Một hôm nhà có việc, người chồng bảo người vợ đi mua một con cua.
Ngặt một điều là cả vợ lẫn chồng chưa từng biết con cua mặt mũi nó như
thế nào mà chỉ là nghe nói qua mà thôi. Bàn cãi một hồi thì người chồng
kết luận rằng con cua phía trên có cái mai cứng, dưới bụng có 8 hoặc 10
cái que và càng gì đó.
Nhìn tới nhìn lui người chồng thấy có cái gì đó không vừa lòng, không
đúng như những gì mình đã tưởng tượng. Cãi vã giữa vợ chồng diễn ra và
ngày càng gay gắt, đến mức làng xóm phải vào cuộc. Có một số người đã
biết con cua nhưng nói ra không ai nghe, nhiều người thấy cái mai thì
bảo đó là con rùa. Làng xóm bỗng dưng náo động chỉ vì cua với rùa, rốt
cuộc là dẫn đến việc thưa trình lên Xã. Ông Xã trưởng cũng chưa từng
nhìn thấy con cua, nhưng qua đám thuộc hạ cố vấn thì con cua không có
đuôi, mà con này lại có đuôi. Kết luận của Xã trưởng phán ra là con cá
đuối. Người vợ và nhiều dân làng không đồng ý.
Sự việc buộc phải “báo cáo lên cấp trên, nhờ chỉ đạo”.
Rồi cũng đến lượt quan Huyện phải “thụ án” và mở một phiên tòa trịnh
trọng “xử công khai” trước bàng dân thiên hạ. Qua một thời gian “nghiên
cứu và phân tích sâu sắc”, “nhận xét toàn diện”, “đánh giá kỹ lưỡng”,
“quyết xử đúng người đúng tội”, từ chiếc ghế chễm chệ giữa công đường,
quan Huyện vỗ áng phán:
“Con mua cua mua đã chẳng xong,
Kẻ nói rùa lại càng thêm rối,
Thằng cha Xã xử con cá đuối,
Cả ba đàng đều quấy cả ba.
Con dại thì có mẹ cha,
Dân dại cậy cùng quan trưởng.
Để ông phê minh chỉ thượng
Cho khỏi hoài nghi:
Cua, rùa, cá đuối giai phi
Này, này đưa ông xem lại!
Ấy chỉ là... con bò cạp nước.”
Và vụ xử thế là xong!
Cua, rùa, cá đuối có không?
Có!
Con bò cạp nước có không?
Người viết bài này không biết! Nhưng có thể nói rằng: Nó có thể có và có thể không!
Có thể là trên đời này không có con bò cạp nước. Nhưng nếu một ai đó
muốn nó có thì nó có, ít nhất là đối với bản thân người đó. Còn nếu
nhiều người muốn nó có, thì điều đó lại càng hợp lý hơn và dĩ nhiên là
sẽ có con bò cạp nước.
Con cua hay con rùa cũng vậy, nó có thể có và cũng có thể không. Sự khác
biệt chỉ là cái tên gọi. Giả sử con rùa mà đã được gọi là con rúa thì
dĩ nhiên trên đời này không có con rùa.
Ở miền trung và miền bắc không có trái khóm. Ở miền bắc và miền nam
không có trái thơm. Trái dứa ở miền nam và miền trung khác với trái dứa ở
miền bắc. Nhưng dứa, thơm, khóm là ba cái tên khác nhau ở ba miền được
dùng để chỉ một loại trái cây, và loại trái cây này thật sự hiện hữu.
Quyền tự do dân chủ hiện nay có ở Việt Nam hay không? Người dân bảo
không. Giới cầm quyền Cộng Sản Việt Nam (CSVN) nói có, thậm chí có gấp
vạn chế độ Tư bản đang giãy chết.
Trong phiên tòa Cua Rùa kể trên có ai biết con cua không?
Có. Dân làng có nhiều người biết nhưng nói ra không mấy ai tin.
Trên thế giới này có nơi nào người dân có quyền Tự Do Dân Chủ không?
Có! Nhưng hiện vẫn không ít kẻ đã ný nuận dzằng đó là Tự do Dân chủ kiểu
phương Tây, không phù hợp với văn hóa và hoàn cảnh lịch sử của Việt
Nam.
Nghe có phần quái đản lắm, nhưng tạm thời cứ mặc kệ.
Trong các phiên tòa xử những người “lợi dụng quyền tự do dân chủ” ở Việt
Nam có ai đặt vấn đề: “Người dân Việt Nam có quyền tự do dân chủ
không?”, hay ít nhất là đã chất vấn các “quan tòa” rằng “Quyền tự do dân
chủ là gì và như thế nào?” chưa?
Chưa thấy!
Trong vụ án Cua Rùa kể trên có Trạng sư hay Thầy cãi nào không?
Không thấy nói đến.
Trong các phiên tòa xử người “lợi dụng quyền tự do dân chủ” ở Việt Nam hiện nay có Luật sư không?
Rõ ràng là có. Thậm chí có khi không phải chỉ là một mà nhiều Luật sư.
Con cua có que, có càng. Con bò cạp (trên cạn) cũng có que, có càng.
Dưới nước cũng có nhiều loài có que, có càng. Chỉ có điều là chưa ai
biết “bò cạp nước” là cái tên được gán (quy định) cho một loài càng que
nào, nhưng một khi “ông quan Huyện” phán ra thì thần dân chẳng ai dám
cãi lại. Lấy không làm có. Vẽ tranh trên mặt nước.
Ngay cả Luật sư cũng chẳng có được một sự phân định rõ ràng cái “quyền
tự do dân chủ” là cái gì và nó như thế nào, mà lại chỉ biết đi cãi với
mấy “ông quan Tòa” rằng thân chủ của tôi làm cái này không phạm vào điều
“lợi dụng các quyền tự do dân chủ”, làm cái kia không phạm vào điều
“lợi dụng các quyền tự do dân chủ”, thì cua, rùa, cá đuối làm sao không
phải là... Con Bò Cạp Nước?
Những người bị kết án vì điều 258, và nhiều điều khác nữa từ Bộ Luật U
Minh Thượng của giới cầm quyền CSVN, không phải là do bản thân những
điều Luật đó. Mà rõ ràng là chỉ vì xưa nay các Luật sư chỉ lo đi tranh
cãi cái mai, cái que, cái càng, cái đuôi đó không thuộc về con... Bò Cạp
Nước.
Trong khi những thứ đó đang là của một con sam!
No comments:
Post a Comment