Thụy My
Nhà bình luận Phạm Chí Dũng. |
RFI :
Thân chào nhà bình luận Phạm Chí Dũng. Thưa anh, gần đây có một loạt
các sự kiện xảy ra, chẳng hạn như bản thân anh bị ngăn chận không cho đi
Thụy Sĩ dự hội thảo, rồi việc bắt ông Nguyễn Bắc Truyển, hay sách nhiễu
nhà thờ Thái Hà… Phải chăng chính quyền đang có những dấu hiệu cứng rắn
hơn ?
Nhà bình luận Phạm Chí Dũng
: Để đánh giá vấn đề này, chúng ta cần phải nhìn lại biện chứng lịch sử
của năm ngoái. Quả là ngay sau Tết nguyên đán năm 2014, đã nổi lên một
loạt sự kiện không bình thường và có thể nói là rất, rất không bình
thường. Tôi thống kê có năm vấn đề như vậy.
Thứ
nhất là việc ngăn chận tôi đi Thụy Sĩ dự một hội thảo về nhân quyền với
tư cách một diễn giả chính thức, khách mời của tổ chức UN Watch Liên
Hiệp Quốc. Hoàn toàn chính danh, không có lý do nào để ngăn cản tôi.
Sự
kiện thứ hai là như đài RFI vừa nhắc, là việc bắt ông Nguyễn Bắc Truyển
– một cựu tù nhân lương tâm và 24 tiếng đồng hồ sau thả ra, với một lý
do không đâu vào đâu liên quan tới vấn đề công nợ. Nhưng thật lạ lùng là
một người bị tình nghi chỉ vì vấn đề công nợ thôi, mà lại bị hàng trăm
công an và những côn đồ mặc thường phục xông vào nhà đè xuống, bịt mắt,
đấm đá, quẳng lên xe thùng chở đi và di lý tới cả trại giam Chí Hòa ở
Saigon.
Liên
quan đến trường hợp Nguyễn Bắc Truyển, chúng ta đều biết là chị Bùi
Hằng – một người thân của anh Truyển đến đòi thả anh và những người
khác, đã bị bắt giam cùng một số người. Có thể nói là họ bị câu lưu vô
cớ, và nghe nói là bị đánh đập.
Sự
kiện thứ ba là cùng lúc diễn ra việc công an lọt vào nhà thờ Thái Hà,
và có hành vi mang tính chất sách nhiễu đối với linh mục và giáo dân,
đến mức linh mục phải rung chuông báo động và giáo dân phải kéo đến chi
viện đồng thời đóng cổng. Cuối cùng công an phường khu vực đó đã phải
ngỏ lời xin lỗi thì mới được ra về.
Đồng
thời có một sự việc nữa rất vô lý và vô cớ, là nhà ông Huỳnh Ngọc Tuấn ở
Tam Kỳ, Quảng Nam bị một số côn đồ mặc thường phục ném gạch đá vào, gia
đình ông đã phải kêu cứu. Chúng ta nhớ rằng mới tháng 12 năm ngoái
thôi, ông Huỳnh Ngọc Tuấn đi cùng với một đoàn anh em tới thăm gia đình
tù nhân lương tâm Phạm Văn Trội ở khu vực Hà Nội, thì ông Tuấn đã bị
công an khu vực đánh. Nghe nói là gãy xương ức, có cả hình chụp X quang.
Sự
việc cuối cùng xảy ra là đã không có một lễ tưởng niệm nào cho ngày
Trung Quốc xâm lược Việt Nam, ngày 17 tháng Hai sắp tới. Trong khi đó
mới tháng Giêng thôi, sự việc tưởng niệm Hoàng Sa trước đó đã được thống
nhất là cho Đà Nẵng tưởng niệm. Đà Nẵng đã hoàn thành đến 99% toàn bộ
công trình, nhưng đến giây phút cuối cùng bị ngăn lại. Còn lần này có
một sự dứt khoát, từ một chỉ thị mật nào đó của Ban Tuyên giáo trung
ương là các báo không được đưa tin. Mới đây thôi, tờ Một Thế Giới đã
phải gỡ bài đưa tin kỷ niệm ngày 17 tháng Hai xuống. Trong khi đó các
báo khác gần như lắng tiếng.
