Ông Asis Perez, Giám đốc Cơ quan khai thác hải sản và tài nguyên
biển Philippines (BFAR), chỉ trên bản đồ nơi xảy ra sự cố, họp báo tại
Manila, 10/05/2013.
REUTERS/Stringer
Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu (Ma Ying Jeou) đã đòi phải có lời xin lỗi về cái chết của ngư dân trên, cũng như các thiệt hại của chiếc tàu cá. Ông tuyên bố trước báo chí : « Chúng tôi yêu cầu Philippines điều tra làm sáng tỏ vụ việc, phải xin lỗi, chấm dứt việc giết hại ngư dân và phải bồi thường cho họ ».
Nhưng phát ngôn viên lực lượng tuần duyên Philippines Armand Balilo nhấn mạnh rằng sự kiện diễn ra trong vùng biển thuộc chủ quyền của Philippines, nơi mà họ phải hiện diện để đấu tranh chống nạn đánh cá bất hợp pháp. Ông nói : « Nếu có người thiệt mạng, thì chúng tôi rất lấy làm tiếc, nhưng không thể là lời xin lỗi. Đó là vùng biển thuộc chủ quyền của Philippines ».
Sự kiện trên xảy ra vào thứ Năm 9/5, tại phía bắc đảo chính của Philippines là Luzon, ở eo biển Balintang. Vùng biển này của Philippines không hề bị các nước khác tranh chấp chủ quyền.
Theo ông Armand Balilo, thì lực lượng tuần duyên nhận ra hai chiếc tàu đang cố tiến về phía họ, nên đã nổ súng vào chiếc nhỏ hơn vì chiếc tàu này cố tình đâm vào tàu tuần duyên. Lính tuần duyên Philippines chỉ nổ súng một cách máy móc nhằm vô hiệu hóa, và sau đó đã rời vùng biển khi thấy một chiếc tàu thứ ba của Đài Loan, lớn hơn và sơn màu trắng, tiến đến.
Sự kiện trên chiếm trang nhất các phương tiện truyền thông Đài Loan hôm nay. Tất nhiên là báo chí Đài Bắc lên án Manila, dẫn lời thuyền trưởng tàu cá đảm bảo là chiếc tàu đang ở vùng biển Đài Loan lúc xảy ra vụ đụng độ. Hồng Vũ Chí (Hung Yu Chih), thuyền trưởng đồng thời là con trai của ngư dân tử nạn nói rằng phía Philippines bắn nhiều phát đạn vào chiếc tàu chỉ có bốn người, hai chiếc tàu Đài Loan khác sau đó đã đến tiếp viện.
Hồi năm 2006, một thuyền trưởng tàu cá Đài Loan cũng đã bị bắn chết ở vùng biển phía bắc Philippines. Đài Bắc phản đối, nhưng Manila nói đây là do bất cẩn khi sử dụng vũ khí.
Sự cố vừa rồi diễn ra trong lúc tình hình Biển Đông vẫn đang căng thẳng. Trung Quốc, Philippines, Đài Loan, Việt Nam, Malaysia và Brunei đều đòi hỏi chủ quyền tại đây. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh tăng cường các chiến thuật hung hăng để áp đặt chủ quyền tại Biển Đông, gây lo ngại cho các nước trong khu vực. Hôm thứ Ba 7/5 Trung Quốc đã xua một đoàn tàu cá hùng hậu có Hải quân yểm trợ đến hoạt động tại vùng quần đảo Trường Sa.
No comments:
Post a Comment