Trở Về Trang chính

Friday, October 5, 2012

Thế giới tiếp tục lên tiếng về vụ án 3 blogger Việt Nam







Trưởng Ban đặc trách Chính sách An ninh và Đối ngoại Liên hiệp Châu Âu, Catherine Ashton, đã lên tiếng ngay sau phiên tòa, yêu cầu trả tự do blogger Điếu Cày, Tạ Phong Tần và AnhbaSaigon

Hiệu ứng từ ba bản án của blogger Điếu Cày, Tạ Phong Tần, và AnhbaSaigon không dừng lại ở phiên sơ thẩm hôm 24/9. 26 năm tù dành cho ba ngòi bút tự do này tiếp tục khiến công luận thế giới lên tiếng bày tỏ quan ngại về tình hình nhân quyền tại Việt Nam.


Hôm 3/10, các cá nhân và tổ chức dân sự tại Châu Âu vừa gửi thỉnh nguyện thư tới giới chức cao cấp phụ trách an ninh và đối ngoại của Liên hiệp Châu Âu, kêu gọi can thiệp phóng thích blogger Điếu Cày, Tạ Phong Tần, và AnhbaSaigon.


Ba thành viên chủ chốt của Câu Lạc bộ Nhà báo Tự do hôm 24/9 bị tuyên án tổng cộng 26 năm tù về tội ‘tuyên truyền chống nhà nước’ liên quan tới 26 bài viết bị Hà Nội cho là chống phá chính quyền.


Kiến nghị thư gửi Trưởng Ban đặc trách Chính sách An ninh và Đối ngoại Liên hiệp Châu Âu, bà Catherine Ashton, đã được đại diện Ban điều hành Nhóm Văn Lang Praha trao cho văn phòng EU tại Praha.


Đại diện Ban điều hành, ông Phạm Hữu Uyên, cho biết:


“Thư này do nhóm Văn Lang Praha, cộng hòa Czech đứng ra khai trương và có mời nhiều người chủ yếu là ở các nước EU tham gia. Chúng tôi lên tiếng vì cảm thấy vụ án này nghiêm trọng và vượt quá mức có thể chấp nhận. Trong thư chúng tôi một lần nữa nhắc lại tình trạng vi phạm nhân quyền trong hai năm qua mà đỉnh cao là phiên tòa vừa xử anh Điếu Cày, chị Tạ Phong Tần, và AnhbaSG. Mặc dù Ủy ban EU, chính bà Catherine Ashton, đã lên tiếng ngay sau phiên tòa, yêu cầu trả tự do cho ba người đó, nhưng chúng tôi nghĩ rằng những tuyên bố như thế khá thông thường. Vụ này nghiêm trọng nên cần phải có hành động cụ thể hơn. Chúng tôi gửi thư cho đại đa số các tổ chức về nhân quyền và các tổ chức phi chính phủ, đề nghị họ tham gia ký tên để có càng nhiều người tham gia và cho tất cả cộng đồng công dân EU, kể cả người Việt và người Ba Lan. Đã có rất nhiều người bản xứ tham gia ký tên cùng.”


Thỉnh nguyện thư nói rằng các giá trị căn bản của con người được thế giới tôn trọng hiện đang bị chà đạp mỗi ngày tại Việt Nam bằng một hệ thống công an và tòa án khắc nghiệt.


Bày tỏ quan ngại về tình trạng nhân quyền trong đó có quyền tự do ngôn luận của công dân đang ngày càng xuống cấp trầm trọng tại Việt Nam, thỉnh nguyện thư đề nghị giới chức phụ trách đối ngoại và an ninh EU kêu gọi các Ngoại trưởng Châu Âu thúc giục Việt Nam phóng thích những người bị cầm giữ vì đã bày tỏ quan điểm chính trị một cách ôn hòa và yêu cầu Hà Nội phải cải thiện tình trạng nhân quyền.


Những người ký tên trong thỉnh nguyện thư cũng đòi EU đưa tên ông Vũ Phi Long, thẩm phán phiên xử 3 blogger hôm 24/9 vào danh sách cấm cấp visa nhập cảnh vào các nước Châu Âu.


Nhóm Văn Lang cho biết sẽ tiếp tục gửi thư ngỏ tới Ngoại trưởng Cộng hòa Czech kêu gọi quan tâm đến tình hình nhân quyền tại Việt Nam.


Trong số những người ký tên đầu tiên vào kiến nghị thư ngoài các công dân EU gốc Việt, còn có ông Robert Krzyszton thành viên Hội Tự do Ngôn luận Ba Lan, và hai thành viên Hiến chương 77 Cộng hòa Czech bao gồm Helena Klimova và Václav Trojan.


Trong khi đó tại Châu Á, giới viết blog ở Indonesia cũng đã gửi thư ngỏ tới tòa đại sứ Việt Nam tại Jakarta phản đối án tù nặng nề của Hà Nội dành cho blogger Điếu Cày, Tạ Phong Tần, và AnhbaSG.


Trong thư, nhóm mang tên Tiếng nói của những bloggers Indonesia nói rằng bản án của ba blogger này là một sự đe dọa đối với quyền tự do bày tỏ quan điểm, tự do ngôn luận, tự do thông tin của công dân Việt Nam nói riêng và chung cuộc tác động đến giới viết blog và cộng đồng cư dân mạng ở khu vực Đông Nam Á nói chung.


Nhóm Tiếng nói của những bloggers Indonesia cũng kêu gọi Việt Nam phóng thích cho ít nhất 19 blogger đang bị giam cầm tại Việt Nam để chứng tỏ Hà Nội tôn trọng và bảo vệ nhân quyền chính đáng của công dân.

http://www.voatiengviet.com/content/thinh-nguyen-thu-keu-goi-eu-can-thiep-vu-an-dieu-cay-ta-phong-tan-anhbasaigon/1521044.html

No comments:

Post a Comment