nguyễn Văn Hải – Blogger Điếu Cày – Anh là ai?

Khi tôi bắt đầu viết những dòng này thì người cựu chiến binh sư đoàn 3 Sao Vàng, Quân đội Nhân dân Việt Nam Nguyễn Văn Hải đang ở trong tình trạng sức khỏe nguy kịch vì anh đã bước sang ngày thứ 32 tuyệt thực tại trại giam số 6 (Thanh Chương, Nghệ An).

Nhiều người bạn của tôi sau khi liên tiếp đọc tin trên Facebook về việc tuyệt thực của người đàn ông 61 tuổi này đã đặt câu hỏi: “Ông ấy là ai? Tại sao phải chọn cách hành hạ thân xác mình như vậy?”

Tôi không biết trả lời bạn mình sao cho hết ý, bởi chính tôi cũng là người nhiều lần phải đặt câu hỏi ấy ngay từ lúc bắt đầu tìm hiểu về blogger Điếu Cày, cái nickname dân dã mà anh Nguyễn Văn Hải đã sử dụng từ thời Yahoo 360.

Còn nhớ lần đầu tiên được xem một số hình ảnh về Thác Bản Giốc và thông tin về Câu lạc bộ Nhà báo Tự do trên Yahoo 360, tôi đã đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Với vai trò là một cựu quân nhân, blogger Điếu Cày - Nguyễn Văn Hải đã luôn trăn trở về tình hình chủ quyền hiện tại của đất nước, và việc duy nhất khiến anh trở thành cái gai trong mắt của nhiều người đến giờ chính là việc khởi xướng phong trào nhà báo tự do, tập hợp nhiều người viết lại với nhau, sưu tầm và phổ biến những hình ảnh, những bài viết mà chúng ta khó có thể tìm thấy trên những tờ báo nhà nước.

Vì sao một người lính lại có thể trở thành "kẻ phản động" trên hàng loạt mặt báo chỉ vì kêu gọi biểu tình phản đối lễ rước đuối Olympic Bắc Kinh 2008, chỉ vì tham gia biểu tình phản đối hành vi xâm lược của Trung Quốc trên biển Đông 2007?

Câu trả lời rất đơn giản, bởi vì:

Đã từng là một người lính, có lẽ hơn ai hết blogger Điếu Cày hiểu rõ thế nào là trách nhiệm của công dân với Tổ quốc,.

Đã từng là người cầm súng bảo vệ đất nước, có lẽ hơn ai hết anh hiểu danh dự Tổ quốc nằm ở đâu khi đồng bào mình bị cướp bóc bị giết chết trên chính ngư trường quê hương.

Và chính vì thế anh đã chọn cách biểu lộ tình yêu với Tổ quốc không theo bất kỳ định hướng hay chủ trương nào: lập blog, chia sẻ nhiều bài viết, và có các hoạt động cổ vũ cho việc bảo vệ lãnh thổ, phản đối công khai việc Trung Quốc thành lập huyện đảo Tam Sa tại vùng Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.

Cái tội to nhất của Điếu Cày có phải là đây không?

Câu trả lời tùy vào bạn là ai? đang ở vị trí nào và cái đầu đang cúi về hướng nào.

Để trừng phạt những người Việt Nam bất tuân mối quan hệ “4 tốt” và “16 chữ vàng”, người ta đã trừng phạt Điếu Cày thế nào?

Bản án vô lý đầu tiên mà ngành tư pháp Việt Nam dành cho blogger Điếu Cày đó là tội trốn thuế.

Theo cáo buộc của tòa án, ông Nguyễn Văn Hải cho thuê nhà từ năm 1999 tới 2008, và số thuế phải đóng là 400 triệu đồng. Phát biểu trước truyền thông, luật sư Lê Công Định, một trong hai người tham gia bào chữa cho rằng: “Các chứng cứ rất yếu, chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Các chứng cứ rất sơ sài, chủ yếu là để buộc tội, không khách quan, phần nhiều dựa vào lời khai của những người thuê nhà trước đây... Theo hợp đồng, anh Hải lẽ ra phải đóng thuế nhưng hai bên đã thỏa thuận giao cho bên thuê nhà nộp thuế. Cho nên ở đây không có hành động gian dối trốn thuế. Nếu có thì chỉ có thể buộc một lỗi rất nhỏ, một lỗi vô ý. Đó là anh Hải đã không đốc thúc bên thuê đi đóng thuế thôi”.

5 tháng tạm giữ cho một người chủ nhà vi phạm tội trốn thuế mà lẽ ra theo thỏa thuận thì bên thuê nhà phải là người nộp thuế. Bi hài cho ngành tư pháp Việt Nam không?

Chưa dừng lại ở đó, ngay sau bản án 30 tháng tù giam vì tội trốn thuế, blogger Điếu Cày không được hưởng lấy một giây phút tự do, dù chỉ là khoảnh khắc.

Bởi ngay đúng ngày mọi người bên ngoài nhà tù lớn đang dự định chào đón anh về nhà, thì Điếu Cày lại tiếp tục bị bắt giam để rồi sau này bị đưa ra xét xử với tội danh “Tuyên truyền chống phá nhà nước” – theo điều 88 Bộ luật Hình sự.

Bất chấp việc gần 1000 công dân Việt Nam trong và ngoài nước công khai yêu cầu chủ tịch nước Trương Tấn Sang can thiệp vào việc giam giữ người tùy tiện, trái phép, bất chấp dư luận quốc tế lên tiếng, bất chấp lương tri và đạo đức, chính quyền tiếp tục giam cầm và đối xử khắc nghiệt với blogger Điếu Cày cho đến tận bây giờ.

Có lẽ họ cho rằng, việc trừng phạt nghiêm khắc những người đi đầu trong việc phản đối Trung Quốc xâm lược sẽ làm những người bên ngoài sợ hãi và chùn bước? Hoặc giả chăng đó là món quà làm đẹp lòng người láng giềng của đảng Cộng sản Việt Nam?

Kết quả rõ ràng nhất mà người Việt Nam có thể thấy đó là: từ năm 2007 đến nay, Trung Quốc đã thành lập xong thành phố Tam Sa, đã bắt đầu khai thác tour du lịch đến Hoàng Sa, và ngư dân Việt Nam đã và đang bị cướp bóc, và phải trả giá bằng mạng sống trên chính ngư trường quê hương mình.

Phải có bao nhiêu người bị đối xử như blogger Điếu Cày nữa thì hàng triệu người Việt Nam sử dụng Internet tiếp cận thông tin hàng ngày mới nhận ra rằng chúng ta đang sống trong thời kỳ Bắc thuộc mới?

Tôi tin rằng người Việt Nam không vô cảm như vậy, bởi bằng chứng là có nhiều người đang tìm hiểu Điếu Cày là ai.

Hy vọng với những thông tin ít ỏi mà tôi có thể chia sẻ hôm nay, bạn bè và nhiều người khác sẽ có thêm góc nhìn về một người tù yêu nước trung kiên.


No comments:

Post a Comment