Mặc
dù ông Nguyễn Thế Kỷ là trưởng ban Tuyên giáo trung ương gần như thề
thốt với đài BBC rằng ông không biết gì về chuyện ra lệnh để ngưng những
bài báo kỷ niệm ngày 17 tháng Hai, nhưng dư luận cho rằng đây là việc
đã xảy ra tới một trăm lần, nhiều đến mức người ta không còn tin vào bất
kỳ lời lẽ của một quan chức tuyên giáo nào ở Việt Nam.
RFI : Những động thái này có vẻ không phù hợp với việc Việt Nam đang giữ một chiếc ghế trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ?
Nhà bình luận Phạm Chí Dũng
: Chỉ sau ngày Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát về nhân quyền (UPR) đối với
Việt Nam tại Thụy Sĩ 5/2 mới vừa qua thôi, thì tình hình vi phạm nhân
quyền lập tức nóng lên, và nóng lên một cách bất thường.
Điều
đó làm cho tôi nhớ lại vào tháng Chín năm ngoái cũng đã xảy ra một loạt
vụ việc vi phạm nhân quyền, liên quan tới khá nhiều tôn giáo như Cao
Đài, Tin Lành, Công giáo ở Mỹ Yên cũng xô xát dữ dội. Và cũng có cả
những dấu hiệu gần tương tự như vụ Nguyễn Bắc Truyển vừa rồi ở Đồng
Tháp, xảy ra ở nhà ông Nguyễn Tường Thụy – một nhà văn đồng thời là
blogger ở Hà Nội.
Khi
đó gia đình Phương Uyên ra chơi Hà Nội, đến thăm ông Nguyễn Tường Thụy,
thì đột ngột vào buổi tối trước khi gia đình chuẩn bị lên máy bay về
Saigon, có khoảng hai chục công an và côn đồ nhào vào nhà bắt họ đi và
đánh đập khá tàn nhẫn. Bắt một cách vô cớ, nhưng sau sáu tiếng đồng hồ
thì thả ra, cũng không đưa ra một lý lẽ nào đủ thuyết phục.
Điều
đó làm rùm beng công luận kể cả báo đài quốc tế. Và dường như có một sự
cố ý để làm rùm beng như vậy, thông tin cho báo đài quốc tế để quốc tế
thông tin lại cho dư luận trong nước, khuấy động dư luận quốc tế, tạo ra
phản ứng đáng kể của phương Tây đối với Việt Nam về vấn đề vi phạm nhân
quyền.
Thì
lần này cũng vậy. Sự việc bắt và thả Nguyễn Bắc Truyển chỉ vì vấn đề
công nợ, và sau đó bắt Bùi Hằng cùng một số người khác cũng đang gây ra
một làn sóng phẫn nộ khác từ giới chức quan ngại về vấn đề nhân quyền
của phương Tây.
Hai
thời điểm tháng Hai năm nay và tháng Chín năm ngoái lại có một điểm
chung liên quan đến Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương
(TPP). Vào tháng Chín năm ngoái, nếu tôi nhớ không lầm thì những vụ việc
vi phạm nhân quyền xảy ra trước khi diễn ra vòng đàm phán thứ 18 cấp bộ
trưởng tại Brunei về vấn đề TPP. Còn lần này vào cuối tháng Hai, theo
dự kiến sẽ diễn ra cuộc đàm phán vòng thứ 21 cấp bộ trưởng, cũng về TPP.
Một
điểm nữa không thể không nói tới, là tháng Chín năm trước, cùng với sự
việc sắp diễn ra vòng đàm phán về TPP tại Brunei, cũng là một chuyến đi
của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới New York, gặp Bộ trưởng Bộ Thương mại
Hoa Kỳ, và cũng đề cập tới vấn đề TPP.
RFI : Còn lần này thì sao, thưa anh ?
Nhà bình luận Phạm Chí Dũng
: Có lẽ người ta cũng đang đặt dấu hỏi đối với Thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng. Vì ngay từ đầu năm, chính Thủ tướng đã đưa ra một thông điệp ,
khác hẳn với các thông điệp của các nguyên thủ khác ở Việt Nam từ trước
đến nay, liên quan tới những cụm từ « nắm chắc ngọn cờ dân chủ », « Nhà
nước kiến tạo phát triển », kể cả « người dân có quyền được làm những gì
mà pháp luật không cấm ».
