Quỳnh Chi, phóng viên RFA
Sau khi Trung Quốc lên tiếng phản đối việc Quốc hội Việt Nam thông qua luật biển, xuất hiện trên mạng Internet lời kêu gọi tuần hành ôn hòa phản đối Trung Quốc vào ngày 1 tháng 7 tới đây.
Photo by Nguyễn Lân Thắng
Bà Bùi Thị Minh Hằng cùng đoàn người biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội năm 2011
00:00
00:00
Liệu lời kêu gọi này có được đáp ứng tạo ra những cuộc biểu tình giống mùa hè năm ngoái hay không? Và liệu sẽ có những điểm khác biệt khi cả phía an ninh và người biểu tình học được những kinh nghiệm từ những gì xảy ra năm ngoái?
Từ kinh nghiệm của người biểu tình
Ngày 21 tháng 6, Quốc hội Việt Nam thông qua luật biển Việt Nam trong đó khẳng định chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sự việc ngay sau đó bị phía Trung Quốc phản đối trên hàng loạt các tờ báo nhà nước cũng như nước này triệu đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh yêu cầu hủy bỏ luật này. Trước phản ứng gay gắt của Trung Quốc đối với việc khẳng định chủ quyền Việt Nam, cùng thời gian xuất hiện lời kêu gọi “tuần hành ôn hòa” nhằm phải đối hành động của Trung Quốc cũng như ủng hộ luật biển Việt Nam.Lời kêu gọi được xuất phát từ trang facebook có tên Nhật Ký Yêu Nước và được cho là của trang này phát động. Trang Nhật Ký Yêu Nước cũng là nơi phát động lời tuần hành ôn hòa phản đối Trung Quốc hồi hè năm ngoái. Blogger Uyên Vũ, một trong những cây bút xông xáo của các sự kiện chính trị xã hội và từng tham gia biểu tình phản đối Trung Quốc cho biết theo sự quan sát của ông, các blogger miền Nam cảm thấy phấn khởi và bắt đầu có những lời kêu gọi hưởng ứng cuộc tuần hành:
“Năm ngoái, nhóm NKYN khởi xướng lời kêu gọi và năm nay cũng vậy. Tôi thấy mọi người hào hứng kêu gọi nhau đổi avatar để ủng hộ”.
Không khí của các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc kéo dài hàng tháng trời xuất phát từ lời kêu gọi của trang Nhật Ký Yêu Nước phần nào vẫn còn trong một số người.
Chính vì thế, sẽ là thiên kiến nếu cho rằng trang mạng này không có một chút ấn tượng hay uy tín đối với một số người tham gia tuần hành. Tuy nhiên, một năm trôi qua với sự phát triển của các trang mạng xã hội đủ để nhiều người tìm hiểu thêm thông tin và tỏ thái độ dè dặt. Anh Nguyễn Lân Thắng ở Hà Nội cho rằng một khi lời kêu gọi xuất phát không từ những con người thật và có uy tín xã hội, thì khó lòng kêu gọi được nhiều người tham gia:
“Để có một cuộc như năm ngoái thì đòi hỏi phải có sự tham gia của rất nhiều thành phần, không phải của những người trẻ thôi mà phải của cả những người có uy tín xã hội. Họ nghĩ như thế nào, có tham gia không và có cùng kêu gọi không… chứ không căn cứ vào việc ai phát động lời kêu gọi”.
Tính đến khi các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc chấm dứt vào năm ngoái thì tại Hà Nội đã có 11 cuộc biểu tình, tại Sài Gòn có ít nhất 2 cuộc với các đợt cao điểm là hàng ngàn người tham dự. Tuy nhiên, cũng theo anh Nguyễn Lân Thắng, đã có những đồn đoán trong cộng đồng mạng cho rằng những cuộc biểu tình diễn ra hồi năm ngoái có sự tham gia và đứng sau của các tổ chức chính trị. Chính điều này làm một số người dè dặt:
Qua một năm, họ đã suy nghĩ khác và họ có cả một năm để tìm hiểu thêm thông tin và các vấn đề khác. Cho nên có lẽ họ sẽ cảnh giác hơn trước những lời kêu gọi như thế này.“Tôi nghĩ cuộc tuần hành này sẽ khác năm ngoái ở chỗ, lời kêu gọi biểu tình năm ngoái lúc đầu được đưa ra bởi một nhóm mà có thể là một tổ chức chính trị hay một tổ chức xã hội nào đó, sau đó được các blogger hưởng ứng. Lúc đó thì số đông người tham gia còn “ngây thơ” và không có nhiều thông tin. Thế nhưng qua một năm, họ đã suy nghĩ khác và họ có cả một năm để tìm hiểu thêm thông tin và các vấn đề khác. Cho nên có lẽ họ sẽ cảnh giác hơn trước những lời kêu gọi như thế này”.
Anh Nguyễn Lân Thắng
Hiện tại, một số blogger, người sử dụng mạng xã hội Sài Gòn đã gởi đường link chia sẻ lời kêu gọi, tuy nhiên, ngoài sự cẩn trọng và dè dặt, chưa thấy giới blogger Hà Nội có phản ứng nào đáng kể.
