Trong một thời gian dài tăng trưởng, với 2 con số, kinh tế Trung cộng
hiện nay, nếu tính theo tổng sản lượng, thì đứng thứ nhì trên thế giới,
với 8 358,4 tỷ $, chỉ sau Hoa kỳ với 15 684,8 tỷ, trên Nhật 5 959,7 tỷ,
trên Đức 3 399,6 tỷ.
Một số người thiên về kinh tế, cho rằng kinh tế là quyết định tất, đã
vội đưa ra những dự đoán tương lai: trong một thời gian ngắn, kinh tế
Trung cộng sẽ vượt Hoa kỳ về tổng sản lượng. Hơn thế nữa họ cho rằng
Trung Cộng sẽ là đệ nhất cường quốc về nhiều mặt và từ đó cho rằng Trung
cộng đạt được mức độ phát triển hiện nay là nhờ vào nền triết lý, văn
hóa, văn minh Đông phương.
Có phải thế không?
Xin trình bày sơ qua về triết lý, văn hóa, văn minh, để có một khái niệm, rồi chúng ta cùng nhau trả lời cho câu hỏi trên:
Không ai phủ nhận rằng văn minh Đông phương được tiêu biểu bởi những
nước như Ai cập, Tàu, Ấn độ v.v… ; và văn minh Tây phương bắt đầu bằng
Hy lạp, La mã, rồi tới Anh, Pháp, Đức, Hoa kỳ.
Triết lý, chúng ta có thể định nghĩa nhiều cách khác nhau, nhưng chúng
ta có thể định nghĩa một cách ngắn gọn, giản tiện và dễ hiểu là cách suy
tư, cách nhìn, và từ đó đưa đến cách hành xử, cách sống của một người,
một cộng đồng dân tộc.
Từ suy nghĩ, ý tưởng, tư tưởng, đi đến triết lý; từ triết lý, đi đến
hành động, văn hóa, văn minh. Chính vì vậy triết học giữ một vai trò rất
quan trọng cho một cá nhân, hay một quốc gia, dân tộc. Nghĩ làm sao,
hành động làm vậy. Một con người có một triết lý bi quan, thì thường bi
quan. Một quốc gia dân tộc chấp nhận một quan niệm triết lý bạo động,
thì hay gây hấn chiến tranh, chiến tranh không những với nước ngoài, mà
ngay chính trong lòng quốc gia đó.
Văn hóa, văn là đẹp, hóa là biến hóa. Biến cái gì thành đẹp, đó là văn
hóa. Chữ Tây phương, văn hóa là “la culture” có nghĩa là chống lại cái
gì là thiên nhiên (la culture est ce qui contre la nature). Một cục đá,
đó là thiên nhiên, nhưng chúng ta đẽo gọt thành một bức tượng, đó là văn
hóa. Chữ văn hóa Tây phương còn có nghĩa là trồng trọt. Một cánh đồng
là thiên nhiên, chúng ta cày xới, trồng cây để lấy hoa quả, đó là văn
hóa.
Sau này người ta còn định nghĩa văn hóa từ nhiều góc cạnh khác nhau:
Như Aristote (384 – 322 trước Tây lịch), nhà hiền triết Hy lạp, đã định
nghĩa văn hóa là những ngôn từ để trang điểm trong trường hợp giàu có và
cũng là những ngôn từ để an ủi trong lúc nghèo khổ, hoạn nạn.
Edouard Herriot (1972 – 1957), nhà văn, nhà chính trị Pháp, đã định
nghĩa văn hóa là “cái gì còn lại sau khi đã quên hết”. Thật vậy, như
chúng ta đọc sách, chúng ta đã thấm nhuần và quên, cái còn lại là những
cái gì thuộc về chúng ta, thì cái đó là văn hóa.
Văn minh, văn cũng là đẹp, minh là chiếu sáng. Cái gì đẹp và nhiều người
biết tới là văn minh. Nhiều người cho rằng văn hóa chỉ về tinh thần,
văn minh thiên về vật chất. Không hoàn toàn như vậy. Như khi nói đến văn
minh Ai cập, người ta nói đến kim tự tháp. Kim tự tháp không phải chỉ
là những tảng đá ghép lại, mà trong đó có cả một công trình toán học,
thiên văn học v.v... Cũng như vạn lý trường thành của Tàu, không phải
chỉ là những bức tường xây lên, mà cả là một tính toán chiến lược quân
sự nhằm ngăn chặn những đoàn quân đến từ phía bắc, mà người Tàu trước
đây gọi là “Rợ Hung nô”.
Trong lịch sử nhân loại, có thời kỳ văn minh đá đẽo, văn minh đá mài;
con người với trí khôn của mình vào lúc đó, đã biết lấy cục đá, đẽo hay
mài nó để làm dụng cụ sử dụng cho mình.
Có người lại nghĩ văn minh Tây phương bắt nguồn từ văn minh Đông phương.
