Trở Về Trang chính

Friday, April 25, 2014

Quỹ đấu tranh Dân Chủ - Bao giờ?

Dòng thời gian cứ vẫn trôi, sau 39 năm của cái gọi là "Thống nhất đất nước" để qui về một mối mà theo cố ngục sĩ Nguyễn Chí Thiện là "Một mối hận thù, một mối đau thương". Sự kiện 30-4 cùng vô vàn hệ lụy của nó, dường như là một chuỗi dữ kiện dài vô tận của lịch sử cận đại.

Hôm nay, những ngày cũng gần kề 30 tháng Tư, nhân ngày kỷ niệm sự thống nhất đau thương này, tôi xin được đôi lời chỉ riêng về những phương thức đấu tranh và phương tiện để đấu tranh cho Dân chủ, Nhân quyền... hầu mang lại niềm tin cũng như hy vọng tươi sáng cho đất nước, để thay thế một thể chế độc tài toàn trị mà hệ quả của nó, như mọi người đã đề cập trong vô số bài viết, nên tôi không lập lại trong một bài viết ngắn hôm nay.

Vấn đề phương cách đấu tranh và phương tiện đấu tranh, từ lâu, cũng đã có quá nhiều người nêu lên sự quan tâm cũng như những quan điểm của mình, nhưng hầu hết mọi việc vẫn cứ trôi theo dòng thời gian và lắm khi những mối quan tâm ấy cũng đã chìm vào quên lãng, nếu có còn chăng thì cũng chỉ lưu lại những ý niệm rất hữu ích và cần thiết cho một cuộc cách mạng sẽ xảy ra trong một tương lai gần. Cuộc cách mạng ấy, nhanh hay chậm, đều do hầu hết những người đi đấu tranh có đủ phương tiện cùng phương thức đấu tranh đúng đắn hay không mà thôi. Một yếu điểm nữa là, bên cạnh những chiến sĩ dân chủ, khối người cứ tự cho phép mình đứng ngoài cuộc một cách vô tình hay cố tình xuất phát từ thái độ ích kỷ và vô cảm, thái độ trông chờ vào người khác một cách ù lì, vô ý thức. Thái độ tiêu cực này, cần phải được chuyển biến theo chiều hướng tích cực ngay.

Hiện trạng vừa nêu trên, âu cũng là những thể hiện bình thường trong cuộc sống, chúng ta không thể ngồi đó mà trách móc cho những thói quen của con người, mà vấn đề là làm cách nào để lôi kéo số đông thờ ơ ấy vào cuộc để tạo nên một sự bùng nổ gần như là toàn diện, đó là trọng điểm. Ngày nào chưa có sự đánh động toàn diện ấy thì cuộc cách mạng cũng vẫn sẽ còn trong trạng thái lơ lửng, xa tầm và nếu không muốn nói là vô vọng. Để tránh được trạng thái lơ lửng ấy, chúng ta phải bước vào ngay những con đường khả dĩ có thể đem lại sự thành công, nghĩa là chúng ta phải bắt tay ngay vào những việc làm thực tế. Hãy bỏ ngoài tai những luận điệu vu khống, xuyên tạc, những dị nghị mang tính bôi bác, tiêu cực từ nhiều phía, khiến chúng ta thối chí nản lòng, để rồi kết quả là công việc cũng sẽ chẳng đi đến đâu!.

Cách đây hơn 10 năm, tôi cũng đã viết trên Đàn Chim Việt với những lời kêu gọi về đóng góp cho những phương tiện đấu tranh, nói huỵch tẹt hơn nữa là góp tiền để ủng hộ cho công việc của những nhà dân chủ đấu tranh. Trước đó, nhiều người cũng đã nêu lên nhiều ý kiến tương tự nhưng cũng đều bị chôn vùi vào quên lãng bởi ảnh hưởng từ những nhận định, phê phán bất luận là khách quan hay chủ quan.

Hôm nay, nhân tham khảo 2 bài viết gần đây nhất của một blogger độc lập Nguyễn Ngọc Già - nhân tiện, tưởng cũng nên có đôi lời về tác giả với mục đích muốn nói lên những nhận định của bản thân về blogger đã nêu trên. Những tiêu đề mà ông Nguyễn Ngọc Già nêu ra, nó mang tính thực tiễn và rất cần thiết cho nếp suy nghĩ cũng như hành động. Vấn đề ấy, tuy có vô số người tỏ ra ái ngại hay bất đồng về những vấn đề "tiền bạc" mà ông đã đề ra nhưng cũng có vô số người đồng thuận. Riêng bản thân, tôi nhận thấy rằng những điều mà ông đã nêu ra, rất thực tế, tuy có muộn nhưng thà có còn hơn không. Thà bắt tay vào công việc, còn hơn là bàn bạc mãi để rồi phải rơi vào cuộc sống trong thái độ mòn mỏi đợi chờ.

Một điều mà ai cũng mặc nhiên công nhận, điều ấy là đất nước không chỉ của riêng ai. Không riêng của một đảng phái chính trị, không phải riêng của một nhà nước nhất thời, lại càng không thể là riêng của những người lãnh đạo guồng máy vận hành. Dân gian đã nói: "Quan nhất thời, dân vạn đại", từ lẽ đó, tất cả sẽ phải thay đổi theo nhu cầu của toàn thể nhân dân, bởi ý dân là ý Trời.

