Khi đường lưỡi bò bắt đầu liếm…
Mặc Lâm, biên tập viên RFA, Bangkok
2012-06-28
Ngày 23 tháng 6 vừa qua tổng công ty dầu khí Hải Dương của Trung Quốc
chính thức mở thầu khai thác dầu tại 9 địa điểm thuộc khu vực đặc quyền
kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Động thái mới nhất này cho thấy quyết tâm sử dụng đường lưỡi bò phi pháp
để xâm chiếm chủ quyền nước khác đã bắt đầu lộ liễu bất chấp dư luận
quốc tế.
Mục đích đã phơi bày
Mục đích đã phơi bày
Từ nhiều năm nay các nước trong khu vực Biển Đông đã liên tiếp lên tiếng
chống đối đường lưỡi bò của Trung Quốc và ai cũng thấy rằng con đường 9
khúc này là mục tiêu của mưu đồ bành trướng, phù hợp hoàn toàn với tham
vọng của một chính quyền chủ trương lấy sức mạnh Đại Hán để vẽ lại bản
đồ từng có thời bị xâu xé bởi nội thù cũng như ngoại xâm.
Đường lưỡi bò được Trung Quốc đầu tư không giới hạn qua các chiến dịch
vận động, viết lại lịch sử, giả mạo hiện vật cũng như mua chuộc, khống
chế các nhà khoa học Trung Quốc chân chính để bóp méo sự thật với mục
đích duy nhất: chiếm đoạt tài nguyên giàu có của Biển Đông. Thiếu tướng
Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh cho biết nhận
định của ông về con đường lưỡi bò này:
"Cái lưỡi bò ấy do chính phủ Quốc Dân Đảng tự vẽ ra, tôi nhấn mạnh
chữ “tự vẽ ra” không được quốc tế công nhận cho nên nó chẳng có giá trị
pháp lý gì cả. Họ sẽ không dám làm gì và các nhà thầu cũng không dại gì
mà dính vào chuyện ấy. Tám trăm tờ báo của họ đã đồng thanh phản đối,
bác bỏ Luật Biển mà Quốc hội Việt Nam thông qua là một điều vô lý.
Tôi đã yêu cầu chính phủ phải đưa ra những tài liệu, căn cứ rất có
giá trị của mình để mà đấu lý với họ chứ không thể để cho họ nói càn nói
bậy thì không được."
Trung Quốc kêu gọi đấu thầu 9 lô dầu khí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam cho thấy họ ngang ngược bất chấp luật pháp quốc tế. Họ không dựa vào một cơ sở nào mà công ước quốc tế về luật biển quy định.Thạc sĩ Hoàng Việt
Ngày 23 tháng Sáu vừa qua Trung Quốc đã dùng con đường 9 khúc này để xâm
lược vùng biển Việt Nam. Bắc Kinh cho phép Tổng công ty dầu khí Hải
Dương còn được gọi là CNOOC mở thầu 9 lô dầu đang hoạt động tại vùng
biển Việt Nam.
Theo ông Đỗ Văn Hậu, Tổng giám đốc Petro Vietnam phát biểu trong cuộc
họp báo vào ngày 27 tháng Sáu thì các lô mà Trung Quốc gọi thầu có tổng
diện tích hơn 160.000 km2 nằm trong một khu vực mà Tập đoàn Dầu khí Việt
Nam đã có các hoạt động khai thác dầu khí từ lâu với các đối tác nước
ngoài.
Thạc sĩ Hoàng Việt hiện giảng dạy môn luật quốc tế tại Đại học Luật Thành phố cho biết cái nhìn của ông qua khía cạnh luật pháp:
"Khi Trung Quốc kêu gọi đấu thầu 9 lô đó khi chúng nằm hoàn toàn
trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam cho thấy một
điều Trung Quốc họ ngang ngược bất chấp luật pháp quốc tế. Họ không dựa
vào một cơ sở nào mà công ước quốc tế về luật biển quy định là mỗi quốc
gia ven biển sẽ có đặc quyền kinh tế 200 hải lý cũng như thềm lục địa
200 hải lý kéo dài từ đường cơ sở.
Đối với thềm lục địa thì đó là một đặc quyền của quốc gia ven biển.
Nếu quốc gia ven biển đó không khai thác các tài nguyên sinh vật hay
không sinh vật trên vùng thềm lục địa thì không quốc gia nào được quyền
khai thác khi chưa được sự đồng ý của quốc gia có đặc quyền.
