Tác Giả: Ý Yên |
“… Đi… về miền Nam …miền thân yêu hương lúa tràn ngập đầy đồng… Đi… về miền Nam …miền xinh tươi đất rộng cùng chung đời sống… Vang lừng khúc hát hoan ca… say đời sống ngát hương hoa, ta cười đón gió phương Nam, Miền Nam ơi!… Đứng vùng lên. nào bao thanh niên yêu nước… hướng về đây Miền Nam thân yêu nắng sáng…( Nhạc Trọng Khương) Hai mươi năm trước, nơi khuôn viên rộng mở này, một rừng cờ nhuộm nắng vàng thu bát ngát, làn sóng người tràn ra tới tận khu nhà thờ Đức Bà bên đường Thống Nhứt – Tổng thống Ngô Đình Diệm từ tiền đình Dinh Độc Lập, đọc lời khai sáng: “Hôm nay là ngày hai mươi sáu tháng Mười năm một ngàn chín trăm năm mươi lăm, tôi long trọng tuyên bố cùng đồng bào toàn quốc và cộng đồng thế giới: Quốc Gia Việt Nam là nước Việt Nam Cộng Hòa.” Miền đất phì nhiêu, đồng lúa cây trái ngút ngàn, con người hiền hậu, chế độ dễ chịu dù chiến tranh, đã tạo ra một Việt Nam Cộng Hòa là nơi chỉ có người tìm đến, mà không có người bỏ đi. Tuy thế, với tình hình thời đó, một Miền Nam sung túc so với một Miền Bắc kém hơn, chính là một sự bất an cho Miền Nam, chưa nói về những ma đưa lối qủy dẫn đường theo nhu cầu tham vọng chánh trị. Miền Nam như một người hiền bị nạn, và… Hai mươi năm sau, Dinh Độc lập trở thành mục tiêu ưu tiên của một của đơn vị tiền phong xe tăng Miền Bắc, gắn ngọn cờ xanh đỏ Mặt trận Giải phóng Miền Nam trên chiếc ăng-ten pháo tháp, chẳng biết ai may sẵn từ lúc nào, đang băng qua cầu Thị Nghè… Anh lính “giải phóng” nơi Miền Nam mang nón tai bèo, khăn rằn quấn quanh cổ… chưa thấy anh ta mang nón cối, đi dép râu, cưỡi xe tăng T-54 bao giờ. Vào hồi chín giờ rưỡi buổi sáng 30 tháng Tư 1975, Tổng thống Dương Văn Minh hạ lệnh cho toàn quân Việt Nam Cộng Hòa buông súng tại chỗ để ông bàn giao chánh quyền cho Chánh phủ Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam, tức là MTGPMN. Về phía đối phương, bộ tư lệnh chiến dịch ắt phải theo sát biến chuyển tình hình; tuy nhiên, họ vẫn điều động các đơn vị lớn nhỏ trực thuộc trong tình trang tiến công, sẵn sàng hạ thủ bất cứ đối thù nào xét ra bất an cho họ. Sau này, dọc theo xa lộ Biên Hòa, người qua lại đều thấy những đoàn xe quân sự nẳm ngả nghiêng bên đường, lỗ chỗ vết đạn. Đây đó lác đác những nấm mồ xanh cỏ, trên đó cắm ngược đầu một khẩu súng với chiếc nón sắt úp lên, hiu quạnh nhìn trời. Người dân địa phương đã chôn cất các người lính Sàigòn vừa nằm xuống bằng một nghĩa cử sau cùng. Tấn chiếm Dinh Độc Lập là nhiệm vụ trao cho Lữ đoàn xe Tăng 203 Miền Bắc. Tại sân dinh Độc Lập, anh “ bộ đội Cụ Hồ” tò mò đọc trên chiếc đồng hồ hành trình trên xe tăng… là 3,100 cây số, ngoằn ngoèo từ Việt Bắc, dọc