* Tại sao Lễ kỉ niệm 40 năm Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa 19.1.2014 đã bị dẹp?
* Tập Cận Bình đã nói gì với Nguyễn Phú Trọng qua đường giây nóng 22.1.2014?
* Vì đâu Bắc Kinh đang thực hiện mưu đồ được đằng chân lân đằng đầu?
Âu Dương Thệ (Danlambao)
- Ngay vào đầu năm 2014 nhà cầm quyền Bắc Kinh xuyên qua tỉnh Hải Nam
đã ra lệnh, các tầu quốc tế đánh cá và thăm dò trên khu vực "đường lưỡi bò" do Bắc Kinh tự đặt phải xin phép và chịu sự kiểm soát của hải quân Trung Quốc.[1]
Như vậy là Bắc Kinh muốn cho thế giới biết, họ mặc nhiên đơn phương coi
khu vực biển Đông thuộc hải phận của Trung Quốc (TQ) và họ có toàn
quyền từ kiểm soát tới chiếm đóng và khai thác tài nguyên. Đây là hành
động leo thang mới cực kì ngang ngược của Bắc Kinh không chỉ đối với VN
mà cả toàn thế giới. Vì cho tới năm trước, mãi tới giữa năm Bắc Kinh mới
chỉ ra lệnh cấm tầu quốc tế vào khu vực hải quân TQ tập trận ở biển
Đông, có giới hạn thời gian và không gian.
Thời điểm công bố quyết định cực kì ngang ngược này cũng được Tổng bí
thư, Chủ tịch nước và kiêm Chủ tịch Quân ủy Trung ương - tức Tổng tư
lệnh quân đội nhân dân TQ - chọn thích hợp và thông báo rộng rãi trước
dư luận quốc tế một tuần trước khi Hà Nội cử phái đoàn Trần Duy Hải, Phó
Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc gia về biên giới-lãnh thổ Bộ Ngoại giao Việt Nam
sang Bắc Kinh tiến hành "vòng tham vấn thứ nhất về cùng khai thác trên biển giữa hai nước Trung-Việt".[2]
Cách xếp đặt thứ tự ưu tiên, trước hết loan tải rộng rãi trên thế giới
về quyết định của họ kiểm soát toàn bộ đường lưỡi bò trên biển Đông, sau
đó mới đưa tin về cuộc đàm phán song phương giữa Hà Nội-Bắc Kinh về
cùng khai thác trên biển, làm cho Hà Nội như cá mắc câu của Bắc Kinh! Vì
thế mặc dầu đây là một sự leo thang mới rất ngang ngược của Bắc Kinh
nhưng Hà Nội vẫn chỉ phản đối rất yếu ớt và mang tính thông lệ, không
những thế Hà Nội cũng không dám rút phái đoàn về nước để tỏ ý chí phản
đối. Thái độ khúm núm và ngậm miệng của Hà Nội đã đánh lạc sự theo dõi
của dư luận thế giới, vì nghĩ là Hà Nội đã nhìn nhận thẩm quyền của Bắc
Kinh trên biển Đông! Cho nên ngoài Hoa Kì và Nhật đã lên tiếng phản đối
công khai ngay, nhưng nhiều nước khác đã giữ thái độ im lặng!
Giữa khi Bắc Kinh leo thang xâm phạm chủ quyền thì những người có quyền lực ở Hà Nội có động thái như thế nào?
Ngày 30.12.13 Nguyễn Tấn Dũng đã chủ ý tới thăm Hội Nghiên cứu Lịch sử
VN, tại đây ông đã tuyên bố rất nổ và cho biết là, năm 2014 sẽ tổ chức
hai kỉ niệm 40 năm cuộc đánh chiếm Hoàng Sa của Trung Quốc
(19.1.1974-19.1.2014) và 35 năm Chiến tranh Biên giới phía Bắc
(17.2.1979 -17.2.2014). Chính báo chí lề đảng đã tường thuật lời tuyên
bố của ông Dũng:
"Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết, hiện Bộ Ngoại giao
đang lên kế hoạch kỷ niệm 40 năm sự kiện (1974) Trung quốc đánh chiếm
quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và 35 năm sự kiện tháng 2 năm 1979 -
chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc."[3]
Ông Dũng còn cho biết thêm: "Đó cũng là lợi ích của nhân dân. Bộ Chính trị rất quan tâm đến việc kỷ niệm này".
