Công an mặc sắc phục và thường phục được huy động đến trong một
cuộc bạo động tại nhà máy Foxconn ở Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây ngày
24/09/2012.
Mai Vân-RFI
Chủ đề nổi trội trên mà trang nhất báo Pháp hôm nay 01/10/2012 dĩ
nhiên là cuộc biểu tình khắc khổ và tăng thuế tại Paris vào hôm qua. Về
châu Á, một sự kiện được tờ Libération đặc biệt lưu ý lại là cuộc đấu
tranh của công nhân Trung Quốc làm việc cho tập đoàn điện tử Đài Loan
Foxconn, được biết nhiều nhờ gia công các sản phẩm Apple. Phải lao động
trong những điều kiện khắc nghiệt, họ đã phải đi đến bạo động.Trên trang kinh tế, Libération nhận thấy trong hàng tít là các công nhân Trung Quốc chỉ có hai con đường : « Chết hay nổi dậy : Tình thế tiến thoái lưỡng nan của công nhân Foxconn ». Bài báo của Philippe Grangereau, thông tín viên Libération tại Bắc Kinh, trở lại những sự kiện diễn ra tuần qua, vào đêm Chủ nhật rạng sáng thứ Hai ở xưởng Foxconn tại Thái Nguyên, Sơn Tây.
Một sự cố giữa công nhân đã dẫn đến bạo động, xung đột với nhân viên an ninh khiến một số người bị thương, và theo một công nhân, đã có 7 người chết, điều mà Foxconn không thừa nhận. Nhiều tòa nhà đã bị công nhân đập phá, xe hơi bị đốt và 5.000 cảnh sát chống bạo động được phái đến nơi để vãn hồi trật tự.
Bài báo trích lời một công nhân từng làm việc cho Foxconn ở Thẩm Quyến, cho là sự kiện ở Thái Nguyên không có gì đáng ngạc nhiên, những vụ bùng nổ như thế không thể tránh khỏi vì các điều kiện làm việc khó thể chịu nổi đã đẩy công nhân vào con đường phải nổi dậy hoặc là tự tử.
Libération nhắc lại là trong năm 2010, đã có 18 người nhảy lầu tự tử và 14 người trong số này đã chết. Một báo cáo do 20 trường đại học thực hiện đã đánh giá cơ xưởng Foxconn là những ‘trại cải tạo lao động”. Các vụ tự tử chỉ giảm sau khi Foxconn đưa ra một số biện pháp như đặt lưới dưới cửa sổ một số tầng lầu nơi công nhân trú ngụ, tư hữu hóa một số nơi ở của công nhân để tránh trách nhiệm. Và từ năm 2011, ban giám đốc đã yêu cầu những người được thu dụng, ký giấy cam đoan là gia đình họ không đòi bồi thường nếu họ tự tử.
Tác giả bài báo nhận thấy là Trung Quốc đã bước vào giai đoạn cuối của cách mạng công nghiệp, nhưng vẫn không có công đoàn hoạt động tự do. Và chính sự thiếu vắng công đoàn tự do này khiến công nhân không còn cách xoay sở nào khác ngoài việc sử dụng bạo động hay hành động tuyệt vọng như một phương thức đấu tranh.
Bài báo dẫn chứng sự kiện vào tháng Giêng năm nay, vì không có phương cách nào khác, 150 công nhân xưởng Foxconn ở Vũ Hán, đã leo lên nóc nhà của xí nghiệp để đe dọa tự tử tập thể nếu tập đoàn không cải thiện điều kiện làm việc của họ, chấm dứt không khí ‘trại cải tạo lao động” của xưởng.
Theo Libération, công nhân trẻ hiện nay ở Trung Quốc, thường là con một, có học vấn, có bằng cấp, cho nên họ không chấp nhận chịu khổ, chịu những hy sinh như thế hệ cha mẹ. Trong lúc đó thì công nhân Foxconn vẫn bị nhồi nhét 10 người ở trong một phòng trọ.
Không chỉ thế, người công nhân tại Thẩm Quyến mà Libération trích dẫn ở trên còn cho biết là những ngày đầu khi mới vào làm trong xưởng Foxconn, anh còn phải tập quân sự 4 tiếng mỗi tuần, phải họp trước khi làm việc và sau khi xong việc. Người công nhân thợ hàn này còn than phiền về tiếng ồn đinh tai nhức óc : Không được bảo vệ tốt, tai của anh ngày càng điếc đi. Bài báo nhắc lại là trong 3 năm gần đây, tai nạn lao động ở các xưởng Foxconn đã làm 4 người chết và hàng trăm người bị thương.
