Trở Về Trang chính

Wednesday, June 4, 2014

Chủ nghĩa Dân Tộc và Phong trào Dân Chủ

Chủ nghĩa Dân Tộc đã từng giúp Hitlle thâu tóm quyền lực, đã từng bị CNCS núp bóng để tràn ngập khắp VN, Trung Quốc, đã từng là trợ thủ đắc lực của không biết bao nhiêu thế lực độc tài, đã từng bị lợi dụng để gây ra vô số cuộc chiến tàn khốc, phi nghĩa, trên khắp địa cầu. PTDC hiện nay không nên vì những lợi ích nhất thời của nó mà lái con thuyền dân chủ theo hướng này, để rồi đi theo “vết xe đổ” của thế hệ đi trước. Để rồi sau bao cuộc bể dâu, bao cảnh đầu rơi máu chảy. Cuối cùng, thế hệ con cháu lại phải mất công “làm lại từ đầu”...

*

Để thấy được chủ nghĩa dân tộc (CNDT) có thể ảnh hưởng đến phong trào dân chủ (PTDC) mạnh như thế nào, trong quá khứ, chúng ta có thể nhìn vào nước Đức. Hiện tại, có thể nhìn trường hợp của Nga và Trung Quốc. Còn cả quá khứ và cả hiện tại thì có thể nhìn vào chính Việt Nam. 

Nước Đức trước thế chiến II đã từng có thể chế chính trị tương đối dân chủ với sự hoạt động của nhiều đảng phái. Vậy mà chỉ với việc sử dụng chiêu bài CNDT, Hitle từ một anh chàng vô danh đã rất nhanh chóng trở thành thần tượng trong mắt người dân. Đảng Quốc Xã do Hitle đứng đầu với lá bài CNDT trong tay sau đó nhanh chóng nắm hết mọi quyền lực và biến thể chế chính trị Đức thành chế độ độc tài quân sự mà không một thế lực đối lập nào có thể cản nổi. Điều đáng nhắc lại ở đây là Hitle đã quá khôn khéo trong việc dùng các mâu thuẫn xã hội do sự chênh lệch giàu nghèo giữa người Do Thái và người gốc Đức cùng với tâm lý mặc cảm của một nước thua trận luôn bị nước lớn chèn ép để thổi bùng lên ngọn lửa CNDT và làm dân chúng coi CNDT như là phương cách để giải quyết các mâu thuẫn thuẫn đó, thay vì các giá trị dân chủ (chiêu này hiện cũng đang được nhà nước CSVN tái sử dụng). Một lựa chọn sai lầm của nước Đức giữa hai "chọn lựa" CNDT và nền dân chủ đã đem đến sự trả giá tàn khốc không lời nào tả nổi. Kết thúc thế chiến II, sau bao nhiêu máu và nước mắt, Đức và toàn thể Châu Âu mới nhận ra hai từ dân chủ quan trọng như thế nào đối với họ. Trong khi đó, một phần còn lại của địa cầu chỉ mới bắt đầu tiến trình đầu tiên của bài học đau xót mà nước Đức vừa trải qua, trong đó có Việt Nam. 

