Trở Về Trang chính

Monday, December 10, 2012

Cậu học sinh 15 tuổi thách thức Bắc Kinh về môn học tẩy não


Hoàng Chi Phong
Thụy My_RFI
Thông tín viên nhật báo Le Monde tại Hồng Kông hôm nay trong bài viết mang tựa đề « Hoàng Chi Phong, cậu học sinh thách thức Bắc Kinh » đã nói về một sự kiện chưa từng diễn ra tại đây. Phong trào do cậu bé 15 tuổi này lãnh đạo đã khiến chính quyền Hồng Kông phải lùi bước trước ý định áp đặt chương trình « giáo dục lòng yêu nước » của Trung Quốc.
 Bài báo mô tả cậu học sinh với cặp kính cận có bề ngoài cũng bình thường như các thiếu niên Hồng Kông cùng độ tuổi 15 với cậu. Nhưng bài diễn văn của Hoàng Chi Phong (Joshua Wong Chifung) với giọng điệu vừa khẩn thiết, lo ngại nhưng vẫn cụ thể, nhắm thẳng vào mục đích, nhất là trước một rừng micro : cậu bé giải thích vì sao phải bằng mọi giá phản đối việc áp đặt « chương trình giáo dục đạo đức ». Đây là môn học mới mà Hoàng Chi Phong khẳng định là nhằm tẩy não, mà chính quyền Hồng Kông định buộc học sinh trung và tiểu học phải theo từ nay cho đến năm 2016.
Cậu bé 15 tuổi đã chiến thắng ! Sau nhiều tháng do dự, một cuộc biểu tình khổng lồ với gần 100.000 người hôm 29/7, nhiều vụ tuyệt thực trong đó có cả các học sinh tham gia, 10 ngày cắm dùi trước trụ sở chính quyền hồi tháng Chín, ông Lương Chấn Anh, lãnh đạo đặc khu Hồng Kông hôm 7/10 cuối cùng đành phải thông báo cho ngưng lại chương trình này.
Muốn đẹp lòng Bắc Kinh, nhưng chính quyền Hồng Kông đã thất bại
Theo Le Monde, đây là thất bại cay đắng của tân chính quyền Hồng Kông, vốn hy vọng lấy lòng Bắc Kinh qua việc đưa môn giáo dục ái quốc của Trung Quốc vào giảng dạy. Đây cũng là một thắng lợi vang dội của các thanh thiếu niên thuộc phong trào Scholarism mà Hoàng Chi Phong cùng với một người bạn đã thành lập vào giữa năm 2011. Scholarism là động cơ của phe phản đối chương trình này, đã lan rộng suốt trong mùa hè 2012 khiến chính quyền phải lùi bước.
Mục đích chính thức của môn « giáo dục ái quốc » là « tăng cường lòng yêu nước và tình cảm thuộc về đất mẹ Trung Quốc », tại vùng đất từng là thuộc địa Anh trong 150 năm. Chương trình học gồm chào cờ Trung Quốc, các bài học lịch sử giảng giải tính ưu việt của chính quyền độc đảng, và các buổi trẻ em tiểu học phải đứng hát « Em vui sướng được là người Trung Quốc ». Những nội dung này làm cho bất cứ người Hồng Kông nào từng được giáo dục theo kiểu phương Tây với tinh thần phân tích và phê bình cũng phải nổi giận, mà trong số những người phẫn nộ nhất có cậu bé Hoàng Chi Phong.
Sinh vào tháng 9/1996 trong một gia đình Anh giáo trung lưu, Hoàng Chi Phong là con trai duy nhất, cha mẹ cậu là các nhà đấu tranh dân chủ, ủng hộ đảng đối lập ôn hòa Civic Party. Đối với các bạn học, thì cậu cũng bình thường như bao nhiêu bạn khác trong lớp. Hoàng Chi Phong hết sức lịch sự từ chối trả lời phỏng vấn của Le Monde với lý do bận làm bài và « nói tiếng Anh dở ». Theo cậu, « Nếu một phong trào quần chúng bị hướng về phía tôn sùng cá nhân lãnh đạo, thì đó là vấn đề rất đáng ngại ».

