Trên mạng Facebook, khi đề cập đến việc một số Blogger từ Hà nội, Sài
gòn…sẽ đến Hải phong chứng kiến, quan sát phiên tòa xét xử anh Đoàn Văn
Vươn và các anh em trong gia đình bắt đầu từ ngày 2/4/13, một nick name
X đã comment: “Các bác đến Hải phòng liệu phòng thân đấy, bọn giang hồ
đất cảng chơi bẩn và tàn bạo lắm chứ không như Hà nội đâu”. Tôi đã
reply: “ Tôi đến Hải phòng không nhiều nhưng từng gặp không ít người
trong giới giang hồ. Nói chung họ bần cùng mới bị xô đẩy vào nghiệp dao
búa, hầu hết họ sống nghĩa hiệp, có tình chứ không bẩn thỉu, nhỏ nhen,
khốn nạn đâu.”
Cái comment này của tôi không ngờ nhận được rất nhiều cú click LIKE.
Đất cảng hay còn gọi là thành phố hoa phượng là một thành phố nhỏ so với
Hà nội, Sài gòn. Khác với người Hà nội (nói chung) khá thâm trầm, khép
kín, người Hải phòng thân thiện, dễ gần, bộc trực. Họ có nét gì đó gần
gũi với người Sài gòn.
Năm ngoái, có lần ăn bún riêu cua ở đường X, Hải phòng, một người ngồi
bàn bên nghe thấy chúng tôi tám về bóng đá giải V-League giữa Hà Nội
T&T và Vicem Hải phòng, không bằng lòng điều gì đó bèn đứng lên đến
bàn chúng tôi, tự kéo ghế ngồi. Tay này trung niên, quần jeans áo may ô
để lộ hai cánh tay trần gân guốc xăm đôi rồng mầu lam, ngậm thanh gươm
ròng ròng máu đỏ. Tay phải cầm cốc bia, tay trái đập xuống bàn: “ Xin
lỗi các ông chứ cái pha ăn bàn của T&T chẳng qua thằng Ngọc Tân
Vincem nghĩ việt vị nên cố tình không bắt bóng chứ các ông lấy đâu ra mà
thắng 2-1 dễ như ăn tào phớ thế. Tôi không đồng ý với các ông đâu”. Mấy
anh em cùng bàn ngơ ngác, luống cuống. Hơi chột dạ nhưng chẳng lạ với
các tình huống này trong các cuộc nhậu nên tôi nâng cốc cụng một phát
“Chúc Vicem thắng lớn ở vòng sau, ông hiểu không, tôi cũng khoái thằng
Ngọc Tân Hải phòng”…
Đi hết vài phát trăm phần trăm thì mấy ông bàn bên kê sát bàn lại nhập
làm một. Tàn cuộc, ông “xăm trổ” nhất định thanh toán toàn bộ cả 2 bàn
mới chịu. Từ đó chúng tôi thành bạn bè “bất đắc dĩ”. Rồi sau thân tình
mới biết “bọn Hà nội” chúng tôi hôm đó gặp đúng mấy anh chị chuyên đòi
nợ thuê và kinh doanh cầm đồ quanh Chợ sắt, Cầu rào… (Loại có số có má,
trong xe chất toàn “hàng nóng” không).
Sau lần đó có nhiều dịp tiếp xúc rộng hơn với giới giang hồ, anh em
chúng tôi biết rằng Giang hồ đất cảng lỳ lợm nhưng tình nghĩa. Chơi hàng
nóng với họ cũng nhỏ như chuyện chẳng may đứt tay vậy thôi. Có điều
chơi bẩn kiểu như ném phân trộn dầu nhớt vào nhà người ta, đánh lén ban
đêm, chèn xe máy như bọn “tự phát” tiền ở Hà nội thì tuyệt đối không có.
Lần này đến Hải phòng quan sát phiên tòa xét xử mấy anh em nhà ông Vươn,
bạn giang hồ biết ai ở Hà nội xuống cũng trong vòng nguy hiểm nên họ
kín đáo loanh quanh vòng ngoài theo dõi. Chưa phải giúp gì anh em Hà nội
nhưng đó cũng là ân tình, là nghĩa.
Lại nói về chuyện gác sách, bố phòng của công an Hải phòng từ hôm 2/4 quanh tòa án xử vụ Đoàn Văn Vươn.
Nói chung hầu hết nhân viên công lực bố phòng quanh tòa hôm qua đến hôm nay là quá đông đảo, binh hùng tướng dữ.
Nói lực lượng công cụ “quá đông” vì chính quyền Hài phòng không cần
thiết phải trưng ra lực lượng hùng hậu đến như thế. Số người lương thiện
đứng ngồi ngoài tòa bao gồm các boggers, họ hàng thân nhân nhà anh Vươn
và dân Hải phòng quan tâm đến chỗ “hang hùm nọc rắn” chỉ tầm trăm rưởi
nhưng công an, an ninh các loại không thể dưới ba trăm. Họ rải quân khắp
đường, khắp vỉa hè, khắp hàng quán.
Có thể vì tuyển mộ quá nhiều nhân viên công an chìm nổi nên bây giờ bất
cứ có chuyện gì và ở đâu, người ta cũng phải huy động lực lượng rất đông
ra đứng đường. (Chứ chẳng nhẽ trả lương để các cậu ấy suốt ngày ăn no
rồi đánh bóng chuyền hoặc nằm dài ra ngủ trong doanh trại? mà lương công
an bây giờ đâu có thấp?)