Trường hợp Trung Quốc. Nhà nước Trung Quốc có thể nói đã thành công ngoài mong đợi trong việc sử dụng CNDT để kiềm chế sự phát triển của PTDC. Đảng cộng sản Trung Quốc gieo rắc CNDT vào dân chúng mạnh đến nỗi, tâm lý thù ghét Nhật Bản vẫn tồn tại mạnh mẽ cho dù cuộc chiến đã lùi xa hơn nửa thế kỷ. Điều tưởng chừng vô lý là ở chỗ, mặc dù có ghét Nhật đi chăng nữa, thì trong sự tương tác cá thể, người Trung Hoa lại cư xử với người Nhật có vẻ còn tốt hơn cả đối với người nước họ (Việt Nam cũng không khác gì). Nhà nước Trung Quốc có lẽ đã nhận ra rằng, CNDT không chỉ tạo ra tính chính danh cho chế độ, tìm kiếm ủng hộ từ sự mù quáng của người dân, mà còn làm cho họ khó khăn hơn nhiều trong việc tiếp nhận các lí luận dân chủ, ngay cả đối với tầng lớp trí thức. Cùng với hệ tư tưởng Khổng giáo, nó thực sự tạo nên chiếc vòng kim cô vô hình đối với phong trào dân chủ vốn đã èo uột của Trung Quốc. Nhưng cho dù chính quyền (hay kể cả PTDC) có sử dụng CNDT thành công và đạt được mục đích trước mắt đi chăng nữa thì hậu quả lâu dài của nó cũng không hề rẻ. Đó là sự bùng phát mạnh mẽ của xu hướng muốn sử dụng bạo lực để giải quyết các mâu thuẫn, từ mâu thuẫn cá nhân, mâu thuẫn xã hội đến các xung đột đối ngoại. Đối với xu hướng thiên về sử dụng bạo lực trong mâu thuẫn cá nhân mà nói, nguyên nhân xuất phát từ sự thiếu tin tưởng vào luật pháp chỉ là một phần vấn đề. Thực tế có những va chạm rất nhỏ, thậm chí đơn giản chỉ vì một cái nhìn hay ai đó đi xe máy pô nổ quá to đã dẫn tới hành động gây án mạng. Phần còn lại của vấn đề còn đến từ sự tự đại cá nhân thái quá, trong đó, cá nhân có xu hướng đề cao bản thân hơn mức bình thường và thiếu tôn trọng lợi ích người khác. 

Sự tự đại cá nhân thái quá vốn là một hệ quả mang lại của CNDT quá khích, hình thành do sự tích tụ của trạng thái tự mãn cá nhân thường xuyên khi cá nhân tiếp thu CNDT một cách liên tục. Hiện tượng tâm lý này cũng xuất hiện khi một cá nhân được khen quá nhiều mà không có sự phản biện (tự sướng nhiều quá sinh ra kiêu căng?). 

Nếu cứ theo xu thế hiện tại, khả năng để các biến động xã hội tại Trung Quốc xảy ra theo hướng ôn hòa là thấp. Khi các biến động xã hội kiểu này xảy ra, sẽ phát sinh một nhu cầu có tính qui luật của giới cầm quyền nhằm củng cố quyền lực, đó là tiến hành chiến tranh với láng giềng. Trên thế giới đương đại Putin có lẽ là kẻ khá thành công trong việc dùng chiến tranh (với Chechnya, Gruzia và giờ là Ukraine) để củng cố quyền lực. Khi CNDT được truyền bá rộng rãi, các cá nhân thường có xu hướng tín thác cho quyền lực nhà nước hoặc cá nhân nổi bật các nguồn lực cần thiết để những lực lượng này thỏa mãn mong muốn cá nhân có tính dân tộc của họ. Các mong muốn cá nhân có tính dân tộc này thường rất mạnh mẽ nếu các cá nhân cảm thấy có mối đe dọa từ những kẻ nào đó tốt nhất là có đặc điểm khác với mình. 

Đến đây, có lẽ chúng ta hiểu tại sao các chế độ độc tài lại cần kẻ thù và chiến tranh đến thế. Tất nhiên, sau khi đã có vài hành động cần thiết nhằm thỏa mãn vài khao khát dân tộc của đám đông dân chúng bị kích động, các nguồn lực mà nhà độc tài có được từ sự tín thác của dân chúng sẽ không bao giờ được trả lại, không những thế nhà độc tài sẽ sử dụng các nguồn lực này để chiếm đoạt lợi ích kinh tế hoặc thậm chí biến dân chúng thành nô lệ. Nói theo cách dân dã, điều này cũng tương tự việc tự nhiên có người vào nhà bạn, hét toáng lên là có tên cướp sắp xông vào đây và muốn mượn bạn con dao để đuổi cướp, bạn nhìn ra ngoài và thấy đúng là có tên mặt mũi bặm trợn đang hùng hổ xông vào. Sau khi đã xông ra múa vài đường dao làm tên bặm trợn kia chạy rơi dép. Ân nhân đuổi cướp nhất định không trả lại dao và dần có biểu hiện "suy thoái đạo đức" 

