Trở Về Trang chính

Thursday, September 25, 2014

Ca sĩ Thế Sơn “Hát Cho Tự Do”: Dân phải biết! Thức tỉnh đi!




Và rồi chúng ta vẫn còn đây trao cho nhau quá nhiều giấc mộng. Mộng ngắn mộng dài, mộng lớn mộng con mà chẳng thấy một anh hùng hào kiệt nào chịu khó mộng vá trời… cao, để trời cao còn ngó xuống nên thôi cũng đành gói ghém bằng khúc ca của những bước chân đồng hành, bằng ngọn lửa của những tiếng gọi con tim: Hát Cho Biển Đông, rồi Hát Cho Tự Do, Hát Cho Việt Nam và sẽ còn hát cho một ngày mai biết đến bao giờ…

Phải rồi, hát lên đi, hát cho Độc Lập, hát cho Dân Chủ, Nhân Quyền… và “làm” những đêm không ngủ đồng bào ơi! Mặc dù biết đâu rồi cũng chỉ thao thức như một Trần Tế Xương: “Thiên hạ có khi đang ngủ cả. Việc gì ta thức một mình ta?”

Hãy cùng với ca sĩ có trái tim và giọng ca nồng nàn yêu thương nhất Thế Sơn, trong một bài phổ thơ xẹt-nhanh-như-chớp của nhạc sĩ Quốc Toản, để mong mỏi mang đôi cánh âm nhạc vực dậy những điều bưng bít không-được-biết, đồng loạt cùng nhau nhắc nhở, tra hỏi đến kỳ cùng. 

“Muốn là được”, phải được. Chỉ sợ lòng mình chưa muốn đủ mà thôi! Ở đây tôi chợt tâm đắc với nhạc sĩ Hoàng Ngọc-Tuấn trong một câu trả lời phỏng vấn hôm nào với mình: “Nghĩ cho cùng dưới mọi chế độ độc tài. Nhân dân không đứng lên thì nhân dân đều bại.” Nghe chí lí hơn, khi “nhại” theo câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Nguyễn Duy: “Nghĩ cho cùng mọi cuộc chiến tranh. Phe nào thắng thì nhân dân đều bại.” Có phải?
Hoàng Ngọc Tuấn

Một ngoặc đơn ở đây, “Hát Cho Tự Do” do một nhóm Facebook gợi hứng từ chiến dịch “Chúng Tôi Muốn Biết” của Mạng Lưới Blogger VN khởi xướng, hòa cùng nhịp đập thế giới Ngày Quốc Tế “thực thi” Quyền Được Biết “International Right to Know Day28/9 hàng năm. Chương trình được lồng trong một đêm ca nhạc yêu nước lúc 8 giờ tối (giờ Cali) ngày thứ bảy 27/9 này và sẽ được phát “live” qua YouTube. Hoan hô cô Trưởng Ban Tổ Chức Nguyễn Nguyên Dung, và chúng ta sẽ cùng nhịp bước xoáy động một vài lời ca tiếng hát mãnh liệt, cảm xúc trong và ngoài nước, với Thu Sương ở Pháp, Nguyễn Tiến Dũng ở Cali… sẽ là những giọng ca đóng góp nhiều nhạc phẩm cho chủ đề “Chúng Tôi Muốn Biết”, như một hưởng ứng mạnh mẽ cùng với những tổ chức xã hội dân sự khác, cho phong trào tiếp tục nở rộ, lan tỏa. Bà con ở Nam Cali chắc ghé qua được Hội Trường Viện Việt Học, để có dịp thấy được sức mạnh của tin học đã mang mọi người lại gần nhau và của những trái tim nhiều trăn trở quê hương.

Vâng, không phải một người, mà một người huy động mời gọi một người và cứ thế tiếp nối, tiếp nối. Như tôi vừa mời thêm nhà thơ “Nếu Có Yêu Tôi” Ngô Tịnh Yên... Cho những bước chân không có vấn đề sẽ thay đổi những bước chân có vấn đề, và con số nhập dòng hưởng ứng đầu tiên sẽ ví như những nhạc trưởng “kỳ tài” thu hút cả một dàn ca giao hưởng. “Hội tụ sông về tranh đấu cho một dòng tự do” bạn nhé.
Ngô Tịnh Yên

Hay nói theo cách nói một bài viết của bình luận gia Vũ Đông Hà, là khi chúng ta vượt qua được chính mình, một ngập chìm của dòng sông sợ hãi, để trỗi dậy phanh phui những điều muốn biết và cần phải “Làm” cho ra lẽ của bến bờ sự thật. Mà không lẽ chúng ta cứ sợ và sợ mãi? Sợ cái gì mà không dám sống dám chết cho những điều mình tin là đúng, là vô phương hết thuốc chữa không thể thay đổi nổi? Hãy thử phóng thích nỗi sợ hãi đang tìm cách vây khổn, giam hãm mình, khi nhất quyết tin rằng tôi sẽ vượt qua sợ hãi dù bất cứ giá nào và rằng tôi sẽ không để sợ hãi khuất phục mình!

