Trở Về Trang chính

Friday, September 21, 2012

Ngoại trưởng Hillary Clinton ban khen tổ chức OneVietnam

Lời Tác Giả: Nhiều người trách con trẻ Việt Nam hay quên đi cội nguồn dân tộc của chúng. Ở đây tôi xin nói đến lớp trẻ Việt Nam hải ngoại, chưa mạn phép đả động đến những bạn trẻ trong nước mà một số người cũng than trách là vọng ngoại. Thật ra, hai nhận xét về lớp trẻ trong và ngoài nước có thể chỉ là phiến diện, không suy xét tận tường những bối cảnh và môi trường mà họ đang sinh sống. Ở Hoa Kỳ và một một số các quốc gia Tây phương khác, người trẻ Việt Nam đã đầu tư trí tuệ, công sức, cũng như tiền tài, vật chất vào nguồn gốc và đồng hương của họ. Là những thế hệ đi trước, chúng ta nên mừng đã có nhóm hậu sinh biết suy tư đến xã hội Việt Nam và những người kém may mắn hơn họ đang sống ở đó. Trong khi nhiều người lớn hay tranh cãi vì chuyện đại sự, có lẽ người trẻ hiểu nhiều hơn — nhất là những gì chúng ta nghĩ về họ –  và đắc lực hơn chúng ta trong chuyện giúp làm sáng sủa cho bộ mặt Việt-Nam. OneVietnam.org là một trường hợp điển hình.
Đồng sáng lập viên James (Huy) Bảo bên kia đường Càphê StarBuck ở Oakland
Ngày 25-26 tháng Bảy, 2012 vừa qua, bà ngoại trưởng Hillary Rodham Clinton mở đầu Hội nghị thường niên Global Diaspora Forum ở Hoa Thịnh Đốn, Washington D.C. Bà đã đọc diễn văn chủ trì, khai mạc hai ngày hội luận, ban khen tổ chức OneVietnam.org đã làm cầu nối, tiếp đường cho người Việt di dân trên 30 quốc gia làm chuyện thiện nguyện ở Việt-Nam cũng như làm gương, giúp lập một mô hình cho các cộng đồng khác noi theo. Năm nay là năm thứ hai, Diễn đàn này được bà Clinton sáng lập.
Năm 2011 Bảo Huy (James Bảo) đã được mời nói chuyện ở hội nghị quốc tế này. Cả hai đồng sáng lập viên: Bảo Huy và cô Nguyễn Uyên đã được Viện Chính sách Di Dân Mỹ (Migration Policy Institute) tuyên dương bằng thưởng “Young Innovator Awards” (Người Phát Minh Trẻ) trong dịp Lễ Kỷ niệm 10 năm thành lập Viện này (Migration Policy Institute) ở D.C. Trong buổi lễ đó cô Nguyễn Uyên, đại diện OneVietnam.org, đọc một bài chấp nhận phần thưởng, nhắc lời của một huấn luyện viên bóng rổ Mỹ, cô nói:
Nguyễn Uyên đồng sáng lập viên OneVietnam.org
“Muốn vinh quang, chúng ta phải nhớ đến động lực đầu tiên đã thúc đẩy mình, đối với tôi và Huy năm 1993 là một năm khó quên, khi gia đình chúng tôi vượt biên qua Mỹ, động lực đầu tiên đó đã hun đúc chúng tôi làm chuyện gì đó cho Việt-Nam … Người Việt ai cũng nung nấu trong lòng một ngọn lửa đỏ không nguôi,… Với OneVietnam chúng tôi muốn gìn giữ và mượn năng lực ngọn lửa này trong cộng đồng chúng ta.”
