Trở Về Trang chính

Monday, September 2, 2013

Vinh danh Cách mạng


“Cách mạng cũng hay đấy chứ! Đem mà cách cái mạng mẹ kiếp của lũ chúng nó đi.” -  "AQ chính truyện", Lỗ Tấn
“Cách mạng cũng hay đấy chứ! Đem mà cách cái mạng mẹ kiếp của lũ chúng nó đi.” – “AQ chính truyện”, Lỗ Tấn
Tôi đọc Thư gửi bạn ta của Bùi Bảo Trúc hàng ngày. Trên Thời Báo hôm 16-8-2013, ông viết (có đoạn) như sau:
Tờ Pháp luật ở trong nước vừa đăng một bản tin rất kỳ lạ: một thanh niên ở tỉnh Quảng Nam, sau một chầu ăn nhậu với bạn bè, đã xông vào một cư xá, định hiếp dâm một cô giáo, nhưng bị cô giáo chống cự dữ dội nên đương sự không thực hiện được ý định…
Đương sự sau đó bị bắt giữ, bị truy tố ra tòa và bị tòa phạt 3 năm tù. Đương sự kháng cáo, xin được giảm án và tòa sau khi xét lại hồ sơ, đã giảm bản án 3 năm tù xuống còn 2 năm… lý do… vì gia đình của Sơn ‘có công với cách mạng.’
Cách mạng gì mà kỳ quá vậy?”
Trong khi cả nước đang nô nức chuẩn bị kỷ niệm cuộc Cách mạng tháng Tám, và chào mừng ngày Quốc khánh 2 tháng 9 mà cái ông ký giả này lại đi hỏi ngang một câu (nghe) “kỳ quá vậy” khiến cho ai cũng phải cảm thấy – ít/nhiều – ái ngại. Nhưng khách quan mà nói thì cái vẫn thường được mệnh danh, hay giả danh, là cách mạng (ở ta) quả nhiên có kỳ cục thiệt, và kỳ cục lắm, ở khắp mọi mặt – chớ chả riêng chi cái “khâu” pháp luật.
Cũng trên tờ Thời báo, số thượng dẫn, nhà báo Đoàn Dự còn sưu tập được đôi điều kỳ cục (khác) về cách mưu sinh bằng …“nghề bán máu”. Xin trích dẫn một đoạn ngắn:
Cùng đường mới phải đến đây… Đó là câu nói của một người đàn ông đội cái mũ cáu bẩn, ngồi lúp xúp trên hành lang để chờ đến lượt mình. Ông cho biết ông quê ở ngoài Bắc (Nam Định), gia đình vào đây 4 người gồm hai vợ chồng ông và 2 đứa con lớn, còn 2 đứa nhỏ thì gửi bà nội ở ngoài quê, đi học.
Cả gia đình thuê một căn nhà nhỏ xíu có gác gỗ ở Thủ Đức. Hai con đi làm công nhân, vợ chồng ông bán rau cỏ ở chợ, chắt chiu sống cũng tạm được. Nhưng đùng một cái, vợ ông bị bệnh ung thư vú, tiền dành dụm cũng hết, bà nội ở quê gọi điện thoại vào giục gửi tiền ra nuôi hai đứa nhỏ. Bí quá, ông đành giấu vợ con, lên Sài Gòn tìm đến Bệnh viện Chợ Rẫy hỏi thủ tục để xin bán máu.
Phía sau ông là một cô gái mảnh dẻ, có vẻ như sinh viên nhưng nước da men mét có lẽ do thiếu ăn, cũng đang hỏi han về giá cả bán máu …
Giá 250cc máu là 140.000 đồng, nhưng thực ra họ không được hưởng toàn bộ số tiền đó. Anh Nguyễn Văn Hùng, người vừa đi bán máu về, giải thích: ‘Chúng tôi phải chi riêng cho các nhân viên giám định để họ viết giấy chứng nhận mình đủ sức khỏe, máu tốt, không có bệnh cần phải đề phòng. Ngoài ra, còn tiền ăn uống, tàu xe đi về v.v… Thế nên mỗi 250cc máu chúng tôi chỉ còn lại được khoảng 90.000 đồng là cùng.’
Ôi tưởng gì chớ tiền “bôi trơn” thì ở đâu mà chả mất. Không mất thêm tiền “cò” đã là may rồi. Và ở xứ mình thì bán máu – xưa nay –  vốn chỉ là chuyện nhỏ, và chuyện thường ngày vẫn xảy ra ở huyện:
Túng thiếu. Mà phải có tiền. Phải sống. Đang loay hoay với kế mưu sinh thì Dương Tường đến. Nào ai ngờ được chính anh chàng lơ ngơ này lại là người giải quyết cho Mặc Lân vấn đề cực kì khó khăn ấy: Đi bán máu…
Lân mừng như người chết đuối vớ được cọc… Tiền tính theo cc còn tem phiếu thì đồng loạt. Mỗi người được lĩnh tem 2 cân đường, 4 cân đậu phụ, 2 kí thịt, 2 hộp sữa. Thế là mất đi một ít màu nhưng túi nằng nặng tiền và tem phiếu. Cho nên những ngày đi bán máu rất vui…
Bán máu êm ả là thế mà nhiều lúc vẫn giật mình. Ví như đang ngồi nhìn cả vào người y tá chờ gọi tên mình thì người ấy bỗng bật ra những cái tên bất ngờ nhất:
Chính Yên!
Phan Kế Bảo!

