Trần Vũ
Năm 73, khi đọc Samouraï, tôi không chú ý lắm
đến lời mào đầu, bốn mươi năm sau cảm thấy số phận của những người lính
Nhật với những người lính Nam-Việt tương đồng kỳ lạ.
Vào đầu tập hồi ký, trong lá thư thay lời tựa, Sakai viết: “Hải
quân Hoàng gia Nhật dạy cho tôi một nghề nghiệp duy nhất: Phi công khu
trục. Hủy diệt những kẻ thù của tổ quốc, bay và bắn. Tôi đã sống như vậy
suốt 5 năm, trên những vùng trời Trung Hoa và Thái Bình Dương. Tôi
không biết đến đời sống nào khác ngoài đời sống của người lính. Cuộc đầu
hàng thảm khốc ném tôi ra khỏi Hải quân. Mang đầy thương tích của những
năm chiến tranh nhưng tôi không thể xin bất kỳ một trợ cấp nào. Chúng
tôi đã bại trận. Tôi hiểu ra, tiền cấp dưỡng tàn phế dành cho những
thương phế binh, cho dù thâm niên quân ngũ, chỉ dành cho binh sĩ của đạo
quân chiến thắng. Chính sách chiếm đóng ngăn cấm tôi làm hoa tiêu, bất
kỳ loại phi cơ nào. Trong suốt 7 năm dài, từ 1945 đến 1952, lý lịch phi
công khiến tôi bị loại trừ ra khỏi những công việc thuộc phạm vi công
chức. Đối với tôi, hoà bình đồng nghĩa khởi đầu một cuộc chiến mới, dài
hơn và tàn bạo hơn nữa. Tôi phải chiến đấu với những kẻ thù mới, tàn
khốc bội phần, sự nghèo túng, đói kém, cùng vô số tước đoạt.
Thường xuyên, chính quyền chiếm đóng dựng
lên trước mặt tôi, một rào cản ngăn cấm tất cả. Lối thoát duy nhất còn
lại là lao động tay chân và sinh sống trong ổ chuột.
Cú đấm chót là cái chết của Hatsuyo. Vợ tôi
đã sống sót dưới những trận mưa bom và sống sót qua tất cả những hiểm
nguy của chiến tranh nhưng cô không thể kháng cự kẻ thù mới, thứ bệnh
trầm trọng của đốn mạt vì suy dinh dưỡng.
Sau cùng, sau những năm bị tước đoạt, tôi
cũng dành dụm đủ tiền để mở một xưởng in nhỏ. Làm việc từ sáng đến tối,
tôi đủ trang trải phí tổn, rồi kiếm thêm chút đỉnh. Không bao lâu sau,
tôi tìm ra quả phụ đô đốc Takijiro Onishi qua nhiều tháng lùng kiếm. Đô
đốc Onishi đã mổ bụng tự sát, ngay ngày đầu hàng đã chọn cái chết thay
vì chọn sống; khi các thuộc cấp của ông nhận tử lệnh không bao giờ trở
lại, vì chính đô đốc đã xây dựng các Phi đoàn Thần Phong cảm tử lừng
danh – đâm bổ tự sát. Bà Onishi, đối với tôi, hơn một quả phụ đô đốc; bà
còn là dì của hải quân trung úy Sasai, một người bạn thiết. Sasai tử
vong trên không phận New Guinea trong lúc tôi bị thương nằm bệnh viện.
Trong nhiều năm, quả phụ Onishi đã sống khổ cực lây lất, kiếm sống bằng
gánh hàng rong. Trông thấy bà quần áo rách rưới kéo lê quang thúng làm
dậy lên trong lòng tôi một cơn giận dữ, nhưng lúc đó tôi không có một
phương tiện nào để giúp đỡ bà. Bây giờ, làm chủ một nhà in khiêm tốn,
tôi thuyết phục bà làm phụ tá. Không lâu, nhà in phát triển, tôi lại tìm
kiếm và thâu nhận thêm nhiều bà goá và thân thuộc của những đồng đội đã
hy sinh.
May
mắn, thời thế thay đổi. 10 năm đã trôi qua từ khi chấm dứt chiến tranh.
Xưởng in chạy việc giúp tất cả chúng tôi tìm lại được một đời sống đầy
đủ. Riêng với cá nhân tôi, những năm gần đây đã diễn ra một cách kỳ lạ.