Sau đó, cô đưa ra hai thí dụ: 1) trận bão kinh hồn năm 2010 đã tàn phá miền Trung. Chỉ trong vòng 3 ngày OneVietnam đã huy động 50 Việt kiều trên 10 nước khác nhau giúp đỡ và tiếp trợ 300 gia đình bị khốn khó vì cơn bão lụt. 2) OneViệtNam đã tặng 12 em bị tật nguyền máy Ipod Touch để các em trực tiếp thu lại hình ảnh của các em khuyết tật và phát sóng trực tuyến đến 30,000 người trên thế giới để họ theo dõi cuộc sống bi thương của các em. Quý vị đọc giả có thể tìm nghe hình ảnh (Young Innovators Award) này trong link sau đây ở phút thứ 55 của Vimeo videoclip:
http://talk.onevietnam.org/onevietnam-co-founders-honored-with-young-innovator-awards-by-migration-policy-institute/
Mục đích của Diễn Đàn Di Dân Hoàn Cầu (Global Diaspora Forum) và International diaspora Partnership Alliance (IdEA/Liên Minh Hợp tác các Di dân Thế giới) do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và U.S. Agency for International Development (Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ) chủ xướng, quy tụ trên 50 quốc gia và các cộng đồng di dân Hoa Kỳ và thế giới kết hợp với các tổ chức tư nhân, và chính quyền, bất vụ lợi và phi chính phủ (NGO), nhằm giúp đỡ các sắc dân da màu ở các quốc gia kém mở mang tự lực cánh sinh.
Sáng lập cuối năm 2009 đến nay gần 3 năm, được Ford Foundation tài trợ lúc ban sơ (seed money), khi mạng lưới toàn cầu được khai trương vào tháng Bảy năm 2010, OneVietnam.org đã trở nên một trang mạng Việt Mỹ lớn nhất hải ngoại. OneVietnam.org cũng là sáng lập viên của IdEA và Migration Policy Institute, OneVietnam.org đã có những bước tiến nhảy vọt thu hút trên 30,000 người vào đọc trang mạng, 15 ngàn hội viên có trương mục OneVietnam.org, 10 ngàn đến từ Facebook. Trung bình 3,000 người vào OneVietnam.org trong cùng một lúc.
Phạm Paul (kỹ thuật gia thầm lặng của 1VN) và Nguyễn Huy (James) trong một buổi tiệc gây quỹ
Trong hai tuần qua, trang OneVietnam.org cũng thành lập IFoundation cho các tổ chức vô vị lợi, giúp 20 tổ chức thiện nguyện và xã hội, văn hóa như: Friends of Huế, VietDreams, ICAN, Pacific Links, Catalyst-Vietnam, Our1World, projectVietnamFoundation, VAPW, DVAN, Diacritics, v.v.. quyên góp tiền cho tổ chức mình. Tổ chức nào đạt được 50 lượt người đóng (mỗi người chỉ cần $1.00 U.S. dollar, hoặc nhiều hơn nếu muốn) khi đạt được chỉ tiêu 50 người trước cuối tháng 9 thì tổ chức vô vị lợi này sẽ có chỗ vĩnh viễn trên trang mạng của OneVietnam.org
Sáng sớm ngày 11 tháng 9, được biết Bảo Huy (James) hay dậy sớm mỗi ngày trước 6 giờ, tôi hẹn Huy (James) 7giờ sáng ở tiệm cà-phê StarBuck trên đường Lakeshore Ave ở Oakland để nói chuyện trước khi đi công việc riêng. Tình cờ khám phá ra Bảo Huy có cùng dòng tộc với Bảo Đại và hoàng phái Nguyễn Phước. Chỉ ngoài 30, James có dáng dấp của một thư sinh đẹp trai, cao ráo, với vẻ mặt điềm đạm và sáng sủa, phong cách bình dị, Huy có vẻ chững chạc, trưởng thành trước tuổi. Quen nhau từ lâu, chúng tôi nói chuyện thân mật, tự nhiên (bằng Anh ngữ).
H: Chào em, em vẫn thường chứ? Uyên bận phải không?
James: Cám ơn anh, em vẫn thường. Uyên phải đi Los Angeles.
