Sáng ngày 25-2-2014 người thân của nhà hoạt động Bùi Thị Minh Hằng và
tín đồ PGHH Nguyễn Văn Minh nhận được thông báo tạm giam từ công an
huyện Lấp Vò, Đồng Tháp. Trên thông báo tạm giam ghi rõ tội của Bùi Hằng
phạm vào điều 245 BLHS là: đã có hành vi hành hung lực lượng công an
đang thi hành nhiệm vụ và cản trở giao thông nghiêm trọng. Còn đối với
anh Minh phạm vào điều 247 BLHS là: đánh và cản trở lực lượng công an xã
Mỹ An Hưng B đang thi hành nhiệm vụ. Riêng chị Thúy Quỳnh không có
thông báo tạm giam do không có người thân đến.
Xu hướng chuyển các vụ án chính trị sang hình sự
3 người gồm Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Văn Minh và Thúy Quỳnh bổ sung vào
danh sách dài đằng đặc những blogger và nhà hoạt động bị bắt vì chính
kiến của mình. Trước đó luật sư Nguyễn Bắc Truyển cũng bị câu lưu hơn
một ngày vì các công nợ từ công ty cũ mà họ muốn chuyển từ dân sự sang
hình sự. Danh sách đó gồm:
1. Blogger Điếu Cày-Nguyễn Văn Hải - bị khép tội trốn thuế
2. Luật sư Lê Quốc Quân - bị khép tội trốn thuế.
3. Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy - bị khép tội cố ý gây thương tích
3. Blogger Trương Ba Không-Trương Văn Tam - bị khép tội chiếm đoạt tài sản trái phép
4. Blogger Bùi Thị Minh Hằng - bị khép vào điều 245 BLHS
5. Tin đồ PGHH Nguyễn Văn Minh - bị khép vào điều 247 BLHS
6. Nguyễn Thị Thúy Quỳnh - bị khép vào điều 247 BLHS
...
Xu hướng dùng côn đồ tấn công các nhà hoạt động
* Vụ việc vừa qua tại Lấp Vò, Đồng Tháp dưới lời kể của anh Lưu Trọng
Kiệt, một người tranh đấu và cũng là bạn của LS Nguyễn Bắc Truyển: nhóm
bạn 21 người từ Sài Gòn xuống cùng các tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo thăm gia
đình Nguyễn Bắc Truyển sau khi hay tin anh bị bắt. Trên đoạn đường xã
vắng vẻ khi còn cách nhà anh Truyển không xa nữa thì phía trước là rất
đông lực lượng công an, cảnh sát giao thông, và những người mặc thường
phục đã chặn họ lại. Lực lượng cảnh sát giao thông chặn lại hỏi giấy tờ.
Chưa kịp trả lời hoặc hiểu chuyện gì đang xảy ra thì những người này bị
xông vào đánh. Họ bị bắt giữ và dẫn giải về công an huyện Lấp Vò, Đồng
Tháp giam giữ 1 ngày đêm rồi thả. Chỉ còn 3 người là Bùi Hằng, Thúy
Quỳnh và Nguyễn Văn Minh là còn bị giam giữ đến thời điểm này và sau đó
nghe nói là có lệnh khởi tố.
* Lấy thời điểm Việt Nam sau khi tham gia vào HĐNQ LHQ:
- 8/12/2013: Các thành viên của Mạng lưới blogger tổ chức các sự kiện
mừng ngày quốc tế nhân quyền (10/12) ở cả 3 tỉnh là Sài Gòn, Nha Trang,
Hà Nội. Trong khi ở thủ đô đang diễn ra các hoạt động như phát bóng bay,
phát tuyên ngôn quốc tế nhân quyền thì bị "côn đồ" chích bể bóng, Fber
Sep Pham bị giật mất ba lô, Fber Ngủ Chưa Say bị đánh hội đồng. Tình
trạng không khá hơn ở Sài Gòn, khi "côn đồ" trực tiếp tấn công blogger
Châu Văn Thi và Hoàng Dũng CDVN. Sau đó họ còn dùng cả "bom thối" là mắm
tôm để ném vào những tham dự viên.
