Tác Giả: Huy Phương | |
Ra hải ngoại quyên tiền, xin ăn thì phải dẹp hết cờ vàng, không hát
quốc ca mặc dầu chúng “hồ hởi” nhặt về những đồng đô la của những người
tị nạn còn nghe mùi mồ hôi và cả mùi muối mặn chát trong những chuyến
vượt biển.
Một nhóm nữ tu từ Việt Nam sang Little Saigon tổ chức gây quỹ giúp người nghèo ở Little Saigon, cho đến giờ khai mạc, những người tham dự thấy trên sân khấu vẫn không có lá cờ VNCH và quốc kỳ Mỹ. Một vài cựu quân nhân trong đó có nhiều người vợ lính đã đặt mua một bàn ăn để giúp đỡ cho hội này, đặt vấn đề với ban tổ chức thì ban tổ chức trả lời không biết. Nhiều người đã lên tiếng rằng, nếu buổi gây quỹ này không treo quốc kỳ VNCH hay làm lễ chào cờ thì họ sẽ ra về. Cuối cùng chính những người phản đối đã đi mượn quốc kỳ luôn luôn có sẵn tại nhà hàng mang lên sân khấu để cho ban tổ chức làm lễ chào cờ. Nhớ lại câu chuyện năm năm trước, trong thời gian từ 2007-2008, Tim Aline Rebeau, một cô gái Thụy Điển (Thuỵ Sĩ chớ không phải Thụy Điển ), người sáng lập “Nhà May Mắn” ở Saigon đã đến Mỹ để gây quỹ trong cộng đồng người tị nạn Việt Nam. Cô đã đến Washington DC, Philadelphia, Houston, Orange County, San Fernando, San Jose và Seattle. Ở những nơi khác, chúng tôi không rõ sự việc, nhưng tại Cộng đồng Việt Nam ở San Fernando Valley, dư luận đã lên án ban tổ chức, vì đã theo lời yêu cầu của cô Tim, cất bỏ lá quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa đã được bày trí sẵn trên sân khấu, cạnh bục thuyết trình. Cô Tim đã bỏ ra ngoài khi lễ chào Quốc Kỳ bắt đầu, sau đó cô công khai tuyên bố, theo tường thuật của một đài phát thanh, là: “Tôi không muốn những vấn đề chính trị ảnh hưởng đến công việc từ thiện của tôi. Nếu Ban Tổ Chức muốn treo cờ hay làm gì đó tùy ý, nhưng trong chương trình của tôi không thể có cờ Vàng Ba Sọc Đỏ. Điều này quý vị biết hơn ai hết, tôi không thể đứng dưới bất kỳ một lá cờ nào cả”. Phải chăng trừ cờ đỏ sao vàng? Nhiều chức sắc tôn giáo từ Việt Nam ra nước ngoài, lẽ cố nhiên là cậy nhờ các cộng đồng tị nạn ở đây để xin tiền về xây nhà thờ, chùa, hay giúp người nghèo khó, nhưng không chịu đứng dưới lá cờ vàng hay nghe hát quốc ca VNCH. Chúng ta cũng thấu hiểu sự khó khăn của những vị này khi trở về nước chính quyền thấy những bức ảnh hay đoạn phim có liên quan đến màu sắc VNCH. Nhưng chắc chắn là khi ký giấy xuất cảnh cho quý vị ra đi, chính quyền Cộng Sản Việt Nam đã biết quý vị đi đâu? -đến những cộng đồng người Việt tị nạn tại Mỹ, Úc, Canada hay Pháp; và với mục đích gì? -xin tiền đem về Việt Nam. Không lẽ những nhà từ thiện, những người lãnh đạo tôn giáo này đến một hang động không có sinh hoạt của con người, và quý vị chỉ mang về nước những đất, đá hay sỏi, hay củi mục, mà quý vị đến một nhân quần, nơi con người có ý thức chính trị, và quý vị mang về toàn những đồng đô la quý giá, những đồng đô la do sự lao động vất vả, dè xẻn và do tấm lòng rộng lượng của những người tha phương mà trong nước đã mỉa mai là bọn “tha phương cầu thực”. Chào quốc kỳ và cử hành một phút mặc niệm từ lâu đã thành một phong tục, một nghi thức khai mạc của cộng đồng tị nạn người Việt trên khắp thế giới trong những sinh hoạt dù là chính trị hay xã hội, văn hóa vì người Việt tại hải ngoại luôn luôn muốn khẳng định căn cước của mình, “tôi là ai, tôi từ đâu đến đây và vì sao tôi có mặt ở đây?” Người khách đến nhà thăm viếng xã giao không phê phán cách bài trí trong nhà của chủ nhân, không chê lối tiếp đón của gia chủ, thậm chí theo giáo dục Đông phương, người khách còn đến nghiêng mình hay thắp nén nhang trước bàn thờ tổ tiên trong ngôi nhà mình đến nữa. Khổ nỗi, ai cũng biết rõ, mục đích của quý vị khi bước vào căn nhà này, không