Tôi là một BS làm việc ở một bệnh viện công của TP.HCM. Đọc bài “Bác
sĩ công và bác sĩ tư” của bạn Hoàng Mai, tôi thấy chạnh lòng vì tôi từng
chứng kiến nhiều đồng nghiệp đối xử như vậy với bệnh nhân (tâm trạng
của tôi lúc đó cũng rất mâu thuẫn).
Tôi biết cư xử như thế là không đúng, nhưng thực tế có bao nhiêu phần
trăm BS thật sự xem công việc ở bệnh viện là quan trọng trong cuộc đời,
toàn tâm toàn ý cho công việc? Dù không thể đổ lỗi cho thu nhập, nhưng
thật sự chúng tôi đi làm vì cái gì, chỉ vì lương tâm thôi sao, chỉ để
được xã hội công nhận là từ mẫu thôi hay sao?
Chúng tôi cũng cần phải sống, con của chúng tôi cũng cần phải ăn,
phải học. Mà thử xem Nhà nước trả cho chúng tôi lương tháng được bao
nhiêu? Tôi đã học sau đại học mà lương 3 triệu đồng, tiền cơm 500.000
đồng nữa là 3,5 triệu đồng. Rồi bị trừ tiền bảo hiểm, trợ cấp thất
nghiệp, công đoàn… thì làm sao tôi có thể sống ở thành phố này?
Tôi cũng không thể trách đồng nghiệp sao nhăn nhó với bệnh nhân vì
biết BS ấy đang lo lắng bố mẹ ốm mà không có đủ tiền. Tôi nghĩ cũng khỏi
phải bắt chúng tôi học những lớp giao tiếp với bệnh nhân làm gì, chuyện
quan trọng đầu tiên là phải trả công cho chúng tôi xứng đáng với trách
nhiệm mà chúng tôi đảm đương, và đủ để chúng tôi sống đã.
Không phải lo lắng về tiền bạc quá nhiều như hiện nay thì chúng tôi
có thể yên tâm lo cho chuyên môn. Còn như hiện nay thì vấn đề đó sẽ tiếp
tục như thế và rất khó để giải quyết bạn ạ. Bạn cứ chờ xem. …..
Lời phân trần này làm tôi nhớ lại một câu chuyện cách đây 20 năm, mà
tôi là nhân chứng. Hôm đó, tôi đưa cháu vào cấp cứu ở một BV lớn ở TP.
Cháu tôi bị tiêu chảy mất nước nặng. Dưới con mắt nhà nghề, tôi biết
cháu tôi đang trụy mạch, cần được cấp cứu. Vậy mà chờ mãi, vẫn không
thấy động tĩnh gì. Biết thân biết phận, biết câu rừng nào cọp ấy, tôi
rón rén gõ cửa phòng trực BS. Đây rồi, một đồng nghiệp rất trẻ, đang cắm
cúi trên một cuốn sách dày cộp. Chỉ vừa mới mở miệng bẩm báo về tình
trạng mạch nhanh không bắt được, da tím, lạnh… của cháu, tôi nhận được
một ánh mắt lạnh như băng, quét từ đầu xuống chân, qua một cặp kính
trắng lấp lánh rất trí thức, và một câu nói cũng lạnh tanh: “Có biết học
BS là khó lắm không?” (??????)
Không cần bình luận gì thêm về tính chất khiếm nhã và cực kỳ ngạo mạn
của câu nói này, mà nên thấy, xã hội chúng ta đang sống, đã sản sinh ra
một tầng lớp, tạm gọi là trí thức, không tim, thiếu một căn bản tối
thiểu về giáo dục và giao tế xã hội (social etiquette). Không thể đổ lỗi
cho đồng lương, cho sự thiếu thốn vật chất để gật gù thông cảm cho sự
phi nhân, nhất là sự phi nhân đó xảy ra trong ngành giáo dục và y tế.
Nói được một câu “xuất sắc” như đồng nghiệp trẻ năm xưa, chắc không phải
vì lương thấp, vì bức xúc mà bật ra (?)