Trong dịp này không chỉ khoác áo người yêu nước, Nguyễn Tấn Dũng còn
đóng vai một nhà khoa học biết "quí" sự thật, vì thế ông đã nói: "Lịch sử là lịch sử, sự thật là sự thật." [4]
Hai ngày sau trong Thông điệp năm mới 2014 Nguyễn Tấn Dũng còn tự khoe là người bảo vệ "dân chủ". Ông dõng dạc tuyên bố “Dân chủ và Nhà nước pháp quyền là cặp “song sinh”, theo đó:
"Nhà nước pháp quyền phải thượng tôn pháp luật. Pháp luật phải bảo
đảm được công lý và lẽ phải. Mọi hạn chế quyền tự do của công dân phải
được xem xét cẩn trọng và chủ yếu nhằm bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm an ninh
quốc gia, trật tự an toàn xã hội và những giá trị văn hóa, lịch sử, đạo
đức tốt đẹp của dân tộc. Người dân có quyền làm tất cả những gì pháp
luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp
của mình." [5]
Cách nói làm như đinh đóng cột của ông Dũng khiến một số nhà khoa bảng cũng đã cảm động và cả tin, có người nói "thông điệp cho thấy Thủ tướng muốn đổi mới thật" [6] hay "ngọn gió tốt lành thổi vào năm mới" và "một tư tưởng hết sức tiến bộ".[7]
Nhưng nhiều người có kinh nghiệm và nhận thức chín chắn thì biết rõ,
đây chỉ là trò treo đầu dê bán thịt chó đã rất quen thuộc của ông Thủ từ
nhiều năm qua. Nguyễn Tấn Dũng biết thừa là, trong lãnh vực đối ngoại
thì Thủ tướng chỉ là người thừa hành. Chính điều này đã được Tổng bí thư
Nguyễn Phú Trọng - đối thủ chính của Nguyễn Tấn Dũng- nói rất rõ trong
Hội nghị Ngoại giao lần thứ 28 ở Hà Nội vào giữa tháng 12.13:
"Kiên định nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối và thống nhất quản
lý hoạt động đối ngoại. Thống nhất quản lý đối ngoại cả về chính trị,
kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh... là một yêu cầu vừa lâu dài, cơ
bản, vừa có tính thời sự cấp bách. Theo tinh thần đó, mọi quyết định và
hoạt động đối ngoại, nhất là những vấn đề liên quan đến sự ổn định và
phát triển của đất nước, đến độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an
ninh và danh dự quốc gia, đều phải tập trung vào một đầu mối dưới sự chỉ
đạo trực tiếp của Bộ Chính trị và Ban Bí thư." [8]
Tuy biết như vậy nhưng thời gian gần đây trong một số dịp Nguyễn Tấn Dũng vẫn đóng vai một chính khách "yêu nước".
Nhưng chẳng qua đây chỉ là mưu đồ củng cố lại quyền lực trước Đại hội
12 sắp tới, tìm cách gây thanh thế để giựt lại địa bàn chính trị đang bị
phe Nguyễn Phú Trọng giành từng mảng lớn qua việc một số thân tín đã và
sẽ bị xử về tội tham nhũng, phí phạm tài sản công và lạm quyền, như vụ
Dương Chí Dũng và Dương Tự Trọng bị lôi ra tòa vào cuối năm 2013 đang
làm uy tín của Nguyễn Tấn Dũng lung lay.
Vì thế các bài tường thuật của một số báo chí lề đảng về tuyên bố của
Nguyễn Tấn Dũng tại Hội Khoa học Lịch sử VN về việc tổ chức các lễ kỉ
niệm 40 năm TQ đánh chiếm Hoàng sa và 35 chiến tranh xâm lược đã được
lệnh phải gỡ bỏ ngay. Không những thế ngày 9.1.14 Ban Tuyên giáo Trung
ương do Đinh Thế Huynh cầm đầu đã công bố các ngày lễ quan trọng trong
năm 2014 sẽ được chế độ tổ chức, trong danh sách các này không có hai
ngày kỉ niệm trên, đặc biệt là năm nay là năm tròn đúng ra phải được kỉ
niệm long trọng.[9]
Cho tới nay "người hùng" Nguyễn Tấn Dũng vẫn im thin thít trước việc
các đồng chí cùng ngồi trong Bộ chính trị cố tình phá đám để lộ bộ mặt
thực của ông Dũng thích nổ to, nói một đằng làm một nẻo!
Một số sự kiện mới nữa minh chứng thêm về thái độ nói vậy nhưng không
phải vậy, không chỉ Nguyễn Tấn Dũng mà cả Nguyễn Phú Trọng, người vẫn
thường mở miệng là, "sức mạnh của Đảng là mối liên hệ máu thịt với Nhân dân!"
