Việt Nam chết mất đất, chết khô nước, tại ai? Xin thưa ngay, tại CS Hà nội.
Trung Cộng lại đã làm và hồi đầu
tháng 9/2012 đã khởi động thêm một đập thủy điện nữa ở đầu nguồn sông
Cửu Long: Đập Nọa Trác Độ (Nuozhadu) khổng lồ. Thế mà tại hội nghị
thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á -Thái Bình Dương APEC ở
Vladivostok (Nga) ngày 07/09 vừa qua, ông Trương Tấn Sang, Chủ Tịch Nước
VNCS, chỉ nói bâng quơ, không dám nêu đích danh nước nào, than phiền:
«Tình trạng xây đập, điều chỉnh dòng nước chảy xuống hạ lưu của một số
nước ở thượng nguồn là vấn đề gây quan ngại cho nhiều quốc gia, tiềm ẩn
tác động quan hệ giữa các nước liên quan».Nhưng Ô Trương tấn Sang làm gì khác hơn được khi những người cầm quyền CS Hà nội trước đây đã có những quyết định ngoại giao sai lầm “gây hậu quả nghiệm trọng” cho quốc gia dân tộc VN, đã tự thủ tiêu quyền phủ quyết của nước VN trong vấn đề sông Mekong.
Làm thầy thuốc trật hại một người, làm thầy giáo trật hại một lớp; làm chánh trị trật hại một quốc gia dân tộc. Với độ lùi thời gian khá đủ, với Hoàng Sa Trường Sa đã mất vào tay Trung Cộng, đã cũng khá đủ để cho người Việt ở Bắc, ở Nam, ở Trung và ở hải ngoại thấy: CS Hà nội là những người làm chánh trị trật, hại cả quốc gia dân tộc Việt Nam.
Chưa hết đâu, VN còn sắp chết khô nước nữa vì CS Hà nội. Các nước thượng nguồn Sông Cửu Long, Trung Cộng, Miến Điện, Lào và Thái Lan đã, đang, và sẽ đua nhau xây đập thủy điện, chận bớt dòng chảy và nguồn nước vào Đồng Bằng Sông Cửu Long ở Nam Việt hạ nguồn bị nhiễm mặn, lừng phèn, mất phù sa của vựa lúa của cả nước VN.
Nếu Thủ Tướng Phạm văn Đồng của CS Bắc Việt năm 1958 nhơn danh Đảng Nhà Nước CS ở Miền Bắc đã ký và gởi công hàm cho Thủ Tướng Chu ân Lai của TC, thừa nhận lãnh hải của TC bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tức hai đảo này là lãnh thổ của TC, là làm một hành động chánh trị có tội động trời đối với quốc gia dân tộc Việt Nam, thì việc làm của Bộ Trưởng Ngoại Giao Nguyễn mạnh Cầm của VNCS vào năm 1995 còn làm một tội động đất khi đặt bút ký tên gia nhập và thừa nhận hiến chương mới của Ủy Hội Sông Mekong (Mekong River Commmission) và đặt văn phòng chi nhánh ở Hà nội.
Tổ chức và hiến chương mới này bãi bỏ tổ chức cũ là Ủy ban Sông Mekong (Mekong River Committee) mà VN Cộng Hoà là thành viên có văn phòng chi nhánh đặt ở Saigon. Ủy hội mới, hiến chương mới của Ủy Hội Sông Mekong do Ô Nguyễn mạnh Cầm ký thủ tiêu thẩm quyền phủ quyết của quốc gia dân tộc Việt Nam là một quốc gia có vùng trù phú nhứt, vựa lúa của cả nước là Đồng Bắng Sông Cửu Long nằm ở hạ lưu vực, hạ nguồn sông Mekong.
Việt Nam không có quyền phủ quyết ấy thì Việt Nam không thể ngăn cản các nước xây đập ở thượng nguồn, ngăn chận dòng nước tưới và phù sa bón cho Đồng Bằng Sông Cửu Long. Đó là chưa nói việc ngăn chận nguồn thủy sản nước ngọt là món ăn căn bản của người dân Miền Nam.
Việt Nam Cộng Hòa thấu triệt sâu sắc điều kiện sanh tử đó nên quyết liệt đòi hỏi, bảo lưu, hành sử liên tục quyền phủ quyết qui định trong hiến chương của Ủy ban Sông Mekong. VNCH làm chánh trị với cố gắng và quyết tâm cao nhứt, làm tất cả những gì có thể làm được và không từ bỏ cơ hội nào để bảo lưu quyền phủ quyết đó trên phương diện chánh trị quốc tế.
Cũng như VNCH năm 1974 điều quân ra chống TC xâm chiếm Hoàng sa, Trường sa ngay khi Mỹ rút quân, biết đi là tử chiến nhưng vẫn đi để không hỗ thẹn với tiền nhân, để tạo chứng tích quốc tế cho con cháu sau này đòi lại chủ quyền.