theo đường Trường Sơn, cho tới Sàigòn. Quân giải phóng không đến từ U minh Thượng, Cà Mau, mà đã băng rừng xuyên suối từ miền Vĩnh Yên, Việt Bắc qua thời gian khá dài. Quân sử sau này, dù có thiên vị cách nào, cũng không thể tìm ra những Thiết đoàn M.48 hay M.41, Sư đoàn Nhảy Dù, Biệt Cách Dù…Sư đoàn 18…Sư đoàn X… của Miền Nam, đã vượt tuyến ra đánh chiếm Vĩnh Linh, Thanh Hóa…Hà nội. Không hề có chuyện đó. Tiến về Sàigòn Vào năm 2006 – hơi muộn màng — một bộ đội xe tăng thuộc Đại đội 4 / Lữ đoàn 203 ghi lại truyện ký khá đầy đủ “Hành trình đến Dinh Độc Lập.” Văn thể chải chuốt nói về sinh hoạt đồng đội, những chặng đường từ Bắc vào Nam, những trận đánh, những cảm giác đầu tiên bỡ ngỡ trước vẻ đẹp của Sàigòn, thành phố rộng lớn quá, rất nhiều nhà cao to có cờ vàng ba sọc… Lúc toán xe tăng qua cầu Thị Nghè, Saigon, lính phải ngưng lại để hỏi thăm đường tới Dinh Độc Lập. Người con gái tiếp tục phóng xe, làm đồng chí Thận phát cáu, quát to, rút súng bắn chỉ thiên mấy phát… “ Nghe tiếng súng người phụ nữ vội dừng xe, Thận vẫy cô ta đến gần. Thì ra đó là một phụ nữ còn khá trẻ mới chừng ba mươi tuổi, gương mặt khá xinh, cô ta bước tới gần chiếc xe tăng mà hai chân cứ ríu vào nhau chực sụp xuống, mặt thì cắt không còn hột máu. Nhìn bộ dạng ấy Thận biết cô ta đang rất sợ nên hỏi rất mềm mỏng: - Cô gái! Chúng tôi là quân giải phóng, cô làm ơn chỉ giúp đường nào đến Dinh Độc Lập? - Tôi… không… rõ… rõ…! – Cô gái lập bập nói chẳng ra hơi. Thận bỏ hẳn mũ công tác ra hỏi lại: - Dinh Độc Lập là chỗ tổng thống Nguyễn Văn Thiệu làm việc ấy mà! - Tôi… không… không… biết! – Cô ta vẫn lặp lại. - Cô cứ bình tĩnh nghĩ đi! Chúng tôi là quân giải phóng vào đây chỉ đánh Mỹ – ngụy chứ không làm gì hại tới đồng bào. Nếu cô không giúp đỡ chúng tôi nghĩa là cô ủng hộ Mỹ – ngụy nên chúng tôi sẽ bắt cô. - Đừng… đừng… bắt tôi! Tôi nghĩ ra rồi! Đó gọi là Dinh Tổng thống phải không? (Truyện ký này tái đăng năm 2011, rất gần đây, chứng tỏ cái chiến thắng nhạt nhòa của CS Miền Bắc vẫn còn là ngọn đuốc sáng trong tâm trí của đa số quân dân Miền Bắc). Toán tiền phong lữ đoàn 203 xe tăng cuối cùng đã đến trước cổng dinh Độc Lập. Hai chiếc xe tăng gầm gừ thi nhau húc đổ cánh cổng Dinh, tràn vô, đại liên trên xe và lính tùng thiết đồng loạt tác xạ, như có sự chống trả quyết liệt từ bên trong tòa nhà chánh phủ Sàigòn. Đại đội trưởng Thận, mang lá cờ Mặt trận chạy vô dựng trên nóc dinh, — mắt nhìn lá cờ tổ quốc mà lệ tuôn trào, theo lời tự thuật của anh. Anh ta dặn đồng đội, “Tớ vào đấy, nếu địch quân đông, hễ tớ không đi ra là tớ đã hy sinh, các cậu tha hồ bắn phá cho nát cái dinh này.” Thận ghi lúc đó là 11 