Hắn lấy ơn nghĩa đuổi cướp bắt bạn phục vụ ăn uống và sử dụng của cải trong nhà. Vì mù quáng, bạn vẫn cúc cung phục vụ hết năm này qua tháng khác. Đến lúc nghe thiên hạ râm ran, bạn mới nhận ra ân nhân đuổi cướp lại chính là tên cướp và kẻ mặt mũi bặm trơn bị đuổi đi lại chính là người chuyên đi bắt cướp. Lúc này, hối hận đã quá muộn vì tên cướp dùng ngay con dao cho mượn để không chế bạn. 

Phải lấy ví dụ dài dòng như trên là vì kịch bản này quá đặc trưng và được các thế lực độc tài sử dụng hết lần này đến lần khác ở mọi nơi trên thế giới. Tại Trung Quốc cũng như Việt Nam, CNDT cùng với hệ tư tưởng Khổng giáo trên nền tảng yếu của ý thức dân chủ đã làm quá trình "xét lại" trở nên khó khăn hơn nhiều và chắc sẽ đi vào ngõ cụt nếu không có internet. Đến đây, nói thêm một chút về bắc Triều Tiên, chắc các bạn cũng hiểu tại sao họ lại thích gây sự đến thế. Đòi viện trợ chỉ là thứ yếu thực sự nếu đất nước yên ắng quá, người dân có thể quên mất "kẻ thù trước mặt". 

Quay lại với Trung Quốc, một số biểu hiện sa sút kinh tế gần đây đứng về mặt chiến lược là đáng lo ngại không chỉ với người dân. Biến động kinh tế tất yếu gây biến động xã hội và nếu xảy ra theo xu hướng bạo lực thì thật tai hại. Nhà nước độc tài chắc chắn sẽ tìm cách củng cố lại quyền kiểm soát nội địa bằng một cuộc chiến tranh với láng giềng. Trong quan điểm các chiến lược gia hiện đại, thế giới hiện nay dường như khó xảy ra chiến tranh do hậu quả mang lại đối với một quốc gia khi gây chiến thường vượt quá xa lợi ích có được. Đứng trên phương diện quốc gia thì đúng như thế, nhưng đặt vào hoàn cảnh một thế lực độc tài đang lung lay quyền lực thì chưa chắc. Đó là chưa nói đến các nhóm lợi ích năng lượng có thể vì lợi ích của nó mà gây ảnh hưởng lên chính sách hệ thống cai trị, bất kể điều đó có hại cho đất nước. Có vẻ, những nhà chiến lược của Trung Quốc cũng đã dự liệu và đang có động thái chuẩn bị trước cho vấn đề này. Nếu xem xét các sự việc diễn ra trên thực địa tại miền trung, Tây Nguyên gần đây, rất có thể, một trong các đối tượng tiềm năng mà các nhà độc tài Trung Quốc nhắm đến để "làm vật hy sinh" chính là Việt Nam. Nếu như coi một biến động xã hội lớn xảy ra tại Trung Quốc trong khoảng 10 năm tới có xác suất 50% và nếu coi việc tiến hành chiến tranh với láng giềng khi nội địa có khủng hoảng chính trị là tất yếu có tính qui luật thì khả năng chiến tranh xảy ra giữa hai nước trong tương lai gần là không hề nhỏ. Và đấy là chỉ trong vòng 10 năm, Nếu tính cho 20 năm chẳng hạn thì xác suất đó có thể lên tới 80-90%. Con số đó sẽ làm nhiều người lạnh sống lưng, đặc biệt là ở các vùng đảo, miền trung, Tây Nguyên, nơi dễ trở thành địa điểm đổ bộ trong chiến thuật chia cắt. (Hiện tại, bài viết không còn giá trị dự báo đối với hành động của Trung Quốc nữa. Họ đã ra tay trên biển). 

