Ngay
sau khi VTV1 (lúc 19 giờ, ngày 25/2) đưa tin ông Nguyễn Phú Trọng phát
biểu với đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu “xử lý” những ai có tư tưởng “…
muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp…, phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng…. Muốn đa
nguyên đa đảng…. Muốn ‘tam quyền phân lập’…. Muốn ‘phi chính trị hóa
quân đội’…. Tham gia đi khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể …” là các
luồng ý kiến “suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”
Ngược với động thái trên, ý kiến của vị
đảng trưởng, người cách đây chưa lâu đã từng nghẹn ngào trong cuộc “tắm
gội” mà chưa sạch được các vết nhơ do “một bộ phận không nhỏ” thoái hoá
biến chất có nguy cơ làm tan rã đảng. Rồi lớn tiếng hô hào “nhóm lò” để
cho tất cả củi khô củi ướt cùng cháy để hun đúc nên ngọn lửa nhiệt tình
cách mạng…. Khiến biết bao người nhẹ dạ cả tin xúc động.
Việc ông Phan Trung Lý, cấp thừa hành
của ông Tổng Trọng tuyên bố “không có vùng cấm trong góp ý sửa đổi Hiến
pháp 1992… kể cả điều 4…” càng làm nhiều người hy vọng hơn.
Chớ trêu thay, khi về Vĩnh Phúc kinh lý,
trong phần nói về góp ý sửa đổi Hiến pháp. Chỉ với 1 phút 8 giây nhẩn
nha nhỏ nhẹ, có hơi chút đay nghiến thôi, cái roi “quan tâm xử lý” của
ông Trọng đã được vung ra sắc lẻm.
Kết qủa chưa đầy 24 tiếng đồng hồ sau,
nhà báo trẻ Nguyễn Đắc Kiên (đang có công ăn việc làm ổn định tại một tờ
báo của nhà nước) đã bị sa thải vì can tội có “Vài lời với TBT ĐCS VN Nguyễn Phú Trọng”.
Khiến nhiều người từ ngạc nhiên đến thất vọng. Cho rằng ông TBT đã lú
lẫn quá mất rồi! Cả những người (có thể do còn chút kỳ vọng ở ĐCSVN) mà
qui tội ông TBT là “phản động”, là “suy thoái đạo đức”, là “đi ngược lại
xu thế tiến bộ của nhân loại”… Nhưng suy cho cùng chúng ta phải cảm ơn
cái “lú” có tính “biện chứng khách quan” của ông Tổng mới phải chứ? Bởi
dù tiền hậu bất nhất, ông Trọng đã nói thật lòng mình, điều này giúp cho
nhiều người còn mơ hồ thấy được chân tướng của kẻ mình từng hy vọng và
đặt niềm tin.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại buổi làm việc – Ảnh: MC
Hôm nay để chia lửa với ông Phú Trọng,
ông Sinh Hùng đã không cần úp mở như mấy hôm kinh lý các tỉnh miền Trung
nữa. Phát biểu với các lãnh đạo thành phố Hà Nội sáng 27/2, Chủ tịch
Quốc hội nói “tuyên truyền vận động nhân dân chống lại Đảng, nhà nước,
cái đó là ngược chiều, phải kiên quyết đấu tranh”.
Ông Hùng kêu gọi phải ngăn chặn “lợi dụng” để “phá hoại” trong vấn đề Hiến pháp.