Mặc dầu biết là, những người cầm đầu chế độ toàn trị không dám đứng ra
tổ chức lễ kỉ niệm 19.1 vì sợ Bắc Kinh, nhưng để hành xử quyền công dân
chính đáng nên sáng 19.1 nhiều phụ nữ, thanh niên và nhân sĩ tụ tập về
Vườn hoa Lý Thái Tổ ở Hà Nội làm lễ kỉ niệm 40 năm Trung Quốc chiếm
Hoàng Sa và tưởng niệm các binh sĩ VN đã bị giết hại. Nhưng tại đây đã
xảy ra những sự việc mà ngay những người dân bình thường và đảng viên
còn biết tự trọng cũng vô cùng uất ức về những hành động ô nhục và hèn
hạ của công an nổi và chìm của chế độ toàn trị. Công an đã trá hình làm
công nhân dùng máy cưa đá gây tiếng động inh ỏi và bụi bặm, lấy cớ là
sửa chữa vườn hoa và công khai tìm mọi cách thô bỉ cản trở những người
tham gia. Như vậy là Lễ kỉ niệm của nhân dân đã bị phá, lệnh phá phải từ
cấp cao. Vì ngay tại Thủ đô Hà Nội làm sao họ không biết! GS Nguyễn Huệ
Chi là một trong những nhân sĩ có mặt trong lễ kỉ niệm đã thuật lại:
"Nhưng tất cả cái khối người đông đảo ùn ùn kéo đến và hăm hở từ xa
đều đột nhiên vỡ mộng như tôi, vì ai cũng như ai, bị ách cả lại chừng 20
mét trước tượng đài Lý Thái Tổ. Một tốp thợ đá đang chia nhau ngồi lầm
lỳ cưa xẻ những phiến đá lớn nhỏ xung quanh tượng đài (mà chốc sau, khi
đã vãn cuộc tôi đi quanh nhìn ngó mới biết các phiến đá họ cưa chỉ là
cưa để lấy bụi nên ném vương vãi khắp nơi, hằn sâu lằn ngang lằn dọc như
những chú chó đá há miệng cười trong truyện cổ tích, đến là khôi hài).
Thì ra đám bụi bốc lên rất cao che mờ cả bức tượng mà vừa đến đầu đường
tôi cứ tưởng là khói hương nghi ngút, chính là đám bụi đá do những người
thợ đá “hành nghề không đúng lúc” này đây."[10]
GS Chi đã đưa ra nhận xét phản ảnh tâm trạng của nhiều người là, dưới áp
lực của bá quyền Bắc Kinh thì ý đảng đã chống lại lòng dân như thế nào
và các thủ đoạn cùng tiểu xảo táng tận lương tâm của những người có
quyền lực trong việc ngăn chặn người dân làm lễ kỉ niệm:
"Chúng tôi đưa mắt nhìn nhau: một mưu kế đáng gọi là “kịp thời” nhưng
cũng đáng gọi là “cùng kế” của đám bộ máy chức năng, cốt để cản trở
buổi lễ mà họ cầm chắc là sẽ rất xúc động - mà sự xúc động của lòng dân
thì chính là điều bất lợi với nhà cầm quyền nếu nó được tổ chức trọng
thể. " [11] Nhiều người khác tham dự lễ kỉ niệm, trong đó có nhà giáo Phạm Toàn đã chia sẻ với nhận định chính xác của ông Chi: “Cả đêm qua, bộ tham mưu chắc là mất ngủ để nghĩ ra cái mẹo con nít này”[12]
Cũng trong thời gian này lễ kỉ niệm Hoàng Sa ở Đà Nẵng, nơi đặt căn cứ
hành chánh (trên giấy) của Hoàng Sa, dự tính có cả đốt nến tưởng niệm
các binh sĩ (Việt nam Cộng hòa) đã hi sinh trong khi bảo vệ Hoàng Sa
1.1974. Nhưng vào phút chót ban tổ chức đã phải hủy bỏ việc này. Tuy họ
nói là đã tự ý, nhưng ai cũng biết đây cũng là lệnh từ cấp cao! [13]
Những hành động và hình ảnh đau lòng chua chát trên từ phía nhà cầm
quyền toàn trị đối xử với những người tham dự lễ kỉ niệm khiến cho những
lời hứa long trọng và tuyên bố hùng dũng trong Thông điệp năm mới của
Nguyễn Tấn Dũng như "Nhà nước pháp quyền phải thượng tôn pháp luật" và "Người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình" mới chỉ vài ngày trước, hay lời ngọt ngào "lòng dân ý đảng là một" của Nguyễn Phú Trọng chỉ là những trò đóng kịch bịp bợm, bong bóng xà phòng. Những
gì họ ra lệnh cho công an đối xử hỗn láo trơ trẻn với phụ nữ, thanh
niên và nhân sĩ tham dự lễ kỉ niệm ngày 19.1 đã cho thấy, họ đã tự đánh
mất lương tâm và lòng tự trọng. Cho nên nhân dân không còn sợ, chỉ coi
họ như anh khổng lồ đi bằng đất sét. Ai cũng thấy, chính lệnh của Bắc
Kinh khiến bọn "vua tập thể" trong Bộ chính trị ở Hà Nội chỉ biết cúi đầu!
