Chúng tôi quay lại Cảng Vũng Áng trong một buổi chiều nắng gắt. Cảnh
tượng nhộn nhịp trù phú ngày xưa đã được thay thế bằng cảnh hoang tàn,
tiêu điều dọc hai bên Đường 12 từ ngã ba Kỳ Lợi (Kỳ Anh - Hà Tĩnh) đến
tận cổng cảng Vũng Áng.
Về trách nhiệm pháp lý thì chính quyền xã Kỳ Lợi nói riêng, huyện Kỳ Anh
và tỉnh Hà Tĩnh nói chung buộc phải trình diện đủ các chứng cứ giấy tờ
với nhân dân để người dân biết vùng nào đã đền bù, vùng nào chưa đền bù.
Sau đó buộc có trách nhiệm đền bù với các hộ dân chịu thiệt hại cách vô
cớ trên chính mảnh đất của họ.
Chính quyền trước làm ngơ thu thuế, sau “vơ đũa cả nắm”
Theo một người hiểu vấn đề nói rõ thì chính quyền đã vơ đũa cả nắm khi
yêu cầu cưỡng chế trắng, không hỗ trợ, không đền bù với tất cả các hộ
kinh doanh ở hai bên đường.
Chúng ta có thể chia làm hai loại đất để hiểu:
Loại thứ nhất: Đất thuộc dự án, đất đã đền bù.
Loại thứ hai: Đất chưa đền bù.
Loại thứ nhất: loại không oan.
Người dân địa phương này cho biết: “Xã, huyện, tỉnh đã sai khi gộp
chung tất cả các hộ lại để cưỡng chế thẳng thừng như vậy. Vì có nhiều hộ
đã được đền bù từ trước nhưng vẫn quay lại dựng hàng quán trước sự ưng
thuận của chính quyền địa phương, những hộ này chính quyền tiến hành
cưỡng chế thì có thể chấp nhận được khi trưng các giấy tờ chứng minh là
mình đã tiến hành đền bù khi làm đường xuống cảng Vũng Áng và quy hoạch
dự án xây dựng ở cảng.”
Chính quyền vẫn nhắm mắt thu thuế của hàng loạt quán xá này
trong hàng chục năm (Biên lai thu thuế môn bài năm 2008, 2014 của một hộ dân)
Khi tích tụ sự ưng thuận của chính quyền bằng việc thu thuế môn bài đầy
đủ trong hàng chục năm như thế thì người dân sẽ bức xúc khi đột nhiên bị
buộc đập phá trắng, không hỗ trợ, đền bù.
Đây là nguyên nhân những người dân thuộc diện này kéo cờ, kéo trống, kéo cả làng ra chống cưỡng chế.
Loại thứ hai: Loại bị oan.
Những hộ dân có đất loại này cay đắng, đau đớn tự đập nát đi cơ nghiệp
bạc tỉ của mình vì nỗi sợ hãi sau khi công an đã bắt đi hàng loạt người
dân trong làng mình vì chống cưỡng chế.
Hàng quán đều bị chủ quán tự đập vụn vì “sợ công an bắt lên đồn”
Cái vô lý ở việc cưỡng chế loại đất thứ hai nay là việc chưa được đền bù
một đồng, một cắc nào khi người dân đã buôn bán, kinh doanh ở đây hàng
chục năm, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng với một mức độ nợ nần ở mức đáng
quan ngại.
Theo lý giải của một người dân thuộc diện này: “Hàng quán của tôi xây
dựng trên đất tự nhiên của gia đình đã hàng chục năm nay. Đất này trước
đây trồng sắn, trồng lạc, nhưng sau người dân đã theo nhau mở hàng quán
để kinh doanh bán nước, bán cơm phục vụ công nhân trong và ngoài các
công trường quanh cảng Vũng Áng. Tôi khẳng định đất của tôi chưa được
đền bù một đồng nào cả. Đùng đùng tự nhiên nhập chúng tôi với loại đã
được đền bù và yêu cầu chúng tôi nạp hồ sơ đất, tự tháo dỡ các công
trình mà chúng tôi đã vay tiền tỉ để xây dựng lên. Giờ dân chúng tôi còn
biết cậy nhờ vào ai khi báo chí vào mà chẳng giải quyết được gì, chính
quyền cấp trên thì nghe cấp dưới báo khống lên?”.