Cho dù còn rất trẻ, nhưng Hoàng Chi Phong đã có nhiều kinh nghiệm đấu tranh. Năm 12 tuổi, cậu theo dõi rất kỹ phong trào phản đối việc xây dựng một xa lộ nối Trung Quốc với Hồng Kông, khiến nhiều người dân phải di dời, và phá hủy nhiều làng mạc, đồng ruộng. Đến năm 2010, là vụ năm dân biểu liên tiếp từ chức, đòi hỏi một cuộc trưng cầu dân ý mini. Cậu bé có thói quen theo cha mẹ đến dự buổi lễ tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn hàng năm được tổ chức vào ngày 4/6 tại công viên Victoria.
Hoàng Chi Phong tự xây dựng nên một mạng lưới những người cùng chí hướng đầy kinh nghiệm. Tháng 6/2011, cùng một người bạn lớn tuổi hơn, cậu mở một trang Facebook và khai sinh phong trào Scholarism. Lập tức tình báo Trung Quốc đã nghe lén điện thoại của cậu bé. Heidi Ma, phát ngôn viên của Scholarism, lớn hơn cậu bé chủ tịch hai tuổi, cho biết : « Hoàng Chi Phong nhận thấy có tiếng vọng bất thường trong điện thoại, và tài khoản của Scholarism trên mạng Vi Bác bị phong tỏa ».
Cho dù có được sự ủng hộ của các tổ chức phụ huynh, các nghiệp đoàn giáo viên và các đảng đối lập, nhưng Heidi Ma khẳng định phong trào vẫn giữ được tính độc lập. Scholarism đã tạo được ảnh hưởng, với nhận định việc tạm ngưng chương trình « giáo dục ái quốc » chưa đủ, mà còn phải hủy bỏ hoàn toàn dự án này.
Le Monde nhận xét, đây là lần đầu tiên từ hơn một chục năm qua, mà những yêu sách của xã hội công dân đạt được mục đích. Scholarism cũng cảnh báo công chúng về các chuyến đi Trung Quốc tham quan văn hóa cho học sinh, được Bộ Giáo dục Hồng Kông tài trợ một phần lớn, rất giống như những cuộc hành hương Mao-ít. Về phần Hoàng Chi Phong, cậu hứa hẹn vẫn cảnh giác về vụ « tẩy não », nhưng đang lao vào một nhiệm vụ mới : « Mở rộng phong trào về sự thức tỉnh của xã hội dân sự ».
Chiến dịch chống tham nhũng đầu tiên của Tập Cận Bình
Cũng liên quan đến Trung Quốc, thông tín viên Le Monde tại Bắc Kinh trong bài « Tập Cận Bình tung ra chiến dịch chống tham nhũng đầu tiên trong đảng Cộng sản Trung Quốc sau đại hội Đảng 18 », đã nhấn mạnh đến sự kiện ông Lý Xuân Sanh (Li Chuncheng), Phó bí thư Thành ủy Tứ Xuyên và nhiều cán bộ khác bị bắt vì tham nhũng.
Theo tờ báo, nếu các lý do khiến ông Lý Xuân Sanh bị bắt chưa được công khai công bố, thì cũng không thể gác qua một bên giả thiết về một vụ thanh toán chính trị. Ông Lý Xuân Sanh là người thân tín của Chu Vĩnh Khang, ủy viên thường trực phụ trách an ninh của Bộ Chính trị trước đây, đồng minh thân cận nhất của Bạc Hy Lai, Bí thư Thành ủy Trùng Khánh đã bị thất sủng. Hai nhân vật này bị nghi ngờ là mưu toan giành quyền lực cao nhất trong Đảng.

No comments:

Post a Comment