Trở Về Trang chính

Saturday, March 1, 2014

Nhìn chính biến Ukraine nhớ tình yêu chàng kỵ mã Nhân quyền Việt Nam

Muốn biết vì sao Ukraina hay Ukraine liên quan tới Việt Nam, cần phải lắng nghe. Nhiều người biết thế, biết hết; nhưng không ít người chẳng biết gì hết!

Để dung hòa, xin tóm tắt: Ukraine là quốc gia hiện có độ 45 triệu dân, thủ đô là Kiev, nguyên là cựu thuộc địa Cộng Sản Liên Xô ở Đông Âu dưới chủ nghĩa chuyên chính sắt máu của lãnh tụ cách mạng Cộng sản Lenin-Stalin.

Khi Liên Bang Xô Viết tan rã năm 1991 điện Cẩm Linh hạ cờ Búa Liềm, kéo cao cờ ba màu của nước Nga Dân Chủ thì Ukraine mới được “giải phóng”.

Từ lâu Nga vẫn tích cực giữ Ukraine trong vòng ảnh hưởng của mình và tìm cách ngăn chặn Ukraine quan hệ chặt chẽ với Tây Phương để có thể gia nhập Liên Âu và khối NATO. Chính việc Tổng Thống Viktor Yanukovich khước từ thỏa hiệp với Tây Phương và quay về phía Nga đã châm ngòi cho cuộc biểu tình bắt đầu từ tháng 11/2013 cho đến cao điểm là Quốc Hội truất phế Tổng Thống ngày 22/2/2014

Trong hai ngày 21-22/02, người biểu tình đã kéo đổ  tượng Lenin ở các thành phố khác nhau tại Ukraine.
Trong hai ngày 21-22/02, người biểu tình đã kéo đổ tượng Lenin ở các thành phố khác nhau tại Ukraine.

Có ít nhất ba pho tượng Lenin nữa ngoài Kiev đã bị kéo đổ và đập phá tại Bila Tserkva, Khmelnitsky và Zhytomyr.

Người Việt Nam trông gương nầy, nôn nóng hỏi: Chừng nào tới Việt Nam?

Vì tại vườn hoa Canh Nông tại Hà Nội cũng có tượng sát thủ Lenin mà người dân gian Việt Nam nào đó đã đặt câu hỏi rằng:

“Ông Lê Nin ở nước Nga
Sao ông lại đứng vườn hoa nước nầy
Ông ưỡn ngực, ông chỉ tay
Ông xem như thể nước nầy của ông

Ông Lê Nin ở nước Nga
Cớ sao lại đứng vườn hoa nước nầy
Ông vênh mặt, ông chỉ tay
Tự do hạnh phúc lũ mày còn xa
Kià xem gương của nước Nga
Bảy mươi năm lẻ có ra đếch gì!”

Chừng nào dân chúng Việt Nam can đảm như người dân Ukraine, dám biểu tình chống đối, dám kéo cổ Lenin tại Hà Nội xuống? Chừng nào Công an nhân dân Việt Nam đứng về phía dân như Ukraina?

Phải bỏ chế độ độc đảng. Chấp nhận đối lập thì nhân quyền mới về tay dân

Các đảng tranh cử, nhân dân tự do chọn người họ tin tưởng để lập chính phủ cai trị. Và nhân dân (Quốc Hội) truất phế nếu chính phủ (Tổng Thống, Thủ Tướng) ác độc, lạm quyền, tham nhũng, không còn xứng đáng nữa. Điển hình là Ukraina:

-Viktor Yanukovych, sinh ngày 9 tháng 7 năm 1950, tại Donetsk Oblast, vào thời kỳ đó thuộc Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô Viêt Ukraina. (nay là Ukraina độc lập), đã giữ chức Thống đốc tỉnh nhà (Donetsk Oblast) năm 1997 và 2002.

Năm 2010 Ukraina có cuộc tranh cử Tổng Thống giữa Viktor Yanukovych (lãnh tụ của Đảng các vùng miền (Parti des Régions) và bà Yulia Tymoshenko (lãnh tụ của Liên minh Tổ Quốc (Fatherland) là 2 đối thủ chính trị chính ở Ukraina, theo 2 đường lối đối lập. Viktor Yanukovych thắng cử và nhậm chức Tổng Thống của nước Cộng hòa Ukraina từ ngày 25/2/2010.