Điều này không phải hoàn toàn sai. Như ta đã biết, văn minh Tây phương
bắt đầu từ Hy lạp, rồi truyền qua La mã, tới Âu châu trong thời kỳ Âu
châu bị cai trị bởi người La mã. Nhưng nói đến triết học, văn hóa, văn
minh Hy lạp, người ta không thể không nói đến những tên tuổi như Thalès,
Pythagore, Socrate, Platon, Aristote v.v…
Thalès de Milet (625 - 546 trước Tây lịch), nhà toán học, triết gia,
thiên văn Hy lạp. Ông đã mang từ Ai cập, từ Babylone (Trung Đông) về Hy
lạp những nguyên lý toán học để tính chiều dài của một đường thẳng bị
cắt bởi những đường song song, điều mà người Ai cập đã biết tính và đã
dùng từ lâu để xây kim tự tháp. Về thiên văn ông đã tính được nhật thực
và nguyệt thực; về triết học ông cho rằng nguyên tố đầu tiên của vũ trụ
là nước.
Pythagore, sống vào khoảng thế kỷ thứ VI, tức 500 trước Tây lịch, người
ta không rõ năm sinh và năm mất của ông, cũng là một nhà toán học, triết
gia. Chúng ta biết nhiều nhất về ông khi chúng ta học trung học, đó là
định lý Pythagore, theo đó, trong một hình tam giác vuông, nếu chúng ta
biết hai cạnh, thì chúng ta có thể tính được cạnh thứ ba, qua công thức:
tổng số bình phương 2 cạnh thì bằng bình phương cạnh huyền. Ông là thủy
tổ của những quan niệm triết học có tính cách khoa học sau này, cho
rằng tất cả đều qui về khoa học, nói đúng hơn là toán học, vì tất cả đều
tương xứng với một con số.
Hai người này, người ta không có những tài liệu sử chính xác, nhưng có
giả thuyết cho rằng cả hai đều đã du lịch qua những nước Trung Đông và
Ai cập.
Có người nói, nếu không có những nhà khoa học, toán học, triết lý trên
thì không có văn minh Tây phương. Điều này không phải là sai.
Thêm vào đó, chúng ta cũng đừng quên là chữ viết với mẫu tự A, B, C, D
v.v… của người Tây phương, là đến từ Trung đông, vùng Mésopotamie, mà
người Việt chúng ta gọi là vùng văn minh Lưỡng Hà, đến từ vùng đồng bằng
2 con sông Euphrate và Tigre, nói rõ ra là vùng thuộc nước Irak, Syrie,
Liban, Palestine ngày hôm nay.
Triết học là cách sống làm sao cho có hạnh phúc, hòa hợp với chính mình,
với người chung quanh và với môi trường; chữ “Philosophie” của Tây
phương gồm 2 chữ, “Philo” là thích, “Sophie” là “sagesse”, là “harmonie”
có nghĩa là sự khôn khéo, biết điều, biết sống và sự hài hòa.
Chính Pythagore đã đưa ra định nghĩa chữ “Philosophie” của Tây phương.
Người ta gọi ông là một nhà hiền triết (le sage), nhưng ông từ chối, ông
trả lời lại rằng: “Tôi không phải là một nhà hiền triết, tôi chỉ là
người đi tìm và thích sự hiền triết, tức sự khôn khéo, biết điều, biết
sống hạnh phúc và hài hòa (la sagesse)”.
Còn văn hóa tiếng Tây phương, như trên đã nói, là “culture” có nghĩa là
chống lại thiên nhiên: con người khi đi qua một con rạch, một khe đá, bị
thiên nhiên ngăn cản, liền suy nghĩ (tư tưởng), tìm kiếm cách chống
lại, biết tìm cách bắc gỗ để đi qua, sau đó làm thành cái cầu, và nếu
những con cầu này được xây lớn lên, trở nên vĩ đại và đẹp đẽ, chiếu sáng
(minh) vì nhiều người bắt chước và làm theo, thì nó trở thành văn minh.
Cũng như chúng ta xây hàng rào hay tường quanh nhà để có sự kín đáo và
an ninh; nhưng khi những bức tường này trở nên to lớn, dài cả ngàn cây
số, vĩ đại, đến nỗi người ở ngoài không gian cũng thấy, thì nó trở thành
văn minh. Ngày hôm nay người ta nói đến văn minh Tàu, ngoài nhiều thứ
khác, người ta không thể quên vạn lý trường thành.
Từ đó, khi nói đến triết học, văn hóa và văn minh Đông Tây, ngoài những
đặc thù sẽ được bàn đến sau, nhưng về căn bản, nó đều giống nhau, vì nó
do con người nghĩ và làm ra; mà con người dù là Đông hay Tây, dù là da
vàng, da đỏ, da trắng, da đen, đều có những nhu cầu về vật chất và tinh
thần giống nhau. Ai sinh ra dù ở đâu, da màu gì, khi đói cũng cần phải
ăn, khi khát phải uống, khi lạnh phải mặc áo hay lấy một vật gì che
thân, khi nghe một bản nhạc hay đều thích thú, khi ăn một món ngon, có
thể khác biệt sơ về gia vị, chỗ này cay hơn, chỗ kia ngọt hơn, nhưng
khẩu vị, vì là con người, cũng tương tự giống nhau.
Về tinh thần cũng vậy, ai cũng muốn được tự do, những quyền căn bản của
mình được tôn trọng, có ai sinh ra dù ở vùng nào đi nữa, dù da màu nào
chăng nữa, lại muốn những quyền của mình bị cấm đoán, bị đánh đập một
cách vô duyên cớ? - Chắc chắn là không.