Như
vậy sau hai sự biến từ tháng Chín năm ngoái cho tới tháng Hai năm nay
có một điểm chung liên quan tới TPP, và có lẽ cũng có một điểm chung
liên quan tới Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, thì không thể tránh được việc
dư luận đang rất hoài nghi. Và còn hơn nữa là nghi ngờ, liệu những hành
vi được coi là vi phạm nhân quyền vừa rồi của một số giới chức ở các địa
phương và ngay tại Hà Nội, là chỉ vì thái độ phản kháng đối với nhân
quyền, hay còn lý do nào khác ?
Một
khả năng mà dư luận cũng đang đặt ra, là liệu có đang diễn ra một chiến
dịch của một lực lượng nào đó, ngăn trở một lực lượng khác ? Có dư luận
còn cho cụ thể hơn : liệu đó có phải là một chiến dịch của lực lượng
được gọi là phe bảo thủ, để cản trở phe lợi ích trong việc ngả về phương
Tây, xích lại gần hơn với phương Tây hơn ?
Gần
đây, sau Tết lại có một vài dấu hiệu nóng lên, liên quan tới chính
trường Việt Nam, đặc biệt là liên quan tới vụ xử án Dương Chí Dũng trước
Tết. Và nếu như lời khai của ông Dương Chí Dũng được điều tra nghiêm
túc thì có nhiều khả năng là cả con trai của ông Phạm Quý Ngọ là Phạm
Mạnh Hùng sẽ bị truy tố về tội danh môi giới hối lộ.
Ngoài
ra dư luận Việt Nam trong những ngày qua cũng rất quan tâm tới một sự
việc dường như có vẻ đứng bên lề tất cả những sự kiện chính trị, nhưng
lại có mối liên hệ không thể đặc biệt hơn với những sự kiện chính trị.
Đó là việc khai trương nhà hàng McDonald's của ông Nguyễn Bảo Hoàng.
Vietnamnet là một trong những tờ báo ăn khách nhất Việt Nam, thậm chí có
truyền thống, uy tín nữa, mà lại đăng một bài về ông Nguyễn Bảo Hoàng « Lý lịch trong sáng, sự nghiệp huy hoàng ».
Riêng
về « sự nghiệp huy hoàng » của ông Nguyễn Bảo Hoàng thì giới doanh nhân
có thể ở chừng mực nào đó chấp nhận được. Nhưng tựa đề « lý lịch trong
sáng » có lẽ là một tựa đề rất lạ. Vì « lý lịch trong sáng » thường chỉ
đặt ra trong nội bộ, trong việc xét nhân thân, tổ chức hoặc là kỷ luật
mà thôi. Việc một tờ báo phải đưa « lý lịch trong sáng » của một người
không phải là đảng viên lên trên mặt báo, là để thanh minh, hay để làm
gì ?
Chúng
ta có lẽ nên nhìn lại lời bình của giới quan sát ở phương Tây : việc
con rể của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tức nhà kinh doanh Nguyễn Bảo
Hoàng vừa khai trương McDonald's, như một dấu hiệu cho thấy quyền lực
của ông Dũng vẫn chiếm ưu thế ở Việt Nam. Tham vọng phát triển kinh
doanh của ông Nguyễn Bảo Hoàng có thể xem là một chỉ dấu cho thấy rằng
trong cuộc chạy đua quyền lực nước rút 2014, giữa ông Dũng và bộ sậu
chính trị còn lại ở Việt Nam, không có gì là khó khăn với ông.
Việc
tiếp tục phát triển mạnh mẽ các thương hiệu của con rể ông Dũng, như
báo Forbes, quỹ đầu tư IDC Venture ở Việt Nam, và nay là thương hiệu
McDonald cho thấy ông Dũng và các thành phần thân cận hoàn toàn tự tin
vào một tương lai chính trị của mình.
Còn
về phía người dân, trên thực tế hình ảnh của các nhà lãnh đạo Việt Nam
nghiêng về phương Tây vẫn làm cho họ thú vị hơn là đồng minh với Trung
Quốc – dù chỉ là thức ăn nhanh McDonald's.
RFI : Trở lại với việc anh bị ngăn chận không cho đi Thụy Sĩ, bây giờ nhìn lại anh có thể lý giải như thế nào ?