Còn sông Mekong, nếu VN không phủ quyết được thì các nước ở thượng nguồn sẽ xây đập thủy điện hưởng lợi, mà cái lợi đó là điều hại lớn cho Đồng Bằng Sông Cửu Long của VN.
Còn chế độ CS Hà nội coi việc được gia nhập vào Uỷ Ban đánh bóng cho chế độ và Đảng Nhà Nước CS cao hơn quyền lợi quốc gia dân tộc; nên Ngoại Trưởng Nguyễn mạnh Cầm đặt bút ký tỉnh bơ, dễ ợt, gián tiếp thủ tiêu quyền phủ quyết sanh tử này của quốc gia dân tộc Việt Nam. Bây giờ CS Hà nội muốn gỡ coi như vô kế khả thi. Chỉ có Việt Nam là nước hạ nguồn chịu thiệt trong việc các nước thượng nguồn có lợi khi xây đập thủy điện, Các nước TC, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Miên, có lợi đâu bao giờ giúp Việt Nam.
Còn việc Việt Nam chết mất đất, mất biển, mất hải đảo với Trung Cộng do công hàm bán nước của Ô. Phạm văn Đồng, CS Hà nội cũng không có cách gỡ. Trước chấn động do Quốc Vụ Viện TC sáp nhập hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thành quận huyện của TC, những người cầm đầu Đảng Nhà Nước CS câm như hến. Phát ngôn viên ngoại giao chỉ ú ớ, cho lấy có, chiếu lệ. Thanh niên sinh viên biểu tình, TC mới nguýt một cái, hé môi một tiếng bảo “định hướng” dư luận thì công an CS Hà nội công khai, chánh thức, mau mau, mạnh bạo cấm biểu tình. Chưa đủ. Công an còn đến gia đình, học đường phải ngăn chận và bắt cóc người biểu tình nữa.
Còn nhờ công lý và luật pháp quốc tế thì vô phương. Những lời tuyên bố của Bộ Trưởng Ung văn Khiêm xác nhận hai đảo thuộc Trung Quốc từ thời Nhà Tống bên Tàu. Công hàm của Thủ Tướng Phạm văn Đồng, và có thể còn nhiều mật ước mà CS Hà nội đã ký hay hứa với TC mà còn giấu kín như bưng là những thứ hiệp ước giữa TC và VC, có giá trị luật pháp đối với Đảng Nhà Nước CS hai nước. Các nước lân cận như Đài Loan, Phi luật Tân, Mã lai, Nam Dương, Brunei có tranh chấp chủ quyền trong vùng này cũng không có quyền lợi gì để tiếp tay Việt Nam vì họ biết hai đảo ấy thực sự là của Việt Nam. Chế độ CS Hà nội làm chánh trị trật thì ráng mà chịu, hà cớ gì họ xen vào.
Còn CS Hà nội muốn dựa vào thế nhân dân Việt Nam, hy vọng này càng mong manh hơn. Sau nửa thế kỷ thống trị ở Miền Bắc, một phần ba thế kỷ thống trị ở Miền Nam, CS Hà nội đã quá xa rời quần chúng khó mà huy động được. Còn quần chúng đã quá chán nản, bất mãn Đảng Nhà Nước CS Hà nội độc tài đảng trị quá rồi, nên CS Hà nội không dám huy động nội lực sợ gậy ông đập lưng ông. Nên còn CS Hà nội làm quốc gia dân tộc Việt Nam còn chết mất đất, chết khô nước.
Chỉ có thế cứu vãn được tai họa mất Hoàng Sa, Trường Sa; chỉ có thể cứu vãn tai họa Sông Cửu Long cạn dòng, Đồng Bắng Sông Cửu Long khô cằn, nhiễm mặn, mùa màng thất bát, với một chánh quyền mới. Chánh quyền mới có thể phủ nhận mọi hứa hẹn, công hàm, qui ước mà CS Hà nội đã hứa và ký kết với TC và các nước thượng nguồn. Đó là những văn kiện hà tì về hình thức, bất bình đẳng về nội dung. Một vấn đề trọng đại thuộc chủ quyền lãnh thổ quốc gia mà CS không đưa ra Quốc Hội phê chuẩn, không đưa ra trưng cầu dân ý chiếu tinh lý pháp luật phổ quát đòi hỏi phải làm. Một vấn đề trọng đại liên quan đến lãnh hải, dính líu đến luật biển quốc tế mà CS không đăng bộ công khai với quốc tế là Liên Hiệp Quốc thì không có giá trị thi hành với quốc tế. Việc Ông Phạm văn Đồng, Ông Ung văn Khiêm đã làm ở mức độ pháp lý hình thức nào đó chỉ là những hành vi chánh phủ. Chánh quyền mới có đầy đủ tư cách, thẩm quyền phủ nhận coi như không hề có. Và từ đó mới có thể đặt vấn đề đòi lại bằng nhiều cách thức và đường lối.
Vi Anh
No comments:
Post a Comment