Trở Về Trang chính

Thursday, October 4, 2012

Miến Điện dân chủ hóa để thoát gọng kềm Trung Quốc

Nghe (15:29)
Tổng thống Miến Điện,Thein Sein tại Đại Hội Đồng LHQ 2012 REUTERS/Lucas Jackson
Tú Anh_RFI
Tiến trình dân chủ không thể đảo ngược và đất nước sẽ hài hòa . Đây là lời khẳng định của Tổng thống Miến Điện với toàn thể thế giới vào ngày 27/09/2012 tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc trong một thông điệp vinh danh công lao của nhà lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi. Ba hôm sau, Tổng thống Thein Sein tuyên bố không loại trừ khả năng giải Nobel hòa bình 1991 lên làm Tổng thống. Theo giới phân tích, thành phần quân nhân yêu nước xem dân chủ hóa là giải pháp cứu nước.

Lãnh đạo đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi đã thực hiện một chuyến viếng thăm đầy thành công rực rỡ tại Hoa Kỳ hồi cuối tháng 9. Bà nhận giải thưởng Huy chương vàng của Quốc hội, phần thưởng cao quý nhất của Mỹ mà một người dân sự có thể nhận được. Bà cũng được Tổng thống Obama tiếp kiến tại Nhà Trắng. Cùng lúc đó, Tổng thống Miến Điện, Thein Sein, người đã ban hành liên tục những biện pháp cải cách từ khi làm nguyên thủ quốc gia vào tháng ba năm nay, đọc một bài diễn văn lịch sử tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc.
Tổng thống Miến Điện Thein Sein đã dành những lời tốt đẹp nhất để vinh danh bà Aung San Suu Kyi người mà cách nay hai năm còn bị xem là kẻ thù của chế độ. Trong bài diễn văn 15 phút được truyền hình trực tiếp trên đài truyền hình nhà nước, ông tuyên bố « với tư cách là một công dân Miến Điện, tôi thành thật chia vui với bà Aung San Suu Kyi đã nhận được những vinh dự và lòng biết ơn về những nỗ lực then chốt đóng góp vào tiến trình dân chủ ».
Tổng thống Miến Điện cam kết là sẽ xây dựng một « xã hội hài hòa » theo chuẩn mực « quốc tế ». Cũng từ diễn đàn Liên Hiệp Quốc, ông khẳng định « tiến trình dân chủ không thể đảo ngược » và liệt kê những biện pháp cụ thể như thả tù chính trị, hủy bỏ kiểm duyệt báo chí, tổ chức bầu cử quốc hội bổ khuyết tháng 4/2012 một cách dân chủ, chấp nhận đa nguyên đa đảng để dân chúng tham gia việc nước…
Ba ngày sau, trả lời phỏng vấn đài truyền hình Anh BBC, Tổng thống Miến Điện tuyên bố sẽ chấp nhận bà Aung San Suu Kyi làm tổng thống nếu bà được dân bầu.
Tuy nhiên ông nhấn mạnh là mọi tu chính Hiến pháp 2008 để lãnh đạo đối lập, có chồng và con là người nước ngoài, ra tranh cử tổng thống, phải do Quốc hội quyết định. Vấn đề là hiện nay, 25% ghế nghị viện nằm trong tay sĩ quan quân đội và Hiến pháp hiện hành do của chính quyền tiền nhiệm soạn thảo quy định « quân đội có vai trò chính trị ». Cựu bộ trưởng quốc phòng Hla Ming từng tuyên bố là sẽ « giảm trọng lượng » quân nhân trong quốc hội khi cần thiết.
Con đường dân chủ hóa Miến Điện còn rất nhiều bất trắc. Cho đến nay, Hoa Kỳ không bao giờ đưa ra những lời tuyên bố lạc quan mà ngược lại luôn giữ thái độ thận trọng, đề phòng tình hình đảo ngược.
Vì theo nhận định của giới tình báo phương Tây thì với vị trí địa lý và tài nguyên dồi dào, Miến Điện là một thế cờ địa chiến lược cực kỳ quan trọng đối với Trung Quốc. Bắc Kinh không thể để cho quốc gia Đông Nam Á này ngả theo Ấn Độ hay Tây phương. Trung Quốc lệ thuộc vào Miến Điện từ khí đốt cho đến thủy điện, từ kinh tế cho đến quốc phòng và đặc biệt là đầu cầu triển khai hải quân trong Ấn độ dương.
