Trở Về Trang chính

Friday, August 17, 2012

Nhân Tài… Đáng Tởm!


Lời mở đầu của người dịch:
Giáo sư Daniel A. Bell (có tên Tàu là Bối Đạm Ninh) tại Viện Đại Học Thanh Hoa có viết một bài đăng trên tờ The Christian Science Monitor có tựa đề là Nền dân chủ thiếu sót của Hoa Kỳ có thể học hỏi từ chế độ cai trị độc đảng của Trung Quốc. Trong bài này Bell lập luận chế độ độc đảng của Trung Cộng là một chế độ chọn ra được nhân tài để cai trị và hết lời khen ngợi chế độ đó. Đồng thời Bell cũng tỏ ra khinh bỉ chế độ dân chủ, nhất là tại Hoa Kỳ, và gọi chế độ đó là “lá phiếu của đồng tiền.” Michael Mazza, một chuyên gia khảo cứu về chính sách quốc phòng của Hoa Kỳ và Á Châu Thái Bình Dương và chương trình tân tiến hóa quân đội Trung Cộng phản bác trực tiếp lập luận của Bell trong bài dưới đây.

Nhận Xét về ‘Chế Độ Nhân Tài Chính Trị’ của Trung Cộng

By Michael Mazza – PBD dịch
Một hệ thống có khả năng trên trung bình nhưng có đức hạnh dưới trung bình.
Liệu một nước Hoa Kỳ dân chủ có học được gì từ một nước Trung Cộng độc đảng để cải tiến hệ thống chính trị của mình hay không? Câu trả lời của giáo sư Daniel A. Bell của Viện Đại Học Thanh Hoa khi viết bài cho tờ Christian Science Monitor là “Có”. Nói đơn giản thì ông ta cho rằng (a) “chế độ nhân tài chính trị” là một hệ thống hay hơn chế độ dân chủ tự do về nhiều mặt; (b) Đảng Cộng Sản Trung Hoa (CCP), nắm giữ nhà cầm quyền Trung Cộng, là một hệ thống nhân tài(*); và (c) xét về đặc tính chuyển tiếp, hệ thống chính trị của Trung Cộng hay hơn hệ thống của Hoa Kỳ về nhiều phương diện. Bell viết: “Nền dân chủ là một hệ thống chính trị thiếu sót, và chế độ nhân tài có thể giúp điều chỉnh một số thiếu sót này.”
Dù tôi cho rằng Bell đã thật bất công khi so sánh lý tưởng của ông ta về chế độ nhân tài với nền dân chủ thực sự ngoài đời (mà ông ta khinh bỉ gọi là “mỗi đô la là một lá phiếu”), tôi sẽ nhường lại cho các nhà chính trị học lập luận lý thuyết về những điểm hay của mỗi hệ thống. Tuy nhiên, lời khen của Bell về hệ thống của  Trung Cộng cần phải được xem xét kỹ hơn.
Bell định nghĩa chế độ nhân tài như sau:
“Chế độ nhân tài chính trị là ý niệm về một hệ thống chính trị được lập ra để chọn các lãnh tụ chính trị có khả năng trên trung bình mà đưa ra các suy xét chính trị hợp đạo lý khi đã thấu đáo vấn đề. Tức là, chế độ nhân tài chính trị có hai thành phần chính yếu: 1) Các lãnh tụ chính trị có khả năng và đức hạnh trên trung bình(**); và 2) cơ chế chọn lựa được lập ra để chọn các lãnh tụ đó.
Và Bell lập luận tiếp là “chế độ nhân tài là yếu tố then chốt của nền văn hóa chính trị Trung Cộng.” Ông ta yểm trợ lập luận này bằng cách trích lời Khổng Tử, bằng cách tham chiếu các cuộc thăm dò ý kiến chính trị cho thấy sức hậu thuẫn dành cho hệ thống “tại các xã hội Đông Á có di sản Khổng Giáo,” và bằng cách miêu tả tiến trình chọn lựa tổng bí thư Chi Bộ Tổ Chức Ủy Ban Trung Ương CCP (mà trong đó không hề có yếu tố chính trị, nếu tin lời phát ngôn viên của CCP nói với Bell). (Lạ thay, Bell lại hoàn toàn lờ đi ý niệm “quan hệ”—mà đây là vai trò độc nhất vô nhị của chuyện móc nối và các mối liên hệ trong tất cả mọi khía cạnh cuộc sống tại Trung Cộng—mà cũng là yếu tố then chốt của nền văn hóa chính trị Trung Cộng.)