Tôi trở thành khách mời danh dự của các Hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ và
nhiều chiến hạm khác. Tôi vô cùng kinh ngạc trước tiến bộ kỹ thuật của
những chiến đấu cơ phản lực. Tôi được mời gặp những phi công Đồng Minh.
Ngồi cạnh họ, tôi trao đổi tự do và kết bạn. Chính đây mới thật sự là
điều ấn tượng: Cũng chính những phi công Hoa Kỳ này mà tôi nhắm bắn,
cách đây 10 năm, đã dành cho tôi tình bạn tự nhiên của họ. Nhiều lần,
Tân Không lực Hoàng gia Nhật Bản đề nghị tôi tái ngũ với cấp bậc sĩ quan
tại chức. Tôi đều từ chối. Tôi không muốn quay trở lại quân ngũ với quá
nhiều quá khứ.
Nhưng lái máy bay cũng giống bơi lội: không
thể quên dễ dàng. Tôi đã không rời mặt đất từ 10 năm nay, nhưng chỉ cần
tôi nhắm mắt, cần lái của chiến đấu cơ lại nằm trong lòng bàn tay phải,
cần ga trong tay trái, và bàn đạp dưới chân. Tôi tìm lại tức khắc cảm
giác của sự tự do thuần khiết, của hấp lực mời gọi của vũ trụ đầy mây mà
tất cả phi công đều biết đến. Không, tôi đã chưa bao giờ quên những
động tác phi hành. Nếu nước Nhật còn cần đến tôi, nếu một ngày nào đó tổ
quốc này bị Cộng sản đe dọa, thì tôi sẽ đáp lại lời động viên. Nhưng
với tất cả thành tâm, tôi cầu khẩn Trời cho phép tôi cất cánh vì một lý
do nào khác.” (Saburo Sakai, Tokyo, 1956. Bản dịch Pháp ngữ của Robert de Marolles, Nxb Presses de la Cité, 1957).
Những dòng chữ của Sakai giống những dòng chữ bi
phẫn đầy cay đắng của các sĩ quan miền Nam sau 75. Giống nhau đến đập
vào mắt. Vì cùng một kết cục bi thảm, tuy ngày 15 tháng 8-1945 của Nhật
Bản phải tuyệt vọng hơn ngày 30 tháng 4 của miền Nam. Vì Nhật Bản chưa
bao giờ bại trận, vì Nhật Bản vừa hứng chịu bom nguyên tử ở Hiroshima và
Nagasaki. Vì dân Nhật chờ đợi sự chiếm đóng tàn khốc của Hoa Kỳ, một
chiếm đóng của ngoại bang. Ngược lại, miền Nam không thật sự tuyệt vọng
vì muốn tin: một nửa Dân tộc không thể hà khắc với một nửa Dân tộc còn
lại. Có thể chính sách cai quản sẽ nhiều cứng rắn nhưng vẫn là anh em
một nhà. Hy vọng này, đã hiện diện ở phút giây đầu hàng. Trong suốt bao
nhiêu năm, dân chúng đã trông đợi, khát khao, rồi mừng tủi vì chiến
tranh đã thực sự chấm dứt. Nỗi mừng vui trông chờ đằng đẵng một nền hòa
bình không bao giờ xảy đến vụt thành hiện thực. Nước mắt lăn dài vì từ
đây chồng, cha, anh, em và các con sẽ không chết trận. Hòa bình lấn át
nỗi lo sợ trả thù mà trong sâu kín tất cả cùng ý thức rất rõ: vị trí
thua thiệt phải trả giá vì thất trận.
Tất cả những gì xảy đến sau đó, trong những ngày
sau, sẽ khá giống với những gì xảy đến cho gia đình thiếu úy Saburo
Sakai, cùng một chính sách lý lịch, cùng một cách phân biệt đối xử, cùng
những lầm than nghiệt ngã. Nhưng sau mốc 7 năm 1945-1952 mà Sakai kể
lại, không còn gì chung để so sánh. Các phi công Nhật, không phải cải
tạo, trở thành khách mời danh dự của các Hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ, hồi
ký của họ được xuất bản chính thức, quay thành phim như trường hợp cuốn
Samouraï. Các cựu sĩ quan Nhật tìm lại vị trí trong xã hội và khá đông
được mời tham gia Tân Quân đội Nhật Bản. Trường hợp miền Nam khác hẳn:
Phía bại trận bị xóa tên, tù đày, không có lối thoát nào khác ngoài lìa
bỏ tổ quốc.