giờ 30, giờ Sài gòn, lấy bút ký tên bên mép lá cờ để làm kỷ niệm lịch sử. — Chẳng hay lá cờ lịch sử ấy bây giờ nơi đâu. Trận đánh vô chỗ không người đã tạo ra lý do cưỡng ép ông Dương văn Minh phải đầu hàng, thay vì hòa giải. Về sự kiện này, viên tiểu đoàn phó bảo vệ Dinh, Đại úy Phạm Văn T., hiện ờ SG, cho hay: theo lệnh Đại tá Chiêm chánh võ phòng, cổng dinh phải để mở sẵn. Khi đoàn xe tới, một bộ đội trên xe tăng ra lệnh cho anh lính gác khóa cổng lại; anh lính gác chần chờ quay vô hỏi lệnh sĩ quan trực… Phóng viên tập san ANAI của Cựu chiến binh Pháp thuật lại cảnh bộ đội Phạm xuân Thệ nhảy xuống khóa chặt cổng chánh cho xe tăng húc đổ. ( ANAI: Association nationale des anciens Amis de l’ Indochine, số tháng Năm 1997). Trong phòng khánh tiết Dinh, cuộc chuẩn bị bàn giao bắt đầu. Tướng Dương Văn Minh trông gầy sọm hẳn đi, thiểu não. Ông vốn cao lớn, da ngăm đen, răng sún, môi dầy. Đám quần thần thuộc “thành phần thứ ba” vây quanh ông, buồn ngơ ngác. Tất cả, họ chẳng ngờ tình thế lại xoay chuyển trắng đen đột ngột đến như vậy. Ông Minh chờ đón những thành viên chánh phủ thuộc MTGPMN, nhưng trước mặt ông đều là những người lính nón cối, dép râu, không lẫn vào đâu được, những “ bộ đội Cụ Hồ.” Chánh ủy Lữ đoàn 203 Tăng, Trung tá Bùi văn Tùng duy nhứt gốc Miền Nam, nhưng là dân tập kết. Chánh ủy Tùng rút cuốn sổ tay học trò, hí hoày viết, nét khá đẹp, gạch xóa mấy chữ, và trao “Lời đầu hàng” cho ông Minh đọc vô máy ghi âm, sẽ phát lại trên đài Sàigòn. Đoạn phim quay chậm Chỉ trong vòng gần hai tháng, từ đầu tháng Ba 1975, gần một nửa lãnh thổ VNCH – hai vùng giới tuyến và cao nguyên – bỏ ngỏ trước bước tiến quân của CS Miền Bắc. Bốn chữ “thừa thắng xông lên” bắt đầu từ đó mà ra. Nếu không có lệnh rút quân bỏ thành từ viên tổng thống Sàigòn, thì chẳng thể nào có cái “thừa thắng xông lên” ngon lành cho quân Miền Bắc như thế được. Bắc quân tiến quá mau lẹ, tiến như chẻ tre, tự mình sinh ra ngờ vực, dừng lại dò hỏi bên đèo Rù Rì –Nha Trang, ngoài khu Suối Vàng Đà lạt… sợ mắc mưu vô bẫy. Không có lệnh của một tổng thống kế nhiệm của Sàigòn cho Quân lực VNCH buông súng ngưng chiến, thì toán tiền phong của Lữ đoàn 203 cũng không thể nào… tiến về Sàigòn…ta tiến về Sàigòn, vừa xông tới vừa bắn phá cái Dinh Độc Lập một cách tự nhiên như vô nhà mình như thế được. Nhưng, chỉ 20 ngày trước đó, cái đà thừa thắng xông lên cũng phải đứng khựng lại trước kháng tuyến Xuân Lộc. Nửa đêm 11 tháng Tư 1975, ngoài Dầu Giây, Quốc lộ 20, mấy chú lính sau cuộc phục kích mìn Claymore, mang về một mớ chiến lợi phẩm, trong đó một công lệnh của Quân đoàn IV, có ám số 301, viết: “Đoàn nghiên cứu quân sự