Hằng
năm, vào những dịp cận Tết cũng là lúc nạn trộm cắp bùng phát, lúc này,
giới đạo chích túng quẫn, cần tiền ăn Tết nên thả sức hoạt động. Đó là
chuyện của nhiều năm trước, còn trong thời gian gần đây, đặc biệt là
trong dịp Tết Giáp Ngọ, phường đạo chích chuyên nghiệp và bán chuyên
nghiệp hoạt động mạnh vào dịp cận Tết, nghỉ Tết vài ngày, đến Mồng Hai
Tết lại hoạt động rầm rộ, người dân miền Nam nói chung và thành phố Sài
Gòn nói riêng trở tay không kịp, có rất nhiều gia đình dở khóc dở cười
trong những ngày đầu năm.
Làm cả năm, trắng tay vì trộm
Một người dân Sài Gòn than thở: “Về
vấn đề trộm cắp ở Sài Gòn thì hiện nay rất tràn lan, nhưng mà không thể
buộc tội được vì đây không phải là vấn nạn cá nhân mà là vấn nạn xã
hội. Hiện nay ở Sài Gòn nó giống như chuyện bình thường mỗi ngày. Mỗi
người dân Sài Gòn đều biết rằng mình đang sống trong một môi trường nguy
hiểm mà đều do kinh tế và chính trị Việt Nam quy định ra, cho nên không
ai dám đề cập sâu, vì đó là vấn đề mà ai cũng biết mà không dám nói.
Sau Tết 2014 thì trộm cắp ở đây còn tăng lên nhiều, vì tâm lý lo sợ về
kinh tế trong người dân, họ không định hướng đi về đâu, làm gì, trong
tình huống đó thì trộm cướp là kiếm tiền nhanh nhất. Đi ăn cướp ở đây
không phải là trộm cướp vặt mà nó có trộm cướp quy mô hơn, trong đó có
thể thấy những lãnh đạo ăn cướp của dân, những doanh nghiệp ăn cướp của
dân một cách công khai thông qua hệ thống ngân hàng với những quyền lợi
được bảo vệ. Chỉ có những người dân mới gánh chịu những gánh nặng từ
trên đó, nên họ chỉ còn một cách là kẻ mạnh cướp của kẻ yếu.”
Ông
này nói rằng chưa bao giờ ông cảm thấy Sài Gòn trở nên nhặng xị và rối
loạn như bây giờ. Đành rằng Sài Gòn những năm trước 1975 vẫn có nạn trộm
cắp, giật dọc nhưng thời đó không phổ biến và giới bụi đời cũng hoạt
động có đạo đức hơn, dù sao thì họ cũng cướp giật của những kẻ có tiền,
không bạ đâu cướp giật đó và thỉnh thoảng, họa hoằng lắm mới có trường
hợp người lao động bị cướp giật, nhà nghèo bị trộm cắp. Còn bây giờ thì
nạn trộm cắp phình nở không thể tưởng tượng nổi.
Chỉ
cần quên khóa xe trong vòng chưa đầy 10 giây, tức khắc chiếc xe bị bốc
hơi, đi đâu về, vào nhà nhưng quên khóa cửa, nếu lỡ có việc cần xuống
bếp gấp gáp, chưa đầy hai phút sau quay lên, đã thấy nhà cửa trống hoác,
chiếc xe dựng trong nhà không cánh mà bay, cái tivi hoặc chiếc đầu đĩa
cũng bay theo nốt. Điều này cho thấy rằng mật độ kẻ trộm ở thành phố Sài
Gòn có thể dày tương đương hoặc nhiều hơn cả nhân viên an ninh. Bọn kẻ
trộm luôn rình rập và túc trực trong khu phố, quan sát từng cử động của
mỗi nhà để ra tay.
Mặc
dù người dân hằng năm vẫn phải đóng tiền cho quĩ an ninh trật tự nhưng
chuyện trộm cắp rình rập thì đèn nhà ai nấy sáng, thân ai người nấy lo.
Công an, dân phòng chỉ đóng vai trò làm kiểng trong chuyện trộm cắp,
thậm chí họ chỉ gây phiền hà mỗi khi có trộm. Vì khi bị mất trộm, người
dân đến báo cơ quan công an, họ lập biên bản, giữ nạn nhân ở lại làm thủ
tục khai báo đủ các thứ để rồi xếp hồ sơ vào ngăn kéo, suốt năm này qua
năm khác, chẳng thấy kết quả gì ngoài mấy dòng chữ đã ghi trong biên
bản mất trộm, của mất vẫn cứ mất.
Chỉ
riêng từ Mồng Hai Tết đến nay, những người dân trên đường Lạc Long
Quân, quận Tân Bình, Sài Gòn đã liên tiếp bị mất cắp. Vì ngày Tết, không
thể khóa cửa im ỉm suốt ngày được, phải mở cửa để đón bạn bè, họ hàng
đến thăm, chúc Tết. Đây cũng là cơ hội tốt nhất để phường đạo chích ra
tay. Vì lúc này, cả khu phố rơi vào tình trạng bất cẩn và dễ bị nhầm.