Những khẩu hiệu yêu nước, dân chủ của ông Thủ đã tan nhanh như bong bóng
xà phòng. Trong khi ấy ông Tổng cũng tỏ ra không thua kém ông Thủ trong
ngôn ngữ thùng rỗng kêu to! Thật vậy, sự thực đau buồn cứ tưởng như đùa
này về lòng dân ý đảng đang đi ngược chiều nhau 180 độ trong lập trường
đối với Bắc Kinh cũng vẫn được Nguyễn Phú Trọng lồng ép vào một lí luận
tam đoạn luận lạ lùng theo cách nói của kẻ cướp cầm dao trong tay.
Trong cuộc phỏng vấn của đài Tiếng nói VN vào dịp Tết Giáp Ngọ và kỉ
niệm 84 năm thành lập ĐCSVN người cầm đầu chế độ toàn trị đã lập luận:
"Sức mạnh của Đảng là mối liên hệ máu thịt với Nhân dân, cũng như sức
mạnh của Nhân dân là bắt nguồn từ sự lãnh đạo của Đảng, dưới sự lãnh
đạo của Đảng vì Nhân dân mà không có sự lãnh đạo, không có sự tổ chức
lại thì cũng không thể mạnh được. Hai mặt này quan hệ rất biện chứng với
nhau. Phải làm sao mà Đảng ngày càng gắn bó mật thiết hơn nữa với Nhân
dân." [14]
Nếu theo lời khuyên này, nhân dân ta cứ ngoan ngoãn theo sự lãnh đạo của
Nguyễn Phú Trọng là tôn thờ và trung thành với người anh cả phương Bắc
thì sẽ không mất biển, không mất đảo, rồi cả chủ quyền và độc lập cũng
được vững vàng, cần gì phải kỉ niệm những lễ chỉ gây phật lòng anh cả vĩ
đại!
Nhiều giới trong nhân dân và cả những đảng viên tiến bộ ngày càng thấy
rõ, tuy cả hai ông Tổng và Thủ dùng cách diễn tả khác nhau để nói ngọt
ngào rót vào tai người dân theo cách câu hò "ta với mình tuy hai mà một",
nhưng thực ra cả hai người này đều theo đuổi ý đồ riêng tư ích kỉ là
quyết giành quyền cho mình và phe cánh trước Đại hội 12 không còn xa,
còn số phận của nhân dân và tương lai đất nước ra sao thì họ chẳng thèm
đếm xỉa!
Cho nên bảo rằng phải chọn một trong hai người này thì có khác gì phải chọn giữa hai bệnh dịch hạch và thổ tả!!!
Tại sao Tập Cận Bình đã sử dụng đường giây nóng nói chuyện với Nguyễn Phú Trọng ngày 22.1.2014?
Như đã nói ở phần trên, càng gần ngày 19.1.2014, kỉ niệm 40 năm TQ xâm
chiếm Hoàng Sa thì báo chí điện tử độc lập phổ biến hàng loạt các bài
tường thuật, phỏng vấn nhiều giới về việc Bắc Kinh đã chuẩn bị và tổ
chức dùng lực lượng hải quân hùng hậu ngang ngược đánh chiếm Hoàng Sa
vào giữa tháng 1.1974 như thế nào, khi ấy còn nằm trong sự kiểm soát của
hải quân Việt Nam Cộng hòa. Ngay cả nhiều báo lề đảng cũng đã nhập
cuộc, bất chấp sự đe dọa của Ban Tuyên giáo. Không khí hòa giải dân tộc
và bảo vệ độc lập chủ quyền vươn lên đỉnh cao ngay trong những ngày đầu
năm 2014 giữa các tầng lớp nhân dân. Một điều chưa từng có từ sau 1975.
Các hoạt động này gây khó chịu và lo lắng không chỉ cho những người cầm
đầu chế độ CSVN mà còn dồn dập đến tai Tập Cận Bình ở Bắc Kinh qua thông
tin của sứ quan TQ ở Hà nội và các ngõ ngách điệp viên nằm vùng mà Bắc
Kinh đã gài trong các cấp và các lãnh vực ở Hà Nội. Vì tình hình này
trái với tinh thần thỏa hiệp của hai bên khi tái lập bang giao giữa hai
nước "khép lại quá khứ, hướng tới tương lai"! Khẩu hiệu này là
mệnh lệnh của Bắc Kinh với Hà Nội khi Đỗ Mười lúc ấy là Tổng bí thư cầm
đầu phái đoàn VN sang cầu hòa với Bắc Kinh vào đầu tháng 11 năm 1991.[15]
Chính vì thế Tập Cận Bình đã ra lệnh cho Nguyễn Phú Trọng phải ngăn chặn
các lễ kỉ niệm, ngưng phổ biến các bài tố TQ xâm chiếm Hoàng Sa 1974.
