Trở Về Trang chính

Sunday, March 16, 2014

Ði cầu nhanh rất có hại - (Bùi Bảo Trúc)

 
 
Ði cầu nhanh rất có hại 
 
Bùi Bảo Trúc

Hôm 24 tháng 2 vừa qua, một tai nạn sập cầu ở Lai Châu đã khiến cho gần hết những người tham dự một đám tang đang di chuyển trên cầu bị hất xuống một dòng suối cạn đầy đá tảng ở dưới. Kết quả là 9 người chết và hơn 40 người bị thương. Hầu hết các nạn nhân đều là... những người Mông sinh sống ở địa phương.Tin tức sơ khởi cho hay nguyên do gây ra vụ sập cầu Chu Va ở xã Sơn Bình thuộc huyện Tam Ðường, tỉnh Lai Châu là một con ốc bị gẫy đứt. Chiếc cầu chỉ chịu được một sức nặng khoảng 1 tấn rưỡi trên mỗi mét trong khi trọng lượng của những người dự đám tang trên cầu đã vượt quá sức chịu của cây cầu.

Cuộc điều tra sơ khởi cũng cho thấy là những chiếc cột chính neo giữ những dây cáp đỡ cầu đều được xây bằng gạch lỗ ôm lấy những chiếc cột bê tông ở trong. Gạch lỗ được dùng, theo một vài nguồn tin, là để tăng mỹ thuật cho cầu nhưng thực ra, là để che phần bê tông “ốm yếu” vì bị nhà thầu cắt xén vật liệu xi măng cốt sắt đem bỏ túi như những chuyện đã xảy ra với nhiều công trình xây cất khác.

Trong khi đó giám đốc công an tỉnh Lai Châu là Trần Duân thì lại nói rằng chưa thể khẳng định tai nạn xảy ra là vì làm ẩu hoặc “thi công không đúng”. Anh tướng công an này đưa ra một giải thích khá lý thú, nói rằng cầu sập vì “người Mông khi khiêng quan tài thường đi rất nhanh.”

Nhận định của anh công an này có hai chi tiết cần phải nói ở đây.

Thứ nhất, khi anh ta nói nguyên văn rằng “người Mông khi khiêng quan tài thường đi rất nhanh” thì anh ta đã dựa trên những gì để quả quyết như vậy? Người Mông khi khiêng quan tài thường đi nhanh vì đó là phong tục của người Mông? Họ đi nhanh vì tập quán? Hay vì người Mông, về phương diện chủng tộc, có những điểm khác (về chân cẳng?) so với những giống dân khác, nên khi di chuyển trên cầu thường đi rất nhanh? Vận tốc di chuyển của những người Mông ở Lai Châu khi bước đi bình thường trên đất bằng là bao nhiêu và trên cầu là bao nhiêu kilômét giờ thì anh ta không cho biết rõ.

Người ta không nghĩ người Mông có cấu trúc cơ thể khác với các sắc tộc khác sinh sống ở Việt Nam khiến họ đi nhanh hơn người Kinh. Cũng không ai nghĩ người Mông ngày thường đi không nhanh lắm nhưng khi có đám tang thì đi nhanh hơn mà khi đi trên cầu thì lại càng nhanh hơn.

Như vậy nhận định của anh tướng công an này hoàn toàn bố lếu bố láo.

Thứ hai, anh ta nói rằng vì đi nhanh nên cầu sập. Trên thế giới này có thứ cầu nào hạn chế tốc độ di chuyển của người và xe cộ trên cầu không? Những hạn chế chỉ có thể về trọng lượng của xe cộ chứ không bao giờ có hạn chế về vận tốc di chuyển. Nếu cần phải di chuyển chậm hơn để tránh cho cầu khỏi bị sập thì ở hai đầu cầu có bảng ghi rõ chi tiết đó hay không? Cầu chỉ có thể sập vì không chịu nổi sức nặng của xe và người di chuyển ở trên mặt cầu chứ không thể vì vận tốc di chuyển, nhất là chuyện người di chuyển nhanh chậm, chạy trên mặt cầu bao giờ. Nói thế thì còn ai dám tổ chức chạy thi hàng năm trên các cây cầu như Golden Gate ở San Francisco, Brooklyn ở New York, Harbour Bridge ở Sydney... nữa?

Rõ ràng là những lời tuyên bố thiếu hiểu biết lại còn mơ hồ là chỉ nhắm gỡ tội cho bọn nhà thầu xây cầu ăn bớt tiền xây cầu để bỏ túi.

Cầu Chu Va sập nhất định không phải vì người Mông khiêng quan tài đi quá nhanh.

Thực ra, ở một nơi khác, chuyện di chuyển quá nhanh có thể làm sập cầu thật. Nhưng những người di chuyển trên chiếc cầu đó không phải là người Mông. Những người đó cũng không khiêng quan tài khi ào ào tranh nhau chạy trên cầu. Cây cầu phao bị sập là cây cầu bắc ngang qua sông Hồng ở Phượng Nhãn. Và những người chen nhau chạy qua cầu là đám quân nhà Thanh của Tôn Sĩ Nghị bị quân Quang Trung đánh cho tan nát phải bỏ chạy về Tàu.

Chứ cầu Chu Va sập vì một con ốc bị hư. Anh tướng công an này nói người Mông đi nhanh quá nên làm cầu sập là vì trong đầu của anh ta có một con ốc bị ... lỏng, như một cách nói trong tiếng Anh: he has a screw loose in his head. Nói rõ hơn, chỉ có cái thứ điên khùng, ngu xuẩn thì mới ăn nói như thế.

Nhưng đi cầu không nhanh, đi cầu chậm cũng có thể là một chuyện khá phiền. Thí dụ đứng chờ để dùng cái cầu mà người Việt thường gọi là cái lăng bác thì nên đi nhanh. Ði chậm lại còn hát ông ổng thì bị người ở ngoài đá cho sập cầu có khi.

Như vậy, đi chậm mới có thể gây chuyện sập cầu chứ đi nhanh thì không thể làm cho cầu sập được.

Ðến là chán cái thứ ngợm vừa ngu lại vừa xuẩn!

No comments:

Post a Comment