Trở Về Trang chính

Wednesday, December 11, 2013

Nguy cơ chiến tranh Trung–Nhật trên biển Hoa Đông ?

Máy bay Lực lượng Phòng thủ Nhật Bản tuần tra không phận quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, biển Hoa Đông, 13/10/2011

Máy bay Lực lượng Phòng thủ Nhật Bản tuần tra không phận quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, biển Hoa Đông, 13/10/2011
REUTERS
Vào lúc cả báo giới Pháp tập trung chú ý đến Nam Phi, nơi Nelson Mandela, người hùng của chủ nghĩa chống apartheid vừa qua đời, Le Figaro hôm nay 09/12/2013 không quên nhìn về phía Đông Á, và nêu lên câu hỏi về “nguy cơ thật sự của một cuộc chiến giữa Trung Quốc và Nhật Bản“.
Tác giả bài báo, thông tín viên Le Figaro tại Bắc Kinh, phân tích bối cảnh Bắc kinh đưa ra thông báo thiết lập vùng nhận dạng phòng không bao trùm bầu trời Senkaku/Điếu Ngư gây căng thẳng và lo ngại trong khu vực.
Bài báo trên Le Figaro mở đầu với ghi nhận : Có một hương vị chiến tranh lạnh trên biển Hoa Đông, các bên đều đẩy các con chốt của mình với nào là tuần tra trên biển, lập vùng nhận dạng phòng không, tăng sự khẳng định chủ quyền trên một vài bãi đá mà vùng nước chung quanh giàu về hải sản, cá, và tiềm năng dầu hỏa.
Bài báo cho là cũng như vào thời kỳ mà các khối đối chọi với nhau, thì việc tranh chấp lãnh thổ còn có một mục tiêu rộng lớn hơn nữa, đó là xem ai có thể mở rộng ảnh hưởng trên một vùng to lớn, nơi mà sự thịnh vượng kinh tế sẽ được định đoạt trong những thập niên tới đây.
Đối với Trung Quốc, cường quốc kinh tế đang lên, đang phát triển tiềm năng quân sự, thì còn có vấn đề tự hào dân tộc. Bài báo nhắc lại lãnh thổ Trung Quốc cũng đã bị gặm nhắm trong thời kỳ Chiến tranh Nha phiến thế kỷ thứ XIX, rồi trong các cuộc chiến nửa đầu thế kỷ XX.
Và hiện nay, Le Figaro nhận thấy là với chính sách xoay trục của Tổng thống Mỹ Obama, Bắc Kinh cảm thấy bị cạnh tranh công khai ở vùng ảnh hưởng tự nhiên của mình. Việc tuyên bố vùng phòng không ở biển Hoa Đông chỉ là giai đoạn mới trong cuộc đọ sức ngấm ngầm này. Các đồng minh của Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Philippines nằm trên tuyến đầu trước các tham vọng của Bắc Kinh.
Theo tác giả bài báo, yếu tố dẫn đến thái độ “tiến công” của Trung Quốc hiện nay, ở biển Hoa Đông, thách thức trật tự quốc tế, gây nên sự bất an trong vùng, là do mối hiềm khích nghiêm trọng lâu đời đối với Nhật Bản, qua những sự cố lịch sử, mà Trung Quốc muốn giờ đây giải quyết. Và Bắc Kinh – thấy là những đòi hỏi chủ quyền bị xem thường – đang tìm cách lật ngược thế cờ. Bên kia thì Nhật Bản, với chính quyền Abe đang tìm cách sửa lại Hiến pháp chủ hòa, cũng là một động cơ thôi thúc Bắc Kinh.
Ít cơ may để tìm ra giải pháp hòa bình
Bài báo cũng nhắc lại là ông Tập Cận Bình nắm quyền trong lúc hai bên tranh chấp căng thẳng trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ông đã nhiều lần tỏ sự bực tức đối với Tokyo. Tập trung quyền hạn trong tay, ông đã ra lệnh biến Trung Quốc thành một “cường quốc hải quân hùng mạnh” và chính ông đã đích thân cho phép việc thành lập vùng phòng không.
Nhưng câu hỏi đặt ra là Trung Quốc có khả năng giám sát, kiểm soát vùng phòng không đó hay không. Tác giả bài báo cho là Trung Quốc chưa đủ máy bay và radar để theo dõi, để buộc tôn trọng một cách thường xuyên vùng mới thiết lập, nhưng những khi can thiệp được, thì cũng đã làm nhiệt độ trong vùng tăng vọt lên.
