Trở Về Trang chính

Tuesday, April 22, 2014

TPP: Đòn bẩy cho Nhân quyền ở Việt Nam?




Các nhà lãnh đạo của các nước thành viên và các nước đang đàm phán gặp nhau tại một hội nghị thượng đỉnh của TPP năm 2010.
Vũ Đức Khanh, Lê Anh Hùng
Việc nhà cầm quyền Hà Nội vừa mới phóng thích một số tù nhân chính trị không gì khác hơn là một chiêu đánh lạc hướng. Thành tích Nhân quyền tồi tệ là một trở ngại tiềm tàng cho việc tham gia Hiệp định Thương mại Đối tác Xuyên-Thái Bình Dương (TPP) của Việt Nam. Vì vậy, họ tìm cách cải thiện hình ảnh của mình bằng cách thể hiện “chính sách khoan hồng”. Thay vì chấp nhận chừng đó là đủ, Hoa Kỳ có lẽ nên sử dụng TPP để yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam phải cải cách một cách nghiêm túc hơn.

Từ tháng 3/2014 đến nay, nhà cầm quyền Việt Nam đã phóng thích 5 tù nhân chính trị như một phần trong “chính sách khoan hồng” của mình. Số người bất đồng chính kiến này đại diện cho những cá nhân mà chính quyền Việt Nam giam giữ.

Tháng Ba vừa qua, nhà chức trách Việt Nam đã trả tự do cho ông Nguyễn Hữu Cầu và ông Đinh Đăng Định.

Ông Nguyễn Hữu Cầu, một nhà thơ và cựu sỹ quan quân lực Việt Nam Cộng hòa, người được mệnh danh là “người tù thế kỷ” ở Việt Nam: 32 năm tù giam kể từ năm 1982. Ông bị kết án tù chung thân (giảm từ án tử hình) vì tội “Phá hoại”, mà thực ra là do ông đã dám viết nhiều bài thơ, vè lên án tình trạng tham nhũng và lạm dụng quyền lực trong bộ máy chính quyền. Trước đó, ông đã trải qua 5 năm tù trong trại “cải tạo” sau ngày kết thúc chiến tranh 30/4/1975.

Thầy giáo Đinh Đăng Định cũng được đặc xá cùng lúc với ông Nguyễn Hữu Cầu. Trước đó, vì lý do sức khoẻ, nhà giáo, blogger và nhà hoạt động môi trường Đinh Đăng Định được tạm hoãn thi hành án một năm để chữa bệnh ung thư dạ dày. Đáng tiếc là việc trả tự do cho ông diễn ra quá muộn: ông đã qua đời vào ngày 3/4/2014.

Trong tháng Tư này, ba nhà bất đồng chính kiến khác cũng được phóng thích: Vi Đức Hồi, Nguyễn Tiến Trung và Cù Huy Hà Vũ.

Ông Vi Đức Hồi, một cựu quan chức của Đảng CSVN, bị kết án tù vì tội “tuyên truyền chống phá nhà nước” sau khi tham gia vận động cho dân chủ; tương tự, Thạc sỹ Nguyễn Tiến Trung, một blogger trẻ trí thức được đào tạo tại Pháp, cũng bị kết án tù vì tội “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân”.

Mặc dù không bị giam cầm nữa nhưng cả hai còn phải chịu án quản chế 5 năm và 3 năm tương ứng.

Đầu tháng Tư, Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ, một nhà hoạt động và luật sư nhân quyền nổi bật, con trai một cộng sự tin cẩn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã được phóng thích sang Mỹ. Ông Cù Huy Hà Vũ bị kết án tù về tội “tuyên truyền chống phá nhà nước” năm 2011, sau khi ông kêu gọi giải tán Đảng Cộng sản và thay thế bằng một hệ thống đa đảng. Quá trình bắt giam, xét xử và thời gian ngồi tù của ông đã thu hút nhiều sự chú ý của công luận, từ di sản của ông, đến việc luật sư của ông bị đuổi ra khỏi phiên toà, cho đến việc ông không nhận được sự chăm sóc y tế đầy đủ để chữa trị căn bệnh đau tim của mình.

Cải cách từ áp lực bên ngoài

Nhân loại đang trong quá trình hướng tới một thế giới phẳng và một xã hội mở, một thế giới mà ở đó sự can dự lẫn nhau giữa các quốc gia là một trong những đặc điểm dễ nhận thấy nhất. Các quốc gia không chỉ cạnh tranh lẫn nhau để giành lấy vị thế xứng đáng của mình trên trường quốc tế, mà còn để giành giật thị phần trong cuộc chiến kinh tế - thương mại toàn cầu.

Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt đó, người ta ngày càng thấy nổi lên vai trò quyết định của hệ thống thể chế của một quốc gia. Đó chính là sự khác biệt căn bản nhất giữa một Bắc Triều Tiên thường xuyên lâm vào nạn đói và một Nam Triều Tiên nằm trong nhóm các nước phát triển trên thế giới; giữa một Đài Loan với GDP bình quân đầu người theo mức bình giá sức mua năm 2013 là 39.767USD và một Trung Quốc 9.844USD (với cái giá vô cùng đắt về môi trường và xã hội); giữa một Việt Nam tụt hậu về thu nhập hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm, so với các nước trong khu vực.

Như vậy, một trong những lý do khiến một quốc gia phải tiến hành cải cách thể chế là áp lực từ bên ngoài. Áp lực cải cách có thể là tự nhiên, khi sự phát triển của các quốc gia bên ngoài với hệ thống thể chế hữu hiệu hơn tạo ra áp lực vô hình lên một quốc gia, khiến quốc gia đó “tự giác” cải cách để cạnh tranh với các quốc gia khác; và có thể là nhân tạo, khi các quốc gia bên ngoài trực tiếp gây áp lực buộc quốc gia đó phải cải cách.

Áp lực cải cách nhân tạo là thực tế mà Hoa Kỳ từng đặt ra cho một Nhật Bản quân phiệt giữa thế kỷ 19, mở đường cho cuộc cách mạng Minh Trị, cũng như cho một Tây Đức và Nhật Bản bại trận sau Thế chiến II, dẫn đến những “phép màu” mang tên Tây Đức và Nhật Bản.

Ở mức độ thấp hơn là những gì mà các định chế đa phương đã và đang tạo ra tại Hy Lạp hay các quốc gia con nợ khác trên thế giới. Muốn gia nhập “sân chơi” WTO hay giờ đây là TPP, những quốc gia như Việt Nam buộc phải cải cách để tuân theo luật chơi chung mà những nước “kiến tạo cuộc chơi” như Hoa Kỳ áp đặt.

Tận dụng lợi ích của TPP

Mặc dù những động thái gần đây của Hà Nội cần được hoan nghênh, song cả Hoa Kỳ cũng như cộng đồng quốc tế đều không nên bị đánh lạc hướng khỏi chủ đề lớn hơn: việc bắt giam những người này hay những đối tượng giống như họ lẽ ra không nên diễn ra ngay từ đầu.

Nếu các vụ phóng thích tù nhân trên đây dường như quá quen thuộc đối với một số Nghị sỹ Quốc hội Hoa Kỳ thì họ đã không nhầm. Họ chỉ cần ngược dòng thời gian về năm 2006 để thấy một Việt Nam khác cũng từng rơi vào “cảnh ngộ” như hiện nay. Trong nỗ lực gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam bấy giờ đã phóng thích một số nhà bất đồng chính kiến hòng xua tan những quan ngại của Hoa Kỳ về cam kết của Việt Nam đối với việc cải thiện Nhân quyền.

Chiến thuật đó dường như đã có tác dụng, bởi Việt Nam giờ đã là thành viên của WTO. Đối mặt với một hoàn cảnh tương tự, chắc chắn ý định của Hà Nội ít nhiều vẫn vậy: phóng thích một vài tù nhân đây đó như một “cử chỉ thiện chí” mà không phải cam kết cải thiện tình hình Nhân quyền một cách bền vững.

Việt Nam có nhiều lợi ích khi tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên-Thái Bình Dương (TPP). TPP có thể chứng tỏ là hiệp định thương mại quan trọng nhất trong thiên niên kỷ mới.

Với 12 nước thành viên (4 nước đã ký kết và 8 nước đang đàm phán – trong đó Hoa Kỳ và Việt Nam thuộc nhóm sau) và chiếm đến 40% kinh tế thế giới, TPP nhằm mục đích hội nhập các nền kinh tế của các quốc gia Thái Bình Dương tham gia hiệp định.

Nếu thành công, TPP có tiềm năng trở thành một trong những hiệp định thương mại hiệu quả nhất, và là một phương tiện mà qua đó Hoa Kỳ có thể chống lại ảnh hưởng đang trỗi dậy của Trung Quốc ở Châu Á - Thái Bình Dương.

