Andrei Lankov/Foreign Policy, 12-7-2012
Trần Ngọc Cư dịch - Trông người mà ngẫm đến ta...
Trần Ngọc Cư dịch - Trông người mà ngẫm đến ta...
Đối với những người luôn luôn lo lắng về hành vi
của Bắc Triều Tiên, thời gian những tháng vừa qua có thể được mô tả
chính xác nhất như là một thời gian tuyệt vọng âm thầm.
Từ khi Bắc Triều Tiên bội ước thỏa thuận về
viện trợ lương thực “Ngày 29-2” bằng cách công bố thí nghiệm một tên lửa
tầm xa (thí nghiệm này về sau đã thất bại), sự thể đã trở nên hiển
nhiên một cách nhức nhối rằng, cả thái độ thân thiện lẫn biện pháp trừng
phạt đều không đưa đến điều mà nhiều nhân vật tại Washington sẽ coi là
kết quả duy nhất có thể chấp nhận được: giải trừ vũ khí hạt nhân Bắc
Triều Tiên. Và Trung Quốc (TQ), một nước được coi là niềm hy vọng lớn
nhất trong việc thúc đẩy Bắc Triều Tiên đi theo con đường đúng đắn, đã
dùng bảy tháng vừa qua kể từ khi Kim Jong Un lên nắm chính quyền để đẩy
mạnh những nỗ lực nhằm duy trì nguyên trạng (the status quo) của nước
láng giềng bất ổn định này, bằng cách gia tăng viện trợ và thương mại
với Bình Nhưỡng.
TQ đã kiểm soát gần 3/4 khu vực ngoại thương của
Bắc Triều Tiên và là nước cấp viện trợ lương thực nhiều nhất cho Bắc
Triều Tiên – có lẽ đây là yếu tố duy nhất giúp Bắc Triều Tiên khỏi rơi
vào nạn đói. Nhưng thay vì bóp viện trợ để đáp lại hành vi xấu xa của
Bình Nhưỡng, TQ đã biểu lộ mạnh mẽ quyết tâm dùng tài chánh để hà hơi
tiếp sức cho dòng họ Kim, và qua tiến trình này âm thầm phá hoại những
biện pháp trừng phạt quốc tế. Từ khi Liên Hiệp Quốc đưa ra những biện
pháp trừng phạt tiếp theo sau vụ Bắc Triều Tiên thí nghiệm vũ khí hạt
nhân năm 2006, quan hệ thương mại và viện trợ TQ - Bắc Triều Tiên đã
tăng theo cấp số nhân. Thương mại song phương, phần lớn được TQ tài trợ
trực tiếp hoặc gián tiếp, đã tăng hơn ba lần, từ 1,7 tỷ USD năm 2006 lên
5,6 tỷ USD năm 2011. Theo tin tức báo chí, Bắc Kinh còn mời hàng chục
ngàn công nhân Bắc Triều Tiên sang làm việc tại TQ; có giả thuyết cho
rằng những công nhân này sẽ mang lại ngoại tệ có giá trị cho tổ quốc
mình đồng thời không bị nhiễm những tư tưởng mà Bình Nhưỡng cho là nguy
hiểm.
TQ gần như không bao giờ công khai chỉ trích Bắc
Triều Tiên. Thỉnh thoảng một vài lời chỉ trích về những hành vi kỳ quặc
của Bắc Triều Tiên được đăng trên báo chí nhà nước TQ, như trường hợp
tờ Hoàn cầu thời báo, một tờ báo khổ rộng do nhà nước TQ quản lý, vào
tháng 5 đã lịch sự cảnh báo rằng Bắc Triều Tiên nên “hiểu biết sự công
phẫn của xã hội TQ một cách thật rõ ràng” khi Bắc Triều Tiên bắt cóc một
số ngư dân TQ. Tuy nhiên, Bắc Kinh không thể hiện một hành động công
khai cụ thể nào tiếp theo sau những chỉ trích hiếm hoi này. TQ lấy lý do
là ảnh hưởng của mình không đủ mạnh. “Họ không chịu lắng nghe chúng
tôi”, Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai), một Thứ trưởng Ngoại giao TQ đã nói
vào tháng 6 năm nay, “chúng tôi không thể dùng áp lực với họ”, và ông
còn thêm rằng Bắc Triều Tiên là một “quốc gia có chủ quyền”.
Như vậy, vì sao TQ không giúp thế giới một tay?
