Trở Về Trang chính

Friday, December 6, 2013

Sự Cần Thiết Phải Có Một Cuộc Cách Mạng Dân Chủ Tại Việt Nam


GS Nguyễn Lý Tưởng


Dân tộc Việt Nam chúng ta đã trải qua hơn một ngàn năm dưới sự đô hộ của người Tàu phương Bắc và kể từ khi Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 939, dựng nền độc lập, mở ra một giai đoạn tự chủ suốt một ngàn năm. Mặc dù vẫn có những cuộc xâm lăng từ phương Bắc, dù trải qua mấy lần mất nước, nhưng tổ tiên ta cũng đã chiến đấu kiên cường đánh đuổi xâm lăng giành lại độc lập: Lý Thường Kiệt thắng quân nhà Tống, Trần Hưng Đạo thắng quân Nguyên, Lê Lợi thắng quân Minh, Nguyễn Huệ thắng quân Thanh. Trong bài “Bình Ngô Đại Cáo”…Nguyễn Trãi đã viết (thay cho vua Lê Thái Tổ) : “ Dẫu cường nhược có lúc bất đồng, song hào kiệt đời nào cũng có”.
Từ ngày dựng nước cho đến tiền bán thế kỷ 20, nước ta vẫn theo chế độ quân chủ phong kiến, vua thay Trời để cai trị muôn dân nên gọi là Thiên tử (con của Trời). Trên nguyên tắc, địa vị đó chỉ dành cho vua Trung Hoa là nước lớn trong thiên hạ, tất cả các nước nhỏ (trong đó có Việt Nam chúng ta (được gọi là chư hầu) đều phải thần phục Thiên tử. Dòng họ nào được Thiên tử thừa nhận và được phong vương thì có quyền cha truyền con nối. Nếu có ai chống lại hay gặp trường hợp nước khác đem quân gay hấn thì Thiên tử sẽ đem quân đến giúp để tái lập trật tự cho quốc gia đó. Dân có bổn phận trung thành tuyệt đối với vua. Về phần vua, sẽ chịu trách nhiệm với Trời. Vì thế, cứ ba năm một lần, vua đi đến một chỗ đất nằm về phía Nam của kinh thành gọi là Nam Giao để tế Trời. Trời ở đây không phải là một bầu khí quyển màu xanh bao bọc quả đất chúng ta mà Trời đã được mọi người tin là một đấng tối cao, Đấng thiêng liêng, Đấng Tạo Hóa, Đấng an bài mọi sự trong vũ trụ. Sách Trung Dung viết:
Thiên mệnh chi vị tính” (Tính là do Trời ban cho) “Đạo xuất ư Thiên” (Đạo do Trời mà ra), “úy Thiên” (sợ Trời), “ duy Thiên vi đại” (Chỉ có Trời là lớn hơn cả), Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu” (Lưới Trời lồng lộng, thưa mà không lọt)…
đều là nói về một Đấng Tối Cao trong vũ trụ mà tổâ tiên chúng ta gọi là Ông Trời. Đó là niềm tin của dân tộc chúng ta từ thời vua chúa cho đến ngày hôm nay. Dù hình thức thờ phượng có khác nhau nhưng niềm tin vẫn là có một Đấng Tối Cao tạo dựng nên vũ trụ và muôn loài muôn vật.
Đối với Trung Hoa là nước lớn, Việt Nam chúng ta vẫn theo lệ triều cống, vẫn xin phong vương, xin được thừa nhận, nhưng bên trong chúng ta vẫn là một nước độc lập, vua của ta vẫn tự xưng là Thiên tử đối với con dân trong nước. Tất cả những gì ở trong lãnh thổ của nhà vua đều là của nhà vua. Vua ban cho dân đất ruộng để canh tác, ngay cả mạng sống của người dân cũng đều nằm ở trong tay nhà vua. Dân phải trung với vua, “vua xử thần tử, thần bất tử bất trung” (vua ra lệnh cho bề tôi tức là dân phải chết nếu không chết nghĩa là không trung thành với vua). Nho giáo được truyền vào nước ta và chế độ quân chủ lấy “tam cương, ngũ thường” của Nhọ học làm nền tảng tổ chức xã hội. Tam cương là Quân Thần, Phụ Tử, Phu Phụ (Vua tôi, Cha con, Vợ chồng) và ngũ thường là 5 điều phải thực hành để xây dựng đất nước, ổn định xã hội. Đó là “ Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín”.