Phụ hoạ thêm với 2 ông Trọng và Hùng, đã
có thêm các “âm binh” mới xuất chiêu như: Trung tướng Phùng Khắc Đăng,
Phó Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Việt Nam; Tiến sĩ Hồ Trọng Ngũ, phó chủ
nhiệm Ủy ban Quốc phòng – an ninh của Quốc hội. Ngoài ra các biên tập
viên của VTV1 còn giới thiệu 2 bài viết được đăng trên Báo Nhân Dân và
QĐND của một bạn đọc được giới thiệu là Việt kiều trẻ sống ở Mỹ đã hơn
10 năm và của Thiếu tướng Lê Văn Cương (nguyên Viện trưởng Viện Chiến
lược – Bộ CA)… Tuy khác nhau về cương vị, tuổi tác, địạ lý, tất cả đều
cho rằng, không thể bỏ điều 4 và không ai có thể phủ nhận vai trò của
ĐCSVN… Các luận điệu tuyên truyền đa nguyên đa đảng ở Việt Nam thực chất
chỉ nhằm thực hiện mục tiêu chính trị đen tối của các thế lực đi ngược
lại xu thế phát triển tất yếu của đất nước. Không ai có thể phủ nhận vai
trò lãnh đạo của ĐCSVN. Qúa khứ và hiện tại đều khẳng định chân lý đó.
PGS-TS Lê Văn Cương. Ảnh: Nguyễn Khánh.
Đặc biệt trong ý kiến của Phó GS-TS Lê
Văn Cương trong bài “Đa đảng không hẳn là ưu việt” (QĐND) còn so sánh 2
thể chế đa nguyên đa đảng tam quyền phân lập và chế độ nhất nguyên một
đảng ở 2 nước Ấn Độ và Trung Quốc. Trên các tiêu chí cơ bản, trình độ
phát triển, vào năm 1960, 2 nước là ở cùng một cấp độ. Nhưng sau 50 năm
Trung Quốc đã vượt xa Ấn Độ. Ở đây có nhiều nguyên nhân nhưng chắc chắn
trong đó có nguyên nhân thuộc về thể chế chính trị…
Ông Phó GS-TS “còn đảng còn mình” đi đến kết luận: “Một đảng lãnh đạo chưa phải là sai lầm và đa đảng không hẳn là ưu việt”!
Chắc ông Phó GS.TS Lê Văn Cương chưa
được cập nhật một cách đầy đủ sự phát triển “bền vững” của chế độ nhất
nguyên độc đảng của Trung Quốc (tấm gương sáng chói mà CHXHCN Việt Nam
đang thần tượng). Như tin vừa được Tân Hoa xã (ngày 20/2/2013) thông báo
cấm nướng thịt để chống ô nhiễm không khí.
Khi mà không chỉ thủ đô Bắc Kinh chìm
trong khói mù, than bụi mà 99% tổng số các thành phố khắp TQ đều bị ô
nhiễm trầm trọng. Với hàm lượng ô nhiễm luôn ở mức 238 microgram/m³. Ra
đường không thể thấy xa quá 50 mét. Bắc Kinh, thành phố có hơn 20 triệu
dân, suốt cả tháng Giêng năm 2013 (dương lịch) chỉ có năm ngày trời
quang. Người dân ra đường luôn phải mang khẩu trang bịt miệng. Tình hình
ô nhiễm làm cho cư dân hoảng sợ và bất mãn cùng cực với chính sách phát
triển “nóng” kinh tế bất chấp hiểm hoạ về môi sinh tới mức nào. Chỉ vì
cái lợi kếch xù của các nhóm đặc quyền đặc lợi trong giới cầm quyền và
những người ăn theo. Thiệt hại đổ hết lên đầu người dân phải chịu. Từ
bệnh hoạn gia tăng, không gian văn hoá, di tích đền đài, danh thắng nổi
tiếng lâu đời bị mưa acid, bụi than, sương hoá học tàn phá, do khói,
nước thải của các xưởng, nhà máy tạo ra.
Cao điểm là những ngày cuối tháng Giêng
2013, Đảng Nhà Nước sợ dân chúng bạo loạn nên phải nói thật. Ngày
30/01/2013, Sở Khí Tượng Bắc Kinh khuyến cáo người dân không nên đi ra
ngoài vì mức ô nhiễm vẫn đang ở mức báo động. Chỉ số ô nhiễm ở Bắc Kinh
do Toà Đại sứ Mỹ phổ biến là 352, thậm chí lên tới 700 cao gấp 45 lần so
với ngưỡng mà Tổ chức Y tế Thế giới quy định. Trong khi đó Bộ Môi
Trường ở Bắc Kinh chỉ nói có 274.