Bắc Kinh coi những hoạt động của nhân dân VN và cả một số báo chí lề
đảng liên quan tới dịp kỉ niệm 19.1 là đi quá xa vượt giới hạn mà Bắc
Kinh đã cho phép. Vì thế cuộc lễ kỉ niệm của nhân dân ở Hà Nội sáng 19.1
và lễ thắp nến ở Đà Nẵng tưởng nhớ các chiến sĩ đã hi sinh đã bị hủy
bỏ, như tường thuật ở trên.
Sau đó để tưởng thưởng theo cách xoa đầu trẻ con nên Tập Cận Bình đã mở
cuộc điện đàm với Nguyễn Phú Trọng qua đường giây nóng cho có vẻ long
trọng ngày 22.1.2014. Cách này là để vuốt mặt dư luận cho Nguyễn Phú
Trọng và xoa dịu tâm lí tự ti mặc cảm rất mạnh của người cầm đầu chế độ
toàn trị ở Hà Nội. Chủ ý này của Tập Cận Bình thể hiện rất rõ trong cuộc
điện đàm giữa hai người vào ngày 22.1 và đã được các cơ quan báo chí
hai bên phổ biến rộng rãi. Nội dung hoàn toàn không có gì mới, ngoài
việc xã giao mừng xuân mới và chúc kỉ niệm 64 năm hai nước thiết lập
ngoại giao, Tập Cận Bình chỉ nhắc lại 6 phương cách cũng là mục tiêu
trong bang giao và đối xử với nhau.
"Tổng Bí thư Tập Cận Bình đề xuất kiến nghị sáu điểm cho phát triển
quan hệ Trung-Việt. Một là duy trì các cuộc đi thăm cấp cao; hai là sâu
sắc trao đổi kinh nghiệm quản lý đất nước; ba là tăng cường điều phối
tổng thể; bốn là kiến tạo bố cục cùng có lợi và cùng thắng; năm là đặt
nền tảng vững chắc trong nhân dân cho phát triển tình hữu nghị
Trung-Việt; sáu là kiên trì xử lý thỏa đáng bất đồng qua đàm phán song
phương và hiệp thương hữu nghị, giữ gìn sự ổn định của tình hình của khu
vực Nam Hải, thúc đẩy quan hệ Trung-Việt phát triển lên phía trước một
cách ổn định." [16]
Dù 6 điều trên được gói ghém trong ngôn ngữ ngoại giao, nhưng các điểm 5
và 6 có nội hàm rất rõ ràng là, không để nhân dân và báo chí nói xấu
lẫn nhau, đồng thời không được quốc tế hóa mà phải "đàm phán song phương"
về những tranh chấp trên biển Đông và phải giữ ổn định ở biển Đông.
Trong phát biểu trả lời, Nguyễn Phú Trọng chỉ biết nhất trí với 6 điều
của họ Tập:
"Nhất trí về các phương hướng lớn nhằm duy trì và tiếp tục thúc đẩy
đà phát triển ổn định, thiết thực và lành mạnh của quan hệ hai nước
trong thời gian tới gồm tăng cường trao đổi, tiếp xúc cấp cao, đi sâu
trao đổi kinh nghiệm phát triển đất nước, tăng cường điều phối hợp tác
thông qua Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương, thúc đẩy và nâng cao hiệu
quả các lĩnh vực và cơ chế hợp tác, đẩy mạnh giao lưu nhân dân, nhất là
thế hệ trẻ, kiên trì phối hợp duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông
theo đúng các nhận thức và thỏa thuận chung giữa lãnh đạo cấp cao hai
nước." [17]
Vấn đề đặt ra ở
đây là, những gì Tập Cận Bình lập lại trong cuộc điện đàm 22.1 hoàn toàn
không có gì mới và Bắc kinh cũng chẳng thi hành điều nào cả, nhưng tại
sao Hà Nội lại vẫn một chiều vâng dạ tuân theo?
Thật vậy trong cuộc hội đàm riêng ngày 11.10 Hồ Cẩm Đào, khi ấy là Tổng
bí thư ĐCS TQ và Chủ tịch TQ, đã nói với tân Tổng bí thư Nguyễn Phú
Trọng theo kiểu ra lệnh:
"Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung quốc Hồ Cẩm Đào chỉ rõ, trước khi
tranh chấp trên biển được giải quyết, không nên áp dụng hành động làm
phức tạp hoá và mở rộng tranh chấp, xử lý những vấn đề xuất hiện bằng
thái độ bình tĩnh và mang tính xây dựng, không để những vấn đề liên quan
ảnh hưởng tới quan hệ hai Đảng và hai Nhà nước Trung Quốc-Việt Nam cũng
như hòa bình và ổn định của Nam Hải..." [18]
Lệnh trên của Hồ Cẩm Đào đã hầu như được ghi lại nguyên văn trong Thông
báo chung kết thúc chuyến thăm đầu tiên với tư cách tân Tổng bí thư của
Nguyễn Phú Trọng ngày 15.10.2011. Nhưng khi kiểm điểm lại tình hình an ninh biển Đông từ đó tới nay thì thỏa thuận là, hai bên "không nên áp dụng hành động làm phức tạp hoá và mở rộng tranh chấp"
đã hoàn toàn không được Bắc kinh thi hành. Trái lại từ đó đến nay Bắc
Kinh đã tính toán từng bước đưa ra những quyết định đơn phương chỉ có
lợi cho họ. Cụ thể như:
1. Tháng 7. 2012 Bắc Kinh cho lập thành phố Tam Sa trong đó có quần đảo
Hoàng Sa, nơi đang có tranh chấp với VN, thành cơ sở hành chánh mới của
TQ, nghĩa là mặc nhiên coi Hoàng Sa là lãnh thổ của TQ!
