Nguyễn Xuân Nghĩa & Vũ Hoàng RFA - Bảo rằng đảng Cộng sản và Chính quyền phục vụ nhân dân là nói ra điều sai quấy! Sau
khi được bổ về làm Bí thư Trùng Khánh hôm 15 Tháng Ba, ông Trương Đức
Giang vừa yêu cầu thành phố này nên noi gương Chiết Giang mà phát triển
một khu vực tư doanh vững mạnh hơn.
Là Bí thư Chiết Giang rồi Quảng Đông trước khi về trung ương làm Phó Thủ tướng, ông Trương Đức Giang cũng là Ủy viên Bộ Chính trị từ 10 năm nay, tức là viên chức cao cấp trong hàng ngũ lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc. Lời phát biểu của ông khiến dư luận tự hỏi, là lãnh đạo xứ này đang suy tính gì về vai trò tư doanh. Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu chuyện đó qua phần trao đổi với nhà tư vấn kinh tế của đài Á Châu Tự do, chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa.
Là Bí thư Chiết Giang rồi Quảng Đông trước khi về trung ương làm Phó Thủ tướng, ông Trương Đức Giang cũng là Ủy viên Bộ Chính trị từ 10 năm nay, tức là viên chức cao cấp trong hàng ngũ lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc. Lời phát biểu của ông khiến dư luận tự hỏi, là lãnh đạo xứ này đang suy tính gì về vai trò tư doanh. Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu chuyện đó qua phần trao đổi với nhà tư vấn kinh tế của đài Á Châu Tự do, chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa.
Vũ Hoàng: Xin
kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, trong chương trình phát thanh ngày 21
Tháng Ba trên diễn đàn này, khi phê phán "Mô hình Trùng Khánh" và nhân
vật Bạc Hy Lai đầy tai tiếng sau đó, ông có nêu nhận xét rằng, chúng tôi
xin lập lại, "Trung Quốc đang ở vào một khúc quanh vì phải tìm ra một
mô hình phát triển mới sau khi mô hình cũ đã đi hết sự vận hành tương
đối tốt đẹp của 30 năm qua." Vừa rồi, người thay ông Bạc Hy Lai làm Bí
thư Trùng Khánh là Trương Đức Giang lại phát biểu rằng Trùng Khánh nên
theo gương tỉnh Chiết Giang mà phát triển tư doanh vững mạnh hơn. Vì
vậy, xin đề nghị là tuần này chúng ta sẽ tìm hiểu việc lãnh đạo Trung
Quốc đang tìm ra một mô hình phát triển mới như ông đã nhận xét. Ông
nghĩ sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: -
Tôi trộm nghĩ là lãnh đạo Trung Quốc không chỉ chuẩn bị Đại hội khóa 18
của đảng mà còn muốn tìm ra một hướng cải cách khác sau khi đi vào bế
tắc, nếu không thì xứ này sẽ bị khủng hoảng. Trong quá khứ, họ đã thử
nghiệm nhiều giải pháp và cũng gặp nhiều vấn đề nên cứ phải xoay trở và
thay đổi, trong khi vẫn cố tạo ra một vẻ thống nhất ở bên ngoài. Vụ
Trùng Khánh là một trường hợp, vụ Ôn Châu rồi Ô Khảm là trường hợp khác.
- Bây giờ đến lượt một nhân vật cao cấp trong
giới lãnh đạo Bắc Kinh lại nói đến mô hình Chiết Giang như giải pháp có
giá trị gương mẫu hơn cho Trùng Khánh. Do đó, quả là ta cần phân tích
những do dự và chọn lựa kể trên vì thật ra Việt Nam cũng có bài toán
tương tự ở một kích thước khác, và cũng đang nói đến cải tổ. Cùng với
chuyện Trùng Khánh hay Chiết Giang, tôi xin được phép nói thêm về một
khái niệm dễ gây hiểu lầm, đó là lối phân ranh tả/hữu của các giải pháp
hay chủ trương đang xuất hiện tại Trung Quốc.
- Sau cùng, mình cũng nên nhắc đến lời phát biểu
của Bí thư Quảng Đông là ông Uông Dương, nhân vật cao cấp như Trương
Đức Giang và cũng có hy vọng vào Thường vụ Bộ Chính trị sau Đại hội 18.
Uông Dương nổi tiếng về thành tích phát triển Quảng Đông, dám giải quyết
vụ Ô Khảm theo sát ý dân mà còn gây chấn động hơn khi vừa tuyên bố
trong một hội nghị của đảng bộ rằng "Đảng Cộng sản không đem lại hạnh
phúc cho người dân" và "Bảo rằng đảng Cộng sản và Chính quyền phục vụ
nhân dân là nói ra điều sai quấy!"