“Muốn biết” hẳn nhiên là một ước vọng, một khát khao, và khi niềm ước vọng khát khao ấy đủ lớn sẽ biến thành một thôi thúc dữ dội của mệnh lệnh, và trở thành thứ trách nhiệm thiêng liêng của một con dân “phải biết”, hoặc sẽ xác quyết đòi cho được quyền thông tin bạch hóa công dân. Nhất là trong những nỗi bức thiết liên quan đến vận mệnh, sự sống còn của một quốc gia, một dân tộc mình.
Mật ước Thành Đô 1990 lẽ nào cũng là một ký kết phó thác đất nước cho những đầu mối hiểm họa dâng bán, để rồi: “… chấp nhận làm khu vực tự trị thuộc chính quyền trung ương tại Bắc Kinh, như Trung Quốc đã dành cho Nội Mông, Tây Tạng, Quảng Tây…”, mang máng như thứ công hàm ô nhục 1958 của “bác” Đồng? Thời hạn 30 năm đã gần kề, những diễn biến không thể chối cãi của những suy đoán có căn cứ và có thật. Vậy thử hỏi chúng ta còn muốn biết điều gì đau đớn hơn thế nữa? Muốn biết đôi mắt sáng của một Nguyễn Cơ Thạch đã ôm đầu bứt tai: “Một ngàn năm Bắc thuộc lại trở về.”, thì liệu có ai dám đứng lên cứu nước bẻ gãy những xiềng xích? “Có dám” xin thưa không còn là một thách đố, mà là một bổn phận cần kíp như chưa bao giờ! Ôi, thật không sai như một câu thơ của Liêu Thái: “Đất nước này là của lũ mèo giấu cứt.”, khiến nhà thơ Nguyễn Viện cũng phải đồng tình: “Tôi cũng chỉ muốn Tự Do với cây búa.”

“Muốn biết” như nhạc sĩ Việt Khang chỉ cần hỏi han bằng những nghẹn ngào âm thanh: “Việt Nam còn hay đã mất?”, là đã bị nhà cầm quyền CSVN như chạm nọc tống vào ngục tối những 4 năm, nói chi đến một câu trả lời, một cuộc đối thoại quyết liệt.

Vậy điều tôi muốn biết có lẽ là: Những tướng sĩ tài ba của Việt Nam trốn tiệt nơi hầm trú ẩn an toàn nào, để không thấy buồn, thấy nhục, thấy trách nhiệm đứng lên vạch hỏi “giai cấp cầm quyền” này giùm, về một thỏa hiệp quy hàng Kỷ Yếu Thành Đô mà không ai không nhận biết được, từ những dấu hiệu ngày càng đánh mất sạch sành sanh niềm tin của nhân dân. Lời hiệu triệu Tổ Quốc Trên Hết đầy nhân tâm nào mang chúng tôi theo cùng, thay vì cứ phải ngồi nhìn, phải đối diện với một quốc hội “quốc thước” bù nhìn.

Đã là tướng sĩ và là tướng sĩ Việt Nam, thì không thể không xứng đáng với tên gọi anh hùng đã kinh qua những cuộc chiến-tranh-thần-thánh và như thế không phải chỉ là những tôn vinh một thứ sĩ-diện-hảo. Xin đừng làm anh nhũn(g) đọc trại ra là anh hèn nhũn, mềm nhũn, tham nhũng!

Vừa rồi những chữ ký khá dũng cảm của 20 vị cựu tướng lãnh dâng “sớ kiến nghị” không biết có làm ai đó chao chọng chút nào, hay chỉ đủ để gãi ngứa theo kiểu “ngồi buồn gãi háng lăn tăn” cho Lũ? Nếu vì đức khiêm cung thấy mình không hề xứng hai chữ “anh hùng” thì xin cũng đừng làm anh (k)hùng ngu ngơ trước hiện tình đất nước. Vâng, chỉ có anh khùng mới làm vậy, mới ngu ngơ như một kẻ bàng quan không biết gì, không hay gì về một chủ quyền đất nước sắp bị tước đoạt, bạo ngược.

Nỗi khùng nhất là đường đường mang tiếng quân-đội-nhân-dân, nhưng lại xếp nhân dân đứng chực sau đít Đảng (coi chừng bị đá đít), thì rõ ràng là không những quyền làm người (dân) bị tổn thương, mà cả những vấn đề bảo vệ an ninh đất nước cũng sẽ không được tôn trọng đúng mức.

Hai câu nhạc mà ca sĩ Thế Sơn đã chuyên chở rất tới, rất có hồn: “Này non sông, ai có quyền không bảo vệ. Này nước nhà, sao tướng sĩ mãi ngủ mê?”, có lẽ đó cũng là điều tôi muốn biết muốn hành động muốn tra vấn từng ngày từng giờ! 

Hãy noi gương thần tượng của chúng ta và của riêng tôi: Một tướng quân “công thần” đầy dũng khí cách mạng và nghệ sĩ nhân văn tầm cỡ Trần Độ, một tinh thần ngời sáng sẵn sàng thách đố mọi hiểm nguy để đóng góp tận tình tận lực cho đất nước. Ở đây tôi xin được làm một cuộc khấn vái mặc niệm các vong linh liệt sĩ chiến sĩ, nhất là tướng Độ hãy linh thiêng phù hộ cho những vị tướng tiếp nối có cùng tâm huyết, có cùng nguyện vọng để dìu đất nước này đi lên, và không thể đi qua Tàu phù, đi theo Tàu khựa.

Còn bạn, điều bạn muốn biết và cần làm kế tiếp có phải là: Có hay Không một cuộc thăm dò ý dân đầy dự phóng, dự báo nay mai?



No comments:

Post a Comment