Là một đảng viên Cộng Sản,Yanukovych càng ngày càng dễ dàng lún sâu vào quỹ đạo của Tổng Thống Nga láng giềng rất gần là Vladimir Putin. Putin từng là cựu Điệp viên KGB trong 16 năm, là người đứng đầu cơ quan tình báo chính của Nga. Tổng Thống Putin dựa vào gần nửa nước thuộc các tỉnh phía Đông giáp giới nước Nga, nhân dân Ukraina vùng ấy nói tiếng Nga, nên nước Nga hết sức yểm trợ nguồn dầu và khí đốt từ Nga để gây sức ép lớn.

- Nên Yanukovych chủ trương gắn bó lâu dài với nước Nga. Trong khi bà Yulia Tymoshenko, 54 tuổi, chuyên gia kinh tế xinh đẹp, đã từng làm Thủ Tứơng 2 lần, lần đầu từ 21/11/2002 đến 5/1/2005 , lần sau từ 4/8/2006 đến 18/12/2007. Bà Tymoshenko chủ trương có quan hệ bình đẳng với nước Nga, nhưng ngả dần về phương Tây do những giá trị tinh thần về Dân chủ, Nhân quyền, cũng như thế mạnh bền vững về kinh tế - tài chính - thương mại quốc tế.

- Khi Yanukovych thắng cử năm 2010 thì tháng 10/2011 bà Tymoshenko thất cử bị kết án kinh tế “làm thiệt hại tài sản quốc gia” và bị tuyên án 7 năm tù giam. Trong tù bà bị đánh đập, tra khảo rất tàn bạo.

- Vào tháng 11 năm 2013 một loạt biến cố xảy ra đưa tới việc những cuộc biểu tình và chiếm đóng Quảng trường Độc lập (Maidan) do những người biểu tình thuộc phe đối lập Ukraina thân EU thực hiện, xuất phát từ việc Tổng Thống Yanukovych từ chối ký kết hiệp định liên kết giữa Ukraina và EU (Ukraine–European Union Association Agreement) và quay sang tìm sự trợ giúp từ phía Nga để nhận được khoản viện trợ tài chính lên tới 15 tỉ USD.

Vốn được nuôi dạy từ những chế độ dùng bạo lực trấn áp dân, Yanukovych hạ lệnh bắn vào đám biểu tình, gây cái chết hơn 80 công dân trong các cuộc nổi dậy trong tháng 2/2014 này. Tổng thống Viktor Yanukovych, sau bốn năm cai trị, luôn luôn chấp nhận những yêu cầu của Nga trước khi lắng nghe nguyện vọng của dân chúng, nên ngày 22/2/2014 bị Quốc hội thông qua Nghị Quyết với “322 phiếu thuận/ 450 trả tự do lập tức cho bà Yulia Tymoshenko”, đồng thời “truất phế tổng thống Yanukovych và tổ chức bầu cử tổng thống trước ngày 25/05”.

Viktor Yanukovych, năm nay 64 tuổi, đã phải rời bỏ dinh thự riêng cực kỳ xa hoa của mình để chạy trốn người dân. Ông ta rời thủ đô thứ bảy 22/2. Kênh truyền hình Kanal 5 của Ukraine hôm Chủ Nhật 23/2/2014 chiếu một đoạn phim từ camera đường phố gần dinh thự của ông Yanukovych hôm thứ Sáu ghi lại cảnh ông rời nhà bằng trực thăng.

Camera ghi lại hình ông Yanukovych và một phụ nữ cùng một con chó lên máy bay sau khi một nhóm đàn ông chuyển lên trực thăng nhiều va-li to.

Theo CNN trích lại nguồn tin Ukraine thì chiếc trực thăng đã bay đến một sân bay của Kiev rồi từ đó, ông Yanukovych và nhóm người thân cận bay tiếp về phía Đông tới Kharkov.

Theo báo chí châu Âu hôm Chủ Nhật 23/2/2014 thì sau vụ cho cảnh sát vũ trang bắn vào đoàn biểu tình ở Kiev hôm thứ Năm, làm chết ít nhất 75 người, ông Yanukovych và nhóm thân cận thấy không thể làm chủ được tình hình và quyết định rút chạy.

Theo tin các hãng thông tấn Pháp và Đức ngày 21/2 Viktor Yanukovych đã rời thủ đô Kyiv đi Kharkiv (mà CNN gọi là Kharkov), một thành phố ở phía đông gần biên giới với nước Nga.

