Trở Về Trang chính
▼
Wednesday, June 27, 2012
Mảnh vỡ của tấm gương
Tây Khuê (Danlambao) - Một tấm gương đã vỡ đi cho dù có chắp vá lại thì cũng không phải là tấm gương hoàn hảo. Con người cũng giống như một tấm gương nhân cách đạo đức, nhưng một khi vẻ đẹp đó bị hủy hoại đi thì không bao giờ có thể lấy lại được nữa. Chúng ta đang sống trong một đất nước đầy những mảnh vỡ đó, một tấm gương về đạo đức con người, yêu thương dân tộc, công bằng dân chủ mà nhân dân Việt Nam đã đổi bằng xương máu giờ đang sụp đổ. Tất cả những mảnh vỡ đó đang gim chặt vào dân tộc ta, giết chết và cướp đi tất cả mọi thứ của chúng ta. Để bây giờ khi nhìn đâu chúng ta cũng chỉ thấy nỗi oán than, đau xót của dân nghèo.
Chúng ta hãy nhìn vào mặt trái đang hiện hữu và lớn lên từng ngày của xã hội Việt Nam, để có thể hiểu rõ hơn về bản chất của cuộc sống. Xã hội với đầy đủ mưu mô toan tính, kẻ nghèo thì bị kẻ giàu bóc lột, dân nghèo thì bị Chính quyền tước đoạt tài sản, nhà cửa, đất đai, lãnh thổ thì bị ngoại bang dòm ngó. Một Việt Nam với con người và chủ quyền lãnh thổ đang nằm giữa gọng kìm của những kẻ cướp nước và bán nước thì sẽ khó lòng mà giữ được hòa bình.
“Lũ bán nước” không đâu xa lạ chính là bọn tham quan hà hiếp dân lành, chúng đã trực tiếp làm cho đất nước nghèo nàn thêm, bởi lẽ dân chúng dưới quyền chúng cái ăn cái mặc, chốn ở còn bị chúng tước đoạt trắng trợn thì có gì để mà vươn lên thoát nghèo? Chúng vận dụng tối đa “Luật pháp” để đi cướp đất của nhân dân, thi hành cưỡng chế. Chẳng biết luật pháp nước ta quy định như thế nào mà khi đi thu hồi đất của người dân thì huy động cả lực lượng công an dân phòng hoành tráng như thế, rồi thì trang thiết bị gồm cả dùi cui, khiên, quả nổ như thời chiến tranh. Rồi có cả trường hợp đánh đập, hành hung, bắt giam người dân, đánh đập các nhà báo ở đấy, đó là điều không thể chấp nhận được.
Cái gọi là “thu hồi đất” nghe cho hoa mỹ thế thôi chứ thực ra nhà nước bồi thường với giá rẻ mạt. Ở Văn Giang thì đền bù cho người dân chỉ là 100.000 đồng Việt Nam một m2 đất thôi, tính theo thời giá bây giờ chỉ được khoảng hai hay ba bát phở một m2 đất, không thể nào rẻ như thế được! Nhưng nếu người dân không đồng ý thỏa thuận theo thời giá “cướp đất” như vậy thì lại bị đánh đập, bạo hành. Chẳng lẽ bộ máy lãnh đạo của ta không sợ xấu mặt với dân chúng và quốc tế? Hay là đã xem nhẹ quá nhân cách con người đáng có của mình?
Từ Lãnh dạo địa phương đến Đại biểu nhân dân gì đó khi thấy quyền lợi của dân chúng bị xâm hại thì cũng chỉ im lặng, điều này “rất là kỳ” dù rằng các đại biểu này vẫn có quyền lên tiếng. Thật là khác hẳn với các “Quý Đại Biểu” đã hô hào khi mới đăng nhiệm. Hay là các vị lãnh đạo đang thực hiện “quốc hữu hóa đất đai nội bộ” vì không có bất cứ lý do gì để thu hồi đất mà không có dự án gì cả như ở Tiên Lãng “vô lý hơn vì người ta đang sử dụng đất và anh cũng không có dự án gì mà anh lại thu hồi đất của người ta”. Cái bất ổn bên trong là một phần nhân tố cho biến động bên ngoài. Có kẻ bán nước ắt có lũ cướp nước.
Một chế độ mà khi đã mất hết lòng tin của nhân dân thì lấy ai mà bảo vệ đất nước, bảo vệ cái hòa bình giả tạo của chúng ta. Các ông cướp đất của nhân dân rồi thì cũng bị bọn ngoại bang cướp lại. Nào là “chủ quyền lãnh thổ” không đáng một xu. Dân chúng của các ông mà các ông không xem trọng thì bọn ngoại bang cũng không cần xem trọn cái “chủ quyền” trên giấy của các ông. Đừng kiện tụng hay thương lượng, quý vị hãy dùng phong cách “cưỡng chế” của mình mà lên tiếng với bọn chúng, nếu sẵn sàng mang súng ra để nói chuyện, để đòi đất lại thì mới “kiệt xuất” chứ đùng có trốn trong đất liền rồi ca tụng cái” dĩ hòa di quý”, thương lượng là thượng sách và tranh thủ cướp đất của nhân dân .
Chỉ có những người dân lương thiện là chịu nhiều khổ cực, cái nghèo cứ đè nặng lên đời sống, cái ác cứ trực chờ như muốn mổ xẻ dân chúng. Một xã hội bất phân thị phi như thế, mục nát thối rữa như thế đã sắp bị phân hủy. Đến một ngày khi đã nhổ hết những mảnh vỡ của tấm gương đạo đức giả tạo trên da thịt người Việt Nam thì ắt sẽ là một con đường mới , con đường để “cưỡng chế” bọn cướp đất của dân nghèo.
No comments:
Post a Comment