Nỗi lòng của một Giáo sư ra trường năm 1973 và mới về hưu)
(Thay lời tựa)40 năm là quãng thời gian không dài, chẳng ngắn.
Không dài vì, so với lịch sử 4.000 năm của dân tộc, nó chỉ bằng 1/100, chỉ là một chấm đen nhỏ bé trên tiến trình vàng son dài lâu của đất nước.
Chẳng ngắn vì nó là thời gian của nửa đời người, lại là nửa đời sung mãn nhất của thế hệ cựu sinh viên ĐHSP HUẾ hai khóa Lương Văn Can (1969-1973) và Huỳnh Thúc Kháng (1970-1974).
Tốt nghiệp (ra Trường) cách đây 40 năm, hơn 200 sinh viên hai khóa Lương Văn Can và Huỳnh Thúc Kháng như những con chim đã đủ lông, đủ cánh, hớn hở rời tổ ấm ĐHSP HUẾ để tung bay khắp bầu trời miền Trung xanh trong và Tây Nguyên lộng gió, quyết đem tài năng và tâm huyết của mình phục vụ Tổ quốc, góp phần nhỏ bé vào công cuộc thay đổi diện mạo nền giáo dục dân tộc, nhân bản và khai phóng, nhiệt tình đem những kiến thức còn nóng hổi vừa tiếp thu từ ân sư trên ghế giảng đường ĐHSP HUẾ trao truyền cho những thế hệ thanh niên miền Trung và Tây nguyên nghèo khó nhưng hiếu học đang ước ao biết bao những cuộc đổi đời.
Nhưng những cơn giông bão ùn ùn kéo tới đã ngăn chận đường bay của những con chim hồng, chim hộc (*), kéo sà nó xuống gần mặt đất, biến chúng thành những chú chim én, chim sẻ tầm thường, chỉ biết bay vớ vẩn trong không gian chật hẹp hay chỉ biết mổ nhặt thóc lúa rơi vải quanh sân nhà, chẳng còn thời gian mà nhìn ngắm, tiếc thương bầu trời trên kia cao xanh lồng lộng, nơi đã từng chao liệng những đường bay đẹp như cánh diều no gió.
Sau năm 1975, từ vai trò của những chủ nhân ông đầy sáng tạo trên bục giảng, của những mái trường trung học mang tên những anh hùng, danh nhân lẫy lừng của đất nước, chuẩn bị trở thành đội ngũ kế thừa và rường cột vững chắc trong tòa lâu đài giáo dục Việt Nam sang trọng và tử tế, những “tân giáo sư” của hai khóa Lương Văn Can và Huỳnh Thúc Kháng bỗng trở thành giáo viên lưu dung, phải đi học tập nguyên lý, chương trình và phương pháp giáo dục “mới”. Rồi với số tiền trợ cấp ít ỏi, cái sổ gạo quý gấp ngàn lần sách giáo khoa dùng mua bo bo và khoai sắn độn, với chương trình giảng dạy cứng nhắc… chúng ta nếu không bị đóng đinh ngay trên cây thập tự giáo dục của chính mình thì trông giống những người khiếm thị trong thiên đường mù mò mẫm, quờ quạng đi trên con đường giáo dục mù mịt hơn là những người đốt đuốc soi đường và khai sáng trí tuệ.
Mặc dù đất nước trải qua thời kỳ đổi mới nhưng ngành giáo dục vẫn chìm nghỉm trong bế tắc, chẳng có lối ra, không tìm thấy ánh sáng le lói cuối đường hầm. Phẩm chất dạy và học giảm sút, đạo đức học sinh suy đồi, tiêu cực trong đánh giá xếp loại, gian lận trong thi cử, giả dối trong bình bầu thi đua các danh hiệu giáo viên… thường xuyên, liên tục diễn ra ở nhiều nơi làm cho phụ huynh và nhân dân mất niềm tin vào ngành giáo dục vốn trước đây có truyền thống cao đẹp nhất trong những ngành nghề cao đẹp.
Trong bốn mươi năm qua, nhất là vào thời kỳ gian khó toàn diện buổi đầu, 20 (?) cựu sinh viên hai khóa Lương Văn Can (?) và Huỳnh Thúc Kháng (?) vì các nguyên nhân trầm uất, bệnh tật, tai nạn…đã từ trần, đã lìa bỏ chúng ta mà đi; 30 bạn khác, vì nhiều lý do khác nhau, đã bỏ nghề giữa chừng, rời quê hương, định cư ở nước ngoài…đã từ bỏ bục giảng, xa rời ngành Sư Phạm trong muôn nỗi tiếc thương (Lương Văn Can (?) và Huỳnh Thúc Kháng (?).
Ngoài mất mát to lớn về số lượng không lấy gì bù đắp nổi, chúng ta còn mất mát rất nhiều về phẩm chất vì tuyệt đại bộ phận giáo sư hai khóa Lương Văn Can và Huỳnh Thúc Kháng không được trọng dụng, không được sử dụng chất xám, đành chịu thui chột tài năng. Tài năng được đào tạo bài bản và công phu suốt bốn năm miệt mài dưới mái trường ĐHSP Huế, theo thời gian, cứ vô tình theo “ông lái đò” trôi ra sông, ra biển.