Vũ Hoàng:
Ông vừa dẫn một lúc khá nhiều chuyện bất ngờ. Chúng ta sẽ mở ra từng vụ
dù thời gian có hạn chế của chương trình, hầu thính giả tại Việt Nam có
thể suy ra chuyện của mình. Trước hết là cái thế đối lập về lý luận
giữa mô hình Trùng Khánh và Chiết Giang.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: -
Như thông lệ, ta hãy nói về bối cảnh trước, sau đó mình mới phân tích
vấn đề thì thính giả dễ hiểu ra sự thế vốn dĩ khá phức tạp của cả Trung
Quốc và Việt Nam.
- Sau 30 năm hoang tưởng đẫm máu và nghèo khốn
của Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình đã tiến hành "cải cách và khai phóng"
từ đầu năm 1979 và cho phép tư doanh xuất hiện để góp phần phát triển
quốc gia. Nhưng 10 năm sau thì vụ khủng hoảng Thiên an môn khiến đảng sợ
mất quyền nên tập trung kiểm soát chính trị nhưng không tiêu diệt tư
doanh. Mười năm sau đó là thời Giang Trạch Dân ráo riết phát triển các
tỉnh thành duyên hải miền Đông với đầu máy là doanh nghiệp nhà nước và
tay chân làm gia công mà khá phát đạt là hệ thống tư doanh cò con ở
dưới.
- Kế tiếp là 10 năm của Hồ Cẩm Đào với nỗ lực
điều chỉnh sự chênh lệch giữa khu vực duyên hải miền Đông với các tỉnh
nghèo bên trong, cũng do nhiều dự án quy mô về hạ tầng được các tập đoàn
nhà nước thực hiện. Vì vậy, trong 30 năm qua, vai trò tư doanh thường
được đảng cân đo với vị trí chủ đạo của quốc doanh. Quốc doanh gây lãng
phí, bội chi ngân sách và tham ô, nhưng nếu tư doanh phát triển quá mạnh
thì thành phần tư nhân có thể đòi hỏi nhiều quyền tự do hơn, từ kinh
doanh đến chính trị.
- Đấy là hai hướng mà người ta gọi lầm theo Bắc
Kinh là "tả" và "hữu". Tả là giữ thế thống trị cho quốc doanh với lý
tưởng công bằng mà hậu quả là cào bằng và hữu là thiên về tư doanh với
rủi ro chính trị cho chế độ. Thời Mao, tư tưởng cải cách của họ Đặng bị
đả kích là "hữu khuynh" và giờ đây, người dựa hơi họ Mao theo kiểu Bạc
Hy Lai thì được gọi là "tân tả". Thật ra, tôi thiển nghĩ rằng theo Mao
mới là thủ cựu và muốn cho tư doanh và người dân có nhiều quyền hạn hơn
thì mới là tiến bộ. Và một nhật báo có uy tín như tờ Figaro của Pháp mà
đánh giá Trương Đức Giang là thủ cựu thì hơi sai! Bây giờ, ta mới trở
lại chuyện Trùng Khánh và Chiết Giang.
Vũ Hoàng: Dường
như dưới quyền lãnh đạo của Bạc Hy Lai, hệ thống nhà nước giữ vị trí
trọng yếu nhờ doanh nghiệp nhà nước và nhờ chính quyền địa phương phân
bố ngân sách lẫn phúc lợi xã hội, với kết quả là có tăng trưởng cao và
tương đối công bằng, nhưng với hậu quả là bội chi ngân sách và mắc nợ
như ông đã cảnh báo. Bây giờ, một cựu Bí thư của hai tỉnh duyên hải
Chiết Giang và Quảng Đông, là Trương Đức Giang, lại đề cao giải pháp
phát triển tư doanh đã được thử nghiệm thành công ở các nơi ấy. Lãnh đạo
Bắc Kinh nhìn chuyện ấy như thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: -
Theo phong cách kín đáo và cẩn trọng của lãnh đạo, nhất là sau kinh
nghiệm chơi trội và làm ẩu của Bạc Hy Lai, Trương Đức Giang không đề cao
Chiết Giang để tự quảng cáo. Tôi nghĩ lời phát biểu ấy phản ảnh một sự
chọn lựa từ Bộ Chính trị nay đang được công khai hóa. Tôi xin được giải
thích:
- Trùng Khánh là khu vực đặc biệt có tới 30
triệu người, cả thôn dân lẫn thị dân. Từ khi tách khỏi tỉnh Tứ Xuyên bị
khóa bên trong để là thành phố do trung ương quản lý, Trùng Khánh được
chọn làm thí điểm và bắt đầu hiện đại hóa qua hai Bí thư là Trương Đức
Giang rồi Uông Dương. Nhưng rút kinh nghiệm quá khứ và tệ nạn lãnh chúa
địa phương, Bộ Chính trị không muốn bất cứ ai xây dựng thế lực cá nhân
nếu ở quá lâu trong một khu vực. Bạc Hy Lai được đưa khỏi Liêu Ninh về
làm Bộ trưởng Thương mại tại Bắc Kinh rồi đến Trùng Khánh cũng vì lý do
sâu xa đó.