Tôi cười nhạt, khi nghe đồng nghiệp HT than vãn về thu nhập. Giấy
trắng mực đen, thì BS công nào cũng nghèo. Trà dư tửu hậu, thì các BS
công thường dè bĩu các BS tư là chạy theo đồng tiền, bỏ quên nghiên cứu
khoa học (?). Nhưng thực tế, trừ một số BS trẻ vừa chân ướt chân ráo vào
nghề, các BS công hiện tại đang giàu, rất giàu. Cứ nhìn các dãy xe hơi
đời mới trong sân các BV lớn thì rõ.
Chẳng nên đổ tại tiền! Mà không lẽ vì tiền, tôi có quyền hạ thấp phẩm
giá, sự cao quí của nghề nghiệp, bằng những hành vi cục súc (xin lỗi,
tôi không tìm được từ nào văn hoa hơn), mà các đồng nghiệp của tôi cư xử
với bệnh nhân, và cả với nhau (?) Làm thầy thuốc, không lẽ cứ ít tiền
thì có quyền hỗn xược với người bệnh (?). Phải đợi đến lúc nhiều tiền
mới lễ độ, vồn vã, thì có khác chi bà phở chưởi học nghề chiều khách?
Tuy nhiên, con người là sản phẩm của xã hội. Nói đi thì cũng phải nói
lại, cho nó công bằng. Hệ thống y tế của chúng ta là cha đẻ của một
tầng lớp học cao hiểu rộng, hợm hĩnh, kiêu căng và …dùi đục như thế. Còn
nhớ, khi mới ra trường, lọ mọ đến Sở Y tế một tỉnh nọ có việc, tôi phải
bỏ dép, đi chân không vào phòng ông Giám đốc. Chẳng khác gì một chị Dậu
với nón mê, váy đụp khúm núm chốn công quyền, mặc dù tôi đi bán tôi
(xin việc), không phải đi bán chó, thưa các bạn! Tại sao, một BS trẻ như
tôi hồi ấy, không được quyền có một việc làm đúng sở học, một cách
đường hoàng, tự tin, mà phải hèn hạ đến thế?
Điều ấy, nó tổn hại cho phẩm giá!
Còn nhớ, chúng tôi, hơn 30 BS nam, phải nhường WC cho các BS nữ, nên
phải vừa tiểu tiện, vừa rửa mặt trong một cái lavabo suốt 10 năm trời ở
một BV lớn nhất nước. Chuyện ấy, giờ còn hay không, tôi không biết!
Nhưng, nó cũng làm tổn hại phẩm giá. Nó làm con người ta, mất dần dà đi
cái ý thức về lịch sự, riêng tư, nhân cách…, từ những điều nhỏ nhặt như
vậy!
Còn nhớ, chúng tôi phải đi vận động, hay nói trắng là đi ép buộc,
bệnh nhân chúng tôi phải mua, phải ăn những suất cơm tồi tệ, nuốt không
trôi của BV. Chỉ vì ông giám đốc khả kính một thời của BV đó, có mối
quan hệ rất đáng ngờ với công ty cung cấp khẩu phần bệnh viện. “Không ăn
ư, cứ cho ra viện. Vì ăn cũng là một cách điều trị! Không ăn, là chống
đối chế độ điều trị, cho ra viện”.
Còn nhớ, cũng chính ông GĐ đó, ép buộc và ra chỉ tiêu chúng tôi phải
kê toa một loại thuốc cực kỳ nhảm nhí, chỉ vì ông ta và gia đình vừa mới
được mời đi du hí châu Âu về. Ai mời? Câu trả lời là một cái cười nụ.
Mà cũng chính ông ấy, lại nói về y đức rất dõng dạc, rất tự tin, ai nghe
cũng phải giật mình kính phục.
Còn nhớ, khi mới ra trường, lòng còn nhiều mộng ước, gặp ngay gã y tá
chuyên tu, phó phòng tổ chức. Béo tốt, vênh váo (tuy còn rất trẻ): “ĐM,
BS trẻ chúng mày ngu bỏ mẹ. Khoa ấy có đ. gì để ăn mà cứ xin vào đấy?”