Nhà bình luận Phạm Chí Dũng :
Sau khi tôi bị ngăn chặn ở sân bay thì đã có dư luận nhiều chiều. Một
luồng dư luận đánh giá có lẽ là người ta e ngại vấn đề nhân quyền nên
ngăn chận tôi, e ngại « sẽ bị những thế lực thù địch lợi dụng » ở Thụy
Sĩ. Nhưng cũng có một luồng dư luận không đồng ý quan điểm đó. Họ thấy
hình như có một bàn tay kín đáo đã sắp xếp việc này. Họ cho đó là một
thế lực không muốn Việt Nam có khuynh hướng xích lại gần phương Tây.
Vậy
thế lực đó là ai ? Và dư luận còn cho rằng đó là một thế lực khoác một
cái áo phá đám phương Tây, thường gây rối trong thời gian qua. Sau đó
tôi tự nhiên nghe được một luồng thông tin - dường như cố ý để đến tai
tôi rằng, có một sự thống nhất giữa ông Trương Tấn Sang và ông Nguyễn
Tấn Dũng về việc không cho tôi đi Thụy Sĩ.
Tôi
ngạc nhiên, về hai khía cạnh. Một là tôi không nghĩ vụ việc của tôi lại
lên tới tầm cỡ Bộ Chính trị. Thứ hai, nếu có lên tới tầm cỡ đó, thì ông
Sang và ông Dũng phải cùng thống nhất với nhau – một việc đáng ngạc
nhiên, nếu xét từ Hội nghị trung ương 6 vào tháng 10/2012 cho đến nay.
Đó là một thông tin mà tôi thấy ngẫu nhiên, kỳ quặc và có vẻ cố ý.
Nhưng
sau đó tôi lại nhận được một luồng thông tin khả tín, cho biết ông
Trương Tấn Sang đã khẳng định ông hoàn toàn không biết gì về việc tôi bị
ngăn chận ở sân bay, thậm chí còn nói rằng, trong một nền dân chủ pháp
quyền như ở Việt Nam hiện nay, tôi có thể kiện về việc tôi bị ngăn chận.
Những
thông tin này làm cho tôi suy nghĩ rất nhiều. Tôi cho rằng nếu ông Sang
không biết gì về vụ việc của tôi, thì có lẽ ông Nguyễn Tấn Dũng cũng
không phải là người quá quả quyết, hoặc có lẽ cũng không có ý kiến gì
trong việc ngăn chận tôi. Như vậy giả thiết ông Dũng và ông Sang bắt tay
thống nhất không cho tôi đi Thụy Sĩ có vẻ không vững chắc, không có
thật. Đó là những suy nghĩ của tôi về vấn đề cỏn con này.
RFI : Sắp tới sẽ xử phúc thẩm luật sư Lê Quốc Quân, theo dự đoán của anh phiên tòa lần này sẽ ra sao ?
Nhà bình luận Phạm Chí Dũng
: Vụ việc của Lê Quốc Quân sẽ tùy thuộc vào một số yếu tố. Vấn đề nhân
quyền ở Việt Nam có lẽ chúng ta cần nhìn lại biện chứng một chút. Vào
tháng Chín năm ngoái, những vụ hành xử vi phạm nhân quyền của một số địa
phương đã diễn ra trong ba tuần lễ liên tục.
Nếu
quả thực có một thế lực nào đó can thiệp kín đáo và đạo diễn cho những
vụ việc này, với động cơ không hẳn là nhắm vào nhân quyền, mà mượn nhân
quyền để tạo ra những xung khắc, mâu thuẫn nội bộ, hạn chế đà luân
chuyển của Việt Nam ngả về phương Tây, thì tôi cho rằng kỳ này cũng có
thể như vậy. Tức là những vi phạm nhân quyền như vừa rồi có thể kéo dài
hai tới ba tuần.
Chúng
ta cần nhớ lại, tháng Chín năm ngoái cũng đã xảy ra năm, sáu vụ việc
liên quan đến vi phạm nhân quyền, và thời gian vừa qua cũng xảy ra bốn,
năm vụ. Vấn đề là thời gian diễn biến của các vụ này kéo dài bao lâu.
Sau những vụ trong đầu tháng Hai này, liệu còn những vụ nào xảy ra ?
Có
một điểm trùng hợp : những vụ vi phạm nhân quyền xảy ra vào tháng Chín
năm trước, là trước chuyến đi của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến Việt
Nam khoảng hai tháng rưỡi. Còn những hiện tượng liên quan tới vấn đề
nhân quyền vào đầu tháng Hai năm 2014, lại xảy ra trước chuyến đi của
Tổng thống Barack Obama đến châu Á, cũng khoảng hai tháng đến hai tháng
rưỡi.