Đối mặt với một nền kinh tế trì trệ, và bị vây hãm giữa những vụ bê bối cùng những lời chỉ trích về năng lực quản lý kinh tế yếu kém của Chính phủ, Hà Nội không còn mong gì hơn ngoài việc ghi điểm bằng cách gia nhập TPP. TPP được xem là lối thoát khả dĩ nhất và hứa hẹn nhất cho nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Việc phóng thích một vài nhà bất đồng chính kiến là một cái giá phải trả quá ư nhẹ nhàng, nhất là khi mà họ có thể bị bắt giữ trở lại vào một thời điểm nào đó trong tương lai, khi cộng đồng quốc tế đã hướng sự chú ý sang chuyện khác.

Việc cho phép Việt Nam tham gia TPP mà không phải cam kết thực thi những cải cách cụ thể sẽ phát đi một thông điệp sai lầm.

Việc Hà Nội phóng thích một vài nhà bất đồng chính kiến – chỉ để quay lại lối hành xử quen thuộc một khi họ đã gia nhập TPP – rõ ràng là chưa đủ.

May mắn thay, Tổng thống Obama và Quốc hội Hoa Kỳ còn có cơ hội rút ra bài học từ sai lầm trước kia và có thể đảm bảo được việc các nhà lãnh đạo Việt Nam cam kết thực thi những cải cách bền vững.

Mặc dù Miến Điện đã xác lập lộ trình hướng tới dân chủ, song việc trông đợi Việt Nam nhanh chóng đưa ra cam kết theo một lộ trình tương tự lại có thể là đòi hỏi quá nhiều. Tuy vậy, dù chưa phải là một thành viên, Hoa Kỳ vẫn có thể sử dụng tấm vé thông hành TPP như một thứ đòn bẩy để tạo dựng nền móng cho những nỗ lực cải cách trong tương lai. Với việc Hoa Kỳ đóng vai trò “người gác cổng” của TPP, Hoa Thịnh Đốn có thể ép Hà Nội phải nhượng bộ thêm.

Việc Hà Nội phóng thích các nhà bất đồng chính kiến kể trên là nhằm mục đích bôi trơn bánh xe, đáp ứng mức độ trông đợi tối thiểu. Thái độ do dự của các nhà lãnh đạo Việt Nam trong việc cải thiện Nhân quyền thể hiện rõ trong “chính sách khoan hồng” của họ.

Chính sách đó gợi lên câu hỏi: “Việt Nam đang thể hiện sự khoan hồng theo tiêu chí nào?” Tiêu chí đó là quyền của công dân Việt Nam trong việc phê phán chính quyền mà không sợ bị truy bức ư, hay là đòi hỏi bộ máy chính quyền phải dân chủ hoá và tôn trọng các quyền con người cơ bản nhất?

Liệu Hoa Kỳ có nên đòi hỏi nhiều hơn nữa từ Hà Nội, nhất là khi xét đến thành tích bắt, thả, rồi lại bắt của Chính phủ Việt Nam?

Không ai phủ nhận lợi ích tiềm tàng của TPP. Hoa Kỳ có thể đảm bảo một vị thế kinh tế ở Châu Á - Thái Bình Dương nếu TPP thành công. Tuy nhiên, lợi ích thì nhiều, nhưng chi phí thì cũng không kém.

Nếu Hoa Kỳ muốn thành công với chiến lược tái cân bằng (hay “xoay trục”) sang khu vực này, họ phải được nhìn nhận hơn một vị khách bình thường. Họ phải thể hiện mối quan tâm bền chặt đến người dân trong khu vực.

Một phép toán chi phí/lợi ích như thế — lợi ích của việc dành cho Việt Nam một chỗ trong TPP và củng cố hiệp định thương mại, với rủi ro là khả năng nhỡ mất một cơ hội để tạo ra thay đổi ở Việt Nam — là điều mà Tổng thống Obama, đặc biệt là Quốc hội Hoa Kỳ, phải cân đo đong đếm trước khi phê chuẩn hiệp định.

Bất kể Hà Nội lựa chọn thế nào, quả bóng cũng đang nằm trong chân Hoa Kỳ, và Hoa Kỳ sẽ bị tước mất bóng nếu không tận dụng cơ hội này để khuyến khích sự thay đổi vốn rất cần thiết ở Việt Nam.

No comments:

Post a Comment