Thềm lục địa này hoàn toàn là của Việt Nam nhưng Trung Quốc họ đưa ra
đấu thầu thì tôi cho rằng họ bất chấp công lý, bất chấp luật pháp quốc
tế và chắc chắn đối với hành động như vậy của Trung Quốc thì không ai
trên thế giới này người ta ủng hộ cả."
Chắc chắn nếu là người Việt, không ai không có cùng nhận xét với Thạc sĩ
Hoàng Việt, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nguyên đại biểu quốc hội cho
biết suy nghĩ của ông:
Trong vùng 200 hải lý của mình thì không anh nào có thể xâm phạm được. Đây không phải là vùng tranh chấp, nếu vùng tranh chấp thì còn có thể bàn cãi còn đây là vùng thuộc chủ quyền của Việt Nam nên không thể tranh cãi nữa.Trung tướng Nguyễn Quốc Thước
"Bây giờ chính phủ cũng đã có công hàm, thái độ kiên quyết bác bỏ và
khi mình đã kiên quyết thì không anh nào dại dột chui vào chỗ ấy để gây
phức tạp cho họ đâu. Còn bây giờ về quan hệ ngoại giao nhà nước cũng
phải đấu tranh làm rõ quan điểm của mình theo Luật Biển và DOC. Mình
phải lấy hai cái này để đấu tranh vì dứt khoát khu vực ấy là thềm lục
địa của mình rồi.
Trong vùng 200 hải lý của mình thì không anh nào có thể xâm phạm
được. Đây không phải là vùng tranh chấp, nếu vùng tranh chấp thì còn có
thể bàn cãi còn đây là vùng thuộc chủ quyền của Việt Nam nên không thể
tranh cãi nữa. Về phương thức như thế nào để chúng ta bảo vệ thì chúng
tôi tin chắc rằng ta đã có những kinh nghiệm lần trước rồi và đã có
những cơ sở pháp lý và đã được thế giới người ta rất đồng tình nên chúng
tôi không thể nhân nhượng.
Thế giới người ta cũng thấy rõ rồi cho nên vấn đề này tôi tin rằng
Trung Quốc chỉ nói thế thôi chứ bây giờ họ có thể gọi thầu nhưng những
nước khác người ta thấy rằng anh chui vào một chỗ nguy hiểm thì cũng chả
ai dại gì mà chui vào để đối đầu với Việt Nam và đối đầu toàn vùng Đông
Nam Á."
Lưỡi bò lấn vào biển Việt Nam bao xa?
Để dễ theo dõi hơn, người dân bình thường Việt Nam có thể thấy rằng từ
khu vực các lô dầu mà Việt Nam đang khai thác nếu vào tới Quảng Ngãi chỉ
cách 76 hải lý, cách khu gần nhất ở Nha Trang là 60 hải lý. Điểm gần
nhất giữa Nha Trang và Phan Thiết có 57 hải lý. Và nghiêm trọng hơn cả,
điểm gần nhất chỉ cách đảo Phú Quý của Việt Nam chỉ hơn 30 hải lý. Có
nghĩa là bàn chân Trung Quốc chỉ cách Việt Nam 30 hải lý mà thôi.
Tại sao đường lưỡi bò lại quan trọng đối với Trung Quốc như vậy? Ông
Dương Danh Dy, nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Bắc Kinh nhận xét:
"Tại sao Trung Quốc phát triển ở Biển Đông như vậy thì nó có hai
điều. Một là bành trướng bá quyền hai nữa là vấn đề sống còn của Trung
Quốc. Hiện nay họ đã khai thác tài nguyên cạn kiệt, ô nhiễm môi trường,
ruộng đất không còn…thế nên bây giờ họ phải vươn ra biển.
Vươn ra biển Bắc thì vướng Nhật Bản, phía khác thì Nga cũng là cường
quốc nên không làm được cho nên chỉ có cách chĩa vào Biển Đông vì các
nước nhỏ và yếu hơn nên dễ chiếm vì Biển Đông có dầu có tất cả mọi cái
mà Trung Quốc rất cần.
Ở Trung Quốc hiện nay mang hai tính chất: một tính chất bành trướng
bá quyền, thứ hai là mang tính sống còn. Bành trướng bá quyền nếu bị
đánh dập đầu, đánh dập ý chí thì nó buông nhưng vì sống chết của Trung
Quốc nếu không có Biển Đông thì sẽ chết cho nên họ rất ngoan cố và rất
nguy hiểm."