2. Lập căn cứ quân sự và cho các đơn vị quân đội TQ đóng thường trú ở Hoàng Sa.
3. Mở rộng các cuộc thăm dò và khai thác tài nguyên ngay trong các khu
vực còn tranh chấp, đồng thời cho các tầu hải giám TQ xâm nhập hải phận
VN ngăn cản các hoạt động của VN ngay trên hải phận VN.
4. Các chiến hạm TQ thường xuyên tuần tra trên khu vực đang có tranh chấp với VN và nhiều nước Đông Nam Á.
5. Cho cả ngàn tầu cá TQ ồ ạt vào biển Đông đánh cá dưới sự hộ tống của hải quân TQ.
6. Trong khi đó nhiều tầu đánh cá và ngư dân VN đã bị các tầu hải quân
TQ săn đuổi, cướp bóc, bắn phá tầu và gây thiệt mạng cũng như thương
tích.
7. Áp lực với giới cầm đầu CSVN cấm các cuộc biểu tình của nhân dân VN
chống chính sách bành trướng của Bắc kinh và ngăn cản các lễ kỉ niệm
19.1 và 17.2
8. Một trong hành động đầu tiên của Tập Cận Bình khi lên làm Tổng bí thư ĐCS TQ là tuyên bố quyết thực hiện "Giấc mơ vĩ đại nhất của Trung quốc" [19],
lập lại kỉ nguyên "Thiên triều". Mới nhất là ngay đầu năm nay đã ngang
ngược ra lệnh các tầu đánh cá quốc tế muốn đánh cá phải xin phép TQ. Sau
khi tự ý lập vùng phòng không ở Hoa Đông đang có tranh chấp với Nhật và
Nam Hàn, mới đây Bắc Kinh còn nói úp mở một khả năng tương tự lập vùng
phòng không ở biển Đông.[20]
Lí do nào đã khiến Bắc Kinh có thể được đằng chân lân đằng đầu trong sách lược tằm ăn dâu ở biển Đông?
Lí do đầu tiên là VN ngày càng lệ thuộc TQ về kinh tế, thương mại và tài
chánh. Chỉ nội 10 tháng đầu năm 2013 nhập siêu của VN với TQ đã lên tới
19,6 tỉ USD.[21]
Mỗi năm mức nhập siêu này càng gia tăng chóng mặt. Việc này trái với
những thỏa thuận của hai bên từ khi Giang Trạch Dân cam kết với Tổng Bí
thư Nông Đức Mạnh từ đầu thập niên đầu tiên của thế kỉ này. Trong Thông
báo chung với Nguyễn Phú Trọng 10.2011 nguyên Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào
cũng đã hứa như vậy! Hàng hóa TQ đủ loại tràn ngập VN, thậm chí cả phong
bì lì xì vào dịp Tết, đã làm tê liệt thêm kinh tế vốn yếu kém của VN.
Không những thế, phần lớn các vật liệu liên quan tới sản xuất quần áo ở
VN cũng xuất phát từ TQ. Đây là một trong những nguyên do chính khiến
Hoa Kì chưa để VN tham gia Hiệp ước về Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương
(TPP). Ngoài ra, tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và khoáng sản (Bộ Tài
nguyên môi trường) Nguyễn Văn Thuấn vừa cho biết, TQ đang kiểm soát tới
60% khoáng sản ở phía bắc VN xuyên qua các người Việt đứng tên.[22]
Điều này phải hiểu là, chỉ có những quan đỏ có máu mặt ở trung ương và
địa phương mới dám đứng ra đại diện cho các lái thương Trung Quốc để
được chia chác. Báo chí lề đảng còn xác nhận, phần lớn các công trình
xây dựng hạ tầng ở VN đã rơi vào tay các công ti TQ, do họ biết cách đút
lót cho các quan đỏ CSVN từ trung ương tới địa phương. Chính cố Thủ
tướng Phạm Văn Đồng đã nói rằng, một nước mà lệ thuộc kinh tế thì không
thể giữ được độc lập và chủ quyền. Tình hình này đang thực sự diễn ra
trong bang giao với Bắc Kinh.