Những
điểm tương đồng khó mà bỏ qua được, và tôi cho là có liên quan mật
thiết đến số phận của Lê Quốc Quân, vì ông sẽ được đưa ra xử phúc thẩm
vào ngày 18/2. Cuối tháng Hai là thời điểm một cuộc đàm phán về TPP cấp
bộ trưởng, nhưng cho tới nay vấn đề TPP gần như chưa ngã ngũ.
Theo
một thông báo của Ủy hội Nhân quyền Tom Lantos Hoa Kỳ mới đây, đòi trả
tự do cho Đỗ Thị Minh Hạnh, Đoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Phước Hùng, họ
nói thẳng ra là Việt Nam cần phải đạt được những tiến bộ có thể chứng
minh, như lời của Ngoại trưởng John Kerry và ông Scott Bubby, thì lúc đó
mới có thể thỏa mãn những điều kiện về TPP.
Vào
lúc phiên xử sơ thẩm Lê Quốc Quân, vòng đàm phán Brunei đã kết thúc.
Lúc đó tôi nhớ là lại có thêm một điều kiện nữa về nghiệp đoàn lao động
do phía Mỹ đặt ra, mặc dù phái đoàn thường trực của Việt Nam nhận được
một ưu ái là có ân hạn 5 năm trong việc cải cách các doanh nghiệp và tập
đoàn kinh tế nhà nước, nhưng họ không làm sao có thể thỏa mãn được vấn
đề nghiệp đoàn lao động và quyền được lập hội.
Lần
này cũng vậy thôi. Cho tới nay vấn đề TPP gần như chưa được thỏa mãn
một điều kiện nào từ phía Việt Nam. Mà nếu Việt Nam không đáp ứng được
những yêu sách của các nước trong TPP và đặc biệt là Hoa Kỳ, thì làm sao
có thể được chuẩn y một cách dễ dàng vào Hiệp định Đối tác Kinh tế
xuyên Thái Bình Dương, giống như lọt một cách dễ dàng vào Hội đồng Nhân
quyền Liên Hiệp Quốc.
Tôi
cho rằng Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và TPP khác nhau hoàn toàn,
đặc biệt giữa tính chính trị và tính kinh tế. Giữa cái « hữu danh vô
thực » về mặt quyền lợi, và một điều rất thiết thân về quyền lợi đối với
kinh tế Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đang sa sút thảm
hại như hiện nay.
Cho
nên cùng với những dấu hiệu vi phạm nhân quyền của một số cơ quan, giới
chức Việt Nam trong thời gian đầu tháng 2/2014, đặc biệt nổi lên ngay
sau kỳ UPR tại Thụy Sĩ, tôi cho rằng khả năng đối với Lê Quốc Quân hiện
nay, giữa kết quả xấu và kết quả tốt, là 50/50. Thậm chí có một chút nào
đó nghiêng về khả năng xấu hơn.
Trước
phiên xử phúc thẩm này cũng đã có một số thông tin cho rằng khả năng
kết quả phúc thẩm có thể y án 30 tháng tù giam ; như vậy đó là một kết
quả tồi ! Một kết quả thật không may mắn đối với Lê Quốc Quân. Nếu may
mắn hơn, phải được như Phương Uyên, tức là trả tự do ngay tại tòa vào
tháng 8/2013.
Cho
nên nếu đưa Lê Quốc Quân ra xử ngay vào thời điểm này, tôi e rằng thế
bất lợi thuộc về ông. Tốt nhất thời điểm xử Lê Quốc Quân nên dời lại vào
khoảng tháng 5, tháng 6 năm nay. Vì khi đó số phận của Hiệp định Đối
tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương đối với Việt Nam có lẽ cũng đã rõ hơn,
thậm chí sau chuyến đi châu Á của ông Obama, có thể có những kết quả
được Việt Nam mong đợi đã xuất hiện.
Như
lời của đại sứ Việt Nam tại Mỹ - ông Lê Quốc Cường, mong rằng sẽ có kết
quả tốt qua chuyến đi châu Á của Tổng thống Obama về vấn đề TPP đối với
Việt Nam. Đồng thời vào khoảng giữa năm 2014 tôi cho là cũng có thể dứt
điểm về vụ điều tra những tình nghi đối với ông Phạm Quý Ngọ, và với cả
bầu Kiên nữa. Như vậy có thể đến lúc đó những điều kiện thuận lợi sẽ
thuộc về Lê Quốc Quân nhiều hơn, và biết đâu đấy, trong một xu thế cởi
mở hơn về mặt chính trị, thân thiện hơn đối với phương Tây, Nhà nước
Việt Nam sẽ quyết định tha bổng Lê Quốc Quân.