Những người đưa ra lý lẽ viện vào tính cách đặc thù của mỗi vùng, mỗi
dân tộc, rồi đưa ra luận điệu là những quyền căn bản của con người khác
nhau, tùy từng vùng, tùy theo phong tục tập quán, tùy theo văn hóa văn
minh, để rồi cấm đoán hoặc ngăn chặn những quyền căn bản này. Họ đàn áp,
khủng bố dân, đây là luận điệu phản con người, phản tiến bộ, phản lại
dân tộc, là luận điệu của những kẻ độc tài muốn kéo dài đặc quyền, đặc
lợi của mình. Khi nói đến vi phạm nhân quyền, ngoài những nước độc tài
khác ở Phi châu, Trung Đông, Nam Mỹ, người ta không thể không nói đến
hai nước Trung Cộng và Việt Nam.
Thường hễ độc tài là đi đôi với tình trạng thiếu văn minh, chậm tiến,
tham nhũng, hối lộ. Tuy nhiên có người cho rằng Việt Nam và Trung cộng
hiện nay đâu có chậm tiến, nhất là Trung cộng.
Thực ra thì tình trạng phát triển của Trung cộng hiện nay vẫn kém xa các
nước văn minh khác. Thật vậy, nếu ngày hôm nay chúng ta tới Sài gòn, Hà
nội, Bắc kinh hay Thượng hải, chúng ta chỉ ở những hotel mắc tiền, đầy
đủ tiện nghi, thì chúng ta thấy quả thật là “phát triển, văn minh”,
nhưng nếu chúng ta đi ra xa, thì nhiều nơi dân chúng vẫn nghèo khổ, lầm
than. Và điều nguy hiểm, đó là con người sống dưới chế độ cộng sản,
không biết trong lòng họ có là cộng sản hay không thì không biết, nhưng
quan sát, chúng ta thấy họ “chẳng văn hóa, văn minh” chút gì: vô kỷ
luật, xô bồ, nhất là vô cảm, không còn tình người, thờ ơ trước những
cảnh thương tâm, cần giúp đỡ, như giúp một cụ già bị té hay một em bé bị
nạn. Điều này chúng ta cũng chẳng cần đi xa, chúng ta chỉ cần dở một
vài tờ báo Việt cộng hay Trung cộng thì chúng ta thấy muôn vàn cảnh vô
cảm, vô lương tâm, và hơn nữa tàn ác như con giết bố mẹ vì tiền, như
cảnh một em nhỏ ở Trung cộng, bị xe đụng, thay vì chạy lại giúp đỡ,
người đi đường thì thờ ơ, kẻ chạy xe lại tiếp tục cán lên để chạy qua,
kết quả là khi một người quét đường báo cho gia đình biết thì em đã bị
trọng thương và mất mạng.
Cho nên nói rằng Trung cộng hiện nay tiêu biểu cho văn minh Đông phương là không đúng.
Những nước ít nhiều tiêu biểu cho nền văn minh Đông phương hiện nay có
thể nói là Nhật bản và Nam Hàn, những nước vẫn còn giữ được văn hóa cổ
truyền tốt đẹp của mình và đồng thời biết thu thập, gạn lọc cái hay cái
đẹp của người, khác hẳn Trung cộng và Việt cộng đã thu nhập vội vã cái
cặn bã của văn hóa, văn minh Tây phương, xóa bỏ vội vàng những điều hay,
cái tốt cổ truyền để biến xã hội thành ra như ngày hôm nay.
Hiện nay, với khoa học, kỹ thuật, internet, thế giới có khuynh hướng đi
đến một sự tổng hợp triết lý, văn hóa, văn minh, vì những thứ này, về
bản chất căn bản, nó giống nhau, nó đến từ những nhu cầu, bản năng căn
bản của con người, dù bất cứ ở đâu, màu da thế nào, và nó có tính cách
thế thứ, trao truyền từ đời này qua đời khác, mang tính cách thời gian:
quá khứ, hiện tại và tương lai.
Triết lý, văn hóa, văn minh đối với một con người, cũng như đối với một
cộng đồng, quốc gia, dân tộc, chúng ta có thể ví như một cái cây: quá
khứ là rễ cây, hiện tại là thân cây, tương lai là cành lá. Rễ cây phải
ăn xâu vào lòng đất để hút nhựa, thân cây phải to lớn để chuyển nhựa,
cành lá phải rườm rà để hút tinh khí của thập phương.
Những lời kêu gọi hoàn toàn vứt bỏ quá khứ, kiểu như K. Marx, nếu không
nói quá, thì là những lời kêu gọi của những người lãng mạn, không tưởng,
nếu nói hơi quá, thì là những lời kêu gọi của những kẻ “điên”, hay còn
“ấu trĩ”. Một cái cây mà cắt bỏ rễ cây, thì làm sao có thể sống còn.(1)
Như Marx viết: “Chủ nghĩa cộng sản vứt bỏ mọi chân lý muôn thuở, vứt bỏ
tôn giáo và đạo đức thay vì cải cách chúng, và như vậy, nó chống lại tất
cả những hình thái văn minh, phát triển lịch sử trước đó.” (K. Marx –và
F. Engels – Manifeste du Parti communite – trang 51 – nhà xuất bản www.librio.net – 1998).
Cũng như một cái cây, mà vứt bỏ cành lá, như đối với một dân tộc, tìm
cách ngăn cấm những tư tưởng hay, mới lạ, từ bên ngoài, thì cái cây đó
cũng như dân tộc đó không thể lớn mạnh được.
