Trở Về Trang chính

Thursday, May 31, 2012

Từ Sierra Leone đến Syria nhớ về Mậu Thân ở Huế

Trần Giao Thủy


Hôm nay Tòa án Đặc biệt về Sierra Leone tại Hague tuyên án 50 năm tù cho cựu Tổng thống Liberia, Charles Taylor, về tội xúi giục và tiếp tay với loạn quân ở Sierra Leone trong những vụ thảm sát - làm thiệt mạng hơn 50.000 người - suốt 11 năm nội chiến (1991–2002) tại quốc gia Tây Phi.

Hôm qua, quan sát viên của Liên Hiệp Quốc cho hay người ta vừa tìm thấy 13 xác người bị xử tử ở miền Đông Syria, sau một cuộc thảm sát 108 người khác trong đó gần một nửa là trẻ em, và 34 phụ nữ.

Mười ba xác người vừa tìm thấy, mặt úp xuống đất, tay bị trói sau lưng, ngực và đầu đẫm máu. Một trăm lẻ tám xác người khác ở Houla bị giết bằng súng đủ loại, bằng dao và bằng xe tăng.

Thế giới lên án chế độ độc tài cuả Assad; chính phủ của một số các quốc gia tây phương như Canada, Britain, USA, France, Italy, Australia, Germany, Bulgaria, đã đồng loạt yêu cầu ngoại giao đoàn của Syria rời khỏi những quốc gia vừa kể. Tuy nhiên, tương lai của chế độ Assad hiện nay vẫn còn là một dấu hỏi.

Ở Netherlands, chánh án Richard Lussick tuyên bố, “Nhiều thường dân vô tội ở Sierra Leone đã thiệt mạng hay đời sống đã bị phá hủy là kết quả trực tiếp của những hành động của ông [Charles Taylor].”

Cũng trong phiên tòa ở Hague, Công tố viên Brenda Hollis cho rằng, “Điều quan trọng là, theo quan điểm của chúng tôi, những người có trách nhiệm về hành vi tội phạm tầm cỡ khủng khiếp không thể được xét xử khoan hồng.”

Những xác người dân bị thảm sát ở Sierra Leone từ 1991 đến 2002, và những xác trẻ em, xác phụ nữ, cũng như xác đàn ông đang bị giết chết ở Syria có khác gì những xác đồng bào bị giết hại năm Mậu Thân, ở Huế hay không? Tất cả đều là những xác người bị hành quyết, không một vũ khí tự vệ trong tay.

Báo chí và giới truyền thông của thế giới lúc đó, Tết Mậu Thân 1968, ở đâu và đã lên tiếng, đưa tin thế nào về cuộc thảm sát Mậu Thân? Chính phủ thế giới và nhất là chính phủ Mỹ - đồng minh của những nguồi bị giết ở Huế - đã làm gì, đã có những động thái gì trước cuộc thảm sát thường dân ở Huế? Tất cả đã là những dữ kiện lịch sử dù một số người đương quyền vẫn cố tình bóp méo.

Các tội phạm giết người
Nguồn ảnh: DCVOnline tổng hợp
Xin được chép lại đây một phần kết luận của loạt bài, cùng tác giả, “Tết Mậu Thân – 40 năm sau (1968-2008)”. DCVOnline, 15-15 tháng Ba, 2008 (*).


Tổng công kích Mậu Thân đã chấm dứt từ 40 năm trước; Chiến tranh Việt Nam cũng kết thúc từ gần 33 năm qua. Dù lần lượt nhiều sự kiện về cuộc tổng tấn công kích này đã được trình bày dưới dưới ánh sáng sự thật, việc nghiên cứu thâm sâu để đánh giá đúng đắn về Thảm sát Mậu Thân vẫn là điều cần thiết và cũng là trách nhiệm của thế hệ trẻ Việt Nam và nhất là những nhà nghiên cứu sử.

Sự thật về Thảm sát Mậu Thân ở Huế phải được đưa vào lịch sử thế giới; Hiện nay ở các tổ chức đòi công lý cho nạn nhân chiến tranh, người ta liệt kê tội ác ở năm châu, từ Rwanda ở châu Phi, Colombia ở Nam Mỹ, vùng Balkans ở châu Âu, ở Nga, ở Mỹ, nhưng ở Á châu, không ai kể, không biết đến Thảm sát Mậu Thân là một tội ác chiến tranh cần phải đưa ra ánh sáng công lý. Đây cũng là một trách nhiệm của thế hệ tuổi trẻ Việt Nam hôm nay và mai sau.

Công lý cho nạn nhân của vụ thảm sát ở Huế không có nghĩa là “xử lý nội bộ”, không thể chỉ là “Tướng Trần Văn Quang, Tư lệnh Mặt trận Trị Thiên - Huế bị phê bình” (50) hay Đảng khiển trách các ông Lê Minh, Lê Chưởng các sĩ quan trực tiếp chỉ huy và lãnh đạo mặt trận Huế là đủ. Ai trực tiếp ngồi xử tử đồng bào ở các toà án “nhân dân”, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Đọc? Ai bắn, ai đạp, ai đập, ai giết đồng bào Huế – Việt cộng nằm vùng hay Việt cộng chính quy? Tất cả chỉ là chi tiết. Tranh cãi những điểm này chỉ là nguỵ biện, chỉ là bao che cho tội ác.

Trong một Việt Nam dân chủ mai sau, những chính phạm có chủ trương, có tính toán trước việc thảm sát đồng bào Huế một cách hệ thống, dù còn sống hay đã chết, đều phải trả lời trước toà án dân tộc. Lịch sử Việt nam sẽ ghi rõ trang Mậu Thân đẫm máu một cách công minh, sòng phẳng.

Nói cho cả thế giới biết rõ về cuộc Tổng công kích Xuân Mậu Thân 1968. Đem công lý xét xử phạm nhân gây tội ác ở Huế, ghi rõ sự kiện vào lịch sử Việt Nam, tất cả không phải để trả thù. Đó chỉ là một phần đền bù nhỏ, rất nhỏ, cho những thiệt hại, mất mát, đau thương của hàng ngàn nạn nhân và gia đình liên hệ.

Những di sản xã hội bi đát từ cuộc Thảm sát Mậu Thân làm vẩn đục dòng phát triển văn minh nước Việt là những thiệt hại, những đổ vỡ không thế hệ nào có thể hàn gắn hay đền bù được.

Những địa danh như Gia Hội, Hương Thủy, Phú Vang, Vĩnh Lưu, Phú Mỹ và Tuỳ Vân, v.v. ở Việt Nam phải được tòa án và lương tâm thế giới biết đến như đã biết về Houla, Homs, ở Syria, Freetown ở Sierra Leone, Nyarubuye ở Rwanda, hay Kampong Trach, Kiry Seila Hills, Rung Tik, Rung Khmao, Tuol Sleng ở Cambodia.


© DCVOnline





(*) Phần I; Phần II; Phần III.
(50) Mậu Thân 68: Chuyển bại thành thắng, BBC Tiếng Việt, 24/01/2008. Online: http://snipurl.com/20tj7 [www_bbc_co_uk], February 15, 2008.

No comments:

Post a Comment