đặc biệt 301 – Cấp cho bốn đồng chí (lâu ngày quên tên) – lên đường nghiên cứu thực địa chiến trường Thủ Biên – Xuân Lộc. – Ngày lên đường: 2 tháng Tư, 1975 – Ngày chấm dứt nhiệm vụ : 30 tháng Tư, 1975.” Nửa đêm về sáng, người viết mang tờ công vụ lệnh của QĐ IV vô khoe với chiến đoàn trưởng 52 Sư đoàn 18, tỏ ý nghi ngờ về cái ngày 30 tháng Tư kia. Đại tá Ngô Kỳ Dũng cười khì phán một câu xanh rờn: anh chúa là mơ mộng, cuối tháng hết hạn thì ghi là 30 tháng Tư…có gì mà lạ…anh chỉ lang thang làm thơ… tán gái! Các lực lượng QĐ IV không thể nào húc đổ nổi cái cánh cổng Xuân Lộc. Ngày 14 tháng Tư 1975, Tướng Lê Minh Đảo cho phổ biến đến cấp tiểu đoàn nội dung công điện do đội Tác chiến điện tử bắt được như sau: “Ngụy Dù và Sư 18 ra sức chống đỡ Xuân Lộc ngăn cản quân ta thi hành phương án đúng hạn kỳ.”( Ngụy Dù là Lữ đoàn I Nhảy Dù mới vô tăng cường Xuân Lộc từ ngày 12 tháng Tư 1975). Lần này, ba chữ “đúng hạn kỳ” đã làm cho ông Kỳ Dũng chú ý hơn, không còn chê ai làm thơ…tán gái nữa. — Một tuần lễ sau, vào ngày 20 tháng Tư 1975, nhà vua Miền Nam hạ lệnh cho di tản Xuân Lộc, để ông vua kịp thoái vị vào tối ngày 21 tháng Tư 1975, rồi bỏ nước ra đi cho…đúng hạn kỳ. Cuối cùng, những người lính VNCH cũng phải thua ông vua nhà mình, và ông vua nhà mình cũng phải thua ông Kissinger. Sau này sang Mỹ, ông vua về San José dự một buổi họp, được hỏi, “Là cấp tướng, biết rõ lệnh lui quân cũng quan trọng như lệnh tiến quân, mà sao ông cho rút bỏ một nửa lãnh thổ VNCH một cách vội vàng gây tang tóc như thế.?” Ông vua trầm ngâm, “ Việc này còn giữ kín, tôi không nói ra được.” Sự thật sau cùng Ngay buổi chiều tối ngày 30 tháng Tư năm đó, đài Bắc Kinh phê phán: Bắc Việt đã phạm một sai lầm lịch sử, là cưỡng chiếm Miền Nam Việt Nam. Lời chúc dữ này lặp lại nhiều lần trong những năm kế tiếp. Bảy tháng sau, cuối 1975, bộ đội CSVN sang Lào Quốc giúp Pathet Lào hạ bệ nhà vua cuối cùng, Savang Vatthana. Năm sau 1976, binh lính CSBV sang Cam Bốt truy diệt Pol Pot thân Trung Cộng. Toàn Đông Dương sa vô bàn tay CSBV thuộc phe Liên Sô, như một tuyến chặn, một chướng ngại vật ngay sau hướng nam cái nhà Trung Cộng. Bắc Kinh phê phán CSBV là theo ý nghĩa đó. Mối dây liên hệ tình đồng chí cộng sản giữa Liên Sô và Trung Cộng đứt đoạn từ đây. (Vậy thì Lữ đoàn xe tăng 203 Bắc Việt cũng đáng nhận huy chương cao quý của Nhà Trắng lắm chứ!) Trong thế tam quốc Mỹ – Nga – Hoa, mà Mỹ đã bắt tay được với Hoa cùng chống lại Nga, cũng đủ hiểu ra mục đích cuộc chiến tranh VN của Mỹ. Chịu hy sinh cho cái thế tam quốc kia, là Việt Nam Cộng Hòa. Tuy nhiên, màn kịch do CSBV diễn dở mà thành công cũng còn để lại những sơ hở