Vẫn các nguồn tin này cho hay từ đêm 20/2 (và cũng như Việt Nam, Đại gia Tư Bản Đỏ thi nhau chuồn trước hết) sân bay Zhulany ở ngoại ô Kiev chứng kiến ít nhất 80 chuyến bay tư nhân của các nhân vật giàu có, tài phiệt Ukraina, chia ra khoảng 30 chuyến bay rời Ukraina sang Moscow và 35 chuyến sang Tây Âu.

Trở lại ngày thứ sáu 22/2 lịch sử, sau khi được trả tự do, bà Yulia Tymoshenko, lãnh tụ của Liên minh Tổ Quốc (Fatherland) ngồi trên xe lăn với vẻ tiều tụy, ra ngay Quảng trường Độc lập (Maidan) ở trung tâm thủ đô Kiev, bà đã khóc và ca ngợi những người biểu tình là những anh hùng của Ukraina.

Trước hơn 50 ngàn quần chúng, bà Yulia Tymoshenko nói: “Chế độ độc đoán chuyên chế đã sụp đổ". Bà kêu gọi nhân dân giữ vững ý chí đấu tranh, hãy chia nhau ở lại quảng trường Maidan lịch sử này và ở các dinh thự quan trọng để tiếp tục cuộc đấu tranh không bạo lực, trước mắt là đến cuộc bầu cử 25/5/2014 sắp tới. Bà tuyên bố sẽ ra ứng cử tổng thống trong dịp này.

Bà Yulia Tymoshenko cũng tuyên bố những kẻ đã đàn áp và gây nên cái chết của hơn 80 người trong những ngày qua phải bị bắt giữ để trả lời trước pháp luật về tội ác giết người của chúng. Một người chịu trách nhiệm chính là nguyên Tổng Thống Viktor Yanukovych vừa bị phế truất.

Từ Kharkiv, Viktor Yanukovych tuyên bố chống lại "cuộc đảo chính phi pháp" và vẫn tự nhận là Tổng Thống hợp pháp. Nhưng ông ta hiện biệt tăm.

Ngày 23/02/14, Quốc hội Urkaina chiếu theo quy định của Hiến Pháp, bỏ phiếu thông qua nghị quyết chỉ định chủ tịch Quốc hội Olexandre Tourchinov làm Tổng Thống lâm thời. Theo thông báo của ông Tourchinov, trong vòng 48 tiếng đồng hồ các dân biểu Quốc hội phải thành lập một chính phủ mới. Quốc hội Ukraina cũng đã thông qua việc giao trả tư dinh nguy nga của Tổng Thống Yanukovych cho Nhà nước.

Hiện nay, không biết Yanukovych đang lẩn trốn ở đâu, ông và nhiều thuộc hạ đang bị tân chính phủ ban hành pháp lệnh truy nã về tội danh “giết người hàng loạt”. Các ngôi biệt thư sang trọng của ông đã bị đồng bào tràn ngập vây hãm. Các thành viên quốc hội trong đảng của Yanukovych nhiều người chạy ra nước ngoài hoặc bỏ trốn làm cho đa số thành viên quốc hội thuộc về phe đối lập.

Kết luận:

1. Lắng nghe hết chuyện Ukraina ta thấy quốc gia nầy tuy cũng từng lún sâu lâu đời với chủ nghĩa Marx-Lenin như XHCN Việt Nam, nhưng khi vượt thoát độc đảng cai trị thì Ukraina tiến bộ vượt bực hơn luật rừng Hiến Pháp độc đảng của Việt Nam XHCN.

Không ai tự ôm trọn “kẻ thù” để tự xử, mà phải trao cho tòa án xét xử. Ba quyền Hành pháp, Lập pháp, Tư pháp phân minh hơn Hiến pháp mới 2013 của Việt Nam “thống nhất” ba quyền vô tay Đảng, sẽ gây chiến tranh hay đấu tranh bạo động sẽ chết dân nhiều ngàn lần hơn Ukraina.

2. Thêm việc khác đáng học là Nhân dân thủ đô đã kéo vào tư dinh của Viktor Yanukovych, một lâu đài hoành tráng vào loại đặc biệt, có nhiều tài sản quý giá, nhiều đồ cổ, tác phẩm hội họa hiếm, nhiều tượng và cả một vườn thú riêng - tất cả đến nay vẫn được coi là tài sản riêng của Viktor Yanukovych. Quốc hội đã ra quyết định ngôi nhà này từ nay thuộc tài sản nhà nước. Nhiều tốp thanh niên nổi dậy đã chiếm giữ cơ sở này từ đêm 21/2 với ý thức công dân cao, bảo vệ tất cả tài sản được nguyên vẹn cho dù đã có hàng chục vạn người nô nức đến quan sát.