Nhiều khi nhìn thấy trợm vào nhà hàng xóm, cứ tưởng là khách đến thăm
Tết, đến khi chúng rinh đồ đi mất, chủ nhà truy hô thì mới biết đó là kẻ
trộm.
Hơn
nữa, với tâm lý nhà ai nấy biết, tình làng nghĩa xóm hoàn toàn không có
nên việc kẻ trộm vào nhà này, nhà kia nhìn thấy mà không truy hô vì sợ
chúng đến trả thù cũng là một điểm yếu mà kẻ gian biết được và khai thác
triệt để trong vòng nhiều năm nay. Người dân Sài Gòn này nói thêm là
hôm Mồng Hai Tết, nhà ông mất một chiếc xe Honda Air Blak đời mới nhất
và chiếc ví có chứa gần mười triệu đồng cùng một số giấy tờ tùy thân chỉ
vì ông ngồi ở phòng khách uống bia, một lúc hơi tức bụng, ông vào
toilet chưa đầy 5 phút, khi quay ra, ông tá hỏa nhận ra là mình đã quên
đóng cửa nhà và kẻ trộm đã bẻ khóa cổng, vào nhà dắt mất chiếc xe cùng
chiếc ví bỏ trong cốp xe.
Chuyện
trộm cắp lộng hành trong ba ngày Tết ở Sài Gòn nghe ra đã quen thuộc
như cơm bữa và cái Tết ở đây, thay vì mở toang cửa để đón bạn bè, người
ta chỉ còn biết im ỉm đóng cửa đề phòng mọi thứ nếu không muốn thành quả
lao động cả năm của mình đi sạch vì Tết.
Trộm lộng hành như chốn không người
Chị Hiền, cư dân quận Gò Vấp, Sài Gòn, buồn bã nói: “Có
thể là do Sài Gòn là nơi mà rất nhiều người tứ xứ tới, chỉ vì một lý do
cao nhất là để mưu sinh, vì Sài Gòn không phải là quê hương mà là nơi
người ta sinh sống và làm việc, nên sẽ có những lý do để trộm cắp hay có
những ý đồ xấu, nên người ta sống hơi lạnh lùng ở Sài Gòn.”
Chị
Hiền cho biết thêm là hiện tại, có thể nói rằng Sài Gòn đã quá tải về
nạn trộm cắp, đến mức khi bị mất cắp, nạn nhân có thể nghi vấn ngay cả
người trong nhà hoặc hàng xóm của mình. Vì lẽ, tốc độ xâm nhập và lấy
cắp đồ đạt của phường đạo chích quá nhanh, nhanh ngoài sức tưởng tượng.
Chỉ cần sơ hở trong vòng vài chục giây cho đến vài phút thì mọi việc đã
hoàn toàn thay đổi, tài sản bị mất, thậm chí tính mạng bị đe dọa.
Hôm
mồng Ba Tết, chị chở đứa con trai đi thăm bà con, đến công viên Gia
Định ở đoạn cuối đường Nguyễn Kiệm, con trại chị muốn dạo chơi công viên
một chút, chị dừng xe, khóa cổ cẩn thận và đặt con trai ngồi xuống ghế
đá. Khoảng thời gian từ lúc dừng xe, khóa cổ và bế con đặt xuống ghế đá
chưa đầy hai mươi giây. Nhưng hỡi ôi, khi chị quay lưng lại thì chiếc xe
Honda Lead đã không cánh mà bay cùng với chiếc túi xách bỏ trong cốp
xe. Chị truy hô nhưng kẻ trộm đã nhanh chân tẩu thoát về đâu không rõ.
Mấy
ngày Tết, gia đình chị sống trong buồn bã và lo lắng vì đây là phương
tiện duy nhất của hai vợ chồng chị để chồng chị đi làm, đưa con đến lớp
và đón con về nhà. Riêng chị, đang thất nghiệp, cộng thêm chuyện mất xe
ngày đầu năm như vậy, chẳng biết nói gì ngoài việc tự trách mình rồi
khóc thầm, tức tưởi.
Không
chỉ lấy cắp những thứ có thể bán kiếm tiền ngay, mà ngay cả giấy tờ, kẻ
trộm cũng dám lấy nếu gặp cơ hội, sau đó chúng sẽ gọi điện thoại hẹn
địa điểm để chuộc với giá tiền có thể chấp nhận được. Những trường hợp
như thế, người dân không dám báo công an vì sợ gây thù chuốc oán với
chúng. Hơn nữa, nếu có báo công an cũng chưa chắc đã được gì, chính vì
thế, kẻ trộm ở Sài Gòn càng ngày càng lộng hành và hung tợn. Đôi khi, có
cảm giác như dân kẻ trộm xem Sài Gòn là chốn không người, muốn tác oai
tác quái cỡ nào thì tùy thích.
Những
ngày Tết và sau Tết, do kinh tế xuống cấp, do đói khổ và vả độ sau
những canh bạc, kẻ trộm tha hồ ra tay, tha hồ lộng hành ở Sài Gòn.
No comments:
Post a Comment