Những người đứng lên đấu tranh cho công bằng, tự do và lẽ phải... là những người được sinh ra trong lòng nhân dân, xuất phát từ nhân dân và họ đứng lên để nói thay tiếng nói cho đại đa số người dân, từ đó, tiếng nói của họ mang đầy tính chính nghĩa chứ không như những đảng phái, mà nhất là những đảng phái mang tính băng nhóm, cục bộ, tham lam, ích kỷ như ngụy đảng CSVN, dựng nên một nhà nước tà quyền hiện hành.

Những người đứng lên đấu tranh là những chiến sĩ dũng cảm kiên cường, họ là những gương cao cả, dám hy sinh ngay cả bản thân mình trong tù ngục, cũng như chấp nhận mọi thua thiệt, mất mát về tài chánh, công ăn việc làm của bản thân và gia đình. Họ đấu tranh vì lợi ích của cả dân tộc, tương lai của nhiều thế hệ sắp đến. Họ gióng lên tiếng nói về sự an nguy của Tổ Quốc, cũng như nêu lên nhiều thảm cảnh của xã hội mà nguyên nhân gây nên bởi một nhà nước tà quyền.

Cũng như bao công dân khác, họ cũng cần có cuộc sống, có tương lai... nhưng vì tình yêu thương quê hương, đồng bào đang trong quằn quại thống khổ mà họ chấp nhận hy sinh. Một điều dĩ nhiên, họ không phải là thần thánh, cũng như không là những người có nguồn tiền bạc khổng lồ, thậm chí, ngược lại thực tế cho thấy, họ là những người nghèo khó nhất trong xã hội. Vì thế, họ cần có phương tiện về tài chánh để thực hiện những nghĩa cử cao cả đó, nhu cầu ấy là chuyện đương nhiên.

Bầu nhiệt huyết và ý nguyện vì nước, vì dân, cho dẫu nó có nồng ấm đến thế nào đi nữa nhưng nếu không có phương tiện để thể hiện thì bầu nhiệt huyết cùng ý nguyện ấy cũng phải tàn lụi theo dòng thời gian. Nói tóm lại, họ cần tiền, một điều kiện ắt có và đủ để góp phần vào công cuộc cách mạng. Vả lại, chúng ta cũng nên một lối "chơi" công bằng rằng những chiến sĩ dân chủ, họ đã chẳng quản ngại hy sinh đầu óc và thân thể thì tại sao ta không thể hy sinh về vật chất?.

Sau đây, người viết xin nêu ra những phương cách về phương tiện đấu tranh:

- Thành lập một "Hội đồng quản lý về tài chánh" ủng hộ những nhà đấu tranh. Thông báo chi thu một cách cụ thể theo định kỳ. Tài khoản được thành lập ở một vài ngân hàng có uy tín, ngân phiếu chi, phải cần phải có đủ 3 chữ ký của hội đồng quản trị.

- Những thành viên của hội như những Blogger độc lập hoặc những Blogger hội viên, hay ngay cả những dân bình thường đều nên có sự ủng hộ thực tiễn bằng vật chất theo khả năng.

- Chính thức tuyên bố đề cương và đường lối qua hệ thống mạng hoặc sử dụng trang xã hội Facebook. Ở đây, sự đề bạt cũng như việc bầu bán một cách công khai. Hội đồng đại diện, sẽ thay đổi thích nghi theo từng giai đoạn để được phù hợp theo hoàn cảnh thực tế.

- Chính thức kêu gọi các tổ chức quốc tế làm hậu thuẫn cũng như ủng hộ về tài chánh.

Trên là những đề nghị cơ bản, ngoài ra, quý bạn đọc có thể đề nghị bổ sung thêm (ngắn gọn và thực tiễn) để tiến đến phương cách gần như hoàn thiện và khả thi nhất hầu sớm bắt tay vào công việc trước khi quá trễ.

Về phương cách đấu tranh, người viết sẽ có vài ý niệm vào một vài bài viết khác, ở một thời gian khác. Hiện tại, tác giả chỉ có thể nêu lên vài cảm nghĩ ngắn gọn nhằm gợi ý để người đọc suy diễn thêm rằng: Số đông đã chọn lựa, ủng hộ đấu tranh bất bạo động (BBĐ) nhưng cũng không ít người cũng đã chọn lựa tạm thời đấu tranh bạo động (BĐ) trong giai đoạn này là cần thiết để gây tiếng vang cũng như tạo nên những mốc xích tạm gọi là khởi điểm cho một cuộc cách mạng. Riêng bản thân thì cho rằng cả hai đều có thể áp dụng và thực hiện một cách hài hòa, bởi cả hai sẽ bổ sung lẫn nhau cho một con đường khả dĩ có thể đạt đến thành công. Gần 40 năm, chiến thuật đấu tranh bất bạo động đã có kết quả gì? Và nếu có thì nó có tương xứng với dòng thời gian hơn nửa đời người và chúng ta sẽ còn chờ đợi cho đến bao giờ?.

Kết luận: Chúng ta cần nguồn tài chánh ngay, một việc làm thực tế hầu mong mang lại những kết quả thực tiễn. Những người đấu tranh, với nước lã, họ không thể thực hiện được những gì mà người dân Việt nơi quốc nội lẫn hải ngoại đã và đang mong đợi.

Những góp ý, dẫu đồng thuận hay trái nghịch, đều được đón nhận, bởi nó là những dữ liệu hữu ích để làm nền tảng cho những bước tiến hôm nay. Xin cảm ơn các bạn.


No comments:

Post a Comment