Sau đó là những chầu nhậu, những tăng 2, tăng 3…để được việc. Về nhà,
nhục nhã, uất ức, nhìn con thơ đang ngủ mà phải cắn răng lại để khỏi
trào nước mắt vì tủi nhục. Không chìu lòng chúng nó, bố tìm đâu ra việc
để kiếm tiền mua sữa cho con. Tội nghiệp con, và tội nghiệp cả bố nữa,
con trai ạ!
Một gã thất phu như thế, lại được trọng dụng, cất nhắc nắm sinh mệnh
khoa học (và cả sinh mệnh chính trị) của hơn ngàn BS, bạn có tin nổi
không? vân vân và vân vân…
Thế đấy, người thầy thuốc VN tội nghiệp, sau bao nhiêu năm tháng sống
trong một hệ thống kém văn hóa, hỗn xược như thế, đã bị vùi dập, thui
chột những tố chất bắt buộc phải có của người thầy thuốc: sự lễ độ, lòng
thấu hiểu, phong cách thanh lịch văn minh…mà ta vẫn thường thấy trong
các phim Âu Mỹ. Nó là sự thật, không phải là phim giả tưởng đâu, thưa
các bạn. Nó là kết quả của một xã hội tôn trọng người đọc sách, coi thầy
thuốc là tầng lớp quí tộc, ưu tú. Và huấn luyện, đòi hỏi người thầy
thuốc phải xứng đáng với những phẩm chất đó. Dĩ nhiên, không chỉ bằng
những lời hô hào suông, bằng các loại giấy khen thầy thuốc nhân dân,
thầy thuốc ưu tú, mà bằng nhiều cách khác. Không nói ra thì ai cũng
biết những cách đó là gì!
Thiếu căn bản giáo dục cá nhân, gia đình. Thiếu một nền tảng văn hóa
tối thiếu từ xã hội, cơ quan (ở đây là BV), thì dù một số không nhỏ BS
dù đã rất giàu, họ vẫn không thể hành xử ‘xứng với kỳ đức’ mà nghề
nghiệp và xã hội mong đợi. Chung qui, thì cũng nên nghĩ ngợi về cách
chúng ta đào tạo trí thức. Và cách chúng ta đối đãi (không phải là đãi
ngộ) với người trí thức! (Lại hoan hô Marx một cái cho đúng lề phải, khi
ổng phán thế này: “con người là tổng hòa các quan hệ xã hội”)
Chưa một lần, tôi dám hô hào y đức. Vì nó thâm sâu chẳng khác gì tôn
giáo. Nhìn vào y đức, để thấy thẹn với lòng, vì không bao giờ vươn đến
được cái nghĩa lý cao quí của hai từ đó. Nhớ lại y đức, để răn mình, chứ
chẳng dám răn ai như các quan chức trơn lông đỏ da vẫn thường rao
giảng.
Y đức cao quí (nhưng không cao xa), nên xin các quan chức, thôi hô
hào, thôi khuấy động các phong trào thi đua chấn hưng y đức để tự đánh
bóng bản thân. Y đức nào tồn tại được, theo cái cách chúng ta đang vận
hành guồng máy y tế như bây giờ?
Bộ máy y tế ấy, đã phản y đức về cơ bản, khi phân loại bằng giấy
trắng mực đen, các quyền lợi và hệ thống khám chữa bệnh của nó theo chức
vụ, cấp bậc, mức lương. Lẽ nào, một người dân đen, không được quyền
chăm sóc ngang bằng một cán bộ cao cấp?
Tôi may mắn, tự thoát ra được khỏi hệ thống ấy, cũng hơn 10 năm có lẻ.
Nhưng thỉnh thoảng, nhớ lại một thời cay đắng ấy, không khỏi ngậm
ngùi mà lẩy một câu Kiều: “chút lòng trinh bạch từ nay xin chừa”.
Lại thêm một lý do, để tôi mong ước con trai tôi về, sau khi ăn học
thành tài ở xứ người. Chẳng để trả thù ai, mà làm gì được cho dân mình
bớt khổ thì làm! Về mà thay thế, về mà chấn hưng lại cái hệ thống y tế
nhàu nát mà bố phải chịu đựng ngần ấy năm để nuôi con, con ạ!