Nhiều công văn lạ và nhùng nhằng của chính quyền các cấp Hà Tĩnh.
Vấn đề này đã được chúng tôi đề cập tới trong bài Cảng Vũng Áng: Sự thật đánh chủ tịch huyện nhập viện.
Chưa dừng lại ở đó, công văn mang tính mấu chốt sai phạm của vấn đề là
việc chính quyền xã Kỳ Lợi phát ra hàng loạt thông báo cùng một số (số:
32/TB-UBND) ngày 06/03/2014 do ông Bùi Đức Trình - Phó chủ tịch UBND xã
Kỳ Lợi - huyện Kỳ Anh - tỉnh Hà Tĩnh ký về việc yêu cầu nạp các giấy tờ
liên quan tới đất đai, tài sản để phục vụ GPMB khu hậu cảng Vũng Áng (Số
điện thoại ông Trình ghi trong công văn là 0963.555.269).
Việc chính quyền tự ý dựa vào những công văn chung chung mang tính chất
chỉ đạo của cấp trên như vậy để yêu cầu công dân nạp giấy tờ đất đai,
tài sản như vậy có khác nào ăn cướp rồi tìm cách chặn đường kiện tụng
của nhân dân bị cưỡng chế trắng cách oan uổng ở thôn biển Hải Phong?
Sai nối sai
Theo khoản 03, điều 05, Nghị định số 166/2013/NĐ-CP Quy định về cưỡng
chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do Thủ tướng Nguyễn
Tấn Dũng ký ngày 12 tháng 11 năm 2013 ghi rõ:
“Thời hạn thi hành quyết định cưỡng chế là 15 ngày, kể từ ngày nhận
quyết định cưỡng chế; trường hợp quyết định cưỡng chế có ghi thời hạn
thi hành nhiều hơn 15 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.”
Nhưng ở huyện Kỳ Anh, ông Chủ tịch Nguyễn Văn Bổng một tay che trời, đạp
đổ tinh thần thượng tôn pháp luật để tiến hành đổ quân cưỡng chế trước
thời hạn theo luật pháp quy định.
Ngày 24 tháng 03 năm 2014, ông Nguyễn Văn Bổng ký Quyết định số
2216/QĐ-CC V/v cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
trong lĩnh vực đất đai.
Thế nhưng tới ngày 29 tháng 03 năm 2014, ông đã cùng phó chủ tịch huyện,
“Trưởng công an huyện, thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành, đơn vị liên
quan huy động lực lượng cùng với công cụ phương tiện cần thiết, phối hợp
thực hiện nhiệm vụ bảo vệ cưỡng chế...”; “Mời đại diện: Viện kiểm sát
nhân dân huyện, Ban pháp chế HDND huyện, Ủy ban MTTQ huyện và các tổ
chức thành viên…” xuống địa điểm thực hiện cưỡng chế để dẫn tới sự việc
đụng độ ngày 29/03/2014 tại Kỳ Lợi làm ông Bổng phải nhập viện và hàng
loạt sự kiện bắt bớ sau biến cố này.
Liệu rằng, chính quyền có suy nghĩ lại sai lầm này và có những hành động
hoàn bồi thỏa đáng đối với những thửa đất, hàng quán mà chính quyền
chưa bồi thường vì đã đạp đổ của dân đi tất cả chén cơm của hàng trăm
sinh mạng thôn biển Hải Phong - xã Kỳ Lợi - huyện Kỳ Anh - tỉnh Hà Tĩnh?
No comments:
Post a Comment