Vậy thì lập luận này có hợp lý hay không? Chúng ta hãy thử nhận xét CCP dựa theo lời miêu tả chế độ nhân tài của Bell. Tôi chấp nhận là các lãnh tụ của CCP có khả năng trên trung bình, nhưng có thể nào nói được là họ có nhiều đức hạnh hay không? Họ có biểu lộ được đức hạnh nào hay không, dù chỉ là đức hạnh “trung bình”? Công Trường Thiên An Môn, lệnh cấm Pháp Luân Công và các tổ chức tôn giáo khác, các nhà bất đồng chính kiến bị mất tích, áp dụng các biện pháp tra tấn, yểm trợ Bình Nhưỡng, những vụ vi phạm nhân quyền trắng trợn, chính sách một con—tất cả những trường hợp này đều cho thấy là họ thiếu mất đức hạnh và “các suy xét chính trị hợp đạo lý”. Nói như thế không có nghĩa là không có đảng viên nào của CCP có đức hạnh, nhưng những người có đức hạnh lại không phải là những người cầm quyền cai trị.
Bell có thể lập luận rằng, và chắc chắn những người khác sẽ lập luận như thế, phần tính nết ma quỷ độc ác của Trung Cộng thật đáng tiếc nhưng lại cần thiết để đem lại lợi ích chung cho nhiều người hơn. Nhưng lập luận đó lại có vấn đề sau đây: Trong một nước độc đảng, những kẻ ở vị trí chóp bu lại có toàn quyền định nghĩa thế nào là “tài năng” và thế nào là “đức hạnh.” Bell thật lầm lẫn nếu ông ta nghĩ rằng các lãnh tụ của Trung Cộng là “các chính khách tốt lành và quan tâm đến các đòi hỏi của người dân, nghĩ đến quyền lợi của người dân khi đưa ra quyết định, và chọn các chính sách hay ho cho người dân và xã hội” (Bell trích lời của các học giả Trung Hoa là Thạch Thiên Kiện và Lư Kiệt).
Ông ta cũng sai lầm khi lập luận rằng “việc thành lập một nước Trung Cộng tương đối an ninh và hùng mạnh dưới quyền lãnh đạo của CCP có nghĩa là Trung Cộng ít lo ngại về an ninh hơn là về tầng lớp chính trị.” Thật sự thì tình trạng tiếp tục đàn áp chính trị là bằng chứng cho thấy một CCP hết sức bất an lo âu—một CCP mà quan tâm chính của họ là vấn đề sống còn của chính họ chứ không phải để cải tiến cuộc sống của người dân Trung Hoa. Thực ra thì chuyện cải tiến cuộc sống người dân chỉ là một cách để bảo đảm việc sống còn của đảng.
Do đó CCP chỉ hội đủ điều kiện thứ nhất của Bell về một chế độ nhân tài(+) nếu chúng ta sẵn lòng chấp nhận một mức tương đối thật lạ đời về đạo lý—không những một loại đạo lý khác được áp dụng cho trường hợp riêng của Trung Công, mà các lãnh tụ của Trung Cộng lại còn được quyền quyết định hệ thống đạo lý đó phải như thế nào(++).
Còn điều kiện thứ hai của Bell thì sao? Cơ chế chọn lựa lãnh tụ của CCP có phải để chọn ra các lãnh tụ có khả năng và đức hạnh trên trung bình hay không? Một lần nữa, chuyện đó còn tùy theo cách định nghĩa thế nào là khả năng và thế nào là đức hạnh. “Cơ chế” này là thăng thưởng cho các cán bộ nào đặt ưu tiên cho quyền tiếp tục cai trị của CCP. Chẳng hạn như khi Hồ Cẩm Đào ra lệnh đàn áp nặng nề tại Tây Tạng vào năm 1989 thì ít nhất cũng một phần nhờ đó mà y được đưa lên chức vụ lãnh đạo cao hơn. Mặt khác, cũng trong năm đó thì Tổng Bí Thư Ủy Ban Trung Ương CCP là Triệu Tử Dương lại bị thanh trừng khỏi đảng vì đường lối tự do của ông ta đối với các cuộc phản đối tại Công Trường Thiên An Môn. Gần đây hơn là vụ xảy ra tại  Đông Châu vào năm 2005—vào lúc đó việc sử dụng vũ lực chết người đối với những người phản đối kể từ cuộc tàn sát tại Thiên An Môn—xem ra không tác hại gì đến sự nghiệp của Trương Đức Giang, lúc đó là bí thư của đảng tại tỉnh Quảng Đông. Ba năm sau, họ Trương trở thành phó thủ tướng trong Hội Đồng Nhà Nước và nay có thể là ứng viên vào Ủy Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị, tức là nhóm chín người cai trị Trung Cộng.
