Trở Về Trang chính

Sunday, September 23, 2012

Bài Nhật quá trớn gây hại cho lợi ích Trung Quốc

Báo chí Pháp hôm nay dành nhiều bài về biển Hoa Đông đang nổi sóng bởi tranh chấp lãnh hải giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Nhật báo Le Monde có bài : « Bắc Kinh lên giọng với Tokyo về quần đảo Senkaku », Le Figaro chạy tựa : « Cơn phẫn nộ bài Nhật đang làm sôi sục Trung Quốc ». Đáng chú ý nhất là bài phỏng vấn : « Sự bùng phát biểu tình có thể gây phiền toái cho Bắc Kinh » trên Le Figaro, và bài của Les Echos : « Xích mích lãnh thổ : Bắc Kinh đe dọa trả đũa kinh tế Nhật Bản ».
Đầu tiên đến với bài phỏng vấn, Le Figaro đặt câu hỏi với nhà nghiên cứu Mathieu Duchâtel thuộc viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (Stockholm International Peace Research Institute – SPRI) tại Bắc Kinh.
Chuyên gia Mathieu nhấn mạnh, làn sóng bài Nhật càng dữ dội thì sẽ có tác dụng ngược đối với chính phủ Bắc Kinh, bởi vì Trung Quốc đang trước thềm thay đổi chóp bu lãnh đạo nên ưu tiên số một của Bắc Kinh là ổn định chính trị xã hội.
Giải thích cho làn sóng bài Nhật hiện đang dữ dội tại Trung Quốc, ông Mathieu cho biết, thành phần tham gia các cuộc biểu tình chống Nhật chủ yếu là những người thất nghiệp vô công rỗi nghề, chứ không phải là giới « trí thức phẫn nộ » như thường nói. Bởi vậy mà tính biểu trưng chính trị của các cuộc biểu tình không cao và bộ phận người tham gia biểu tình này cũng không có giá trị đại diện.
Bàn về thái độ của giới quân sự Trung Quốc, ông Mathieu nhận định, dù có một vài gương mặt quân đội xuất hiện trên các phương tiện truyền thông với những lời lẽ mạnh bạo, nhưng nhìn chung khả năng can thiệp của quân đội Trung Quốc là không cao. Theo chuyên gia này, khi nào mà tàu chiến Trung Quốc được cử đến vùng tranh chấp, thì khi ấy mới có thể có sự leo thang thật sự.
Tuy nhiên, bên cạnh chủ quyền quốc gia và lòng tự tôn dân tộc, ông Mathieu cho biết vấn đề còn liên quan đến lợi ích kinh tế và chiến lược. Trong khu vực tranh chấp hẳn nhiên có nhiều dầu hỏa khí đốt. Bên cạnh đó, Trung Quốc lo ngại nếu Nhật Bản thật sự chiếm quyền sở hữu hòn đảo này, thì từ khu vực Senkaku, Nhật Bản thậm chí là Hoa Kỳ sẽ có thể kiểm soát toàn bộ giao thương hàng hải đi qua khu vực.
“Coi chừng lưỡng bại câu thương
Trong bài viết « Xích mích lãnh thổ : Bắc Kinh đe dọa trả đũa kinh tế đối với Nhật Bản ». Les Echos tập trung phân tích tổn thất kinh tế có thể xảy đến với hai nước nếu căng thẳng tiếp tục leo thang. Đối với Nhật Bản, tờ báo cho biết, làn sóng bài Nhật hiếm thấy ở Trung Quốc đã và đang gây hoang mang cho các công ty Nhật làm ăn ở Trung Quốc. Cuối tuần rồi, một nhà máy của hãng Panasonic và một xưởng của hãng Toyota đã bị người biểu tình Trung Quốc đập phá. Hai hãng này cùng các hãng nổi tiếng khác của Nhật Bản đang phải rất thận trọng. Canon thông báo tạm ngưng hoạt động ba trên bốn nhà máy tại Trung Quốc đến chiều nay, Panasonic thì kêu gọi công nhân ở nhà ít nhất đến sáng mai. Đối với những nhãn hiệu khác chưa bị tấn công, chính phủ Nhật Bản kêu gọi họ cẩn thận. Thậm chí Hitachi còn khuyên nhân viên của mình làm việc tại Trung Quốc không nên nói tiếng Nhật quá nhiều trong hiện tại.
Tờ báo cho biết, các tập đoàn Nhật Bản lo ngại việc nhà cầm quyền Trung Quốc tỏ ra dễ dãi với làn sóng quá khích. Hôm qua, các cơ quan truyền thông chính thức của Trung Quốc còn có lời lẽ đe dọa trả đũa kinh tế đối với Nhật Bản. Mạnh miệng nhất là tờ Nhân dân Nhật báo với bài xã luận dọa nếu Trung Quốc trả đũa kinh tế thì Nhật Bản sẽ bị thiệt hại nhiều hơn. Les Echos giải thích chi tiết này như sau : mỗi năm trao đổi thương mại giữa hai nước đạt 340 tỉ đô la, Trung Quốc là đối tác thương mại số một của Nhật Bản, còn Nhật thì chỉ xếp hạng 3 trong danh sách các đối tác thương mại của Trung Quốc.
Tuy vậy, giới chuyên gia cho rằng, Trung Quốc không phải hoàn toàn không có thiệt hại về kinh tế, nếu căng thẳng leo thang với Nhật Bản. Phần lớn hàng nhập khẩu từ Nhật Bản đến Trung Quốc đều là thành phẩm, trong khi đó các nhà máy của Nhật trên lãnh thổ Trung Quốc chủ yếu là lấp ráp phụ tùng rồi dán nhãn « made in Japan », bởi vậy mà một khi chiến tranh kinh tế giữa hai nước xảy ra thì một bộ phận không nhỏ dây chuyền sản xuất ở các nhà máy này sẽ bị ảnh hưởng, chưa kể là việc các tập đoàn Nhật Bản sẽ di dời nhà máy đến các nước Châu Á khác, những nơi mà hiện tại có chi phí sản xuất rẻ hơn ở Trung Quốc.
Lê Phước

No comments:

Post a Comment