Nhưng lí do chính và sâu xa khiến VN ngày càng lệ thuộc mọi mặt vào
TQ xuất phát từ tâm lí tự ti mặc cảm và tư duy lạc hậu, sai lầm về thế
giới quan "nhược tiểu, nhược quốc" của nhiều người đang nắm quyền lực
trong chế độ toàn trị ở VN.
Nguyễn Phú Trọng từ lâu đã nổi tiếng là người chỉ biết thần phục Bắc
Kinh. Thái độ thần phục đã biểu lộ trong câu nói khi ông làm Chủ tịch
Quốc hội với tuyên bố "Tình hình biển Đông không có gì mới" [23]
để chống lại yêu cầu đưa vấn đề gia tăng căng thẳng trên biển Đông ra
thảo luận trong Quốc hội. Bệnh tâm lí tự ti mặc cảm của Nguyễn Phú Trọng
càng bộc lộ rõ khi ông lấy làm vinh dự được người cầm trịch ở Bắc Kinh
chú ý. Trước những cuộc họp quan trọng của đảng ông đã tự khen về việc
Hồ Cẩm Đào khi ấy là Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước đã cử đặc phái viên
sang mừng Nguyễn Phú Trọng được cử làm Tổng Bí thư (1.2011):
“Chưa bao giờ ngay sau Đại hội, một số đảng anh em như... Đảng
Cộng sản Trung quốc cử đặc phái viên của Tổng bí thư, Chủ tịch nước sang
gặp Tổng bí thư ta để trực tiếp chúc mừng thành công của Đại hội”! [24]
Chẳng những thế ngay trước mặt cả hơn ngàn cán bộ trung và cao cấp tại
Hội nghị Cán bộ toàn quốc ngày 27.2.2012 khi nói tới các nhà lãnh đạo
Bắc Kinh, ông Trọng luôn luôn tỏ vẻ kính trọng, như "BẠN thường nhấn mạnh, không để bị "Tây hóa, tha hóa, thoái hóa!" [25] Một điều bạn bảo, hai điều bạn khuyên, có khác nào như thái độ coi đó như những lời bố dạy bảo!
Người đứng đầu còn giữ thái độ khúm núm như vậy, coi Bắc Kinh như thiên
triều ngày xưa, thì chẳng trách những người dưới quyền cũng quị lụy như
vậy. Cụ thể như khi sang Bắc Kinh chuẩn bị cho chuyến thăm TQ của Nguyễn
Phú Trọng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng và phụ
trách đối ngoại đã tuyên bố "Một thực tế hiển nhiên là Trung quốc cam kết không lấy đất, lấy biển của Việt Nam" [26]. Còn Tướng Ngô Xuân Lịch, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị, thì hứa với Bắc kinh "Việt
Nam không có ý định quốc tế hóa các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông.
Vấn đề tranh chấp giữa hai nước thì do hai nước giải quyết." [27]
Mới đây nữa là tuyên bố của Đại sứ VN tại TQ Nguyễn Văn Thơ cũng theo
chiều hướng tùng phục như vậy. Giữa tháng 12.13 khi về dự Hội nghị Ngoại
giao ở Hà nội do Nguyễn Phú Trọng chủ trì, ông Thơ đã trả lời phỏng vấn
của báo chí về chính sách ngoại giao của Hà Nội với Bắc Kinh:
"Chính sách nhất quán của Việt Nam là coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị, tăng cường hợp tác toàn diện với Trung Quốc. Chúng ta không có hai lòng." [28]
"Không hai lòng" một quan điểm cư xử giữa cá nhân với nhau về phương diện tình cảm. Quan hệ giữa hai nước với nhau đặt trên quyền lợi dựa trên lí trí, hợp tác với nhau vì cùng có lợi.
Cho nên ngay cả giữa những nước cùng một ý thức hệ, nhưng nếu một khi
quyền lợi bất đồng hoặc chống chọi nhau thì vì quyền lợi của quốc gia
mình có quyền lập liên minh mới để ngăn chặn chủ trương bá quyền hay
chặn đứng ý đồ thôn tính của đối thủ. Cuối thập niên 60 khi Liên Xô trở
thành đối thủ nguy hiểm cho TQ, nên Mao và Chu đã từ bí mật tới công
khai quay trục liên minh với Mĩ để chống Liên Xô, và nhờ đó đã được
Nixon thỏa hiệp ngầm để Bắc Kinh chiếm Hoàng Sa của VN (Việt Nam Cộng
hòa) và để TQ thay Đài Loan giữ ghế Hội viên thường trực Hội đồng Bảo an
Liên Hiệp quốc, nghiễm nhiên trở thành cường quốc ngang ngửa với Hoa
Kì, Liên Xô (cũ)...