Nhưng lầm lẫn lớn nhất của Bell không phải ở chỗ ông ta lập luận CCP là một chế độ nhân tài—tôi sẽ chấp nhận là những cán bộ nào làm việc có hiệu quả nhất sẽ có nhiều hy vọng được thăng thưởng hơn cán bộ làm việc ít hiệu quả nhất. Lầm lẫn lớn của Bell chính là ở chỗ ông ta mặc nhiên cho rằng những gì có lợi cho CCP cũng đều có lợi cho Trung Hoa. Thật ra, ông ta còn viết ra là CCP “là một tổ chức đa nguyên gồm nhiều đoàn thể và tầng lớp khác nhau đại diện cho cả nước và, ở mức độ ít hơn, cả thế giới.” Theo lập luận của ông ta thì hóa ra Trung Cộng đã có một chính quyền đại diện mà không cần cho phép công dân của họ có tiếng nói nào trong thành phần chính quyền đó.
Bell xem chừng như tin rằng các lãnh tụ của đảng hàng ngày đều dốc tâm làm việc theo châm ngôn của Mao để “phục vụ nhân dân.” Có thể một số cán bộ địa phương thực sự nghĩ và làm việc như thế thật (nhưng chắc chắn là không phải tất cả—chẳng hạn như cứ xem vụ ông Trần Quang Thành mới đây thì rõ). Nhưng các lãnh tụ cấp tỉnh và toàn quốc—những người được xem là xứng đáng giữ chức vụ chính trị cao—thì vẫn mặc kệ, cho phép, hoặc chính họ là thủ phạm gây ra vô số những chuyện bất công đối với người dân Trung Hoa mỗi ngày.
Đúng, dân chủ là một hệ thống chính trị còn thiếu sót. Nhưng chế độ nhân tài kiểu Trung Cộng lại là một hệ thống đáng tởm.
Source: http://american.com/archive/2012/august/a-look-at-chinas-political-meritocracy
____________________
Chú thích của người dịch:
(*) Meritocracy
(**) Trong một chế độc độc đảng thì “những người có khả năng trên trung bình” này cũng chỉ được chọn ra từ vài chục người ở tầng lớp chóp bu của đảng là cùng chứ không phải từ tất cả đảng viên và lại càng không phải từ số dân trong nước thì “những người có khả năng trên trung bình” đó trong thực tế lại rất có thể là “những người có khả năng dưới trung bình nhiều” nếu so với cả nước. Hơn nữa, muốn lên được tới cấp chóp bu để được chọn trong một chế độ độc đảng độc tài thì điều kiện phải có lại không phải là tài năng mà là phải tuyệt đối trung thành với đảng. Vậy thì số người giữ các ngôi vị chóp bu của đảng lại càng khó có thể là những người có tài thực sự. Và khi mà điều kiện tiên quyết là phải tuyệt đối trung thành với đảng cộng sản thì xem ra chuyện có “đức hạnh” lại càng là chuyện hão huyền hơn nữa! Lý luận của Bell về “chế độ nhân tài” tại một nước như Trung Cộng càng lúc càng trở nên vô lý!
(+) Nhưng điều kiện thứ nhất của Bell cũng đã vô lý như vừa nói ở mục (**) trên đây nên cuối cùng CCP không hội đủ điều kiện nào về “chế độ nhân tài”!
(++) Có khác gì kẻ chuyên môn ăn cướp lên ngồi ghế thẩm phán để phán xét việc làm của mình có hợp đạo lý hay không?

No comments:

Post a Comment