RFI : Tóm lại, như dư luận vẫn thường nói, số phận của các nhà dân chủ ở Việt Nam chỉ là những con cờ để chính quyền mặc cả…
Nhà bình luận Phạm Chí Dũng :
Dư luận rất hoài nghi, và bản thân tôi cũng không thể tránh được nghi
ngờ. Có một sự thật hiển nhiên xảy ra trước Tết vừa rồi, là trường hợp
ông Nguyễn Hữu Cầu – một cựu sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hòa, đã ở tù
ròng rã 38 năm. Chúng ta nhớ là Nelson Mandela ở Nam Phi chỉ có 27 năm
thôi. Ông Nguyễn Hữu Cầu ở tù 38 năm, không biết còn được một chút sinh
khí nào của con người hay không. Trước Tết vài tuần, gia đình ông Cầu
được thông báo là ông sẽ được về, nhưng mãi đến sát thời điểm giao thừa,
cả nhà tuyệt vọng. Những người thân và hàng xóm mô tả là gia đình không
cầm được nước mắt, vì không thấy người thân của mình sau 38 năm được
trở về nhà như lời hứa hẹn của công an.
Như
vậy nghĩa là sao ? Dường như có những động thái không trùng khớp với
nhau, thậm chí mâu thuẫn hoàn toàn trong việc định đoạt số phận của ông
Nguyễn Hữu Cầu. Người ta cũng cho rằng có thể một ai đó, hoặc một số ai
đó muốn thả ông Cầu, nhưng sau đó một ai đó hoặc một số ai đó khác lại
không muốn thả.
Và
tại sao lại không muốn thả ông Nguyễn Hữu Cầu ? Ông không còn sức nữa,
vậy thì họ muốn giữ ông để làm gì ? Và cũng không thể tránh được một dư
luận đồn đoán lâu nay là dường như ở Việt Nam đang tồn tại một thứ tài
nguyên rất đặc thù, đó là tài nguyên nhân quyền. Đây là một thứ tài
nguyên chỉ dùng để trao đổi trên bàn đàm phán, đổi lấy những lợi ích
kinh tế.
Một
luồng dư luận nữa đánh giá sâu sắc hơn, trong những liên đới lịch sử
cận đại của Myanmar. Nếu vào đầu năm 2011 Myanmar vẫn còn tồn đến gần
300 tù chính trị, thì trong suốt năm 2011, 2012 và 2013, chế độ của ông
Thein Sein đã liên tục thả các tù chính trị, và đến cuối 2013 là thả
sạch, không còn một tù nhân lương tâm nào.
Đổi
lại, Myanmar được gì ? Được Câu lạc bộ Paris xóa nợ 6 tỉ đô la, Nhật
Bản cũng xóa nợ gần 2 tỉ đô la, và gần đây nhất là Đức xóa nợ 500 triệu
đô la v.v…Họ có những quyền lợi kinh tế đổi lại rất lớn, và cái để trao
đổi chính là tài nguyên nhân quyền.
Người ta cho là chẳng lẽ giờ đây một số lãnh đạo nào đó của Việt Nam đang sử dụng thủ pháp của Myanmar hay sao ?
RFI :
Chúng tôi xin chân thành cảm ơn nhà bình luận Phạm Chí Dũng đã vui lòng
dành thì giờ phân tích về tình hình gần đây tại Việt Nam./.
------------------
Ý kiến độc giả:
Theo suy luận ở trong bài thì xem ra khi Liên Hiệp Quốc cho Việt Nam
gia nhập làm thành viên của Uỷ Ban Nhân Quyền của LHQ thì có lẽ họ cũng
có ý định kéo VN vào vòng ảnh hưỏng thân thiện với thế giói tự do để xa
dần sự kềm chế của Trung Quốc ! Nếu được vậy thì “thằng đốt nhà” chắc
cũng sẽ từ từ bỏ nghề đốt nhà để trở thành “tên lính cứu hỏa” hay sao ?
Nghĩ cho vui thế thôi !! Điền Phong
No comments:
Post a Comment