3. Viktor Yanukovych đang là kẻ tội phạm bị hệ thống pháp luật Ukraina truy lùng khẩn cấp. Chuyện ông ta tuyên bố chống lại ‘’cuộc đảo chính phi pháp’’ và vẫn tự nhận là Tổng Thống hợp pháp sẽ còn tranh cãi lâu dài sau nầy theo chủ quan của mỗi phe. Nhưng hãy lắng nghe ý dân trước hết:

A. Xin mời lắng nghe lời kêu gọi của người dân Ukraine:

Đoạn Video clip có tựa đề 'I Am a Ukrainian' (Tôi là người Ukraine) hiện đã thu hút trên 6,7 triệu lượt xem trên youtube.


Trong đoạn clip, cô sinh viên Yulia đã gửi đi thông điệp đòi tự do của những người biểu tình Ukraine trong cuộc đấu tranh chống lại tên độc tài Viktor Yanukovych.

Đoạn clip do nhà làm phim nổi tiếng Ben Moses ghi lại phổ biến trên youtube. Ngay lập tức, những thông điệp trong đoạn phim đã được lan tỏa rộng rãi khắp thế giới và được đăng lại trên các hãng truyền thông lớn như CNN, BBC...

Những thông điệp sau đây đã được Facebook Trương Thanh Liêm chuyển ngữ sang tiếng Việt, blogger Châu Văn Thi ghép phụ đề cho Video.

Nguyên văn: (Mon, 24 Feb 2014 17:13:16)

Tôi là người Ukraine, sinh ra tại thành phố Kiev.

Bây giờ tôi đang đứng tại quảng trường Maidan, trung tâm thành phố của tôi. Tôi muốn cho quý vị biết lý do tại sao hàng ngàn người khắp nơi trên đất nước tôi đang xuống đường.

Chỉ có một LÝ DO. Họ muốn được TỰ DO thoát khỏi kẻ độc tài.

Họ muốn được tự do thoát khỏi bọn làm chính trị chỉ biết vì quyền lợi của chính bản thân chúng nó. Chúng nó đã bắn giết, đánh đập gây thương tích dân lành để bảo vệ tiền bạc, nhà cửa và quyền hành của chúng.

Tôi muốn những người xuống đường tại đây có được nhân phẩm, lòng can đảm và sống một đời sống bình thường.

Chúng tôi là những con người văn minh, nhưng chính quyền chúng tôi là bọn man rợ. Đất nước này không phải là Nga Sô.

Chúng tôi muốn có tòa án không tham nhũng. Chúng tôi muốn có tự do.

Tôi biết có thể ngày mai chúng tôi không còn điện thoại, không còn internet, và chúng tôi sẽ cô đơn ở nơi này không ai biết đến, và có thể công an sẽ giết chúng tôi từng người một trong bóng đêm nơi này.

Đó là lý do lúc này tôi cầu mong quý vị giúp chúng tôi, giúp cho ý chí tự do ấp ủ trong tim chúng tôi, giúp cho ý chí tự do ấp ủ trong đầu chúng tôi. Và ngay bây giờ tôi yêu cầu quý vị giúp đỡ xây dựng nền tự do cho đất nước chúng tôi.

Quý vị có thể giúp chúng tôi kể lại câu chuyện này cho bạn bè chỉ bằng cách chia sẻ đoạn phim này. Xin hãy gởi video này, nói với bạn bè, gia đình, chính phủ của quý vị rằng quý vị đang ỦNG HỘ chúng tôi. (Hết)

Cô sinh viên Yulia đã gửi cho thế giới thông điệp: “ý chí tự do ấp ủ trong tim chúng tôi". Đó là tiếng nói của con tim, một thông điệp “tình yêu“ con người bị áp bức. Việt Nam ta cũng có thông điệp "tình yêu" ấy để chống Việt Minh nổi dậy, cũng cần mọi người phổ biến rộng rãi.

B. Chàng Kỵ-mã Nhân Quyền Việt Nam Nguyễn Bắc Truyển

Tháng 2 năm Giáp Ngọ 2014 Ukraine và Việt Nam có những biến chuyển lớn trùng hợp ly kỳ. Ngày 23/02/14, Quốc hội Ukraina chiếu theo quy định của Hiến Pháp, chỉ định chủ tịch Quốc hội Olexandre Tourchinov làm Tổng Thống lâm thời, tức thành lập một chính phủ mới, truy tố Tổng Thống cũ Viktor Yanukovych.