Có thể vì chính quyền Hải phòng quá lo lắng về một cái “bẫy” Thiên an
môn Việt nam nên họ cẩn tắc vô ưu, điều hết lực lượng ra để chủ động dập
tắt mọi biểu hiện “bùng cháy đám đông” nếu có?
Những giả thiết này hẳn không phải không có trong kế hoạch “tác chiến”
của chính quyền. Chắc chắn lực lượng tham mưu cao cấp, lãnh đạo công an
Hải phòng không phải lúc nào cũng dương dương tự đắc mà ngồi rung đùi
nghĩ về những “trận đánh hay có thể viết thành sách” với đám dân chúng
đang ngày càng bất mãn và bất vị an đang ngày càng trở nên chán ngán cái
nhà nước nhũng loạn này.
Sự có mặt của nhiều an ninh bộ điều về từ Hà nội làm cho người ta thấy
ngay cả chính quyền trung ương cũng không mấy tin tưởng vào lực lượng
địa phương. Các anh an ninh Hà nội rất ráo riết tiếp cận các “đối tượng”
blogger “nguy hiểm”, kèm chặt họ, đưa ra các khuyến cáo nhẹ nhàng kèm
với cái bắt tay có vẻ thân thiện nhưng đầy đe dọa về một cuộc “tương
ngộ” chắc chắn ít dễ chịu trong tương lai.
Khổ nỗi, chính sự hiện diện quá đông của lực lượng thanh kiếm này mà
không khí Hải phòng trở nên ngột ngạt, sắt máu. Điều đó là không cần
thiết khi người dân hiện nay đã bị đẩy đến giới hạn của sự sợ hãi và
điều đó càng làm chô họ bức xúc hơn. Nhiều người và ngày càng nhiều hơn
những người sẵn sàng đi tù để nói lên sự thật bởi đạo đức làm người dằn
vặt họ.
Tiếc rằng chính quyền trung ương cũng như chính quyền các địa phương
hình như không muốn hiểu điều đó. Có lẽ họ thiếu một thứ đó là văn hóa
tử tế-cái cốt lõi của văn hóa làm người.
Nếu chính quyền Hải phòng có một ông có văn hóa làm người một chút, một
tý thôi thì người ta nên bố trí một khu vực đủ rộng cho nhân dân tập
trung, vừa dễ kiểm soát vừa trật tự. Nếu ma mị ở một trình cao hơn một
chút nữa, họ có thể bố trí tượng trưng chừng trăm cái ghế nhựa cho dân
ngồi thì họ ăn điểm quốc tế mà lại được tiếng thơm trong dân.
Nói vậy thôi chứ nếu chính quyền biết nghĩ như thế thì đâu nên chuyện có một Đoàn Văn Vươn.
Lại nhớ khi cưỡng chế đầm tôm của anh Vươn, công an Hải phòng đã bố trí
đến trăm người, súng ống, áo giáp, chó săn đủ cả, bắn sập cả một căn nhà
hai tầng nằm ngoài khu cưỡng chế của người ta. Cái lối cậy đông, cậy to
hiếp bé nó quen nết nên không bao giờ chính quyền chịu đặt mình trong
hoàn cảnh, vị trí người dân để giải quyết rốt ráo các mâu thuẫn phát
sinh. Động tý chỉ thích dùng súng dùng còng sắt với dân.
Bây giờ, chuyện tham nhũng ngạo ngược, hung dữ, nói dối như cuội của
chính quyền các cấp, lừa mị trơ tráo của các cơ quan truyền thông tính
đảng trở nên không hiếm nữa và người dân mất hết niềm tin có lẽ là điều
đáng buồn nhất. Trong lịch sử mấy nghìn năm, dân tộc chúng ta đã từng
trải qua quá nhiều cuộc động binh với nhiều quốc gia xa, gần. Nhưng sau
binh lửa, chúng ta và họ còn xích lại được gần nhau, giao hòa làm ăn với
nhau thì tại sao giữa nhân dân và chính quyền lại trở nên thù hận như
vậy?
Văn hóa dân tộc Việt xây dựng nên bởi nhiều yếu tố trong đó có cả kinh
nghiệm chống ngoại xâm nhưng hình như thiếu vắng kinh nghiệm xây dựng
đất nước, chống “nội xâm”. Văn hóa của chúng ta rất thiếu sự bao dung.
Chính quyền không biết bao dung đã là một lẽ nhưng hình như nhân dân
cũng tỏ ra thiếu độ lượng?
Tôi ghét sự chém giết đồng loại, ghét mầu máu nên tự nhiên trong tiềm
thức không ưa lắm mầu hoa phượng. Thật là xúc phạm cái mầu đỏ của loài
hoa đáng yêu tượng trưng cho thành phố cảng dù ve chưa ran lên trên
những tán phượng vĩ ven đường Cát bi, Hồng bàng…nơi đất cảng. Đó là nỗi
dằn vặt, nỗi buồn trong những ngày diễn ra phiên tòa xử gia đình nông
dân Đoàn Văn Vươn.
Mai Xuân Dũng
No comments:
Post a Comment