Vạn lý trường thành là một bước tiến của văn minh Tàu, nhưng đồng thời
cũng là một bước cản. Nước Tàu bị tụt hậu là một phần vì chính sách bế
quan tỏa cảng của những triều đình phong kiến. Nhưng bức trường thành
nguy hiểm nhất chính là bức trường thành tâm linh, tự cô lập mình, giới
chính quyền tìm cách cô lập dân tộc mình, trên phương diện thông tin, tư
tưởng. Ngày hôm nay, 2 chế độ cộng sản là Trung cộng và Việt cộng, tìm
cách bế quan tỏa cảng trên phương diện này, trở về chính sách “chủ nghĩa
dân tộc cực đoan”, thì quả là một hành động điên rồ, trong thời đại văn
minh tri thức điện toán hiện tại. Chỉ cần ngồi trước chiếc máy điện
toán, nhích con chuột là biết tin tức khắp nơi.
Cái khôn ngoan của một con người hay của một dân tộc là quay về quá khứ
để giữ lấy những điều hay của chính mình và bỏ đi những cái dở, cũng như
biết mở rộng cánh tay đón nhận những tinh hoa của thế giới bên ngoài.
Đừng nên làm theo kiểu cộng sản Việt Nam, theo đúng lời dạy của Marx:
“Người cộng sản chối bỏ tất cả những nền văn minh trước họ”, chủ trương:
“Trí phú hào đào tận gốc, trốc tận rễ” hay Mao trạch Đông: “Khổng tử là
con chó giữ nhà cho chế độ phong kiến”, hoặc: “Trí thức không giá trị
bằng cục phân”; mà nên làm như người Nhật biết đón nhận những cái hay
của Khổng tử, tôn trọng trí thức. Nói như một nhà tư tưởng, bác học Nhật
hiện nay, ông Yoshikawa Kojiro: “Quyển sách Đàm thoại của Khổng Tử là
một trong những quyển sách vĩ đại nhất của thế giới.”(Theo Les
Entretiens de Confucius – trang 5- nhà xuất bản Gaillimard – Paris 1987 -
Bản dịch từ tiếng Tàu của Pierre Ryckmans).
Một nhà nghiên cứu về văn minh Đông phương, nhất là văn hóa Tàu, ông Jean - Luc Domenach, có nói:
“Tiếc rằng những người như Trần độc Tú, Mao trạch Đông v.v…, trình độ
văn hóa không cao, sống dưới thời kỳ cuối của triều đình Mãn Thanh, bị
liệt cường xâu xé, cho rằng văn hóa Tàu kém văn hóa Tây phương, không
nắm vững cái hay cái dở của văn hóa Đông phương và Tây phương, vội vứt
bỏ văn hóa Đông phương, nhập cảng lý thuyết Mác Lê, cặn bã của văn hóa
Tây phương”. Thật vậy, lý thuyết Mác Lê chỉ là cặn bã của văn hóa Tây
phương, người Tây phương đã vứt bỏ, ngay vào thời K. Marx còn sống: hiện
nay tại vùng Trèves, Đức quốc, sinh quán của K. Marx, có dựng một bức
tượng của Marx, nhưng ở dưới chân có hàng chữ: “Nơi đây là nơi sinh quán
của K. Marx, nhưng chúng tôi không chấp nhận tư tưởng của ông.”
Nhà đại văn hào Pháp, ông Victor Hugo (1802 – 1885), có thể nói là người
đồng thời với Karl Marx (1818 – 1883), có nói về cộng sản:
“Bắt con đại bàng thành con chim chích, buộc con thiên nga làm con vịt
trời, bỏ tất cả mọi người vào trong một giỏ để xóc, để cho ai cũng như
ai. Đó là cộng sản. Và đó cũng là điều mà tôi không thích.”
Một bằng chứng rõ ràng nhất là những dân tộc Tây phương chối bỏ lý
thuyết của Marx, nhất là giai tầng trí thức, không chủ trương thực hiện
“cách mạng cộng sản”, trong khi đó chính Marx cho rằng lý thuyết “Cách
mạng tất yếu” của mình chỉ có thể thực hiện được tại những nước kỹ nghệ
tân tiến. Marx ngồi chờ cách mạng tất yếu ở những nước này. Lúc đầu ở
Anh, sau đó quay sang hy vọng ở Đức. Nhưng cách mạng tất yếu không xẩy
ra, rồi Marx chết.
Có những người bênh vực cho Trần độc Tú, Mao, Hồ, Lê Duẫn, trước sự chỉ
trích “Trình độ sơ học yếu lược” của những người này, cho rằng nhìn
trong lịch sử Tàu và Việt Nam, những người như Hán cao Tổ, lập lên nhà
Hán, Chu nguyên Chương, lập lên nhà Minh ở Tàu ; và Lê Lợi, lập lên nhà
Lê, ở Việt nam, những người này trình độ học vấn cũng không cao.
Có phần đúng nhưng phần sai rất lớn: Đó là những người như Hán cao Tổ,
Chu nguyên Chương, Lê lợi không đặt lại, chống lại và hơn thế nữa không
phá hủy cả một nền văn hóa, văn minh cổ truyền, như những người cộng sản
đã làm. Hán Cao Tổ, có người khuyên ông nên dùng những người có học để
kiến quốc. Lúc đầu ông trả lời: “Ta chỉ cần một thanh gươm và một con
ngựa cũng đủ chinh phục toàn thiên hạ, ta đâu có cần sĩ phu!”. Vị quân
sư đáp lại: “Thưa Bệ hạ, để lấy thiên hạ thì Bệ hạ cần một thanh kiếm và
một con ngựa. Nhưng để bình thiên hạ thì Bệ hạ cần những sĩ phu.”