Chính sách chiếm đóng của ngoại bang như thế,
không quá khắc nghiệt đối với giai cấp quân phiệt Nhật. Đối với các sĩ
quan Đức Quốc Xã cũng tương tự: Cựu Thống chế Erich von Manstein trở
thành cố vấn tối cao của Tân Quân đội Liên bang Tây Đức Bundeswehr. Hans
Speidel, tham mưu trưởng của Guderian rồi Rommel trở thành tư lệnh quân
Đức trong khối Minh Ước Bắc Đại Tây Dương. Erich Hartmann chỉ huy phi
đoàn phản lực hậu chiến đầu tiên, Günther Rall trở thành Tổng tham mưu
trưởng Tân Không lực Liên bang Bundesluftwaffe. Vị trí công dân bình
đẳng của các cựu binh nhìn thấy rõ rệt nhất trên mặt báo chí: Vô vàn các
hồi ký của các binh sĩ, sĩ quan Đức Quốc Xã xuất bản công khai, chính
danh, ở Tây Đức. Thậm chí các cựu binh của binh chủng Waffen-SS vẫn được
lập hội, gia nhập đảng Tân Quốc Xã và xuất bản hồi ký. Chỉ cần vào
những trang Amazon là có thể tìm thấy hằng hà sa số các hồi ký của Kurt
Meyer tư lệnh Sư đoàn 12 SS Hitlerjugend Tuổi trẻ Adolf Hitler, của Paul
Hausser tư lệnh Sư đoàn 2 SS Das Reich Đại Đức, hay của Felix Steiner,
nguyên tư lệnh Sư đoàn 5 SS Panzer Viking… Thái độ của phía Tây Âu có
thể xem gương mẫu: Thống chế Pháp Alphonse Juin viết lời tựa cho bút ký
Bão Thép của Ernst Jünger trong lần tái bản. Trung tá Hoa Kỳ Martin
Caidin tường thuật cuộc đời Saburo Sakai. Chuẩn tướng Anh Desmond Yound
viết nguyên một tập sách về sau trở thành best seller ca ngợi công trạng
của Thống chế Erwin Rommel và Xa đoàn Châu Phi (bản dịch Rommel, Con
cáo già sa mạc của Nxb Sông Kiên Sài Gòn trước 75), thiếu tá Bỉ Bernard
Dupérier và thiếu tướng Pháp Jacques Andrieux viết lời thiệu cho hồi ký
của tư lệnh khu trục Đức Adolf Galland, v.v...
Bốn thập niên sau kết thúc nội chiến Nam-Bắc, đã
có cuốn hồi ký nào của binh sĩ miền Nam được chính thức xuất bản và
giới thiệu trang trọng trên đất nước Việt Nam mà không bị biên tập cắt
xén hay vận dụng cho mục đích tuyên truyền như cuốn Hồi ký Tướng Lưu
Vong của Đỗ Mậu? Nhìn trên quầy sách, chỉ tìm thấy những cuốn sách chửi
rủa kiểu Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu của Trần Trọng Trung… Hội
Nhà văn Chiến thắng không hề có nhu cầu tìm hiểu tâm tình của người
miền Nam, thân phận của người Nam không hiện diện trong tác phẩm của Hội
Nhà văn. Đây cũng là một trong những lý do vì sao độc giả miền Nam tẩy
chay Văn học Thống nhất trong suốt một thời kỳ dài sau 30 tháng 4-1975.
So với Phan Nhật Nam, Sakai may mắn hơn vì tháng
4 của Sakai đã ngắn hơn rất nhiều. Sakai phải chịu 7 năm lý lịch, còn
Phan Nhật Nam mang trong mình vết tích của 14 năm tù đày. Gần 40 năm sau
chiến tranh, những người lính miền Nam vẫn chưa tìm lại được phẩm giá
cùng vị trí của mình trong lòng xã hội.
Điều mà Hội Nhà văn Chiến thắng không muốn nhắc
đến: Là khối lượng máu đã đổ ra đều là máu của người Việt. Điều mà Ủy
ban Quân quản không lường trước là Đại thắng Mùa Xuân đang dần thành Đại
thắng của Trung Quốc. Với bối cảnh Tây Nguyên bị Trung Quốc thao túng
hiện nay, kỷ niệm làm gì nữa “Giải phóng” Ban Mê Thuột?...
No comments:
Post a Comment