Trung Quốc thấy rõ thế yếu của các nước trong khu vực nên sau nhiều nỗ
lực vận động bằng dư luận cho đường lưỡi bò phi pháp, Bắc Kinh đã liều
lĩnh tiến thêm một bước nữa tuy chỉ là ném một viên đá thăm dò nhưng
tiềm ẩn dưới những hành động này là các phương án tiếp theo trong đó
từng bước sẽ được Bắc Kinh tiến hành tùy theo sự chống đối của quốc gia
bị lấn ép.
Bài học khó nuốt của Philippines vẫn âm ỉ cháy trong cơn khát dầu khủng
khiếp của một đất nước mơ làm bá chủ thế giới nhưng đụng phải một đất
nước tuy nhỏ bé nhưng kiên cường và rất thông minh trong cách đối phó
với kẻ mạnh. Liệu Việt Nam có thể làm gì trên phương diện pháp lý quốc
tế để vạch trần âm mưu này của Trung Quốc. Thạc sĩ Hoàng Việt cho biết:
"Công ước luật biển mang tính chất của công pháp quốc tế thì nó không
có cơ quan gọi là thi hành án cho việc các quốc gia vi phạm. Tuy nhiên
nó có cơ chế khác chẳng hạn như sự lên án của dư luận quốc tế thì rất
quan trọng. Còn tòa án quốc tế luật biển, về mặt lý thuyết như vừa rồi
Philippines vẫn có thể mời Trung Quốc ra tòa án quốc tế Luật Biển.
Tòa án này có chức năng giải quyết tranh chấp trên cơ sở giải thích,
vận dụng, áp dụng các điều khoản của công ước và vì vậy vẫn có khả năng
đưa ra tòa án quốc tế mặc dù Trung Quốc không đồng ý. Như Philippines
vừa rồi họ đưa ra và bảo rằng dù Trung Quốc không đồng ý họ vẫn đơn
phương mang ra tòa án quốc tế luật biển và xem xét lại các quy định của
tòa án quốc tế về luật biển. Vấn đề quan trọng nhất là ý chí chính trị
có quyết tâm hay không."
Không giống như Philippines Việt Nam có hoàn cảnh lịch sử và vị trí địa
lý khá bất lợi so với Trung Quốc. Về chính trị Trung Quốc đã tận dụng
con bài Chủ nghĩa Xã hội để trói chặt Việt Nam vào 16 chữ giả dối.
Về kinh tế Bắc Kinh không ngại dùng những thủ thuật quen thuộc để Hà Nội
khó thoát ra tấm lưới lãi suất và kho hàng nguyên liệu giá rẻ. Hai thứ
vũ khí này đã khiến Việt Nam trong một thời gian dài tê liệt ý chí để
cuối cùng cũng sực tỉnh khi ngày 23 tháng 6 đòn chí tử cuối cùng được
Bắc Kinh giáng xuống: dùng đường lưỡi bò tấn công thẳng vào đặc quyền
kinh tế biển Việt Nam.
Thế nào là hành động phi pháp?
Theo dõi phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam Lương
Thanh Nghị sau khi vụ việc xảy ra giới quan sát nhận thấy đây là phát
ngôn mạnh mẽ nhất từ trước tới nay với những từ ngữ sát phạt nặng nề và
nêu bật tính chất vụ việc.
Ông Lương Thanh Nghị khẳng định, “việc phía Trung Quốc ngang nhiên mời
thầu quốc tế tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là
hành động phi pháp và không có giá trị”.
Trong ngôn ngữ ngoại giao khi dùng cụm từ “hành động phi pháp” là hình
thức chống đối cao nhất và nghiêm trọng nhất của quốc gia này đối với
quốc gia khác. Trung Quốc chắc chắn thấy rõ phản ứng của Việt Nam qua
tuyên bố này và họ sẽ điều chỉnh những hoạt động sắp tới trong kế hoạch
đã được trù tính.
Khi bị phản ứng dữ dội bước kế tiếp của Trung Quốc sẽ theo hai kịch bản:
một là đề nghị thương thuyết theo kiểu hai bên cùng khai thác, hai là
tiến hành chiến tranh chớp nhoáng để khẳng định con đường lưỡi bò phi
pháp. Khả năng Việt Nam chấp nhận thương thuyết là không tưởng còn khả
năng thứ hai nếu xảy ra thì Việt Nam sẽ ra sao? Ý kiến của ông Nguyễn
Trọng Vĩnh:
"Không sợ họ đánh đâu! Họ bây giờ đang bị cô lập trước quốc tế từ Hàn
Quốc qua Nhật Bản tới Australia. Ấn Độ và Myanma cũng khác trước rồi
Trung Quốc không còn nắm được họ nữa. Cho nên họ đang ở cái thế cô lập
và nội bộ họ đang đấu tranh với nhau đầy mâu thuẫn cho nên họ không dám
đánh đâu, tôi nói với chính phủ như thế và ta cứ đấu."