Trong tình hình như hiện nay thì có nguy cơ đối đầu quân sự hay không ? Bài báo trích dẫn chuyên gia, đánh giá tình hình nguy hiểm, có ít cơ may để tìm ra giải pháp hòa bình cho tranh chấp lãnh thổ hiện thời, tranh chấp do lịch sử gây ra.
Cả hai bên Nhật -Trung Quốc đều chịu ảnh hưởng sâu đậm những thế lực dân tộc chủ nghĩa. Cả hai bên không sẳn sàng nhượng bộ trên bất kỳ điều gì liên quan đến các đảo. Không kể vị trí chiến lược của nó, đây còn là một vấn đề tự hào dân tộc. Tình hình căng thẳng đến nỗi mà các nhà quan sát e ngại chiến tranh có thể bùng lên do một sự “đánh giá sai lầm”.
Hoa Kỳ trong trường hợp này có thể can thiệp đến đâu để bảo vệ đồng minh Nhật Bản ? Theo bài báo, Hoa Kỳ đang bị đau đầu. Phải bảo vệ đồng minh, nhưng cũng không muốn quá làm phật ý Trung Quốc.
Dân Nam Phi “vui vẻ” vĩnh biệt Nelson Mandela
Nếu như hai tờ Les Echos mở đầu bản tin với thời sự Pháp – Les Echos chú ý đến ngân sách 10 thành phố lớn, nhân dịp bầu cử hội đồng thành phố sắp tới và Le Figaro nêu bật nổi bất bình trước vấn đề thuế, nay lan rộng đến các ngành nghề tự do – thì phải nói là đa số báo Pháp hôm nay, 09/12/2013 đều dành tít đầu và nhiều trang báo dài cho sự kiện cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela vừa từ trần, một người mà báo Pháp đánh giá là “xứng đáng với huyền thoại“, được cả hành tinh mến mộ.
Đối với Nam Phi, Libération trong hàng tựa nhìn thấy “một đất nước mồ côi”, L’Humanité nói đến “Nam Phi ghi ơn“, trong lúc La Croix xúc động trước “lòng thành, thái độ tôn sùng của cả một dân tộc”. Cả nước Nam Phi đang mặc niệm trước tang lễ của người cha đất nước đa sắc màu.
Nhưng điều mà La Croix cũng như một số đồng nghiệp chú ý trước tiên là người Nam Phi tưởng niệm người quá cố trong một không khí “vui vẻ”. Các tờ báo mô tả cảnh người dân tập hợp ngày đêm trước nhà ông Mandela, ca hát, nhảy múa, cầu nguyện. Họ giải thích là “thay vì khóc lóc, chúng tôi vinh danh, ca ngợi cuộc sống của người”.
Báo Les Echos cũng nêu bật tính chất này trong hàng tưa : “Để tang vui vẻ cho Mandela ở Nam Phi”. Tờ báo cũng thuật lại cảnh người Nam Phi ca hát, nhảy múa vinh danh ông Mandela, đó là cách họ tưởng nhớ đến người đã mang lại tự do cho họ. Les Echos ghi nhận hình ảnh : Nam Phi treo cờ rũ, nhưng dân chúng thì nhảy múa, như để xua đi nỗi buồn trong lúc tưởng niệm người quá cố.
Một thanh niên giải thích “đấy là truyền thống, chúng tôi buồn nhưng có một phần vui trong chúng tôi khi vinh danh ông, một anh hùng đã cho phép tôi được đi học, được sinh ra là một người tự do“’.
Thái Lan : Nữ Thủ tướng cao tay ấn ?
Nhìn về Châu Á hôm nay, 2 báo Libération và l’Humanité theo dõi tình hình Thái Lan sau quyết định của Thủ tướng Thái giải tán Quốc hội và cho bầu lại trước nhiệm kỳ, một quyết đinh được đánh giá là khôn khéo.
L’Humanité nhận định trong hàng tựa là “phe Áo Vàng chơi ván bài được ăn cả ngã về không ở Bangkok”. Cuộc tâp hợp biểu tình hôm nay là một bài trắc nghiêm đối với phe đối lập.
Đặc phái viên của l’Humanité tai Bangkok phân tích là nhân những ngày lắng dịu ở Bangkok vào cuối tuần, chính quyền thủ tướng Yingluck có vẽ đã nắm lại được tình hình. Khi thông báo giải tán và bầu lại Quốc hội, Thủ tướng đã đẩy quá bóng sang sân của phe Áo Vàng đối lập, mà trong mắt l’Humanité, tập hợp tầng lớp trung lưu bảo thủ, và những người bảo hoàng hơn Vua.