- 10/12/2013: Ngày quốc tế nhân quyền đầu tiên khi Việt Nam đã là tân thành viên của HĐNQ LHQ, mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn khi ở Sài Gòn, lực lượng an ninh tấn công blogger Nguyễn Hoàng Vi, và blogger Mẹ Nấm khi 2 người đang cố đi đến nơi tổ chức sự kiện ra mắt của MLBVN. Những người bạn của Vi sau đó như Trần Hoàng Hận, Hoàng Dũng CDVN đến hỗ trợ sau đó cũng bị tấn công và hành hung một cách dã man.
Nhà hoạt động Hoàng Dũng Cdvn sau khi bị tấn công.
- 10/12/2013: tại Đà Nẵng, các blogger Lê Anh Hùng, Lê Thị Phương Anh,
Nguyễn Văn Thạnh, Nguyễn Đức Quốc cũng bị hành hung bởi lực lượng côn đồ
thường phục.
Fber Thanh Hoàng (Nguyễn Đức Quốc) nhập viện với khuôn mặt bê bết máu.
- 31/12/2013: Khi đang trên đường đi vận động thành lập Hội cựu tù nhân lương tâm Việt Nam ông Huỳnh Ngọc Tuấn bị đánh gãy xương ức. 11/2/2014 gia đình ông bị tấn công bởi những kẻ lạ mặt bằng gạch đá với kích thước lên tới 14cm nặng 1.9 kg làm vỡ miếng tôn xi măng. Chưa ngừng tại đó, sự việc mới nhất xảy ra vào chiều ngày 20 tháng 2 năm 2014, ông và con trai là Huỳnh Trọng Hiếu lại bị 8 côn đồ hành hung ngay trên đường, sau khi ông và con trai tham dự lễ giỗ ở Bình Định về lại Quảng Nam. (Theo RFA)
- Nhà hoạt động Nguyễn Văn Thạnh cùng gia đình phải chuyển chổ ở liên
tục do sức ép vô hình từ "phia trên" và mới đây ngày 16/2/1014, anh cũng
bị đánh đến xuất huyết ở mắt khi đến chơi nhà người em ruột (anh bị
bệnh máu khó đông).
- Dân oan Trần Ngọc Anh, Lê Thị Ngọc Đa, Phụng Thị Lý cùng các dân oan
khác bị tấn công khi tiến hành các cuộc biểu tình đòi đất ở Sài Gòn
trong những ngày đầu năm 2014.
Tại sao nhà cầm quyền lại có khuynh hướng này?
*Thứ nhất:
-Cuối năm 2013 Việt Nam hối hả gia nhập vào công ước quốc tế quan trọng là Công ước chống tra tấn và sau đó được bầu làm thành viên của Hội đồng nhân quyền LHQ.
-Một điều quan trọng nữa là Việt Nam đang bước vào những vòng đàm phán cuối về Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).
-Sang đầu tháng 2 năm 2014 nhà cầm quyền Hà Nội tham dự phiên điều trần kiểm định định kỳ phổ quát (UPR) tại Thụy Sỹ.
Việc hội nhập quốc tế sâu rộng và nôn nóng tham gia vào Hiệp định thương mại TPP đã đẩy nhà cầm quyền Hà Nội vào thế tiến thoái lưỡng nan. Họ không thể ngang nhiên tiếp tục sử dụng những điều luật đang bị lên án gay gắt như 79, 88, 258 để bỏ tù những người bất đồng chính kiến. Họ tính ra được rằng khi giam giữ một người nào đó, từ giai đoạn bắt đến giai đoạn kết thúc điều tra ít nhất là 4 tháng. Trong 4 tháng này những tổ chức nhân quyền quốc tế sẽ liên tục lên án VN mất nhân quyền, chưa kể người bị bắt đó sẽ có thêm rất rất nhiều người ủng hộ. Điển hình như trường hợp Đinh Nhật Uy, họ phải muối mặt trả tự do cho anh tại tòa sau khi đã tròng vào đầu anh bản án 15 tháng tù treo và 1 năm quản chế.