Lập trường "không hai lòng" bắt nguồn từ thái độ tâm lí tự
ti mặc cảm và tư duy thế giới quan nhược tiểu đối với TQ của Nguyễn Phú
Trọng và những người dưới quyền cho thấy những sai lầm và nguy hiểm rất
lớn. Lập trường "không hai lòng" xuất phát từ quan niệm chính trị vua-tôi, quân-thần trong một nước "trung thần bất sự nhị quân",
làm quan thì không được hai lòng mà phải thờ vua đến chết, và thế giới
quan coi TQ như thiên triều còn các lân bang chỉ là chư hầu, không được
hai lòng mà phải trung thành với thiên triều, khép mình theo lối "chủ-tớ" như thời Trung cổ!
Nhưng nay thế giới đang bước vào thời đại toàn cầu hóa giữa các nước đều
bình đẳng. Chẳng hạn trong Liên minh Âu châu (EU) gồm 28 nước, trong đó
có những nước chỉ vài trăm ngàn dân như Lục Xâm Bảo, hay chỉ vài triệu
dân như Đan Mạch, Litauen... đều được coi bình đẳng như các nước lớn
đông dân như Đức, Anh, Pháp... Hiện nay xét về nhiều mặt như diện
tích, dân số và tài nguyên thì VN là một nước lớn trung bình trong khu
vực và thế giới. Cho nên thế giới quan ngoại giao của thời Trung cổ áp
dụng vào thời điểm toàn cầu hóa hiện nay là trái chiều, trái mùa, hoàn
toàn sai lầm và cực kì nguy hiểm!
Nhờ phục hồi nhanh chóng kinh tế nên bỗng chốc TQ như một thanh niên
khổng lồ thích trò chơi so bắp thịt. Vì thế Bắc Kinh đang tăng cường
quân sự, gây áp lực và đe dọa các nước lân bang để thực hiện "Giấc mơ vĩ đại nhất của Trung quốc." Do đó đường lối ngoại giao cúi đầu theo khẩu hiệu "không hai lòng" mà
Nguyễn Phú Trọng đang theo đuổi đã chứng minh hoàn toàn sai lầm và cực
kì nguy hiểm, vì nó khuyến khích Bắc Kinh thực hiện nhanh sách lược được
đằng chân lân đằng đầu, làm suy yếu VN và cô lập VN với quốc tế.
Sách lược ngoại giao khôn ngoan của VN trong lúc này không phải là
muốn gây chiến với TQ, nhưng chính là làm thế nào để những người cầm đầu
Bắc Kinh không dám và không thể đe dọa quân sự hay ép chế VN trên biển
Đông. Muốn thế VN phải có bạn hữu quốc tế tin cậy, có đồng minh mạnh có
cùng quyền lợi. Điều này đòi hỏi VN phải có một chế độ dân chủ đa nguyên
được nhân dân tin tưởng và thế giới ủng hộ rộng rãi! Vì siêu cường Hoa
Kì, các nước công nghiệp hàng đầu trong EU và Nhật là những xã hội dân
chủ đa nguyên. Các quốc gia này không muốn và cũng không thể ủng hộ vô
điều kiện chế độ toàn trị ở VN hiện nay không được sự hậu thuẫn của nhân
dân!
***
Chế độ toàn trị với ông Tổng và ông Thủ cứ mở miệng ra là tuyên bố "nhân dân làm chủ, đảng làm đầy tớ";
nhưng khi nông dân biểu tình đòi ruộng đất bị đại gia cấu kết với các
quan đỏ cướp, khi thanh niên biểu tình chống Bắc Kinh xâm lấn, kỉ niệm
40 năm Hoàng Sa bị xâm chiếm, khi các trí thức và nhân sĩ gởi kiến nghị
đòi bỏ Điều 4 trong Hiến pháp giữ độc quyền cho đảng thì đều bị "đầy tớ"
đàn áp, đánh đập, bỏ tù, hoặc bị "đầy tớ" kết án là "suy thoái đạo
đức"!
Một chế độ toàn trị mà những người cầm đầu chỉ lo tham nhũng và đàn áp
dân, nhưng lại cúi đầu trước thiên triều để tỏ lòng trung thành "không hai lòng"!
Trong kỉ nguyên toàn cầu hóa các nước liên hệ đa diện mật thiết với
nhau, trong thời đại Internet thông tin trở thành khát vọng và vũ khí
tinh thần đi thẳng vào từng cá nhân, các ngõ ngách bất chấp các bức
tường lửa. Trong bối cảnh và tương quan thế giới thay đổi toàn diện và
triệt để như vậy thì chế độ toàn trị, theo mô hình bảo thủ và trái mùa
như thời Trung cổ cả trong đối nội lẫn đối ngoại của ông Tổng và ông Thủ
như ở VN hiện nay, có thể ví như một người đi lộn đầu, lấy đầu làm
chân, lấy chân làm đầu. Chế độ này chắc chắn không còn tương lai!
6.2.2014
No comments:
Post a Comment