Thử tưởng tượng nếu không có thay đổi lịch sử, hơn 200 giáo sư hai khóa Lương Văn Can và Huỳnh Thúc Kháng bây giờ đã đường hoàng ở vào những chức vụ cao trong Bộ Giáo Dục, trong các Viện Đại Học, chiếm những vị trí ưu tú nhất trong các giảng đường Đại Học, các trường trung học để thỏa sức cống hiến và sáng tạo với biết bao nhiêu công trình nghiên cứu về khoa học, giáo dục… sáng tác văn học, nghệ thuật…, là tác giả của bao nhiêu bộ sách giáo khoa nổi tiếng bổ ích.
Ngoài mất mát quá to lớn về số lượng và phẩm chất kể trên, chúng ta còn mất mát rất nhiều về thời gian, tiền bạc, công sức, hoài bão và niềm tin.
Là lương sư mà không hưng được quốc, đành đau lòng, bó tay đứng nhìn Việt Nam ngày càng chậm tiến và lạc hậu, xấu hổ và xót xa nhìn các nước ở tầm thấp hơn chúng ta trong khu vực Đông Nam Á và chỉ nhỉnh hơn chúng ta trong toàn châu Á vào thập niên 60 vươn lên trở thành những con rồng có thể sánh vai với các cường quốc châu Âu, bỏ xa chúng ta tụt hậu gần mấy mươi năm!
Tuy nhiên, chúng ta rất tự hào được sống ở một trong những giai đoạn thăng trầm vào bậc nhất của lịch sử Việt Nam. Chúng ta tự hào đang là chứng nhân của thời đại. Có sống được và sống hết mình trong giai đoạn lịch sử đầy thử thách này, chúng ta mới có thể tự nhận ra mình có còn đúng là chính mình hay không!!!
Và vui mừng, nhận ra bên cạnh những mất mát to lớn, chúng ta vẫn còn nhiều cái được quan trọng.
Cái được quan trọng nhất là chúng ta vẫn giữ được cái tâm trong sáng.
Chúng ta có quyền tự hào mình là những công dân Việt Nam chân chính. Chúng ta – những môn sinh hậu bối, có quyền ngẩng cao đầu nhìn chân dung hai vị tiền bối Lương Văn Can và Huỳnh Thúc Kháng mà hai khóa chúng ta vinh dự được lần lượt mang tên. Chúng ta đã không phụ lòng các ân sư của trường ĐHSP Huế xưa đã dày công đào tạo chúng ta một cách bài bản, đã giáo dục chúng ta thành những con người lý tưởng, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải mài giũa cái tâm trong sáng không bao giờ bám bẩn, để sống không thành công cũng phải thành nhân.
Cái được quan trọng thứ hai là chúng ta còn giữ được cái tình.
Nhờ giữ được cái tình mà chúng ta mãi mãi vẫn là chúng ta, không bao giờ tự đánh mất mình. Nhờ có tình, chúng ta – trong đó có rất nhiều bạn ở nước ngoài, mới luôn nhớ về nguồn cội, mới luôn nhớ về trường xưa, thầy cũ, bạn hiền, mới khắc phục khó khăn để tham gia, tích cực tổ chức và ủng hộ Hội Khóa để hôm nay thầy trò được hội ngộ, quây quần bên nhau trong một tình cảm tri ân và xúc động không thể nào hơn.
Nhờ có tình mà chúng ta luôn tưởng nhớ các đồng môn của chúng ta đã khuất, thấy như luôn có bạn bên cạnh chúng ta trong mỗi vui buồn, trăn trở thường trực của chúng ta hôm nay.
Nhớ từ Hội khóa hằng năm ở Đà Lạt với vỏn vẹn hơn 10 người, đến Hội khóa chính thức lần I ở Đà Nẵng tăng lên trên 20, Hội khóa lần II,III ở Nha Trang và Huế tăng trên 30, Hội khóa lần IV ở Đà Lạt đã lên đến 50 bạn về tham dự. Số lượng đồng môn hai khóa Lương Văn Can và Huỳnh Thúc Kháng ĐHSP theo thời gian tham gia “nối vòng tay lớn” ngày càng tăng trưởng đáng kể. Và Hội khóa lần 5 này, các bạn ở Huế đã khởi động rất sớm và phân công chu đáo, hy vọng vòng tay lớn chúng ta sẽ nối rộng hơn, dây thân ái chúng ta sẽ siết chặt nhau hơn, tạo điều kiện cho bạn bè gần gũi thân thiết hơn và biết đâu sẽ chẳng có những cuộc kỳ ngộ lần đầu giữa các đồng môn sau đằng đẵng 40 năm xa cách?
Sau 40 nhìn lại, rút cuộc, chúng ta chịu tổn thất khá nhiều về số lượng, tài năng và niềm tin, nhưng chúng ta được rất nhiều về nhân cách và tâm tình.
Còn gì quý hơn tâm tình trên cuộc đời này hỡi bạn?
Và Đặc san HỘI NGỘ này là biểu hiện một chút tâm tình đó, là“của tin còn một chút này làm ghi.”
Nên hãy quên ngay những mất mát, hãy trân trọng giữ gìn những cái được rất đáng quý, đừng để nó trôi tuột khỏi tầm tay, nhất là trong những dịp HỘI NGỘ hiếm hoi này, bạn nhé! Vì Thầy ta đã cao niên, chúng ta cũng chẳng còn trẻ nữa (chỉ hơn 20 tuổi cách đây đúng 40 năm!)
Xin dâng trọn tấc lòng này
Tri ân bạn cũ, ơn Thầy, Trường xưa…
Nguyễn Văn Cam
No comments:
Post a Comment