Về nhịp độ làm việc, việc công nhân Foxconn phải lao động hơn 60 tiếng/tuần là chuyện bình thường, phải gấp rút làm để giao hàng kịp thời gian, nhất là những loại sản phẩm như iPhone mới. Nhiều người không than phiền vì được tiền phụ trội, nhưng ít người chịu đựng nổi nhịp độ làm việc đó, nên việc thay công nhân cũng rất… thường xuyên.
Ở Thái Nguyên, theo Libération, Foxconn phải thay thế mỗi ngày khoảng 600 công nhân xin thôi việc. Nhưng không phải dễ tìm người thay thế, và theo nhiều chuyên gia, công nhân Trung Quốc ngày nay có trình độ hơn và họ tìm kiếm những công việc có triển vọng đi lên, trong lúc mà Foxconn chỉ là một xưởng “nô lệ” như người công nhân ở Thẩm Quyến đánh giá, và công nhân là những con chốt có thể thay đổi lẫn nhau.
Họ cũng không được quyền lên tiếng. Các công đoàn chính thức được cho là có trách nhiệm bảo vệ họ thì chỉ là “công đoàn dỏm’”, trong lúc mà công nhân bị những người canh gác, đốc công nhục mạ thậm tệ ; không hề được một chút tự do.
Miến Điện : Tiến trình mở cửa tỏa sáng tại Liên Hiệp Quốc
Cũng nhìn về Châu Á, Le Monde đề ngày hôm nay, dành bài xã luận trên trang nhất cho Miến Điện và khen ngợi sự khôn ngoan sáng suốt của Tổng thống Thein Sein, công cuộc cải tổ của ông và nhất là sự hợp tác giữa ông và bà Aung San Suu Kyi.
Dưới tựa đề « Sự kiện Miến Điện mở cửa được xác nhận tại New York », Le Monde mở đầu bài nhận định như sau : Chỉ cần một thủ tục nhỏ để Tổng thống Miến Điện, một cựu tướng lãnh, có thể đĩnh đạc đến New York, và đi ra ngoài chu vi Liên Hiệp Quốc. Thủ tục đó là bãi bỏ biện pháp cấm ông đến Hoa Kỳ từng được ban hành. Và trước khi Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khai mạc, chính quyền Obama, được bà Aung San Suu Kyi khuyến khích, đã bãi bỏ biện pháp ô nhục này.
Do đó ông Thein Sein, theo Le Monde, đã đến New York tuần qua, đầu ngẩng cao, phát biểu tại Liên Hiệp Quốc, nói về những cải tổ đã thay đổi đất nước ông. Hơn thế nữa, trong bài diễn văn được truyền lại tại Miến Điện, ông đã ca ngợi những nỗ lực của bà Aung San Suu Kyi vì dân chủ.
Le Monde khen ngợi con đường tuyệt diệu mà người đàn ông thấp nhỏ, không một chút quyến rũ nào và giải Nobel Hoà bình “tươi sáng”, đã song hành trong 18 tháng qua. Theo tờ báo, người cai ngục và người tù trước đây, có thể tiếp tục là hai kẻ thù. Nhưng không, mỗi người, với vũ khí riêng biệt của mình, bất kể hiểm nguy, đã hành động để đưa Miến Điện đến dân chủ và mở cửa ra thế giới.
Tờ báo nhắc lại thành quả mà Le Monde xem là sẽ giúp Tổng thống Thein Sein có thêm trọng lượng, củng cố vị thế của ông đối với phe bảo thủ trong quân đội, đó là việc Hoa Kỳ bãi bỏ lệnh cấm nhập khẩu hàng Miến Điện. Thành quả này cũng là nhờ bà Aung San Suu Kyi.
Tuy nhiên Le Monde cũng nhận thấy thử thách còn nhiều, dân chúng Miến Điện còn rất nghèo, việc chuyển tiếp qua dân chủ có thể bị sóng gió, đất nước này còn phải đối phó với các vấn đề cộng đồng thiểu số… Thế nhưng tờ báo đánh giá là những thay đổi từ khi tướng Than Shwe ra đi vào tháng 3/2011, rất ngoạn mục, giống như những thay đổi ở Ba Lan và Nam Phi.
Điều đó đủ để người ta khen ngợi lòng can đảm của bà Aung San Suu Kyi và sự khôn ngoan sáng suốt của vị tổng thống. Ông đã đánh giá là “không thể có sự trở lùi về phía sau trong sự chuyển tiếp chính trị”. Le Monde cho là nếu được như thế thì càng hay.
No comments:
Post a Comment