Theo báo Figaro của Pháp, không chỉ
riêng thủ đô Bắc Kinh là bị nhầy nhụa trong không khí với sương mù khói,
bụi, than, hoá chất độc. Cả nước có 500 thành phố, mà 495 thành phố bị
chìm trong ô nhiễm như Bắc Kinh. Chỉ có 1% tức 5 thành phố không khí còn
được dễ thở theo tiêu chuẩn của Tố chức Y tế Thế Giới.
Dân chúng Bắc Kinh nói riêng và toàn Hoa
lục nói chung ngày càng phẫn uất khi các bệnh về đường hô hấp của người
lớn đã tăng thêm 20% và trẻ em tăng 50%. Tất cả các bệnh viện luôn chật
cứng người bệnh. Theo các bác sĩ và các chuyên viên y tế công cộng,
dịch bệnh đường hô hấp vì ô nhiễm không khí còn nguy hại và trầm trọng
hơn là bệnh SARS viêm phổi cấp tính, tử vong còn nhiều hơn bệnh tim mạch
nữa. Chính Phó Chủ tịch Bắc Kinh cũng thừa nhận là do khói thải 24,5%
của các nhà máy ở Bắc Kinh và phụ cận, 22% của xe hơi; 16,7% do việc sử
dụng than; 16% do bụi các công trường và 4,5% là từ chăn nuôi và nông
nghiệp…
Nếu đọc được các thông tin đang nóng hổi
này, tôi tin Phó GS-TS Lê Văn Cương sẽ không còn bụng dạ nào mà bênh
chế độ nhất nguyên độc đảng CS toàn trị của ông bạn vàng phương Bắc là
“ưu việt” nữa nhỉ?
Như vậy, tín hiệu mà đảng (thông qua các
ông Trọng và Hùng) vừa phun ra đã làm cho tất cả chúng ta sáng mắt sáng
lòng. Chỉ có những ai còn nhẹ dạ cả tin, mới ngộ nhận mà khuyên và mong
đảng nhân cơ hội sửa Hiến pháp kỳ này, vứt phăng cái vòng kim cô ý thức
hệ mà trở về chung lưng đấu cật với nhân dân để đưa đất nước thoát khỏi
suy thoái bế tắc để vươn lên.
Tất cả chúng ta hãy mở mắt, dỏng tai mà
nghe cho rõ rằng cái “Bản lấy ý kiến là bản của ủy ban dự thảo Hiến pháp
công bố… Đó là bản duy nhất. Còn anh tự tổ chức lấy ý kiến khác của
anh, là không được… là không đúng qui định nếu chưa muốn nói là vi phạm
pháp luật” (Lời Nguyễn Sinh Hùng)
Đó chính là minh chứng hùng hồn cho ý
kiến tinh tường của nhà báo Huy Đức khi nhận định rằng, cái đảng mà ông
Tổng Trọng cầm đầu “thay vì nắm bắt tư duy của thời đại và ý chí của
nhân dân, chỉ có thể loay hoay trong một cái vòng tự vẽ. Hệ thống chính
trị, trải qua nhiều thế hệ, càng về sau lại càng có ít khả năng khắc
phục sai lầm”.
Cho nên thay vì nặng lời với ông Cả
Trọng, ta cần cám ơn sự thật thà của ông ấy để từ nay về sau đừng bận
tâm vào những giọt lệ nhạt hoét mà… có thể ổng lại sắp sửa nghẹn ngào…
*) Dựa theo tên một nhạc phẩm của nhạc sỹ Phạm Tuyên/con cụ Phạm Quỳnh: ĐẢNG ĐÃ CHO TÔI SÁNG MẮT SÁNG LÒNG
Nguồn: Gocomay
No comments:
Post a Comment