Thì cũng ngày 23/2/14 chúng tôi viết bài “Xuân Giáp Ngọ, Quý Ngọ chết đúng Qui trình”, kết thúc rằng: Chuyện ngày 18/2/14, nhà nước XHCN Việt Nam cho Thượng tướng Công An Phạm Quý Ngọ chết “Đúng qui luật, qui trình” như thế cần ghi thành sử liệu để chàng kỵ mã nào từ Việt Nam tới Geneva (để tham dự Kiểm định Nhân Quyền Việt Nam) lần sau, vừa phi ngựa vừa nghe tiếng hí vang trời vừa hát “Ngựa phi, ngựa phi đường xa” của nhạc sĩ Lê Yên “với nguồn hi vọng của người trong nước chuyển ra hải ngoại rằng “Cho chìm xuồng vụ Phạm Quý Ngọ tức cho chìm xuồng chế độ..” và dễ nhớ chuyện “Xuân Giáp Ngọ, Quý Ngọ Chết đúng “Qui trình” pháp luật Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.”

Chàng Kỵ-mã Nhân Quyền Việt Nam đó là cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển. Từ năm 2008, ông từng lãnh án 3 năm rưỡi tù giam với cáo buộc 'tuyên truyền chống phá nhà nước' sau các hoạt động kêu gọi dân chủ-nhân quyền tại Việt Nam. Lúc ấy ở chung với người tù thế kỷ “Nguyễn Hữu Cầu”.

Người cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển tuy ở trong “lồng” XHCN đầy côn đồ, nhưng vẫn hiên ngang tiếp tục khua tiếng chuông “Nhân Quyền” vang rền khắp thế giới không sợ tù, sợ chết. Ông bị Pháp luật Công -An -Trị của XHCN tấn công như thế nào, xin nghe trên đài VOA với phỏng vấn viên Trà Mi ngày 23/2/14, có nhắc đến biến cố Ukraina nữa. 


Tóm tắt:

Một nhà bất đồng chính kiến trong nước bị tấn công gây thương tích lần thứ nhì trong 2 tuần lễ liên tiếp khi ông đang thực hiện chuyến đi vận động các cơ quan ngoại giao nước ngoài ở Hà Nội thúc đẩy Việt Nam cải thiện nhân quyền.

Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển cho VOA Việt ngữ biết ông và vợ bị 4 an ninh thường phục vô cớ xông vào hành hung lúc 2 giờ chiều ngày 24/2 tại phố Đào Tấn-Liễu Giai (Hà Nội) khi đang trên taxi tới đại sứ quán Australia để thảo luận về tình hình nhân quyền Việt Nam. Các hình ảnh do ông Truyển cung cấp cho VOA Việt ngữ cho thấy ông bị các thương tích trên mặt.

Ông Truyển thuật lại chi tiết vụ việc.

Nguyễn Bắc Truyển: Tôi và vợ là Bùi Thị Kim Phượng ra Hà Nội tới một số sứ quán trình bày về vụ việc ngày 9/2 tôi bị bắt giữ trái phép, nhà cửa bị đập phá, bị công an sách nhiễu và vụ 21 người bị công an huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) đánh và bắt giam. Hôm nay là ngày vận động đầu tiên, tôi có hẹn với đại sứ quán Úc. Trên đường từ giáo xứ Thái Hà tới đại sứ quán Úc, tôi bị 4 công an thường phục tấn công, những người này tôi đã nhận dạng vì họ theo dõi tôi từ khi tôi tới Hà Nội. Một người cho xe nhào vô taxi để taxi dừng lại. Ba người kia mở cửa ra đánh tài xế, tài xế bỏ chạy. Còn lại 2 vợ chồng tôi trong xe, họ nhào vô đánh, lôi tôi và bà xã tôi ra ngoài đánh. Sau đó, tôi đến đại sứ quán Úc làm việc với bà Phó đại sứ. Họ đề nghị đưa vợ chồng tôi đến một bệnh viện gần đó khám. Kết quả khám nghiệm cho thấy xương mũi tôi bị nứt.

VOA: bằng chứng nào khác khiến anh xác quyết rằng những người tấn công anh hôm nay là người của an ninh, chứ không phải côn đồ hay ‘quần chúng tự phát’?

Nguyễn Bắc Truyển: Tôi thấy trong đó có 1, 2 khuôn mặt quen thuộc đã theo dõi tôi hai ngày nay (…). Hơn nữa, người dân thường sẽ không dám đi trên 1 chiếc xe gắn máy không bản số, chở 3 người, và không đội mũ bảo hiểm.

