Tin Saigon -
Báo giới Việt Nam bắt đầu lên tiếng phản đối một đề nghị sửa đổi Luật
Báo chí theo hướng xâm hại nghiêm trọng cả quyền tự do ngôn luận lẫn đạo
đức nghề nghiệp của họ. Từ trước tới nay, luật báo chí của đảng Cộng
sản Việt Nam quy định báo chí chỉ bị buộc tiết lộ danh tính người cung
cấp thông tin khi có yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát hoặc Chánh án
Toà án cấp tỉnh trở lên, nếu điều đó cần thiết cho việc điều tra, xét
xử tội phạm nghiêm trọng. Tuy nhiên vào cuối tuần trước, Bộ Công an Cộng
sản Việt Nam loan báo họ sẽ đề nghị sửa Luật Báo chí theo hướng báo chí
phải cung cấp xuất xứ của nguồn tin cho người đứng đầu các cơ quan điều
tra. Ý tưởng của Bộ Công an bị nhiều nhà báo phản đối gần như lập tức.
Những nhà báo này cho rằng, việc thực hiện các bài điều tra chống
tham nhũng vốn đã gặp nhiều khó khăn, nay sẽ có nhiều khó khăn hơn nếu
đề nghị của Bộ Công an được Quốc hội Cộng sản Việt Nam chấp thuận. Chưa
kể giữ bí mật về nguồn tin còn được xem là một tiêu chí về đạo đức nghề
nghiệp của báo giới trên toàn cầu. Đó vốn là truyền thống và không nên
buộc báo giới Việt Nam làm khác với truyền thống này.
Ngoài việc nêu quan điểm trên các diễn đàn điện tử, các blog, nhiều
nhà báo còn bày tỏ suy nghĩ của họ trên hệ thống truyền thông của nhà
nước. Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Saigon khẳng định luật mà được sửa theo
hướng như vậy thì chẳng còn ai dám cung cấp thông tin cho báo chí nữa.
Những người tố cáo tham nhũng sẽ bị trả thù vì nhà nước không thể bảo
vệ những người cung cấp thông tin. Việt Nam vừa bị Quốc hội châu Âu, Bộ
Ngoại giao Anh, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ và nhiều tổ
chức bảo vệ nhân quyền trên thế giới lên án do xâm hại nhân quyền, đặc
biệt là xâm hại quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin. Áp lực của cộng
đồng quốc tế lên chế độ Cộng sản Việt Nam đang gia tăng và có nhiều dấu
hiệu cho thấy Hà Nội sẽ phải trả gía đắt trong quan hệ với cộng đồng
quốc tế.
No comments:
Post a Comment