Một là, Bắc Triều Tiên đang được lãnh đạo bởi một Kim Chánh Vân (Kim
Jong Un) quá trẻ tuổi, chưa được thử thách, và khó tiên liệu. Hai là,
các lãnh đạo chính trị TQ, vừa mới kinh qua cuộc thanh trừng Ủy viên Bộ
chính trị Bạc Hy Lai có tiềm năng làm lung lay chế độ và đang lo lắng về
cuộc chuyển giao quyền lực diễn ra 10 năm một lần vào mùa Thu này,
không muốn liều lĩnh làm một điều gì khác có khả năng gây sóng gió cho
con thuyền quốc gia. Mặc dù TQ không bằng lòng với tình hình hiện nay,
nhưng có ba khả năng thay thế hiện thực thậm chí tồi tệ hơn, từ góc nhìn
của TQ: một Bắc Triều Tiên sắp sụp đổ, một Bắc Triều Tiên bị Nam Triều
Tiên sáp nhập, và một Bắc Triều Tiên được trang bị đầy đủ vũ khí hạt
nhân.
Một con số ngày càng đông đảo những nhà phân
tích TQ nhìn nhận riêng tư rằng chế độ Kim cuối cùng có thể sụp đổ, và
đôi khi họ còn nói ra quan điểm này ở các hội nghị quốc tế. Tuy nhiên,
một số học giả TQ tỏ ra tin tưởng rằng cuộc khủng hoảng xảy ra càng chậm
bao nhiêu, thì TQ càng có khả năng ngăn chặn nó bấy nhiêu, vì ảnh hưởng
âm thầm của TQ đang gia tăng từng ngày. Vì thế, việc duy trì nguyên
trạng (the status quo) của Bắc Triều Tiên lâu được chừng nào hay chừng
ấy sẽ giảm thiểu hậu quả của sự sụp đổ tất yếu của chế độ Bắc Triều
Tiên.
Nhưng thậm chí nếu muốn thay đổi chế độ, Bắc
Kinh, khác với Hoa Kỳ, vẫn muốn thấy bán đảo Triều Tiên bị chia cắt. Bắc
Triều Tiên là một vùng trái độn cần thiết, và TQ đang sử dụng quan hệ
bất ổn giữa hai quốc gia Triều Tiên để nắm lợi thế ngoại giao và địa
chiến lược. Không có những căng thẳng này, Bắc Kinh sẽ gặp nhiều khó
khăn trong việc nắm giữ các đặc quyền khai thác khoáng sản và sử dụng
hải cảng tại Bắc Triều Tiên, và đối thủ của TQ là Nam Triều Tiên sẽ có
khả năng trở nên hùng mạnh hơn sau một tiến trình quanh co đưa đến thống
nhất. Ngoài kho tàng khoáng sản của Bắc Triều Tiên, được chính phủ Nam
Triều Tiên ước tính vào năm 2009 có trị giá 6 ngàn tỷ Mỹ kim, một nước
Triều Tiên thống nhất sẽ cho phép Seoul chuyên chở hàng hóa bằng đường
bộ đến châu Âu và châu Á và có tiềm năng cạnh tranh giành ảnh hưởng khu
vực với Nhật Bản và Ấn Độ. Một nước Triều Tiên thống nhất gần như chắc
chắn sẽ theo thể chế dân chủ và có tinh thần dân tộc chủ nghĩa, có khả
năng duy trì quan hệ tương đối gần gũi với Hoa Kỳ, đối thủ địa chính trị
quan trọng của TQ. Thống nhất cũng có thể mang ngụ ý là quân đội Mỹ
đóng sát biên giới TQ – một kịch bản đầy ác mộng đối với Bắc Kinh và là
một kịch bản mà trong quá khứ Bắc Kinh đã phải đổ máu để ngăn chặn.
Nỗ lực giải trừ vũ khi hạt nhân trên Bán đảo
Triều Tiên đứng ở nấc thứ ba khá thấp trong bản liệt kê các ưu tiên của
TQ. TQ muốn thấy một bán đảo Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân; họ sợ
loại vũ khí này rơi vào những bàn tay thù nghịch. Là thành viên của một
câu lạc bộ quốc tế riêng biệt, TQ không muốn thấy đặc quyền của mình bị
bào mòn vì sự lan tràn của vũ khí hạt nhân. TQ cũng sợ rằng một Bắc
Triều Tiên thủ đắc vũ khí hạt nhân có thể thúc đẩy các quốc gia khác
trong khu vực đi tìm sự che chở dưới chiếc dù hạt nhân của Mỹ, hay thậm
chí dẫn họ đến việc tự mình phát triển khả năng quân sự hạt nhân.