VOA: Khi họ bất chợt tấn công vào xe taxi, họ có nói nguyên do vì va quẹt giao thông hay vì lý do nào khác không?

Nguyễn Bắc Truyển: Họ không nói bất cứ điều gì, chỉ nhào vô đánh mà thôi.

VOA: Anh có kêu cứu không và có sự can thiệp nào không?

Nguyễn Bắc Truyển: Tôi nói ‘Công an đánh người’, rất đông dân xúm lại, khoảng 10 phút sau thì họ bỏ chạy.

VOA: Lịch trình các chặng vận động của anh sắp tới như thế nào?

Nguyễn Bắc Truyển: Ngày mai và mốt tôi tới đại sứ quán Liên minh Châu Âu, Hoa Kỳ, Đức, và Thụy Điển. Sau khi tôi bị tấn công như vậy, tôi đề nghị họ thu xếp gặp tôi một chỗ thôi thay vì phải đi nhiều nơi.

VOA: Sau những gì xảy ra, anh tìm đến phương cách nào để tự vệ trong những ngày vận động sắp tới?

Nguyễn Bắc Truyển: Sống ở Việt Nam, họ đánh đập mình là chuyện bình thường lắm. 21 người đến thăm tôi bị đánh rất đau đớn, bị bắt, bị khởi tố. Hiện còn 3 người bị giam. Nỗi đau của tôi hôm nay chỉ là phần nhỏ thôi. Tôi không có phương thức nào tự vệ hết. Tôi chỉ là một nhà hoạt động. Họ đánh, đàn áp, hay giết mình, mình cũng phải chịu thôi. Chấp nhận dấn thân vào con đường này, mình không có gì phải e ngại vấn đề đó cả.

VOA: Những gì xảy ra với anh và bạn bè của anh từ đầu tháng 2 tới giờ là một tín hiệu thế nào đối với giới hoạt động trong nước?

Nguyễn Bắc Truyển: Tôi nghĩ Việt Nam muốn chứng minh cho thế giới biết rằng họ không sợ gì vấn đề UPR và áp lực nhân quyền. Do đó, chúng tôi muốn báo tới các quốc gia trên thế giới rằng khi các nguyên thủ Việt Nam đến nước họ để bàn thảo chính trị-kinh tế-nhân quyền, thì hãy có cách thức ảnh hưởng và áp lực họ, buộc họ tôn trọng nhân quyền. Khi bắt tay với họ phải hết sức thận trọng vì tay họ luôn dùng bạo lực với người dân trong nước.

VOA: Tại các chặng dừng kế tiếp trong chuyến vận động nhân quyền lần này, anh dự định sẽ có những đề nghị cụ thể nào đối với các cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam?

Nguyễn Bắc Truyển: Tôi sẽ đề nghị thứ nhất là phải thả tù nhân lương tâm, ngưng sách nhiễu-đàn áp những nhà bất đồng chính kíên, những người đấu tranh, những blogger. Ngoài ra, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải thay đổi cách quản trị đất nước. Thay vì dùng côn đồ để điều hành đất nước, họ nên tuân thủ pháp luật vì đó là đích đến của một đất nước văn minh, tiên tiến. Qua sự kiện Ukraina vừa qua, chúng ta thấy dù Tổng thống có ra lệnh cho cảnh sát bắn vào đoàn biểu tình chết 77 người, nhưng cuối cùng ông ấy cũng không giữ được ghế của mình, phải bỏ chạy.

VOA: Trong các đề nghị anh vừa nêu lên, ưu tiên của anh là phóng thích tù nhân lương tâm.( …..) về vụ án luật sư Lê Quốc Quân, đã một lần nữa khẳng định rằng tại Việt Nam không có cái gọi là ‘tù nhân lương tâm’?

Nguyễn Bắc Truyển: Việt Nam không tuân thủ các giá trị phổ quát về nhân quyền mà tự nghĩ rằng các giá trị nhân quyền ở Việt Nam khác với quốc tế. Chúng tôi, những nhà đấu tranh, phải cố gắng thúc đẩy cho nhà cầm quyền hiểu được rằng nhân quyền phải được hiểu theo giá trị phổ quát. Chúng ta đấu tranh bất bạo động trong khi nhà cầm quyền Việt Nam rất thích dùng bạo lực để ngăn cản sự đấu tranh của những người yêu nước.