Phương Nam!
Toàn những người quen. Toàn những trí thức. Ngượng nghịu nhìn nhau. Rồi cũng quen dần. Lương thiện thì rõ ràng là lương thiện rồi. Nhưng nó tố cáo bước đường cùng.” (Bùi Ngọc Tấn. “Thời gian gấp ruổi“. Viết về  bè bạn. Fall Church, Virginia: Tiếng Quê Hương, 2006).
Ngoài “những cái tên bất ngờ” kể trên, còn có điều bất ngờ hơn nữa mà rất ít ai để ý: nếu tính từ thời của nhà văn Bùi Ngọc Tấn, tới cái “cô gái rất mảnh dẻ có vẻ như sinh viên” đã có mấy thế hệ người Việt bị dồn đến “bước đường cùng” như thế?
Cách mạng gì mà kỳ quá vậy?
Nó không chỉ kỳ ở cái chuyện bán máu mà còn kỳ ở nhiều vụ đổ máu tùm lum nữa kìa. Xin đơn cử một thí dụ, qua lời giới thiệu trên trangpro&contra về tác phẩm (Luật Hiến pháp và Chính trị học) của cố giáo sư Nguyễn Văn Bông:
“Cuốn sách này sẽ còn phải chờ một thời gian dài, trước khi lại được xuất bản tại Việt Nam. Vì hai lẽ:
Thứ nhất, vì bản thân nội dung của nó. Ra đời gần một nửa thế kỉ trước tại miền Nam Việt Nam thời Đệ nhị Cộng hòa, nền tảng lí thuyết tổ chức một nhà nước dân chủ và pháp quyền mà nó trình bày đối lập sâu sắc với mô hình nhà nước xã hội chủ nghĩa với độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản trước sau vẫn tồn tại trong thực tế và vẫn chế ngự tư duy chính thống.
Thứ hai, tác giả của nó không phải ai khác, chính là Giáo sư Nguyễn Văn Bông, người bị chính quyền cách mạng ám sát ngày 10-11-1971. Lí do để ở thời điểm ấy, Hà Nội quyết định duyệt lệnh giết một giáo sư luật, Viện trưởng Viện Quốc gia Hành chánh tại Sài Gòn, gần đây được bạch hóa trên báo chí Việt Nam với một sự thản nhiên đến lạnh người…
Nguồn ảnh: x-cafevn.org/forum
Nguồn ảnh: x-cafevn.org/forum
Phạm Quỳnh tại văn phòng Lại bộ Thượng thư (Huế-1942). Trên tường có chữ Hiếu, phần dưới của bức tranh có 2 chữ Trung-Hiếu mà Phạm Quỳnh chọn làm châm ngôn.
Cách “ám sát” giáo sư Nguyễn Văn Bông, tuy thế, “văn minh” hơn thấy rõ nếu so với kiểu “trừ khử” học giả Phạm Quỳnh của… chính quyền cách mạng:
Thầy tôi bị giết trước, bị đánh vào đầu bằng xẻng, cuốc, sau đó còn bị bắn bồi thêm 3 phát đạn… Cụ Khôi cũng bị bắn 3 phát… ông Huân hoảng sợ, vùng chạy thì bị bắt lại và bị bắn một phát ngay vào đầu… Cả 3 thi hài bị xô xuống mương rồi vội vàng lấp đất.” (Phạm Tuân. Cái chết của cụ Phạm Quỳnh. Gió O). Đã có bao nhiêu “thi hài bị xô xuống mương rồi vội vàng lấp đất” (y như thế) trong cuộc Cải cách Ruộng đất ở miền Bắc, và trong cuộc thảm sát vào năm Mậu Thân – ở miền Trung?
Thêm bao nhiêu (triệu) thi hài khác nữa được vùi lấp qua loa, ở cả ba miền, trong hai cuộc kháng chiến (rất thần thánh và cũng rất không cần thiết) vừa qua? Đó là chưa kể vô số những xác người đã vùi sâu trong lòng đại dương, khi đang trốn chạy khỏi (cái) thiên đường cách mạng!
Đ… mẹ, cách mạng gì mà kỳ quá vậy?
Đã thế, theo lời của blogger Bùi Tín: “Giáo sư Hoàng Xuân Phú lại có một khám phá động trời. Trên blog Quê Choa, ông khẳng định Đảng Cộng sản đã vi phạm luật lệ do chính mình đề ra, suốt 68 năm nắm chính quyền, là một đảng chính trị, Đảng CS chưa hề có giấy xin phép, đăng ký hoạt động, cũng chưa được chính quyền cấp giấy khai sinh và quy định thể lệ hoạt động cho nó.