Sau đó, Hán cao Tổ đã nghe lời khuyên này, không những dùng giới sĩ phu
mà còn phục hồi, phát huy truyền thống văn hóa, văn minh Tàu, hoàn toàn
ngược lại với Mao và Hồ.
Có người lại nói: Ngày hôm nay nước Tàu đang phục hồi lại tư tưởng Khổng
tử, cho thành lập cả 400 viện nghiên cứu Khổng, không những ở xứ Tàu,
mà trên toàn trên thế giới. Thực ra thì chính sách “Phục hồi tư tưởng
Khổng” có tính cách bênh vực, bảo vệ đường lối phi nhân, phản dân tộc
của chính quyền đương thời nhiều hơn là quảng bá tư tưởng “Nhân, Nghĩa,
Lễ, Trí, Tín” của Khổng và Nho giáo.
Nếu nói đại diện và tiêu biểu cho triết lý, văn hóa, văn minh Đông
phương, chúng ta phải nói đến Nhật bản, và gần đây là Nam Hàn.
Nhiều người nghĩ là nước Nhật được canh tân với thời Minh Trị Thiên
hoàng vào giữa thế kỷ thứ 19. Thực ra tinh thần canh tân của Nhật đến
rất sớm, có thể nói từ thế kỷ thứ 6, với hoàng tử Shotoku, với Hiến pháp
Shotoku, trong đó có câu: “Anh đừng nghĩ rằng anh tất nhiên là tài giỏi
(les sages), và người khác tất nhiên là ngu dốt (les sots), chúng ta
đều là người bình thường (les gens normaux).”
Hoàng tử này đã thực hiện cuộc tổng hợp tam giáo của Nhật:
Thần giáo theo truyền thống của Nhật, Nho giáo và Phật giáo.
Nước Nhật đã nhập cảng tư tưởng “Tri hành đồng nhất” của Vương dương
Minh từ Tàu vào thời nhà Minh (1368 – 1644), trong khi đó chính quyền
phong kiến của Tàu chối bỏ tư tưởng của ông.
Nói đến sự phát triển của Nhật ngày hôm nay, có rất nhiều lý do, nhưng
trong đó có lý do địa lý, văn hóa chính trị. Đó là nhờ nước Nhật gồm
nhiều hòn đảo, không phải là một lục địa, nên chính quyền phong kiến của
Nhật đỡ bị tập trung hơn là Tàu và Việt nam. Đấy lại chưa nói đến quan
niệm của Arnold Toynbee (1889 – 1975), theo đó “Sự thách thức lịch sử”
(le défi historique) là động lực chính của văn minh. Theo ông, một dân
tộc trở nên văn minh là vì nó gặp những khó khăn, tất nhiên phải là
những khó khăn “có thể vượt qua”, chứ không phải là những khó khăn không
thể vượt qua, như dân tộc Eskhimo, và từ dân tộc đó, phát sinh ra được
một giai tầng thiểu số có đầu óc phát minh, sáng kiến, thì dân tộc đó
trở nên văn minh, và ngược lại khi sức sáng tạo của giai tầng này bị
giảm xuống, thì văn minh đó bắt đầu xuống dốc. Ông không nghĩ như Oswald
Spengler (1880 – 1936), người Đức, triết gia, lý thuyết gia về lịch sử,
có cái nhìn hơi bi quan về lịch sử. Trong quyển Le Déclin de l’Occident
(Sự xuống dốc của Tây phương), Spengler ví một nền văn minh như cơ thể
một con người, những tế bào rồi cũng có ngày bị chết, thì một nền văn
minh cũng vậy. Ngược lại Toynbee lạc quan hơn, ông tin có sự tái tạo.
Trong quyển Nghiên cứu về văn minh (L’Etude de l’histoire), ông phân
biệt trên thế giới này có 21 nền văn minh.
Nước Nhật có một thách thức lịch sử rất lớn, đó là thiên nhiên khắc
nghiệt, đất không những là sỏi đá, mà còn có núi lửa, động đất, nhưng
dân Nhật thời nào cũng vậy, đều có thể tạo ra một giai tầng sĩ phu trí
thức có óc sáng tạo, can đảm, dẫn dắt dân Nhật vượt qua những khó khăn
thử thách.
Nói như vậy, tôi không có ý nói dân Tàu là một dân tộc không thông minh
bằng dân Nhật. Ngược lại đây là một dân tộc thông minh rất sớm. Một dân
tộc đã phát minh ra kim chỉ nam, thuốc súng, lụa, với đầu óc tỷ mỉ ngồi
quan sát con rận và thấy lúc nào nó cũng nằm theo hướng kim chỉ nam, một
dân tộc có đầu óc tưởng tượng và kiên nhẫn đến mức độ dám nghĩ lấy
những sợi tơ nhỏ tý do con tằm nhả ra rồi dệt thành vải. Dân tộc này
không phải là không thông minh. Chúng ta nhớ là vào thời kỳ Tần thủy
Hoàng (221 – 206 trước Tây Lịch), dân Nhật còn chưa văn minh, nếu không
nói là còn lạc hậu. Nhờ những người được lệnh của Tần thủy Hoàng đi kiếm
“thuốc trường sinh bất tử” ở ngoài khơi không dám trở về đã trốn qua
Nhật và đã dạy dân Nhật đánh cá voi. Hiện nay còn lại di tích những miếu
thờ những người này. Chỉ tiếc cho nước Tàu, và dân Tàu là chế độ độc
tài quân chủ phong kiến kéo dài quá lâu, giết chết ý chí tiến thủ, phát
minh sáng kiến của người Tàu.