Trước đó, hôm 9/2, đông đảo công an đã ập vào nhà ông Truyển ở huyện Lấp Vò, (tỉnh Đồng Tháp) đập phá đồ đạc, đánh đập và bắt giải ông đi với cáo buộc ‘chiếm đoạt tài sản người khác’. Ông Truyển được phóng thích 24 giờ sau khi tin tức về vụ việc này được lan truyền nhanh chóng trên các trang mạng xã hội.

Một nhóm thân hữu về Đồng Tháp để thăm hỏi ông khi nghe tin ông gặp nạn cũng bị an ninh thường phục lẫn sắc phục tấn công và bắt giữ hôm 11/2.

Ba trong số 21 người bị bắt vẫn còn bị giam giữ để truy tố về tội danh ‘gây rối’ bao gồm bà Bùi Thị Minh Hằng, ông Nguyễn Văn Minh, và bà Nguyễn Thị Thúy Quỳnh.

Sau cuộc gặp với bà Nadia Krivetz, Phó Đại sứ Australia, vợ chồng ông Truyển được ông David Skowronski, Bí thư thứ hai chuyên trách chính trị-kinh tế của sứ quán đưa vào bệnh viện chữa trị vết thương.

Vụ hành hung ông hôm 24/2 diễn ra chỉ vài ngày sau khi tổ chức Ân xá Quốc tế sang Hà Nội đối thoại nhân quyền.

Ân xá Quốc tế kêu gọi Việt Nam phóng thích tất cả tù nhân lương tâm, những người bị giam cầm chỉ vì bày tỏ quan điểm ôn hòa, thực thi nhân quyền căn bản.

Trưởng phái đoàn, bà Isabelle Arradon, Phó Giám đốc Chương trình Châu Á-Thái Bình Dương thuộc Ân xá Quốc tế, nhấn mạnh Việt Nam đang tìm kiếm cơ hội củng cố vai trò trong khu vực và trên thế giới, nhưng tham vọng đó phải đi cùng với trách nhiệm tôn trọng, thăng tiến, và bảo vệ nhân quyền. (Hết)

Tuy dài, nhưng đầy đủ nhân chứng, vật chứng chi tiết để kết luận về

Chiếc Bánh Vẽ lừa dối thần kỳ của Hiến Pháp mới 2013. Vì ngày 5/2/2014, Việt Nam tuyên bố với UPR rằng Hiến pháp 2013 mới sửa đổi đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người dân Việt Nam.

Sự thật cần vạch cho thế giới hiểu sự thay đổi duy nhất về nhân quyền là chỉ đổi chương Nhân Quyền ở giữa phần của Hiến Pháp cũ 1992 để đưa lên chương gần đầu tiên của Hiến pháp mới sửa đổi 2013, nhưng điều 4 HP: “Đảng lãnh đạo theo Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh” thì vẫn còn nguyên; thậm chí Việt Nam còn không tuân thủ Hiến pháp của chính họ.”

* Chuyện Công An đánh dân có thương tích, có nhân chứng Quốc Tế thấy hẳn hòi, Sự thật nầy cần chuyển đi khắp thế giới như chuyện cô sinh viên Ukraina.

* Chàng Kỵ-mã Nhân Quyền Nguyễn Bắc Truyển và “Tình Yêu” nhân loại

Xin mời quí vị nhìn và nghe Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển trả lời phỏng 


Ta nghe rõ cả hai vợ chồng Nguyễn Bắc Truyển bị đập phá nhà cửa ở Đồng Tháp miền Nam, vẫn không lùi bước, vẫn tiếp tục từ Sàigon ra Hà Nội để bị theo dõi và bị Công An đánh trong xe, rồi lôi cả hai vợ chồng ra ngoài xe, đánh! Khi la lên “Công An đánh dân” thì chúng bỏ chạy, chỉ còn hai vợ chồng trên xe v.v… khiến chúng tôi nhớ bài “Ngựa phi đường xa” có đoạn rất cảm động mà rất hào hùng, nhắc lại để thân tặng đôi tân lang và tân giai nhân:

“Ngựa phi ngoài xa thật mau
Lúc nguy nàn ta yêu thương nhau
Giống Tiên Rồng hết sức phấn đấu.
Nhìn mây nước ta hát vang lừng trong nắng đào”

Ta thấy Nguyễn Bắc Truyển quả xứng đáng là Chàng Kỵ-mã Nhân Quyền hiên ngang, chân cứng đá mềm, dù chết cũng không sờn lòng. Vừa cưới vợ là Bùi Thị Kim Phượng, một tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo ở Đồng Tháp, đã bị Công An tấn công bắt 21 người, tuy thả ra chỉ còn ba người là bà Bùi Thị Minh Hằng, ông Nguyễn Văn Minh, và bà Nguyễn Thị Thúy Quỳnh vẫn còn bị giam giữ để truy tố về tội danh ‘gây rối’.