Ruộng đất trong nước đa số là ruộng công, mỗi làng có một số ruộng công để chia đều cho dân canh tác trồng trọt mà sinh sống. Số ruộng tư rất ít. Miền Bắc và miền Trung ít có người làm chủ được trên một trăm mẫu ta (hơn 30 mẫu Tây) ngoại trừ Miền Nam là đất mới khai khẩn nên nhà nước khuyến khích dân bỏ công, bỏ tiền ra khai phá và cho trở thành ruộng tư. Vì thế mới có nhà giàu trên vài trăm, vài ngàn mẫu đất. Nhà nước cho mở khoa thi để tuyển chọn nhân tài, ai có tài, có học, thi đậu thì được ra làm quan (tức được phục vụ trong bô máy nhà nước) những người không được phục vụ nhà nước thì gọi là dân.
Tuy gọi là chế độ quân chủ phong kiến nhưng không có sự phân biệt giai cấp. Con nhà nghèo, con nhà bình dân mà thi đậu cử nhân thì vẫn được ra làm quan. Môt anh học trò con nhà nghèo, mới đêm hôm trước còn ngũ nhà trọ hay ngũ ngoài đình, ngoài chợ…Hôm sau nghe rao bảng, có tên trong danh sách đậu cử nhân thì vẫn được ra làm quan giúp nước, thay vua cai trị dân, có quyền xét xử.
Luật pháp của VN từ thời Lê Thánh Tông (niên hiệu Hồng Đức, thế kỷ 15 ) vẫn có những điều luật rất tiến bộ nhằm bảo vệ quyền làm người của dân (chẳng hạn điều 669, điều 665, diều 683, 687, 691, 707 trong luật Hồng Đức) quy định rằng: một nghi phạm dù bị bắt giữ vẫn được luật pháp coi như vô tội cho đến khi tòa có đủ chứng cớ rõ ràng để tuyên án kết tội. Trong khi xử án, nghi phạm có quyền phản bác những lời buộc tội và đưa ra các lý lẽ biện minh rằng mình vô tội. Dù tòa án có kết tội rồi, can phạm có quyền xin thượng tố để xin tòa tuyên xét lại. Khi nghi can được thẩm vấn thì luật cấm không được thẩm vấn quá ba lần và sau mỗi lần thẩm vấn phải đưa cho ngươi khác thẩm vấn và không được tra tấn, đánh đập để lấy khẩu cung…Đạo Nho dạy người làm vua phải có bổn phận lo cho dân được no ấm, hạnh phúc. Vua phải xét mình để xem có làm điều gì sai trái, bất công đối với dân hay không. Vua phải chịu trách nhiệm đối với Trời…Những dấu hiệu thiên tai, mất mùa, bệnh dịch xảy ra là điềm Trời cảnh cáo nhà vua đã làm mất lòng Trời, có điều phạm đến Trời…Mạnh Tử được nhà Nho sắp vào hàng thứ hai sau Khổng Tử, được gọi là Á thánh, đã chủ trương: “ Dân vi quý, xã tắc thứ chi , quân vi khinh” (Dân là quý rồi mới đến xã tắc, sau đó mới đến nhà vua) Xã tắc: là nơi để lập đền thờ tổ tiên của nhà vua (tượng trưng cho quốc gia). Có dân mới có nước (xã tắc), có nước mới có vua (chính quyền, nhà nước). Như vậy, dù cho là chế độ quân chủ thì vẫn lấy Dân làm trọng, vua không làm trái ý dân vì ý dân là ý Trời.
Từ xa xưa cho đến thế kỷ thế kỷ 19, nước Việt Nam chúng ta vẫn sống dưới chế độ quân chủ: có những vua tốt gọi là minh quân biết thương dân, lo cho dân,…sử sách gọi là thời kỳ thịnh trị của đất nước.…Nhưng cũng có những vua hôn mê, u ám, lo ăn chơi trụy lạc không biết lo cho dân khiến cho dân đói rách, lầm than,…sử gọi là thời kỳ đen tối, suy vong của đất nước.