Đến kinh nghiệm của người trấn áp biểu tình
Trấn áp người biểu tình tại Hà Nội hôm 21/8/2011. AFP photo
Các cuộc biểu tình hồi hè năm ngoái mặc dù cũng kéo dài được vài
tháng nhưng nó không diễn ra một cách dễ dàng. Đã có nhiều hành động từ
phía chính quyền như cấm đoán, gây khó khăn, thậm chí bắt bớ và đàn áp.
Ngoài một số biểu tình viên bị bắt tại đồn công an Mỹ Đình và một số
nơi khác, việc bà Bùi Hằng bị đưa vào trại phục hồi nhân phẩm (mặc dù
không bị chính quyền qui tội là tham gia biểu tình) được cho là những ví
dụ khiến nhiều người ứng xử một cách kinh nghiệm và xét nét hơn.Trong lúc thời gian một năm cho người biểu tình có thêm thời gian để xử lý thông tin và ứng xử cẩn trọng, nó cũng tạo điều kiện cho phía chính quyền có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc đối phó. Sau khi lời kêu gọi tuần hành ngày 1 tháng 7 được đưa ra, một số blogger tại Sài Gòn cho biết họ bị theo dõi chặt chẽ hơn. Blogger với tên Facebook là Yêu Nước Việt cho biết anh bị cảnh sát khu vực “mời” đi uống cà phê hôm 22 tháng 6:
“Tôi đoán chính xác là vì cuộc kêu gọi biểu tình ngày 1 tháng 7 nên tôi mới bị mời đi uống cà phê để làm rõ một số vấn đề về việc có tham gia hay không”.
Blogger này cho biết trong buổi nói chuyện, vị cảnh sát tập trung hỏi những câu hỏi về cuộc biểu tình sắp tới. Cùng thời điểm, blogger Huỳnh Công Thuận và Uyên Vũ cho biết cũng bị an ninh theo dõi chặt chẽ hơn từ mấy ngày gần đây. Blogger Huỳnh Công Thuận cho biết:
“An ninh mời cà phê là một hình thức cảnh cáo. Còn đối với tôi thì lúc nào cũng có hai an ninh canh cửa. Nếu tôi đi làm thì thôi, nhưng đi những chuyện khác thì sẽ khó khăn.”
Theo suy đoán của một số blogger tại Sài Gòn, những blogger từng tham gia biểu tình, từng bị bắt hoặc có những hoạt động lên tiếng cho những sự kiện liên quan đến tình hình đất nước sẽ bị an ninh quan sát chặt chẽ hơn trong bối cảnh lời kêu gọi tuần hành đang lan truyền trên mạng.
Cái chuyện mình hy vọng thì vẫn phải hy vọng vì rõ ràng có những động thái từ phía chính quyền. Nhưng mà tất cả những động thái đó chưa đủ để nói rằng cuộc tuần hành được bật đèn xanh.Việc Quốc hội thông qua luật biển Việt Nam, đồng thời người phát ngôn bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 21 tháng 6 cũng phản đối lại những quan ngại của Trung Quốc cho thấy luật biển không những được người dân mà còn chính phủ ủng hộ. Đây có thể được xem là một sự đồng thuận hiếm hoi về vấn đề biển Đông giữa thành phần lãnh đạo và người dân, tạo cơ sở để người ta tin rằng cuộc tuần hành sắp tới được “bật đèn xanh”. Tuy nhiên, blogger Uyên Vũ lại chia sẻ sự dè dặt của mình:
Blogger Uyên Vũ
“Cái chuyện mình hy vọng thì vẫn phải hy vọng vì rõ ràng có những động thái từ phía chính quyền. Nhưng mà tất cả những động thái đó chưa đủ để nói rằng cuộc tuần hành được bật đèn xanh. Cộng với việc một số blogger được mời uống cà phê hay được chăm sóc chu đáo thì nó vẫn là một ẩn số”.
Hồi tháng 8 năm ngoái, trong cuộc họp giao ban báo chí của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, tướng Nguyễn Đức Nhanh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh II – Bộ Công an, Giám đốc Công an Hà Nội khẳng định các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc diễn ra lúc đó là do yêu nước và cho biết không có chủ trương trấn áp người biểu tình. Tuy nhiên sau đó, có nhiều tố giác rằng các hoạt động trấn áp vẫn diễn ra.
Chắc có lẽ đây cũng là một trong những trải nghiệm khiến những ai làm an ninh cân nhắc hơn về lời nói của mình; đồng thời làm những người biểu tình cũng cân nhắc hơn trước khi dựa vào một lời tuyên bố nào đó của phía chính quyền.
Có lẽ khi cuộc tuần hành chưa diễn ra thì vẫn hãy còn sớm để biết trước kết quả. Mặc dù vậy, cũng phải nói rằng “Tất cả họ đã có nhiều kinh nghiệm hơn”.
No comments:
Post a Comment