phải với tư cách một người ban ơn, mà là để ngửa tay xin tiền, dù với danh nghĩa “từ thiện”, “lá lành đùm lá rách”, “máu chảy ruột mềm” hay “bố thí” gì gì đi nữa! Đây không phải là chuyện “bầu phải thương bí vì chung một giàn,” đây là chuyện bầu phải thương bầu, tuy khác giàn với nhau, nhưng mà, chúng lại cùng một giống! Chuyện trong nước ra hải ngoại xin tiền quá nhiều, nhưng cũng không ít người đem tiền về cho trong nước. Không những cho tiền để nuôi trẻ, nuôi người tàn tật, xây cầu, cho dụng cụ cùng sự săn sóc y tế mà hải ngoại còn cho họ kiến thức về khoa học, kỹ thuật, giáo dục... Một số nhỏ kiếm danh để tìm nơi trú ẩn cuối đời, nhưng hầu hết người hải ngoại vì lòng nhân đạo, thương yêu, muốn cải tạo xã hội, xây dựng đất nước. Những người trong nước ra ngoài xin bố thí thì không biết điều, không tôn trọng tập quán, phong tục của những ân nhân đã giúp mình, trái lại trong nước được giúp thì lại có thái độ trịch thượng, khó thương chỉ vì bất nhân và sợ hãi. Họ sợ vì những người làm thiện nguyện này sẽ mang những thông điệp dân chủ, nhân quyền về trong nước. Mới đây thôi, hội từ thiện Măng Non (Association Avenir) thành lập tại Pháp hoạt động từ năm 1994 với mục đích giúp đỡ các sinh viên và học sinh nghèo trong nước có phương tiện đến trường, một cách đều đặn từ 18 năm qua cứ hai năm một lần hội tổ chức những chuyến du lịch Việt Nam để tặng quà cho các trường học, đã bị đối xử thô bạo. Có lẽ chỉ vì bà Chủ tịch hội từ thiện này lại là vợ ông Nguyễn Gia Kiểng nên hội đã bị sách nhiễu và bà Hồ Quỳ đã bị buộc rời Việt Nam ngay, nếu không công an sẽ “không bảo đảm an ninh” cho bà, như một lời hăm dọa của bọn côn đồ đối với người đã đem công sức, tiền bạc và thiện chí về giúp đồng bào trong nước. Nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc đã hai lần bị đuổi ra khỏi Việt Nam lúc mới đặt chân đến phi trường Tân Sơn Nhất trong khi ông về Việt Nam để tham dự một cuộc hội nghị quốc tế do hai trường đại học ở Úc và ở Việt Nam đồng tổ chức tại Hà Nội. Ông cũng như những người khác đã trả giá khá đắt khi muốn “đem ánh sáng vào nơi tăm tối”, “chở lòng người trở về quê hương, chở hồn người vào giòng suối mát, chở thật thà vào lòng dối trá...”, phải chăng vì Cộng Sản không bằng lòng với những bài viết của ông về thực trạng Việt Nam, và sợ hết thảy những gì mà chúng nghi ngờ là “diễn tiến hòa bình”. Chúng cần “hồng” hơn cần “chuyên”. Về cứu trợ Việt Nam thì phải có thái độ ngoan ngoãn như bầy cừu, tiêu biểu là những khuôn mặt có tên trong bảng phong thần “Việt Kiều Yêu Nước” hí hửng, mỗi năm được tuyên dương tại hội trường Mỹ Đình, Hà Nội. Ra hải ngoại quyên tiền, xin ăn thì phải dẹp hết cờ vàng, không hát quốc ca mặc dầu chúng “hồ hởi” nhặt về những đồng đô la của những người tị nạn còn nghe mùi mồ hôi và cả mùi muối mặn chát trong những chuyến vượt biển. Hiện tình ở trong nước hiện nay, Việt Cộng giàu có gấp bội Việt Kiều, vẫn còn vơ vét của cải cho gia đình bản thân, cứ nhìn vào gia cảnh của Bộ Chính trị Cộng Sản Việt Nam thì rõ. Trong khi đó các hội đoàn, tổ chức và cả cá nhân trong nước vẫn ào ạt ra nước ngoài để quyên góp từng đồng bạc lẻ, và chúng ta thì lại tự nguyện vắt sữa từ cái vú, tưởng chừng đã khốn đốn, nợ nần, khô cạn của nước Mỹ để làm việc từ thiện, nuôi dân thay cho bọn cầm quyền. Rút cuộc, chỉ có “khúc ruột nghìn dặm” ở đây là “dại dài dài”, chỉ vì chút hư danh, được xướng tên, “hùn phước” hay bác ái mà ngây thơ dẹp bỏ bàn thờ, cũng như làm thiện nguyện trong nước, bị dối trá, lừa bịp, ăn chặn mà vẫn bị đuổi ra khỏi nước như những kẻ tội đồ, mà vẫn chưa thấm nỗi nhục của bầy cừu giao du với lũ sài lang. |
Trở Về Trang chính
▼
No comments:
Post a Comment