Trong youtube, nhân chứng Kỵ-mã Nhân Quyền Nguyễn Bắc Truyển chứng minh đúng như vậy. Nhiều hành vi Công An côn đồ xúc phạm niềm tin tôn giáo một cách trắng trợn; như ngày 9 tháng 2, 2014, họ lấy hình Đức Huỳnh Giáo chủ quăng xuống đất.

Chàng Kỵ-mã còn nhấn mạnh rằng sau năm 1975, tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo bị bách hại nhiều nhất. Họ dàn dựng Hội Phật Giáo Hòa Hảo Quốc Doanh để dẹp Giáo hội PGHH truyền thống. Nếu nói về “ở tù” thì tín đồ Phật giáo Hòa Hảo ở tù nhiều nhất. Nhà nước cấm tự do tôn giáo tại miền Tây. Cấm tu theo giáo lý tôn chỉ của Đức Huỳnh Phú Sổ, Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo…v.v.

Nghe chàng Kỵ-mã Nhân Quyền Nguyễn Bắc Truyển công khai tố cáo Cộng Sản cố tâm tận diệt Phật giáo Hòa Hảo của Đức Huỳnh Giáo Chủ, hẳn phần đông đều biết rằng Ngài là người yêu nước, hi sinh chống thực dân Pháp mà cũng biết trước Việt Minh Cộng Sản gây hiểm hoạ cho đất nước, nên quyết tâm chống lại ngay khi phong trào Việt Minh vừa nổi dậy ở miền Nam.

Vào những năm đầu thế kỷ 20, Đức Huỳnh Phú Sổ, Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo đã sáng tác bài thơ « Tình Yêu » gởi lại cho người con gái của gia đình người Tàu ở Chợ lớn đã thầm yêu Ngài khi Ngài phải rời khỏi nơi ẩn núp vì sợ bị bại lộ tông tích:

“Ta có tình yêu rất đượm nồng,
Yêu đời yêu lẫn cả non sông.
Tình yêu chan chứa trên hoàn vũ,
Không thể yêu riêng khách má hồng.
Nếu khách má hồng muốn được yêu,
Thì trong tâm trí hãy xoay chiều.
Hướng về phụng sự cho nhơn loại,
Sẽ gặp tình Ta trong khối yêu.
Ta đã đa mang một khối tình,
Dường như thệ hải với sơn minh
Tình yêu mà chẳng riêng ai cả,
Yêu khắp muôn loài lẫn chúng sinh”

Huỳnh Phú Sổ, Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo

Cô sinh viên Yulia đã gửi cho thế giới thông điệp: "ý chí tự do ấp ủ trong tim chúng tôi". Đó là tiếng nói của con tim, một thông điệp "tình yêu" con người Ukraina bị Tổng Thống Viktor Yanukovych áp bức trở lại quỹ đạo Marx-Lenin đầy máu. Cần phổ biến rộng rãi thông điệp“tình yêu“ của cô sinh viên Yulia.

Việt Nam ta cũng có thông điệp "tình yêu" của Đức Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ để chống Việt Minh Cộng Sản, cũng cần mọi người phổ biến rộng rãi để bắt nhịp cầu truyền thông “Nghe Ukraina nhớ Tình yêu chàng Kỵ mã Nhân Quyền Việt Nam” của thế kỷ XXI.

Chỉ tiếc một điều, ở Ukraina, cựu Tổng Thống Viktor Yanukovych chỉ ra lệnh giết hàng loạt chưa tới 100 người mà phải chờ đưa ra tòa đền tội. Còn tại Việt Nam, chính cựu Đại Tá Bùi Tín cũng nhắc là Hồ Chí Minh nhuốm máu cả trăm ngàn người trong Cải Cách Ruộng Đất, Nhân Văn Giai Phẩm, Vụ án “Xét lại chống Đảng” v.v…Vậy mà đến nay trên nửa thế kỷ, Hiến Pháp đổi mới 2013 vẫn còn cưỡng chế dân tộc phải tung hô Mác-Lê và Tư tưởng Hồ Chí Minh muôn năm!! Thế giới tự do, nhất là lương tâm người dân Việt Nam vô cảm đến thế ư??

28 tháng 2, 2014

Nguyễn Việt Nữ

No comments:

Post a Comment