Trở Về Trang chính

Tuesday, May 7, 2013

Trung Quốc tung tàu cá có Hải quân yểm trợ xuống vùng Trường Sa

Tàu cá Trung Quốc ồ ạt tới ra ngư trường gần quần đảo tranh chấp với Nhật Bản ngày 17/9/2012.
Tàu cá Trung Quốc ồ ạt tới ra ngư trường gần quần đảo tranh chấp với Nhật Bản ngày 17/9/2012.
REUTERS/Stringer
Báo chí Trung Quốc hôm nay 07/05/2013 nhất loạt đưa tin : Một đội tàu đánh cá hùng hậu đã rời đảo Hải Nam, xuống hoạt động tại vùng quần đảo Trường Sa. Tiểu hạm đội này được phô trương là lực lượng đánh cá lớn nhất trong năm nay được phái đến khu vực hiện đang có tranh chấp với 4 nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam. Một quan chức Trung Quốc còn hàm ý là đội tàu cá sẽ được chiến hạm Trung Quốc bảo vệ.
Đội tàu bao gồm ba mươi chiếc trọng tải trên 100 tấn đã rời cảng Đam Châu, trên đảo Hải Nam, để xuống thả lưới tại vùng biển Trường Sa (mà Trung Quốc gọi là Nam Sa) trong khoảng 40 ngày. Tháp tùng theo các tàu đánh cá còn có hai tàu vận tải và tiếp liệu cỡ lớn.
Theo báo Anh ngữ China Daily, tiểu hạm đội này có quy mô tương tự đội tàu từng được Bắc Kinh đưa đến vùng Trường Sa vào tháng Bảy năm ngoái, được đánh giá là đội tàu cá lớn nhất của Trung Quốc từng được gửi tới khu vực này từ trước đến nay.
Cũng theo nguồn tin trên, viên giám đốc Sở Hải dương và Thủy sản tỉnh Hải Nam còn khẳng định rằng Bắc Kinh « sẽ cố gắng hết sức để đảm bảo an toàn cho đội tàu », ám chỉ rằng các tàu đánh cá đó sẽ được các tàu chiến hộ tống.
Nguồn tin về việc cử hạm đội ngư thuyền hùng hậu xuống Trường Sa được Bắc Kinh tung ra vài hôm sau khi báo chí nước này phô trương sự kiện Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc – phụ trách Biển Đông – làm lễ tiếp nhận một hộ tống hạm thuộc loại tiến tiến nhất do chính Trung Quốc chế tạo.
Chiếc Nhạc Dương được mô tả là “được trang bị hỏa lực mạnh, đủ sức chống tàu trên mặt nước, tàu ngầm và chống phi cơ ». Mới đây, Hải quân Trung Quốc cũng từng đưa chiến hạm hiện đại của họ xuống tập trận và « tuần tra chủ quyền » tại Biển Đông.
Theo các nhà quan sát, nguy cơ đối đầu giữa tàu Trung Quốc với tàu của các nước Đông Nam Á cũng tuyên bố chủ quyền ở vùng Trường Sa là Brunei, Malaysia và nhất là Việt Nam, Philippines rất lớn vì các nước Đông Nam Á cũng thường cho tàu đánh cá có tàu tuần tra đi theo hộ tống đến hoạt động trong khu vực để khẳng định chủ quyền của nước mình.
Trong khu vực này, vào năm 1988, đã xẩy ra một trận hải chiến ác liệt giữa hai lực lượng Trung Quốc và Việt Nam khi Bắc Kinh xua tàu đánh chiếm một số đảo đá nằm trong tay Việt Nam. Sự kiện này đã khiến gần 70 lính Hải quân Việt Nam bị thiệt mạng. Gần đây hơn, vào năm ngoái, cũng đã có vụ 21 ngư dân Việt Nam bị Hải quân Trung Quốc bắt giữ.
Philippines và Việt Nam luôn cáo buộc Bắc Kinh có những hoạt động hiếu chiến trong khu vực, bao gồm cả việc sách nhiễu ngư dân.

No comments:

Post a Comment