Trong 20 năm qua, song song với công trình xây ống dẫn khí đốt xuyên qua Miến Điện, từ vịnh Bangale đến tận Vân Nam, Bắc Kinh đã tiến hành kế hoạch cài « đạo quân thứ năm » tại Miến Điện. Chỉ riêng tại thành phố Mandalay, chiếc nôi của nền văn hóa Miến Điện, người Trung Quốc chiếm gần phân nửa dân cư địa phương. Tiếng Miến Điện tuy còn là ngôn ngữ chính thức nhưng tiếng quan thoại được sử dụng trong giao dịch thương mại.
Từ thập niên 1990, Trung Quốc cũng là nguồn cung cấp vũ khí cho quân đội Miến Điện. Ảnh hưởng nhân sự, kinh tế và quân sự đã làm cho dân chúng Miến Điện rất bực bội và xem Trung Quốc là « thực dân xâm lược ». Hàng loạt vụ tấn công phá hoại ống dẫn khí đốt đã xảy ra trong tháng 5 năm 2010. Cũng trong bối cảnh này, dự án đập thủy điện Myitsone do thầu Trung Quốc xây dựng trở thành mục tiêu bài Hoa của người dân địa phương. Chính vì thế mà ngày 30/09/2011, tân tổng thống Thein Sein tuyên bố đình chỉ dự án để « tôn trọng ý dân ».
Trong tầm nhìn nầy, Jean-Bernard Pinatel, một chuyên gia tình báo Pháp nhận định : sự kiện bà Aung San Suu Kyi vinh quang trở lại chính trường thể hiện quyết tâm của một bộ phận quân nhân Miến Điện muốn lật qua trang sử độc tài để thoát khỏi hiểm họa « thực dân » Trung Quốc.
Theo phân tích của phóng viên Arnaud Dubus từ Bangkok, phe cải cách trong chính quyền Thein Sein và đối lập đang hợp tác với nhau để dân chủ hóa đất nước.Tiến trình này có nhiều tương đồng với những bước chuyển hóa tại Indonesia.
RFI : Thân chào Arnaud Dubus, từ khi Aung San Suu Kyi trở lại chính trường, nhà lãnh đạo đối lập này có nhân uy tín quốc tế của mình tranh giành ảnh hưởng với tổng thống Miến Điện hay là hai bên hợp tác với nhau để phục vụ tiến trình dân chủ hóa ?
A. Dubus Tổng thống Thein Sein và lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi hành xử một cách rõ ràng bổ sung cho nhau. Chuyến viếng thăm Hoa Kỳ là một chứng minh cụ thể. Khi bà Aung San Suu Kyi, trong bài diễn văn đầu tiên tại đất Mỹ, kêu gọi Washington ngưng cấm vận triền miên Miến Điện chính là bà đã dọn đường cho Tổng thống Thein Sein. Kế tiếp, mọi việc diễn ra như một bài hợp tấu. Ngoại trưởng Hillary Clinton thông báo bỏ lệnh cấm nhập cảng hàng hóa Miến Điện vào thị trường Hoa Kỳ, đây là biện pháp trừng phạt kinh tế cuối cùng. Tiếp theo đó, Tổng thống Thein Sein đã có thể đọc bài diễn văn tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc với nội dung tập trung vào thành quả dân chủ hóa và ông được cử tọa nhiệt liệt hoan nghênh.
Nếu so sánh chuyến viếng thăm Hoa Kỳ với những sự kiện nhân chuyến xuất ngoại đầu tiên tại Thái Lan của bà Aung San Suu Kyi vào tháng 6 năm nay thì sự phối hợp giữa bà và Tổng thống Thein Sein rất rõ rệt. Tại Bangkok, chương trình của hai người « va chạm » nhau và tổng thống Miến Điện đã hủy bỏ chuyền đi của ông để không bị cuộc tiếp đón huy hoàng mà Diễn đàn Kinh tế Thế giới dành cho nhà nữ đối lập làm lu mờ. Sau vụ này, hai bên đã rút tỉa kinh nghiệm.
RFI : Từ tháng ba đến nay đã có hàng loạt biện pháp cải cách từ việc thả tù chính trị, nới lỏng kiểm duyệt báo chí, đối lập vào quốc hội … Chúng ta có thể biết một cách chính xác Miến Điện đang ở trong giai đoạn nào trong tiến trình dân chủ ?
A. Dubus :Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể so sánh tình hình Miến Điện với Indonesia sau năm 1998. Sau 30 năm cai trị với bàn tay sắt, nhà độc tài Suharto bị lật đổ. Trong ba năm đầu tiên sau biến cố lịch sử này, tính chất ù lì của chế độ cũ vẫn đè nặng trong sinh hoạt chính trị. Ví dụ, quân đội vẫn chiếm một số ghế cố định trong Quốc hội như tình trạng hiện nay ở Miến Điện. Đảng Golkar, do Suharto thành lập vẫn tiếp tục áp đảo chính trường nhờ vào bộ máy kinh tài khổng lồ. Giới tướng lãnh tiếp tục chi phối chính trị.