Từ hậu bán thế kỷ 19 đến hết thế kỷ 20, nước ta trải qua hai thời kỳ đen tối: Từ 1862 đến 1945, nước ta bị giặc Pháp xâm lăng, đô hộ. Từ 1945 đến nay, bị Cộng Sản độc tài cai trị. Trong thế kỷ 18, có hai cuộc cách mạng Dân Chủ trên thế giới: lần thứ nhất, vào năm 1776, thành lập nước Hoa Kỳ và lần thứ hai, năm 1798: cuộc cách mạng lập đổ chế độ quân chủ thành lập chế độ Dân Chủ Cộng Hòa tại Pháp. Gần 100 năm sau hai cuộc cách mạng Dân Chủ nói trên, người trí thức ở nước ta chưa bao giờ nghe nói đến chế độ dân chủ. Mãi cho đến khi người Pháp xâm lăng nước ta vào hậu bán thế kỷ thứ 19 và Phong Trào chống xâm lăng giành độc lập của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của các Nho sĩ trí thức vào hậu bán thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 thì nước ta mới có Phong Trào vận động Duy Tân theo gương nước Nhật rồi qua tiền bán thế kỷ thứ 20, các nhà Nho ở nước ta mới nghe nói đến chế độ Dân Chủ. Cụ Phan Chu Trinh vào những năm 20 của thế kỷ 20 mới viết những bài phê bình “Quân Trị Chủ Nghĩa” và “Dân Trị Chủ Nghĩa,” tức so sánh giữa chế độ Quân Chủ và chế độ Dân Chủ. Vào những năm 1920-1930 mới có những Đảng Cách Mạng VN chủ trương tranh đấu để xây dựng một chế độ Dân Chủ ra đời. Qua sách vở của các nhà Tân học Trung Hoa hay Nhật Bản mà giới trí thức VN vào tiền bán thế kỷ 20 mới biết đến tư tưởng Dân Chủ (nhờ đọc sách của Tàu và Nhật viết bằng Hán văn).
Nói tóm lại: Khát vọng Dân Chủ là khát vọng của dân tộc ta từ khi nước ta bị người Pháp đô hộ nhất là vào thế kỷ 20. Cũng vì khát vọng đó của toàn dân mà vua Bảo Đại, vị hoàng đế cuối cùng của nhà Nguyễn đã đồng ý từ bỏ ngai vàng để trao quyền lãnh đạo cho ông Hồ Chí Minh năm 1945. Nhưng sau khi cướp được chính quyền rồi, Việt Minh đã thực hiện một chế độ độc tài, đảng trị, dựa vào sức mạnh và vũ khí của Nga, Tàu là hai nước đàn anh trong Khối Cộng Sản Quốc Tế, bắt nhân dân ta hy sinh xương máu, gây nên cảnh chiến tranh huynh đệ tương tàn để thực hiện chủ nghĩa Cộng Sản, thực hiện một chế độ độc tài trên dân tộc Việt Nam chúng ta. Trong lịch sử Việt Nam từ xưa tới nay, chưa bao giờ người dân bị đối xử tàn tệ, bị khinh miệt như trong chế độ Cộng Sản hiện nay; chưa bao giờ người dân bị áp bức bất công như hiện nay. Do đó mà có cuộc đấu tranh giữa những người quốc gia yêu chuộng tự do dân chủ và những người Cộng Sản chủ trương độc tài đẳng trị, tiêu diệt các quyền tự do dân chủ của con người. Cuộc tranh đấu đó đã khởi đi từ 1945 cho dến hôm nay vẫn chưa chấm dứt.
Vấn đề hiện nay là giữa dân tộc Việt Nam chúng ta đã bị phân chia làm hai lực lượng: một bên là Đảng CS chủ trương độc tài, độc đảng, tiêu diệt tôn giáo và lệ thuộc đàn anh Trung Cộng. Một bên là những người yêu chuộng tự do dân chủ, đối lập với Cộng Sản, tiếp tục tranh đấu đòi hỏi thực hiện một chế độ tư do dân chủ cho dân. Giữa hai khối đó mà chúng ta thường gọi là Phe Quốc Gia và Phe Cộng Sản cần phải có một cuộc đối thoại để thực hiện hòa giải Dân tộc, tạo đoàn kết để có sức mạnh chống xâm lăng, bảo vệ đất nước.