Nhân đây, cũng nên nói đến con "ngáo ộp" Trung Quốc mà nhà nước CSVN đem ra dọa người dân trong thời gian gần đây, với loạt bài chống Trung Quốc dày đặc trên các báo chính thống. Mục đích của họ cũng giống với người thầy phương bắc. Chỉ ra một con ngáo ộp to đùng và làm dân chúng thấy rằng, muốn được an toàn thì phải nhờ đến sự "bảo kê" của ta. Dường như, nhà cầm quyền Trung Quốc cũng hiểu được vấn đề này nên không để ý nhiều đến những loạt bài chống Trung Quốc đầy dẫy trên các báo chính thống. Cũng có thể, nhà nước CSVN đã phải nói khó với người thầy của mình để họ dùng "thầy" làm ngáo ộp nhằm kiểm soát dân chúng. Có lẽ chính vì vậy mà mặc dù báo chí hai nước thì gằm ghè nhau như thể con kia là quái vật, nhưng đảng cộng sản hai nước thì vẫn nồng nàn thắm thiết, các lãnh đạo hai nước thì vẫn rót vào tai nhau những lời "thân ái", còn kẻ ngoài cuộc thì có cảm giác trống đánh xuôi kèn thổi ngược, lộn tùng phèo. 

PTDC Việt Nam thời gian qua cũng có phần chủ quan trước cái bẫy CNDT mà chính quyền giăng sẵn, với chiến lược rõ ràng và không khó để nhận ra thông qua các báo nhà nước. Nếu bất cứ ai vì mang nặng CNDT mà thờ ơ trước sự nguy hiểm của nó thì xin hãy nhớ lại năm 1945, để xem lúc đó, CNDT đã dần tiêu diệt những mầm mống dân chủ đầu tiên như thế nào. CNDT cho dù không phải cực đoan, ngay ở định nghĩa của nó, vốn phân biệt các nhóm người, đã có phần “mâu thuẫn” với khái niệm "bình đẳng", "không phân biệt" của dân chủ. Sự hợp tác của PTDC giữa Việt Nam và Trung Quốc gần như không tồn tại, cho dù chỉ là những trao đổi mang tính tượng trưng. Trên các báo chính thống, có xu hướng đồng nhất nhân dân Trung Quốc với các thế lực đang cai trị họ (đây là điều khá nhạy cảm vì do ý thức hệ, không thể nói kẻ thù của nước ta là một đảng cộng sản). PTDC phải chỉ ra cho người dân thấy rằng, kể cả có chống Việt Nam đi chăng nữa, người dân Trung Quốc cũng chỉ là nạn nhân của chiến dịch tuyên truyền CNDT thái quá của chính quyền, bởi vì họ không có lợi ích nào từ việc xung đột giữa hai nước. "Tôn trọng lợi ích của kẻ thù" là một cụm từ nghe quá xa lạ với văn hóa phương đông, nhưng nó là tinh thần của dân chủ, nhân quyền, bởi vì kẻ thù dù sao cũng là con người. Những gì đang xảy ra ở Việt Nam và Trung Quốc hiện nay cần thiết phải đưa ra một cảnh báo cho phong trào dân chủ hai nước, trước hậu quả đang lơ lửng trước mắt, nếu chúng ta vẫn thờ ơ để mặc cho các thế lực hai bên đẩy người dân vào vòng xoáy thù hận lẫn nhau một cách tai hại. 

Khi PTDC thay vì truyền bá các tư tưởng nền tảng vốn là giá trị tạo nên sức sống mãnh liệt của nó, lại dùng đến CNDT làm chiến lược để thu hút dân chúng và phát triển phong trào, thì kết cuộc thảm bại của nó là điều khó lòng tránh khỏi. Con đường dân chủ sẽ thêm khó khăn gấp nhiều lần nếu không nói là sẽ quay lại điểm xuất phát sau nhiều sự mất mát, đổ vỡ. 