——————————————
Bác sĩ công và bác sĩ tư
TT – Mới đây, đang giờ làm việc, cô giáo của con trai tôi (cháu 5
tuổi) gọi điện yêu cầu tôi đến trường đón cháu về vì cháu đang sốt. Vợ
chồng tôi lật đật đến trường đón con và rất lo lắng khi thấy cháu sốt,
nôn ói và than đau bụng…
Vì sốt ruột nên chúng tôi đưa cháu đến một cơ sở y tế gần trường
học của cháu (ở thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương). Ở đây, sau khi mua sổ
khám bệnh, chúng tôi được hướng dẫn đến phòng khám trẻ em. Vào phòng
khám, con trai tôi có vẻ rất mệt mỏi. Vợ chồng tôi tiếp tục ngồi chờ
trong khi một bác sĩ, một y tá ở đây đang ngồi nói chuyện. Vị bác sĩ vừa
thờ ơ hỏi nhát gừng con tôi đau gì, đau ở đâu vừa nói chuyện với cô y
tá. Hai người lấy điện thoại di động ra hỏi nhau: “Em đọc tin nhắn này
thử xem, chị không biết nó viết gì”. Rồi cả hai ngồi… giải mã tin nhắn
và cùng cười. Chưa hết, họ tiếp tục bàn về việc đã làm bài dự thi tìm
hiểu Công đoàn VN – 80 năm một chặng đường chưa? Hai người bình luận về
đề tài dự thi trong khi con tôi đau đớn nhăn nhó cả mặt mày.
Mãi một lúc sau, vị bác sĩ mới quay hẳn sang phía con tôi để
khám. Cô ấy hỏi cháu: “Đau ở đâu, nói!”. Thằng bé đáp lí nhí, tôi tranh
thủ… kể bệnh (theo triệu chứng cô giáo báo lại) nhưng dường như bác sĩ
không thèm nghe. Bác sĩ lại la thằng bé: “Nói đi chứ, sao không nói gì,
đau làm sao?”. Khám bụng, cặp nhiệt độ xong bác sĩ bảo con tôi nằm dài
ra (nhưng trong phòng khám không có giường, chỉ có bàn ghế!) và thằng bé
phải nửa nằm trên ghế nửa nằm trên người ba. Khám một lát, bác sĩ bảo:
“Thằng bé xanh quá. Chuyển lên bệnh viện tỉnh, đi thử máu, vào thẳng
phòng cấp cứu ấy”. Từ đầu đến cuối, gương mặt bác sĩ khó đăm đăm, không
có lấy một nụ cười…
Quá sợ cái cảnh thờ ơ với bệnh nhân này nên chúng tôi đưa con đến
một bệnh viện tư ở thị xã Thủ Dầu Một để khám. Ở đây, thái độ của bác
sĩ rất ân cần. Một bác sĩ nam còn trẻ tươi cười vừa khám vừa chuyện trò
với con trai tôi. Bác sĩ này hỏi con tôi đã ăn gì ở trường, cảm giác đau
ra sao… và cả câu hỏi ngoài lề: “Ở lớp con thích chơi với bạn nào?”.
Con tôi vui vẻ trả lời mà không sợ sệt nữa. Bác sĩ bảo con tôi nhảy cao
lên, co chân vào, nhảy ba cái… Cuối cùng, bác sĩ kết luận con tôi không
bị đau ruột thừa, cháu chỉ bị nhu động ruột. Bác sĩ viết toa thuốc và
dặn tôi cho cháu uống thuốc rất kỹ càng. Tôi hỏi có cần đưa cháu đi thử
máu không thì bác sĩ cười nói: “Khỏi. Không nghiêm trọng thế đâu”…
Tiếp xúc với bác sĩ ở hai cơ sở y tế nói trên, tôi cứ tự hỏi tại sao
cũng là bác sĩ nhưng người thì ân cần với bệnh nhân, người lạnh lùng quá
vậy?
HOÀNG MAI (Bình Dương)
Theo Tuổi Trẻ: Tiền-Tình-Tội
No comments:
Post a Comment