Mãi đến khi bà Megawati Sukarnoputri lên làm tổng thống từ năm 2001 đến 2004 thì Indonesia mới bắt đầu tiến trình dân chủ hóa thật sự và lúc đó quân đội mới rời chính trường quay về doanh trại. Nhưng để tiến được tới giai đoạn này, thì trước đó, tức là từ 1999 đến 2001, Tổng thống Abdurahma Wahid, bằng tinh thần can đảm vượt bực, đã ép được quân đội chấp nhận thối lui.
Cũng tương tự như vậy , chính quyền Thein Sein phải bắt đầu bằng những biện pháp ít khó khăn nhất : như là thả tù chính trị, bỏ kiểm duyệt thông tin …. Nhưng giai đoạn khó nhất vẫn chưa được tiến hành. Giai đoạn này sẽ tiến hành khi quyền lợi kinh tế và chính trị của giới quân sự bị đe dọa trực tiếp. Điều đáng chú ý là trong diễn văn tại Liên Hiệp Quốc, ông Thein Sein nhấn mạnh rằng quân đội vẫn còn vai trò chính trị.

Hiện nay, chưa có cơ hội để tạo đối đầu trực tiếp giữa chính phủ và đối lập vì vấn đề nhạy cảm nhất, kiểm soát quyền lực chính trị và kinh tế, chưa được đề cập đến và sẽ không được đề cập trước bầu cử quốc hội 2015. Giai đoạn sau 2015 sẽ là thời kỳ đổi mới thật sự.
RFI : Quân đội có từ bỏ bớt quyền lợi kinh tế và quyền lực chính trị hay chưa?
A. Dubus : Về mặt chính trị, như chúng ta đã biết, quân đội Miến Điện chiếm 1/4 ghế đại biểu trong 2 viện quốc hội và ở các nghị viện cấp vùng. Cũng ở cấp vùng ảnh hưởng của các tư lệnh địa phương rất lớn; không một chuyện gì mà không có sự đồng ý của họ. Tuy nhiên cũng cần phải tương đối hóa vấn đề này, chẳng hạn như các sĩ quan trong nghị viện đã đóng một vai trò khá tích cực trong chiều hướng dân chủ hóa và đã nhiều lần bỏ phiếu cùng với đối lập.