Thực ra, CNDT cũng không phải là không cần thiết đối với cách mạng dân chủ. Cộng đồng hải ngoại Việt Nam vốn không có lợi ích nào rõ ràng đối với nền dân chủ trong nước, nhưng họ vẫn giúp đỡ nhiệt tình cho sự phát triển phong trào trên tinh thần dân tộc và cộng đồng. Người Do Thái khắp nơi trên thế giới cùng nhau xây dựng đất nước Ixaren cũng trên tinh thần dân tộc chủ nghĩa ấy. 

Tuy nhiên, trong mọi hoàn cảnh, CNDT chỉ nên được coi là một phạm trù hỗ trợ hoạt động “chiến thuật” (các hoạt động để thực hiện một chiến lược lớn đã vạch ra). Mặc dù với sự đa dạng của thông tin mạng như hiện nay, CNDT khó một lần nữa lặp lại kịch bản như năm 1945, nhưng cũng không nên quá kỳ vọng vào nó trong việc tạo ra sức hút cho phong trào dân chủ. CNDT (và kể cả các mâu thuẫn xã hội khác) cũng có thể có lợi nhất định để lật đổ chế độ độc tài, nhưng lại thường làm cho quá trình dân chủ hóa và hòa giải xã hội trở nên khó khăn hơn. Khi nhân danh CNDT để hành động, con người rất dễ rơi vào xu hướng từ bỏ và xa rời các nguyên tắc dân chủ. Sự vi phạm nhân quyền nhân danh CNDT xảy ra phổ biến với mức độ khác nhau trong quá khứ, hiện tại và ở mọi nơi trên thế giới. Mặt khác, hiệu quả của CNDT trong phát triển phong trào không có tính bền vững. Về mặt dài hạn, không thể thay thế được các phạm trù khác dùng để hoạch định chiến lược như “lợi ích cá nhân”, “chủ nghĩa cơ hội”, “tư tưởng dân chủ, nhân quyền”... 

Cho dù đây là cách thức để có sự ủng hộ nhanh chóng hơn, dễ dàng hơn, thậm chí tạo nên sự bùng nổ nhất thời. Một hệ quả đáng sợ của CNDT là nó rất dễ lái PTDC đi theo con đường bạo lực không kiểm soát, với kết quả là tạo nên những nhà độc tài mới sau khi đã lật đổ được thể chế độc tài cũ. Các giá trị về dân chủ, nhân quyền với những lí luận của nó vẫn là các giá trị bền vững, phổ quát thậm chí mang lại giá trị thực tiễn đối với cá nhân trong việc thay đổi hành vi"cách mạng", cho dù nó không dễ tiếp thu một sớm một chiều, cho dù các cá nhân không thực sự nhận ra hết các giá trị của nó, cho dù họ không cố ý thay đổi hành vi ứng xử xã hội của mình. Trong tiến trình dân chủ hóa, việc xóa bỏ chính thể cai trị chủ yếu là các thay đổi bề mặt bước đầu và không có nghĩa là PTDC đã thành công. Việc các cá nhân tiếp thu các luận điểm dân chủ và thực thi chúng trong thực tế vốn khó khăn hơn rất nhiều, nhưng đó lại là yếu tố quyết định để nói rằng, CMDC đã tạm hoàn tất. Tiến trình dân chủ vốn không liên quan gì đến cách thức của các cuộc cách mạng mà phụ thuộc vào mức độ nhận thức dân chủ của các cá nhân xã hội. Tất nhiên, chúng ta không cần đợi dân chủ được tiếp thu rộng rãi rồi mới làm cách mạng để lật đổ một thể chế độc tài, bởi nếu như vậy thì cách mạng dân chủ tại nước ta sẽ phải chờ ít nhất 50 năm. (Chiến lược để làm nên một cuộc CMDC thành công trong hoàn cảnh nhận thức dân chủ còn nhiều hạn hẹp vốn chủ yếu liên quan đến khoa học tổ chức và xin được bàn đến vấn đề này trong các bài tiếp theo). 