Tờ báo nhắc lại lời của Thủ tướng Yingluck : “Nếu những người biểu tình hay một đảng phái quan trọng không chấp nhận việc này hay không chấp nhận kết quả bầu cử, thì điều đó chỉ làm cho cuộc tranh chấp kéo dài”. L’Humanité cho đấy quả là khôn khéo nhất là sau phát biểu của nhà vua kêu gọi bảo vệ sự ổn định.
Tờ báo còn thấy việc giải tán Quốc hội cũng làm thất bại mưu đồ của các dân biểu đảng Dân chủ, đã tuyên bố hôm qua rằng họ từ nhiệm vì Quốc hội không còn tính chính đáng. Trước mắt, lãnh đạo phong trào đấu tranh Suthep Thaugsuban, ngày càng bị cô lập, đang cố gỡ gạc, tổ chức cuộc biểu tình mà l’Humanité gọi là “của cơ may cuối cùng” trước trụ sở chính quyền.
Đối với Thủ tướng Yingluck, tờ báo cho là bà đã biết bà có một hậu thuẫn của dân chúng lớn hơn nhiều so với đảng Dân chủ, và việc giải tán để bầu lại Quốc hội, trên nguyên tắc, không nguy hiểm chút nào đối với bà.
Libération nói đến “tình hình lộn xộn ở Bangkok” có nhận định dè dặt hơn, đánh giá là Thủ tướng Yingluck cố gắng trong nỗ lực cuối cùng hầu chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị, nhưng tờ báo chưa thấy lối thoát, đối lập dứt khóat muốn loại bỏ hệ thống Thaksin.
Pháp : Người tiêu dùng không còn vô tư nữa !
Trên bình diện xã hội, trước các ngày lễ Giáng sinh và cuối năm, dịp mua sắm, tặng quà, báo La Croix hôm nay có một bài phân tích với hàng tựa gây chú ý : “Người tiêu dùng đã đánh mất sự hồn nhiên, vô tư“.
Bài báo của Bernard Perret, một nhà kinh tế khuyến khích thay đổi cách mua sắm, bắt đầu với nhận xét : Ngày lễ đến gần và chúng ta từ mấy ngày qua đã đi tìm những món quà hữu ích hay thú vị, những trò chơi giải trí. Như mỗi năm, cho dù có khủng hoảng, người ta vẫn xô đẩy nhau để tìm được món quà hiếm, lạ mà người được tặng thích thú giữ lại, không đem bán ngay trên mạng.
Thời điểm này thật lý thú, vui vẻ, và cũng là thời điểm mạnh của đời sống kinh tế mà nếu chúng ta không tham gia thì quả là không phải công dân tốt, phải tham gia cho tăng trưởng, để chống thất nghiệp.
Chúng ta có thể đánh cuộc là các nhà kinh tế sẽ theo dõi rất sát hành vi của chúng ta, vui mừng khi mọi việc ổn thỏa, khi chúng ta mua sắm linh đình, dấu hiệu kinh tế sáng sủa lên.
Có điều tác giả bài báo nhận thấy là không còn có sự hứng thú thật tình.
Do khủng hoảng, có người trong chúng ta nghĩ đến những gia đình không có khả năng làm con em họ vui mừng. Và nếu lễ tiêu thụ này mất đi phần nào sự huyền diệu của nó, đó cũng là vì chúng ta khó làm ngơ được trước mặt đen tối của hàng hóa : Những món hàng chúng ta mua sắm như đồ chơi, quần áo, được sản xuất với giá rẻ ở Châu Á, Châu Phi, và thường khi do trẻ êm làm ra.
Dĩ nhiên là chúng ta đóng góp vào công cuộc phát triển, nhưng với cái giá như thế nào ? Mặt khác cũng khó quên tác hại môi sinh. Đứng trên bình diện này thí các món quà cuối năm không có gì là “gương mẫu” cả.
Khí thải Co2 từ các máy vi tính, điên thoại smartphone, những trò chơi điện tử quan trọng không kém khí thải do chuyên chở hàng không, đó là chưa kể những thùng các-tông, bao bì phải giải quyết.
Hiện nay, hiện tượng tiêu thụ có trách nhiệm đã có bước tiến, nhưng không nên ảo tưởng : Sự tiêu thụ có trách nhiệm này một phần là xu hướng tìm những mặt hàng bền, dễ sửa chữa …
Tuy nhiên, tác giả cũng có phần nào lạc quan cho là thú mua sắm, sự ham muốn, cám dỗ của những sản phẩm cầu kỳ, mà ai cũng mong đợi phép lạ, có lẽ là thuộc vào quá khứ. Bây giờ phải chế ra những cách tặng quà mới. Nếu suy nghĩ kỹ thì có không ít phương cách.

No comments:

Post a Comment