của nó. MTGPMN một mình có đủ sức mạnh vô hiệu hóa Hiệp định Ba Lê 1973 chăng, khi Hoa Kỳ và CSBV vẫn tiếp tục thanh thỏa những vấn đề còn lại, như Tù binh, tái thiết, bang giao, cấm vận… Cái giá trị hiệp định chưa thể mất đi. Một cái hiệp định gồm bốn bên, nay bị một bên vi phạm, không thể xem là đã mất hết hiệu quả. Nay, có hài tội thì MTGPMN cũng đã chẳng còn trên cõi đời này để mà đối chất nữa. Hết nợ. Phi tang. Nhưng CSBV đóng vai tuồng thay thế MTGPMN đương nhiên phải liên đới chịu trách nhiệm về việc đã cưỡng chế Việt Nam Cộng Hòa phải ra đi. Cái vở kịch nửa dơi nửa chuột vào buổi sáng ngày 30 tháng Tư 1975, mà diễn viên là A hay B, muốn hiểu ra ai cũng được, biết đâu lại là lối đi ra an toàn cho CSVN, một khi tình hình đòi hỏi… …Đi …về miền Nam…miền xanh tươi… Một buổi sáng sang thu 1992 nơi Sàigòn xưa, nắng ấm, hai người bạn Tù — một đại đức tuyên úy áo nâu sồng và một cựu lính Miền Đông—sau khi làm một tô phở đặc biệt hành trần nước béo trên đường Hiền Vương bồi dưỡng qua cõi thiên thu, hai chàng trai thong thả đạp xe đến bưu điện gởi xấp đơn ODP sang Bangkok. Khi ngang trước Dinh Độc Lập, bất ngờ vị đại đức có giọng bực tức, “ Mai ngày, moa sẽ cho làm một bức tường chắn ngang tầm nhìn vô Dinh, cái gì mà thủ phủ của một quốc gia lại nhìn thẳng vô một cái thảo cầm viên thế kia…moa sẽ cho phá cái dinh, làm lại…” Người lính Miền Đông lâu nay đã có nhiều suy nghĩ về ngày mai ấy, nó chắc chắn sẽ không như hôm nay. Anh ta không ngờ vị đại đức bạn mình còn giữ được tấm lòng với cái dinh xưa, với đời, như thế. Anh ta nói khá lớn, “Ấy a, còn moa hả, moa sẽ lấy lại cái tên đường cũ là Thống Nhứt,” bởi anh ta đang lan man nghĩ về ngày đó, một cậu rân-ri-cư, đứng ngay bên Tổng Thống Ngô Đình Diệm khi người đọc lời tuyên cáo, “Hôm nay là ngày hai mươi sáu tháng Mười năm một ngàn chín trăm năm mươi lăm, tôi long trọng tuyên bố cùng đồng bào toàn quốc và cộng đồng thế giới: Quốc Gia Việt Nam là nước Việt Nam Cộng Hòa.” Ngoài bến Chương Dương vang lại 21 tiếng thần công chào mừng một thời đại mới. Đài phát thanh Quân đội trực tiếp truyền thanh ngày đại hội lịch sử vang xa bốn phương trời. Ca sĩ Minh Hoan, Vũ Huyến, xướng ngôn viên Văn Thiệt, và cậu rân-ri-cư Bùi chu – Phát riệm ăn có, cùng đồng ca bản “Việt Nam dân trí kiên cường anh dũng muôn đời …Việt Nam…đồng tâm chung vai đắp xây tương lai…” Ơi, tương lai ngày ấy đã là dĩ vãng; hiện tại là nỗi buồn; ngày mai sẽ không như hôm nay. Anh ta không ngờ người bạn đại đức còn giữ được tấm lòng với cái Dinh Độc Lập, với miền đất lành ngày nào, như thế. © Ý Yên (Dặm Trường Việt Nam) |
Trở Về Trang chính
▼
No comments:
Post a Comment