Về Nam Hàn, đây là một nước tôn trọng triết lý, văn hóa, văn minh cổ
truyền và biết thâu nhận gạn lọc những cái hay cái đẹp từ bên ngoài
không thua gì Nhật bản. Nam Hàn đã được coi là một nước phát triển từ
thập niên 80, riêng ngành giáo dục, nước này có thể nói hơn cả những
nước tân tiến. Theo một cuộc trắc nghiệm trình độ văn hóa tổng quát
những người thợ chuyên môn được thực hiện bởi Tổ chức những nước phát
triển trên thế giới (OCDE), thì thợ thuyền Nam Hàn đứng đầu. Với một
diện tích là 99 274 Km2, dân số là 50 triệu dân, tổng sản lượng quốc gia
là 1129,6 tỷ $, sản lượng tính theo đầu người hàng năm là 30 800,5 $,
gấp 3 Trung cộng, hơn 8 lần Việt Nam.
Để nói đến sự phát triển của một quốc gia, dân tộc, nói như một nhà xã
hội học, chúng ta chỉ cần đến một vài thành phố chính, nhìn cách ăn mặc,
cách cư xử, tinh thần tôn trọng luật pháp công cộng, thì chúng ta rõ.
Hay một cách khác, chúng ta có thể đưa ra một vài dữ kiện chính, cũng đủ
tiêu biểu: Không ai chối cãi rằng hiện nay một trong những ngành khoa
học kỹ thuật tân tiến nhất là máy điện thoại cầm tay, thế mà hãng
Samsung của Nam Hàn đã đứng đầu trên thế giới về số lượng bán ra, trên
cả hãng Applel của Hoa kỳ, trên cả hãng Nokia của Phần Lan. Về phim ảnh,
phim ảnh Nam Hàn không thua gì thế giới, dân Việt Nam và nhất là giới
trẻ đã say mê phim Hàn quốc. Ngay cả ngành xe hơi, vào năm 2012, hãng xe
Hundai, mặc dầu mới vào thị trường quốc tế, nhưng đã có vị trí quan
trọng, theo thứ tự, hãng Toyota (Nhật), với số xe bán ra thị trường là 9
880 000 cái, hãng Général Motor của Mỹ (9 800 000), hãng Volkswagen của
Đức (8 500 000), hãng Renault – Nissan (Pháp) với 8 000 000, hãng
Hundai của Nam Hàn với 7 500 000.
Nhiều khi chỉ cần một sự kiện nhỏ cũng đủ nói lên nhiều ý nghĩa: như
việc dùng biểu tượng Kinh Dịch cho lá cờ quốc gia Nam Hàn, ở giữa có một
vòng tròn chia làm 2 phần biểu tượng cho quan niệm âm và dương, xung
quanh là bốn quẻ chính (Càn, Khôn, Khảm, Ly).
Kinh Dịch là quan niệm về triết lý, vũ trụ, nhân sinh quan đã ảnh hưởng
lâu đời ở Tàu và những nước chung quanh như Hàn quốc, Nhật Bản, Việt
nam, theo đó vạn vật, vũ trụ và ngay cả xã hội con người biến chuyển
theo cách tương tác, bổ sung, như câu: “Hữu vô tương sinh, âm dương
tương hòa, dài ngắn tương khuynh, cao thấp tương hình”, trái với quan
niệm Biện chứng pháp của K. Marx, theo đó vạn vật và cả xã hội con người
biến chuyển theo Biện chứng pháp (Đề - Phản Đề - Tổng Đề).
Một sự kiện được coi là Đề, rồi có một sự hiện khác chống lại, được gọi
là Phản Đề, tiêu diệt Đề, đưa tới Tổng Đề. Cứ như thế mà biến chuyển.
Đây là sự biến hóa theo cách triệt tiêu. Từ đó Marx áp dụng vào xã hội
loài người, đưa ra quan niệm giai cấp và nghĩ rằng giai cấp này (Phản
Đề) phải triệt tiêu giai cấp kia (Đề) để làm nên giai cấp khác (Tổng
Đề), đưa ra quan niệm đấu tranh giai cấp, cùng kết luận: lịch sử nhân
loại là lịch sử của bạo động, chiến tranh, đấu tranh giai cấp, như ông
mở đầu bản Tuyên ngôn thư Đảng cộng sản.
Lấy cái bất bình thường làm cái bình thường, đấu tranh giai cấp là một
lời kêu gọi nội chiến triền miên, nên xã hội cộng sản là một xã hội luôn
bất ổn, cộng thêm vào đó Marx chủ trương bãi bỏ quyền tư hữu, có nghĩa
là bãi bỏ một nguyên động lực chính thúc đẩy con người làm việc, vì Marx
sai lầm cho rằng quyền tư hữu có thể bãi bỏ, nhưng thực tế quyền tư hữu
chỉ có thể chuyển nhượng, như chúng ta đã thấy trước đây và hiện nay ở
những nước cộng sản còn lại, quyền tư hữu đang ở trong tay dân, sau
những cuộc đánh tư bản mại sản, thì chuyển nhượng sang đảng đoàn cán bộ.