Cả khi nó tự giải thể (giả vờ) và đổi tên gọi – Đảng CS Đông Dương, Đảng Lao Động VN, rồi Đảng CSVN – nó cũng không xin phép, đăng ký với chính quyền, có nghĩa là nó chưa hề thực thi thủ tục luật pháp. Nó là một tổ chức không hợp lệ. Trên thực tế và theo quan điểm luật học, Đảng CS vẫn là một đảng phi pháp, không chính danh.”
Hay nói một cách lãng mạn và nhẹ nhàng hơn, theo ngôn ngữ thi ca của nhà thơ Bùi Hoàng Tám, đây là một cách… vin danh:
Việc một đại gia đập bỏ ngôi biệt thự cổ trong khuôn viên trị giá 137 tỉ đồng trong sự nuối tiếc chưa kịp nguôi ngoai của nhiều người thì lại có tin, chiếc giường… trị giá 6 tỉ đồng của đại gia Lê Ân đã về đến Việt Nam.
Đó là một trong số 60 chiếc giường thương hiệu Royal Bed của hãng Savoir Beds (Anh), dựa trên thiết kế đặc biệt giành riêng cho Hoàng gia Anh giai đoạn 1640 – 1740.  Số giường này được làm để kỷ niệm 60 năm Nữ hoàng Anh Elizabeth tại vị. ’Tôi tìm cách đặt mua không phải để ngủ mà để thế giới biết rằng Việt Nam cũng có nhiều đại gia lắm tiền’ – Ông Ân nói…
Còn nhiều việc có thể ‘nhân danh đất nước’ mà có lẽ ông Ân chưa biết, ví như hiện có hàng trăm người Việt Nam lao động bất hợp pháp ở Nga bị bắt giữ đang sống trong cảnh khốn khổ, không có tiền mua vé máy bay về quê. Nếu vì danh dự của đất nước, ông hãy bỏ tiền mua vé cho họ. Khi đó thì ông cứ thỏa mái nhân danh tình yêu đồng bào, lòng tự trọng quốc gia hay… gì gì đó.
Thậm chí, ông có thể giúp các cháu học sinh một vài chiếc cầu tại quê hương Quảng Nam của ông như cầu Dân trí tại Phú Mưa hay cây cầu Dân trí giúp các em đi học hàng ngày vừa khởi công ở Hậu Giang nhờ sự đóng góp cúa các nhà hảo tâm cả nước.
Còn việc mua giường, nó có gì đó càng thô thiển khi liên tưởng tới việc đất nước được ‘vinh danh’ nhờ… cái giường ngủ của đại gia Lê Ân. Mua giường để vợ chồng ngủ mà cũng ‘vin danh’ đất nước thì quả thật, đất nước bị đem ra lạm dụng đến mức như một sự xúc phạm!”
Phải chi ngay khi những kẻ “vin danh cách mạng” để lạm dụng và xúc phạm đất nước Việt Nam mà chúng cũng bị chỉ mặt đặt tên ngay tức khắc, như  ông Lê Ân hôm nay thì đỡ cho cái xứ sở này biết mấy. Từ đó đến nay đã gần hai phần ba thế kỷ trôi qua, thời gian đủ dài để mọi người dân bị “nhồi sọ” nhuần nhuyễn hai chữ “cách mạng” nên đều (hồn nhiên) gọi bọn cướp ngày bằng mỹ từ này: cách mạng tháng tám, cách mạng mùa thu, chính quyền cách mạng, chính phủ cách mạng, chủ nghĩa cách mạng, văn hoá cách mạng, văn công cách mạng, anh hùng cách mạng, truyền thống cách mạng, sách báo cách mạng, thơ văn cách mạng …
Bao giờ mà lũ “ngụy cách mạng” chưa bị điểm đúng mặt, gọi đúng tên (ác độc, bất nhân, bất tín, bất nghĩa, nói một đằng làm một nẻo, vừa đánh trống vừa ăn cướp) thì chúng vẫn còn có thể tác yêu tác quái – ở đất nước này.

No comments:

Post a Comment