Muốn tránh khỏi một cuộc tranh đấu bằng vũ lực, gây đổ máu thì đảng Cộng Sản đang cầm quyền hiện nay phải thực hiện các quyền tự do dân chủ cho dân: phải tôn trọng quyền đối lập chính trị, phải có chế độ dân chủ, đa nguyên đa đảng, tam quyền phân lập, tôn trọng quyền tự do tôn giáo, quyền tự do ngôn luận, tư do tư tưởng, tôn trọng quyền tư hữu của người dân. Phải trả lại tài sản, ruộng đất của dân và tài sản của các tôn giáo nhất là các nơi thờ tự, các cở sở văn hóa xã hội từ thiện của các tôn giáo đã bị Cộng Sản tịch thu từ 1975 tại Miền Nam cũng như từ 1945 đến nay tại Miền Bắc Việt Nam. Chỉ có con đường thực thi các quyền tự do dân chủ cho dân, thực hiện một chế độ dân Chủ cho dân thì mới có hòa giải dân tộc, đoàn kết dân tộc và bảo vệ đất nước trước họa xâm lăng của Trung Cộng mà thôi.
GS Nguyễn Lý-Tưởng
---00---
Ý kiến độc giả : Kể từ khi ông Đảng trưởng Đại Việt Nguyễn lý Tưởng giao hảo với Ông Đào Minh Quân, thủ tướng của Chính Phủ Quốc Gia Việt Nam Lâm Thời thì xem ra ông đã mất tự chủ và chạy theo chủ trương ĐỐI THOẠI với chính phủ Cọng Sản tại Việt Nam (tức bọn Việt Cọng).
Ý nghĩa của đối thoại là ngồi chung trong tinh thần tôn trọng lẫn nhau để đưa ra những ý kiến và đề nghị nhằm phục vụ cho một mục đích. Ở đây, mục đích của những phe phái chính trị Việt Nam là đem lại tự do và dân quyền cho người dân.
Thế nhưng Việt Cọng từ lâu đã bộc lộ bản chất và chân tướng độc tài đảng trị của chúng là chỉ biết hy sinh xương máu của dân Việt cho lợi ích riêng tư của đảng mà thôi, vì thế chúng không hội đủ bất cứ điều kiện nào để đối thoại cả, chúng giống như một hỏa tiển Cruise đã được định hướng một chiều bay thẳng đến mục tiêu đánh phá dân quyền và nhân quyền của người dân. (Việc sửa đổi hiến pháp theo đường lối “nguyễn y vân - vẫn y nguyên” là bằng chứng của sự ngoan cố không thể đối thoại và thay đổi của Đảng CSVN). Đối với một hỏa tiển định hướng như vậy thì chúng ta phải làm gì nếu không phải là phải phá hủy nó trên đường bay.
Liệu Nguyễn Lý Tưởng có thể “đối thoại” với bộ máy mù quáng này không ?? Toan tính đối thoại với một địch thủ mù quáng và độc tài là một hành động chỉ phản ánh sự yếu đuối và bất lực, một hành động năn nỉ xin xỏ mà thôi. Đối thoại có thể thực hiện được bởi những người chiếm thế thượng phong, có cường lực mạnh hơn đối phương, biết chắc chắn mình sẽ thắng nhưng phải chịu một số tổn thất nào đó. Và mục đích của đối thoại trong trường hợp này là để giảm thiểu tổn thất trong chiến thắng của mình, chẳng hạn khuyên nhủ đối phương đầu hàng sớm để đổi lấy một vài ân huệ bù đáp cho sự nhượng bộ của họ. Nguyễn Lý Tưởng và Đảng Đại Việt của ông không có một thế thượng phong nào cả! Vì thế mọi việc đối thoại của ông chỉ nhằm vào lòn cúi xin xỏ kẻ thù trong tư thế của kẻ chuẩn bị đầu hàng !
Khi Nguyễn Lý Tưởng viết : “đối thoại để thực thiện hòa giải dân tộc, tạo đoàn kết để có sức mạnh chống xâm lăng bảo vệ đất nước ắt hẳn ông muốn nói rằng dân Việt cần phải bị “lừa phỉnh để mê muội trở thành con trâu vô hồn” thêm một lần nữa như trong thời kỳ “kêu gọi toàn dân đánh Mỹ cứu nước” để có nghị lực đánh Tàu chăng ? Như vậy ngoài sự biến toàn dân ngu si và bưng bít tin tức ra thì không có khả năng nào khác để kêu gọi họ đứng dậy đoàn kết đánh ngoại xâm hay sao ? Nếu Đảng Trưởng Nguyễn Lý Tưởng hay thủ tướng Đào Minh Quân có tài thực sự thì hãy kêu gọi Việt Kiều chấm dứt gởi tiền hoặc đi du hí về VN chứ đừng kêu gọi đối thoại và hòa giải với Việt Cọng, nghe ngứa lỗ tai lắm !! Lê Siêu

 

No comments:

Post a Comment