Trong hơn 1000 năm qua, chiến tranh xâm lược đã diễn ra liên tục giữa Việt Nam và Trung Quốc. nhưng đó đều là những cuộc chiến mà người dân Trung Quốc bị lôi kéo và bắt buộc bởi các nhà độc tài phong kiến nhằm phục vụ cho lợi ích của nó. Giữa người dân Việt Nam và người dân Trung Quốc vốn bị ngăn cách bởi địa hình hiểm trở chắc chắn chẳng có mâu thuẫn gì đáng kể để có thể vượt núi băng biển tàn sát lẫn nhau. 

Cần thiết phải có sự liên lạc, trao đổi nhất định giữa PTDC hai nước, ít nhất trên danh nghĩa để cho nhân dân hai nước thấy rằng, họ đang có cùng khát khao, cùng mục tiêu để hương tới. Từ đó, tránh được phần nào cái bẫy CNDT mà chính quyền hai nước đang giăng sẵn. 

CNDT đã từng giúp Hitlle thâu tóm quyền lực, đã từng bị CNCS núp bóng để tràn ngập khắp VN, Trung Quốc, đã từng là trợ thủ đắc lực của không biết bao nhiêu thế lực độc tài, đã từng bị lợi dụng để gây ra vô số cuộc chiến tàn khốc, phi nghĩa, trên khắp địa cầu. PTDC hiện nay không nên vì những lợi ích nhất thời của nó mà lái con thuyền dân chủ theo hướng này, để rồi đi theo “vết xe đổ” của thế hệ đi trước. Để rồi sau bao cuộc bể dâu, bao cảnh đầu rơi máu chảy. Cuối cùng, thế hệ con cháu lại phải mất công “làm lại từ đầu”. 

CNDT thuở khai sinh vốn tốt đẹp khi con người bắt đầu có ý thức về cộng đồng của họ với sự trân trọng, yêu quí các bản sắc riêng. Trong tay kẻ cai trị, CNDT trở nên tự mãn hơn, phân biệt đẳng cấp hơn, kỳ thị hơn. Khi sử dụng CNDT theo cách như vậy, kẻ cai trị dễ dàng hơn khi lợi dụng nguồn lực cộng đồng cho các mục đích xâm chiếm lãnh thổ và thâu tóm quyền lực. Vì là một công cụ của các nhà cai trị nên cho dù trong quá khứ, nó đã giúp các cá nhân của nhóm người yếu thế hơn bảo vệ được lợi ích trước các thế lực độc tài ngoại bang, thì nó cũng không giúp họ bảo vệ được lợi ích trước các thế lực độc tài nội địa. sự lựa chọn của họ lúc đó đơn thuần chỉ là sự lựa chọn của con cừu trước hai cái chết, hoặc bị ăn thịt bởi hổ, hoặc bị giết bởi sói. Tất nhiên, trong hoàn cảnh mà con cừu chưa tìm ra được cách nào khác khả dĩ để tránh bị hổ ăn thịt thì cũng cần ghi nhận và ca ngợi công lao của con sói trong việc đuổi hổ. tội ác ăn thịt cừu của sói có thể xét là do những con cừu chưa biết cách kiểm soát sói, bởi vì theo lẽ tự nhiên, sói luôn muốn ăn thịt cừu. 

Ngày nay, các lí luận dân chủ sẽ là yếu tố quan trọng nhất trong việc kéo CNDT trở về đúng với bản chất tốt đẹp của nó, để nó đủ sức huy động các nguồn lực của nhân dân nhằm chống lại thế lực xâm lược, đồng thời sẽ đảm bảo trả lại nhân dân các nguồn lực đó thay vì dùng nó để áp bức họ. Các con cừu giờ đây hoàn toàn có thể hành động theo qui các qui ước được thiết lập trên lí luận dân chủ để đặt sói trong vòng kiểm soát theo ý muốn chứ không phải đi cầu xin sự thương hại từ chúng. 


Việt Nam ngày 04-6-2014. 


No comments:

Post a Comment