Còn ông Dương Danh Dy thì mạnh mẽ hơn, ông cho biết:
"Tôi xin nhắc chính người Trung Quốc nói chứ tôi không nói tôi chỉ
lấy tin trên mạng Trung Quốc đó là: Đánh, chiếm Trường Sa thì dễ. Nhưng
giữ thì khó. Tôi xin nói chỉ có mấy cây số nếu anh chiếm Trường Sa thì
tên lửa của chúng tôi ụp lên anh vì Việt nam đủ sức làm điều này đó là
chưa nói đến máy bay. Tên lửa di động trên bờ cứ nhắm vào tất cả tàu bè
Trung Quốc đi qua là bắn thì các anh sống thế nào được?
Phải để cho nhân dân người ta phản đối. Không những chính phủ phản đối nhưng dân chúng tôi cũng phải quyết liệt phản đối. Không được cấm người ta biểu tình phản đối phải để cho dân lên tiếng phải để người yêu nước biểu tình phản đối sự bành trướng của Trung QuốcThiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh
Cho nên chuyện không phải đơn giản đâu. Tôi xin nhắc lại trước đại
hội 18 sắp khai mạc thì họ có thể có những hành động bất ngờ nhưng theo
tôi những chuyện họ tuyên bố vừa rồi vẫn là trên giấy. Ngoài cái chuyện
cắt cáp ra thì mọi chuyện vẫn là trên giấy. Họ tuyên bố chủ quyền chỉ là
trên giấy và đường 9 đoạn cũng chỉ là trên giấy mà thôi."
Việt Nam đã sẵn sàng?
“Lộng giả thành chân” là một câu thành ngữ xuất phát từ Trung Quốc vẫn
là cẩm nang của Bắc Kinh hiện nay trong các đối sách Biển Đông. Để đối
phó với những thủ đoạn này Việt Nam đã sẵn sàng chưa hay vẫn còn tin
rằng mọi sự đều có thể giải quyết trong tinh thần đồng chí?
Phải thừa nhận rằng về mặt chính trị xã hội Việt Nam chưa chuẩn bị đủ
những điều cần thiết cho việc khơi dậy tâm lý toàn dân. Qua chính sách
tránh gây khiêu khích, Việt Nam đã mắc bẫy Trung Quốc khi cấm tuyệt đối
những thông tin về Biển Đông và chính sách này đã gây hệ lụy trước mắt
là nhiều cán bộ và dân chúng rất mù mờ về Hoàng Sa và Trường Sa.
Tâm lý ấy ăn sâu đến nỗi khi vụ mở thầu 9 điểm của Trung Quốc xảy ra rất
nhiều tờ báo trong nước loan tin cuộc họp báo của ông Đỗ Văn Hậu, tổng
giám đốc PVN mà không đem hình ảnh cùng lời phát ngôn mạnh mẽ của ông
Lương Thanh Nghị lên mặt báo.
Thậm chí có báo còn không loan tin vụ xâm chiếm chủ quyền nghiêm trọng
này. Thiếu tướng Nguyễn Trong Vĩnh cho biết ý kiến của ông nên mở rộng
cửa để người dân biểu tỏ sự phản ứng của mình đối với Trung Quốc, ông
nói:
"Phải để cho nhân dân người ta phản đối. Không những chính phủ phản
đối nhưng dân chúng tôi cũng phải quyết liệt phản đối. Không được cấm
người ta biểu tình phản đối phải để cho dân lên tiếng phải để người yêu
nước biểu tình phản đối sự bành trướng của Trung Quốc."
Khi dân chúng không xem việc mất biển vào tay Trung Quốc là hệ trọng thì
sức mạnh duy nhất có thể giữ được nước là lòng dân sẽ bị phân tán và
lúc ấy cơ hội cho đạo quân thứ 5 của Trung Quốc đang hiện diện tại Việt
Nam quấy phá đất nước sẽ không phải là nhỏ.
No comments:
Post a Comment