H: Ba mẹ vẫn khoẻ và bình thường chứ? (Ba mẹ Huy sống ở Milpitas, CA).
James: Cám ơn anh, ba mẹ em vẫn bình thường.
H: Bữa nào anh phải đến thăm ba mẹ em mới được, anh muốn chúc mừng họ có được một người con như Huy (James). Chắc ông bà rất hãnh diện vì những thành tựu của em với OneVietnam?
James: Dạ. Em cũng mừng vì Ba mẹ em khuyến khích và ủng hộ nhóm tụi em và OneVietnam rất nhiều. (Ông bà cũng tham gia và vào OneVietnam thường xuyên).
H: Dạo này em có hài lòng với OneVietnam không?
James: Cũng được anh ạ.
H: Cho anh nói thẳng nhé. Dạo này anh cũng ít vô OneVietnam, không thường xuyên như lúc trước. Anh thấy hình như OneVietnam mất đi một số những thành viên năng động, tranh luận sôi nổi như ngày xưa, ít ai chịu trả lời hay tham gia phê bình những mạch tư tưởng hay comments của người trước. Mạnh ai nấy đưa/post chuyện của mình lên, không ai buồn trả lời hay tham luận với nhau nữa.
James: Anh nói đúng, tụi em cũng bị mất đi những người đóng góp tranh luận đó…
H: Anh có giới thiệu nhiều người bạn vào OneVietnam.org, nhất là những học sinh, sinh viên trẻ ở Việt Nam, nhưng họ nói khó đăng ký vô được trang này.
James: Anh nói đúng. Có một thời gian OneVietnam bị gián đoạn khi tụi em thay đổi format mới, mất đi khoảng hơn một năm. Hoạt động mới bây giờ đã chạy đều và nhanh nhạy.
James: Anh biết công tác mới IFoundations của tụi em chứ?
H: Có, được lắm. Em được bao nhiêu lượt đóng góp rồì?
James: Tụi em bắt đầu ngày August 22. Đã có 400 lượt rồi, cần 600, còn 10 ngày nữa (September 15 . Cho đến hôm nay,  September 19, đã có hơn 1000 lượt người đóng góp trong vòng 30 ngày, số tiền thu được trên $30,000 ngàn Mỹ kim). Người đóng góp cần tín nhiệm và tin tưởng vào sự minh bạch và an toàn trong chuyện quyên góp cho tổ chức thiện nguyện của mình. One Việt Nam đề cao hai vấn đề này. Chúng em dùng công ty trung gian thứ ba cho họ chuyển nhận tiền thẻ tín dụng cũng như tư liệu riêng credit cards, không ai ai có thể đụng đến những chi tiết này. Lại tiết kiệm được rất nhiều thì giờ.
Chef Khải Huỳnh (nhà hàng Anna Mandara ở SF) Uyên Nguyễn và Phạm Paul, webmaster và kỹ sư trang web 1VN.org
H: Anh thấy tụi em rất tiến bộ và rành rọt về tin học vàinternet. Có phải vì lý do đó mà OneVietnam đã vượt xa các trang mạng hải ngoại khác về kỹ thuật và hình thức? Phần này có được ta phải nên cám ơn Phạm Paul, con người ‘techie’/kỹ thuật gia thầm lặng nhất của OneVietnam.
James: (cười) Paul, ah hah… Có thể đúng anh, tụi em chú trọng vào kỹ thuật và phát minh mới để giúp cho chuyện thông thương, điện đàm được thông suốt.
H: Có bao giờ OneVietnam tụi em muốn cạnh tranh với trang mạng xã hột Facebook không?
James: Không khi nào tụi em muốn thay thế Facebook. Chuyện tụi em muốn làm với OneVietnam là sao cho chuyện đóng góp xã hội là chuyện riêng tư của từng cá nhân. Tiêu chí hay lý tưởng mà người ta chọn để ủng hộ là điều tiên quyết đối với họ. Họ muốn tạo ảnh hưởng. Trong tư duy đó, chúng em định hướng lại cho OneVietnam với một mục tiêu đơn thuần: giúp cho mọi người đóng góp vào tổ chức thiện nguyện mình ưa chuộng dù họ ở khắp mọi nơi trên thế giới, người ta có thể đầu tư dễ dàng và minh bạch vào con người, nơi chốn và văn hoá nơi họ xuất xứ.