Đó là những lý do chính khiến chế độ cộng sản, áp dụng triết lý của
Marx, bị thất bại.
Có người cho rằng 2 chế độ của Trung cộng và Việt cộng đâu còn là cộng
sản mà là tư bản. Thực ra vẫn còn là cộng sản vì Hiến pháp của 2 chế độ
này vẫn còn ghi rõ “Lấy lý thuyết Mác Lê làm nền tảng cho chế độ”. Còn
theo tư bản là theo cái cặn bã của tư bản, làm bất cứ chuyện gì để có
tiền, không có luật lệ, đạo đức, ngay cả giết người, như trường hợp sữa
có chất Mélanine, đầu độc cả trăm ngàn trẻ em ở Trung cộng và trên thế
giới, theo đúng câu nói của Đặng tiểu Bình: “Mèo trắng hay mèo đen,
không cần biết, miễn là mèo bắt chuột.”.
Quan niệm đấu tranh giai cấp, bạo động lịch sử, mới nhìn thì thấy có lý,
nhưng suy nghĩ về lâu về dài thì không, vì Marx đã lấy cái gì bất bình
thường làm cái bình thường. Bình thường con người ai cũng thích sống hòa
bình, chỉ khi nào bất đắc dĩ, bất bình thường, con người mới dùng tới
bạo động.
Ngay cả lịch sử một quốc gia, dân tộc cũng vậy. Chúng ta lấy thí dụ điển
hình là lịch sử 2 dân tộc Pháp và Đức. Người ta có thể nói 2 dân tộc
này là một trong những nguyên nhân chính của 2 cuộc Thế Chiến, nhưng đó
chỉ là bất bình thường, còn bình thường thì 2 dân tộc này vẫn muốn sống
trong hòa bình.
Trở về với trường hợp Nam Hàn: Chỉ cần lá cờ quốc gia cũng đủ nói lên sự
kiện Nam Hàn xứng đáng tiêu biểu cho triết lý, văn hóa, văn minh cổ
truyền Đông phương. Cho nên quan niệm xã hội biến hóa theo “Tương tác,
bổ sung”, vẫn đúng hơn là quan niệm “Biến hóa theo Biện chứng triệt
tiêu.”
Có người nói đọc Kinh Dịch rất là cam go, khúc mắc, làm sao người dân có
thể hiểu nổi. Đồng ý, nhưng dựa vào Kinh dịch làm quốc kỳ, đây chỉ là
một biểu tượng, tôn trọng giá trị tốt đẹp của triết lý, văn hóa, văn
minh cổ truyền. Hơn thế nữa chúng ta cũng đừng coi thường dân Nam Hàn,
từ ngày đầu tiên Tướng Park Chung Hy lên nắm quyền năm 1961, ông đã ý
thức rất rõ là tương lai, rường cột của quốc gia là giới trẻ, và giáo
dục tốt giới trẻ là nhiệm vụ đầu tiên của quốc gia. Nên ông đã bổ nhiệm
một Hội Đồng cải cách giáo dục, bao gồm các trí thức bác học, học giả
Đông Tây, kim cổ, của mọi giai tầng, mọi ngành, mọi giới, cùng nhau bàn
luận và soạn thảo ra một kế hoạch cải cách giáo dục sâu rộng, từ chương
trình tiểu học cho tới đại học, nâng đỡ ngành giáo dục, khuyến khích
thầy cô, tôn trọng tinh thần yêu nước, trách nhiệm, tự trọng mình, trọng
người, nêu cao tinh thần danh dự, làm một cuộc tổng hợp hài hòa giữa cũ
và mới, tôn trọng những giá trị cổ truyền dựa trên tinh thần triết lý
đông phương, Khổng, Lão, Phật, nhưng cũng sẵn sàng mở vòng tay đón nhận
những điều mới lạ, tiến bộ của thế giới bên ngoài: tinh thần tôn giáo
Thiên chúa, Tin lành và tinh thần khoa học v..v… Chính vì vậy mà từ lâu
Nam Hàn đã có một đội ngũ trí thức cán bộ, chuyên viên nổi tiếng trên
thế giới, đi đâu làm việc cũng chịu khó, học hỏi, nghiên cứu và có trách
nhiệm. Bằng chứng hiện nay là 2 cơ quan quốc tế lớn nhất thế giới, Liên
Hiệp quốc và Ngân hàng thế giới, đều do 2 người Nam Hàn điều khiển, một
người hoàn toàn Hàn quốc, một người quốc tịch Mỹ gốc Hàn. Cũng như việc
bầu người con gái của tướng Park Chung Hy lên làm tổng thống Nam Hàn
hiện nay, chứng tỏ dân tộc này có một sự trưởng thành chính trị văn hóa
rất cao. Họ chỉ trích Park Chung Hy là người độc tài. Điều này người con
gái ông khi ra tranh cử cũng thừa nhận, hứa không chủ trương độc tài,
nhưng bà nói rõ bố bà là một người yêu nước, nền giáo dục và kinh tế
hiện nay của Nam Hàn là do ông ta đặt nền móng. Dân Nam Hàn đã ý thức
được điều đó và đã bầu cho bà.