*Thứ hai:
Việc chuyển các vụ án chính trị sang hình sự họ có thể ít nhận sự chỉ trích hơn từ quốc tế, họ có thể tuyên truyền là những người này vi phạm pháp luật hình sự nên bị bắt, hoặc giả "không tồn tại cái gọi là tù nhân lương tâm ở Việt Nam".
*Thứ ba:
Khuynh hướng bạo lực tỏ ra có hiệu quả khi có một vài người do bị tấn công, tác động của nhiều yếu tố... đã dừng các hoạt động đấu tranh hoặc lui về "tuyến sau" nhiều hơn.
Cách phòng tránh, chấm dứt các vụ án hình sự, bạo lực
Tất nhiên, trong xã hội hiện nay việc gán ghép các tội hình sự cho những
nhà đấu tranh là khá đơn giản, do vậy khó có thể phòng tránh. Chúng ta
chỉ có thể hạn chế đến mức thấp nhất các rủi ro bằng cách cố gắng tuân
thủ pháp luật. Tránh xa các nguy cơ, những nguy hiểm tiềm ẩn... Trong
khuôn khổ hạn hẹp, người viết xin được nêu lên những phương cách cơ bản
để phòng tránh hoặc để nhà cầm quyền dừng lại các hành vi bạo lực:
- Khi đi làm các công việc bảo vệ nhân quyền, chụp ảnh dân oan chống
cưỡng chế... cần cho một vài người bạn tin cẩn biết thông tin như: giờ
đi, nơi đến, việc làm... và những nguy cơ tiềm ẩn khi không liên lạc
được với người bảo vệ nhân quyền. Những người bạn này nên lập tức thông
tin lên các phương tiện thông tin xã hội như: mạng xã hội Facebook,
Twitter, Blogspot... để những người gần đó ra ứng cứu.
- Khi đánh giá được mức độ nguy hiểm nên hạn chế ra đường vào đêm khuya,
hoặc nếu công việc gấp thì nhà bảo vệ nhân quyền nên cố gắng nhớ đặc
điểm nhận dạng của mật vụ, số xe,... để có thể tố cáo sau này.
- Lâu dài nên học võ tự vệ để hạn chế đến mức thấp nhất các tổn thương gây ra khi bị tấn công.
- Đi từ 2 người 2 xe trở lên để hỗ trợ nhau, người phía sau quay phim
chụp ảnh ghi lại các bằng chứng vi phạm nhân quyền của nhân viên công
lực.
- Không tỏ ra sợ hãi trước những hành động bạo lực, cần khẳng định việc
họ tấn công là sai, hô hoán cho nhân dân gần đó biết mình đang bị tấn
công bởi những người lạ mặt để được nhân dân bảo vệ.
-Viết các đơn tố cáo, chụp ảnh thương tích, giấy chứng thương gởi về các
cơ quan công an chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh trên địa bàn, sau đó
tiếp tục gởi về các đại sứ quán quốc tế, các tổ chức bảo vệ nhân quyền
để hỗ trợ lên tiếng trước công luận quốc tế.
Điều quan trọng chúng ta nên nhớ là mọi việc làm để bảo vệ nhân quyền là
việc làm đúng đắn cần phải được khuyến khích bảo vệ. Các hành động xâm
phạm thân thể người bảo vệ nhân quyền là vi phạm trầm trọng quyền con
người, công ước chống tra tấn... Nếu nhà cầm quyền tiếp tục những hành
động bạo lực này sẽ bị dư luận quốc tế lên án, gây ảnh hưởng đến các hợp
đồng thương mại của Việt Nam trên trường quốc tế!
No comments:
Post a Comment