H: OneVietnam được Ford Foundation tài trợ hạt nhân (seed money). Đến nay tụi em đã tự lực được chưa?
James: Tụi em vẫn chưa tự lực được, cho nên tụi em vẫn còn cần cộng đồng giúp đỡ. Nhưng mà anh đừng lo, chúng em có chương trình tự lực cánh sinh. Mỗi lượt đóng góp, tụi em xin một ít tiền huê hồng/tip, giống như Kiva.org, tùy lòng hảo tâm của mỗi người thôi. Người sử dụng hệ thống của tụi em, thường tặng cho OneVietnam.org 10% số tiền họ đóng góp cho thiện nguyện… Vào thời điểm này, tiền bo/tip không đáng giá bao nhiêu tính theo thu nhập. Khi nào chúng em lên đến 1 triệu Mỹ kim tiền quyên góp một năm, chúng em sẽ trở nên tự lực.
H: Tụi em về Viêt Nam có bị khó dễ gì trong chuyện thiện nguyện không?
James: Không hề anh ạ. Chúng em đi theo tính cách cá nhân thôi, không ồn ào, đình đám.
H: Được biết Uyên năm ngoái có về làm chuyện y tế và xã hội?
Jame: Dạ đúng. Uyên có về giúp cho các trẻ em khuyết tật. Cho một số em Ipod Touch để theo dõi, ghi lại trực tiếp hình ảnh sinh hoạt sống/tại chỗ với các em tật nguyền khác.
H: Thường người Việt-Nam ai cũng mong muốn có cơ hội để bày tỏ, viết lên quan điểm của mình. One Vietnam có mục Vietnam Talking Point. Em có thể nói qua về mục này không?
James: Vietnam Talking Point (VTP), đây là blog bình luận quan điểm của người Việt-Mỹ, rất cá nhân. Thiên về quan điểm, cái nhìn riêng tư của mỗi người, không kém phần hấp dẫn, do cô Tôn Ann tình nguyện làm chủ bút. Bạn đọc có thể gởi đến ý kiến của mình.
H: Anh thấy trên trang mạng OneVietnam.org cũng có người trao đổi bằng tiếng Việt, có cả công dụng dịch chuyển ngữ tiếng Anh sang tiếng Việt, Pháp Việt hay ngược lại.. Có phải Phạm Paul phụ trách khâu này không?
James (cười xòa): Dạ không, tụi em sử dụng công dụng của Google Translate đó chứ!
H: Thật à, hay nhỉ! Vậy ai muốn trau dồi Việt hay Anh văn có thể bấm nút dùng công dụng này!
Chúc em và nhóm OneVietnam.org đạt được nhiều thành công làm cây cầu bắc qua cho cộng đồng Việt Nam trên thế giới và quê nhà. Em có muốn nhắn nhủ gì thêm với độc giả không?
James: Cám ơn anh. Chuyện mà em đặt trọng tâm là vấn đề tin tưởng. Chúng em biết rằng niềm tin vào chúng em là điều phải được thu thập trong cộng đồng. Đó là lý do chúng em chú trọng 100% vào sự minh bạch. Em sẵn sàng trả lời bất cứ câu hỏi nào của ai và có thể gặp họ trong phạm vi vùng Vịnh San Francisco.
Để trả lời một số thắc mắc của độc giả, em có viết một blog có tưạ đề là: “OneVietnam là Gì và Tại sao lại đáng kể?” http://talk.onevietnam.org/what-onevietnam-is-and-why-it-matters/
Nguyễn Khoa Thái Anh
© Đàn Chim Việt

No comments:

Post a Comment