Vào năm 2 008, thế giới bị khủng hoảng kinh tế, trong đó có Âu châu,
thường là những nước rất kiêu hãnh, dẫn đầu bởi Pháp, chỉ thích cho
người khác những bài học, thế mà đã phải nhún nhường, gửi một phái đoàn
vừa chính trị vừa chuyên gia, dẫn đầu bởi một vị cựu thủ tướng, sang Nam
Hàn để nghiên cứu học hỏi cách thức làm sao nước này thoát khỏi khủng
hoảng mau lẹ và hữu hiệu.
Chúng ta cũng đừng quên là ngay từ thời Park Chung Hy, ông đã chủ trương
chống tham nhũng tuyệt đối. Từ đó đến nay Nam Hàn được coi là một trong
những nước trong sạch trên thế giới. Một thí dụ điển hình: Một vị cựu
tổng thống Nam Hàn, có dính dáng tới vấn đề tham nhũng, không phải ông,
mà là một người trong gia đình, chỉ với số tiền 50 000 $. Khi có bằng
chứng rõ ràng, ông đã đi lên một ngọn núi cao, rồi nhảy xuống tự tử. Đó
là tinh thần danh dự và trách nhiệm. Trong khi đó những nước chung
quanh, giới lãnh đạo lúc nào miệng cũng rêu rao: “Cần kiệm liêm chính”,
cho dán biểu ngữ, bích chương đầy đường. Nhưng vẫn tham nhũng hối lột từ
trên xuống dưới, không phải 50 000 $, mà là 500 000 hay 5 000 000 $.
Không còn một chút liêm sỉ, danh dự và trách nhiệm!
Người xưa có nói câu: “Nhân vô liêm sỉ hà như vật dã!”, Người không có
liêm sỉ thì chỉ bằng con vật! Vì vậy, nói là đại diện, tiêu biểu cho
triết lý, văn hóa, văn minh Đông phương, người ta có thể nói đến Nhật và
Nam Hàn, chứ không phải Trung cộng và Việt cộng, vì Nhật bản và Nam Hàn
biết tôn trọng triết lý, văn hóa, văn minh Đông phương, và đồng thời
biết mở rộng cánh tay đón nhận những cái hay, cái đẹp của người một cách
biết suy nghĩ, gạn lọc, chứ không phải như kiểu Trung cộng và Việt cộng
vội vã nhập cảng cặn bã của văn minh Tây phương, từ cộng sản tới tư
bản.
Đây cũng là câu trả lời cho một số nhà kinh tế kiêm xã hội học cho rằng
những nước theo tư tưởng triết lý Phật, Khổng, Lão, không thể phát triển
được về kinh tế.
Những nước không thể phát triển về kinh tế xã hội, qua kinh nghiệm suốt
thế kỷ 20 vừa qua, cho chúng ta thấy, đó chính là những nước vứt bỏ
triết lý, văn hóa, văn minh cổ truyền, vội vã nhập cảng tư tưởng, triết
lý cộng sản của Marx.
Một thí dụ điển hình và còn hiện đại, đó là chúng ta so sánh tình trạng
phát triển giữa nam Hàn và Bắc Hàn, theo lý thuyết của Marx. Bắc hàn
hiện nay không những đàn áp dân, mà dân năm nào cũng bị nạn đói.
Thực ra, mô hình tổ chức xã hội của Marx, sau được tăng cường bởi
Lénine, Staline, chỉ là một hình thái chế độ quân chủ phong kiến. Nhưng
chế độ quân chủ phong kiến xưa kia còn có liêm sỉ, tự trọng, giai từng
sĩ phu, trí thức, quan lại còn liêm khiết, nghĩ đến dân. Ngày nay với
chế độ quân chủ phong kiến cộng sản, thì hoàn toàn ngược lại: vô liêm
sỉ, tham nhũng từ trên xuống dưới, chỉ nghĩ đến cá nhân, gia đình và
đảng đoàn. Người ta có thể nói chế độ quân chủ phong kiến độc tài còn
kéo dài cho tới nay dưới những chế độ cộng sản còn lại, Trung cộng, Việt
cộng, Bắc Hàn và Cu Ba.
Ông Tiền kỳ Minh, con của ông Tiền kỳ Thâm, cựu Phó Thủ tướng kiêm Ngoại
trưởng của Tàu, ông Minh có du học qua Mỹ thời kỳ thập niên 90, trong
thời gian ở Mỹ, ông có viết quyển sách Mặt trời chiếu sáng nhiều ở
phương Đông hay ở phương Tây. Theo ông, vấn đề chiếu sáng nhiều ở Đông
hay ở Tây không quan trọng ; việc quan trọng là dân tộc Tàu bị đàn áp,
chèn ép bởi những chế độ độc tài quá lâu, trong đó có độc tài cộng sản,
mặc dầu ông không nói rõ ra, vì ai cũng hiểu tựa đề quyển sách là để trả
lời câu khẩu hiệu của Mao: “Mặt trời chiếu sáng nhiều ở phương Đông”
hay “Đông phương hồng”.
Bởi lẽ đó, khi nói về triết lý, văn hóa, văn minh và vội vã cho rằng
Trung cộng và cộng sản Việt Nam hiện nay là tiêu biểu cho Đông phương,
thì không đúng, đó chỉ là căn bã của văn minh Tây phương.
Paris, ngày 12/03/2014
No comments:
Post a Comment