Mới đây họ đã biểu quyết cách chức một số thẩm phán của Viện Bảo Hiến. Dường như các quân nhân trong nghị viện bầu theo một hướng . Các đại biểu mặc áo nhà binh rất hăng hái tham gia các cuộc tranh luận. Quân nhân Miến Điện kiểm soát hầu hết các lãnh vực kinh tế qua hai đại tập đoàn xí nghiệp quân đội và các công ty “chân rết” của quân đôi. Giới quân nhân thường sử dụng biện pháp thô bạo để giành hợp đồng. Mới đây, tập đoàn Myanmar Holding Economics của quân đội hợp tác đầu tư với một công ty Trung Quốc khai thác mỏ đồng ở phía bắc Miến Điện. Quân đội đã dùng sức mạnh đuổi nông dân ra khỏi làng mạc, đe dọa dân và đốt chùa chiền. Tuy nhiên, dân làng cùng các tổ chức xã hội dân sự đã chống cự lại cùng với sự tiếp tay trợ lực của báo chí khiến cho phe quân đội không thể muốn làm gì thì làm như trước đây.
RFI : Anh vừa nói đến vai trò của các xí nghiệp Trung Quốc. Là phóng viên nhiều năm trong khu vực, anh có chia sẻ ý kiến cho rằng dân chủ hóa cũng là một giải pháp ngăn chận ảnh hưởng Trung Quốc, ít ra là theo quan điểm của một bộ phận quân nhân yêu nước ?
A  Dubus : Vấn đề này khá phức tạp. Nhưng chúng ta có thể nói là phe « cứng rắn » trong guồng máy nhà nước, nhất là trong tập đoàn quân sự cho đến khi rút lui vào đầu năm 2011, đều có quan hệ mật thiết với Bắc kinh từ quyền lực chính trị đến quyền lợi kinh tế. Chính thành phần này đã thiên vị các công ty Trung Quốc nhất là trong bối cảnh cấm vận làm các công ty Mỹ đứng ngoài. Ở miền bắc Miến Điện, giáp giới với Trung Quốc, người dân rất lo âu trước tình hình càng ngày càng có đông người Trung Quốc sang lập nghiệp. Nhiều khu phố ở Mandalay hoàn toàn thuộc di dân Trung Quốc mới từ Hoa lục kéo qua. Khi chính phủ dân sự được thành lập, công việc đầu tiên của Tổng thống Thein Sein là đình hoản công trình xây đập tủy điện Myitsone ở bang Kachin do Trung Quốc thầu và tài trợ và dường như không báo trước cho Trung Quốc. Chuyện này đã làm nức lòng dân chúng địa phương và góp phần làm đẹp hình ảnh của tân tổng thống.
Từ nay, Miến Điện không còn là cánh cửa mở toang cho Trung Quốc như trong những năm 1998-2010.
Tuy nhiên cũng phải lưu ý là nhiều dự án của Thái Lan cũng bị đình hoãn. Do vậy, không thể kết luận một cách vội vã là có một phong trào chống Trung Quốc trong nội bộ tập đoàn quân sự. Đúng hơn là quân đội có một quyết tâm muốn Miến Điện quân bình quan hệ đối ngoại chẳng hạn như dành thị phần rộng rãi hơn cho Tây phương.
RFI : Miến Điện là quốc gia có nội chiến sắc tộc triền miên và dài nhất trên thế giới. Nhiều sắc dân tranh đấu võ trang hàng nửa thế kỷ để đòi được đối xử bình đẳng. Liệu tiến trình dân chủ hóa sẽ có tác động tích cực đem lại hòa bình giửa 60% người Miến và 40% sắc dân thiểu số ?
A. Dubus : Điều đáng chú ý là về lãnh vực sắc tộc thiểu số  tổng thống Thein Sein có vẽ bỏ xa bà Aung San Suu Kyi một đoạn đường dài. Phần nói về số phận các sắc dân thiểu số trong diễn văn tổng thống tại New York rất hay. Ông nói rằng những thỏa thuận ngưng chiến đã ký với hàng chục tổ chức nổi dậy không đủ. cần phải có hiệp định hoà bình, thỏa mãn những “nguyện vọng chính trị” của dân thiểu số. Một cách gián tiếp, ông cho là phải tiến tới một chế độ tự trị.

Từ xưa đến nay, chưa bao giờ một lãnh đạo Miến Điện đưa ra một lập trường tiến bộ như vậy đối với dân tộc thiểu số. Về hồ sơ người Rohingya theo đạo hồi, bà Aung San Suu Kyi nhiều lần bị chỉ trích vì quan điểm mơ hồ của bà. Lãnh đạo đối lập chỉ tuyên bố chung chung là phải giải quyết trong khuôn khổ nhà nước pháp trị. Trong khi đó thì tổng thống Thein Sein tận tình tìm giải pháp mặc dù ông đã một lần bị chỉ trích mạnh vì đề nghị cho sắc dân theo đạo hồi này di cư sang một quốc gia khác .

Ít ra là ông không ‘nửa nạc nửa mỡ’ vấn đề này thật tình thì rất phức tạp vì người hồi giáo ở bang Rakhine không phải là thuần nhất. Tuy là có một phần đông định cư tại đây từ nhiều thế hệ nhưng phần khác là di dân mới từ nơi khác nhập cư. Người Miến Điện thì lại lẫn lộn vàng thau.

Đây là vấn đề quan trọng vì thật tình mà nói, đây là vấn đề cơ bản buộc người dân Miến Điện phải chọn một “mô hình xã hội”. Hoặc họ chọn một xã hội tập quyền, trong đó sắc dân chiếm đa số áp đặt ý chí của mình và đồng hóa các dân tộc ít người. Đây là mô hình xã hội gần giống Thái Lan.

Hay là họ theo một mô hình xã hội tương đối tản quyền trong đó mỗi địa phương có ít nhiều quyền tự trị về hành chánh và mỗi sắc dân có thể bảo vệ văn hóa truyền thống của mình. Mô hình này gần giống với tổ chức xã hội của Indonesia. Đây là lúc mà Miến Điện phải lựa chọn.

Nhưng hiện tại họ có vẽ nghiên về mô hình người Miến trước đã. Có lẽ cùng cần nhắc lại là chính vấn đề ” địa phương tự trị” đã gây ra hai cuộc nội chiến, lần đầu xảy ra ngay sau khi độc lập vào cuối thập niên 1940 và lần thứ nhì vào đầu thập niên 1960. Cũng vì viện lý do “toàn vẹn lãnh thổ” mà quân đội đã đảo chính năm 1962. Biến cố này mở đường cho 50 năm độc tài quân phiệt.

No comments:

Post a Comment