Nhưng TQ không muốn gây nguy cơ cho những mục
tiêu nhắm vào ổn định tình hình quan trọng hơn và cho việc duy trì sự
chia cắt lâu dài Bán đảo Triều Tiên. Những đe dọa do tham vọng hạt nhân
của Bắc Triều Tiên là gián tiếp và tương đối nhẹ so với sự bộc phát một
tình trạng hỗn hoạn tại một nước láng giềng hay một đồng minh hùng mạnh
của Mỹ nằm ngay biên giới TQ.
Ngay cả nếu TQ có muốn trừng trị Bắc Triều Tiên
vì chương trình hạt nhân của nước này đi nữa, TQ cũng không nằm trong
một tư thế có thể làm việc đó. Một sự cắt giảm viện trợ nhỏ bé sẽ ít có
ảnh hưởng đối với Bình Nhưỡng, một chính quyền mà lãnh đạo chính trị
nghĩ rằng họ cần vũ khí hạt nhân hơn cần tăng trưởng kinh tế. Muốn đủ
hiệu quả trong việc ảnh hưởng lên một điều gì nghiêm trọng như thái độ
đối với vũ khí hạt nhân, sự cắt giảm viện trợ phải đủ gay gắt để đe dọa
chính sự sống còn của nền kinh tế Bắc Triều Tiên. Như một nhà ngoại giao
cấp cao Nam Triều Tiên có lần đã nói với tôi, “TQ không có sức mạnh đòn
bẩy khi đối phó với Bắc Triều Tiên; TQ chỉ có trong tay một chiếc búa
[để đập phá]”.
Nói như thế có nghĩa là, nếu TQ ngưng viện trợ,
TQ sẽ châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng kinh tế nhanh chóng tại Miền
Bắc. Các lãnh đạo Bắc Triều Tiên có thể khấu đầu trước các áp lực như
thế, nhưng có một khả năng lớn hơn là, họ sẽ chống cự cho đến khi đất
nước bắt đầu tan rã. Bình Nhưỡng đã đối diện một thách thức rất giống
như vậy vào đầu những năm 1990, khi Liên Xô trong tiến trình sụp đổ đã
đột xuất cắt ngang các tài trợ cho Bắc Triều Tiên. Bình Nhưỡng phải tìm
cách hạn chế mọi mặt – và, nhờ thế, chế độ đã sống còn, mặc dù dân chúng
phải trả một cái giá khủng khiếp. Biết đâu Bình Nhưỡng lại có cơ may
tồn tại thêm một lần nữa, nhưng một đại họa kinh tế cũng có thể nhanh
chóng làm sụp đổ chế độ.
Một bước ngoặt gồm những biến cố như vậy sẽ tạo
ra tình trạng bất ổn định rất nghiêm trọng: hàng chục, nếu không muốn
nói, hàng trăm ngàn người tị nạn, việc buôn lậu các vật liệu và công
nghệ hạt nhân, và có lẽ nổ ra tình trạng bạo động có vũ trang ngay ở
biên giới TQ. Một cuộc khủng hoảng như vậy cuối cùng có thể kết thúc
bằng sự thống nhất toàn bán đảo Triều Tiên dưới sự giám hộ của một miền
Nam giàu có, dân chủ, và dân tộc chủ nghĩa – đây là một lựa chọn cay
đắng đối với Bắc Kinh, mặc dù như thế vẫn còn hơn một tình trạng bất ổn
định triền miên tại Triều Tiên.
Giới lãnh đạo Bắc Kinh đã làm hết sức mình để
duy trì nguyên trạng (the status quo) tại Bắc Triều Tiên. Và đây là một
giá khá rẻ – mặc dù dữ liệu không được rõ ràng, nhưng tất cả mọi trợ cấp
trực tiếp cũng như gián tiếp có vẻ chưa tới 1 tỷ đôla một năm. Đối với
TQ, đây là một giá rất hời để tránh khỏi những vấn đề có tiềm năng khủng
khiếp.
Chính trị quá lắm khi chỉ là một sự lựa chọn
giữa một tình trạng tồi tệ và một tình trạng còn tồi tệ hơn. Thật không
may cho Washington và cho đại đa số nhân dân Bắc Triều Tiên, TQ đang coi
một Bắc Triều Tiên có vũ khí hạt nhân nhưng ổn định chính trị như là
một trường hợp rõ nét của một điều ác nhỏ bé hơn (the lesser evil).
Andrei Lankov là Giáo sư của Đại học tại Seoul và là tác giả nhiều cuốn sách về lịch sử và chính trị Bắc Triều Tiên.
Nguồn: Bauxite vietnam
No comments:
Post a Comment