- Thế rồi nhờ ở xa mặt trời Bắc Kinh, ông ta bắt
đầu múa với thành tích Trùng Khánh và mở ra mạng lưới cấu kết cho cá
nhân, là điều tối kỵ nhưng chưa nguy hiểm cho đảng. Khi phát động chiến
dịch "thanh hồng - đả hắc" và hát lại khẩu hiệu của Mao, ông ta còn được
phái "Tân Tả" đề cao và bảo vệ, thậm chí bênh vực khi đã mất chức Bí
thư Trùng Khánh, Bạc Hy Lai trở thành vấn đề. Chẳng những bản thân và
gia đình ông ta bị điều tra về tội hình sự mà cả mô hình Trùng Khánh
cũng bị Bộ Chính trị phê phán để qua đó dẹp bớt ảnh hưởng của đám thủ
cựu tự xưng là tân tả, vốn dĩ khá đông trong một số trí thức và cũng khá
hấp dẫn cho nông dân với lý tưởng công bằng xã hội. Chiết Giang được
công khai đề cao là trong ý nghĩa đó.
Vũ Hoàng: Nhưng phải chăng là chìm sâu bên dưới vẫn còn lý luận về vai trò của tư doanh?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: -
Thưa hoàn toàn đúng như vậy. Trên đại thể, tư doanh Trung Quốc có phát
triển đôi chút mà vẫn chỉ là doanh nghiệp loại vừa và nhỏ chứ chưa thể
nào có thế lực như các tập đoàn quốc doanh, trong khi tư doanh thực tế
lại đảm bảo tới 80% công việc làm cho cả nước. Trong mấy năm qua, hệ
thống tư doanh này bị khủng hoảng nặng, điển hình là chuyện thành phố Ôn
Châu trong tỉnh Chiết Giang.
- Đấy là một địa phương tiên phong về phát triển
tư doanh đến độ được gọi là cái nôi của tư bản chủ nghĩa Trung Quốc.
Vậy mà sau nạn tổng suy trầm 2008, khi thị trường xuất khẩu co cụm, các
hợp đồng gia công giảm sút và Bắc Kinh trút tiền vào doanh nghiệp nhà
nước để kích thích kinh tế thì tư doanh Ôn Châu chết kẹt, phá sản hàng
loạt nên đã gây vấn đề. Từ bài học Ôn Châu, lãnh đạo xứ này biết rằng
không thể bóp nghẹt tư doanh vì sẽ gặp nạn thất nghiệp và động loạn.
Nhưng vấn đề thật ra còn sâu xa hơn một chu kỳ suy trầm kinh tế....
Vũ Hoàng: Ông nói sâu xa hơn là vì cuộc tranh cãi về lẽ tốt/xấu của tư doanh có những gốc rễ lâu đời hơn thế chăng?
Nguyễn-Xuân Nghĩa:
- Tôi nghĩ là như chuyện tranh luận về tả/hữu, vấn đề tư doanh đã có từ
khi xuất hiện đảng Cộng sản Trung Hoa, 90 năm về trước. Hoặc từ khi có
đảng cộng sản trên trái đất này! Thu gọn vào Trung Quốc cho khỏi lạc đề,
nhưng cũng để nghĩ về chuyện Việt Nam, tôi xin được tóm lược như sau.
- Sau khi nắm quyền từ Hội nghị kỳ 3 của Ban
Chấp hành Khoá 11 vào Tháng 12 năm 1978, Đặng Tiểu Bình chủ trương cởi
trói cho tư doanh quyền hiện hữu. Nhờ đó, các gia đình tư nhân mới lập
ra loại tiểu doanh nghiệp hương trấn và thu hút nguồn nhân lực dư thừa
từ nông thôn để tiến theo đà công nghiệp hoá và đô thị hóa. Sau khi bị
vụ khủng hoảng Thiên an môn năm 1989 đến độ tàn sát cả ngàn dân, họ Đặng
có chuyến "Nam tuần" là thăm dò các tỉnh miền Nam vào năm 1992, và thấy
ra sinh lực của tư doanh nên dù tăng cường kiểm soát chính trị, ông ta
vẫn gạt qua vụ tranh luận về tư tưởng và cho tư doanh phát triển.
Vũ Hoàng: Nếu như vậy, tranh luận về tư doanh đã có ít ra từ 20 năm trước?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: -
Thưa khi ấy, xứ này cần một hạ tầng yểm trợ nỗ lực chế biến để xuất
khẩu và tạo ra việc làm, trong khi các đảng bộ địa phương cũng thấy tư
doanh là một nguồn thuế cho mình. Trong 20 năm sau đó, dù quốc doanh
được chấn chính và nâng đỡ để chủ động thi hành chính sách nhà nước, tư
doanh vẫn có vai trò của mình.
- Nhưng, mỗi khi phát triển được từ trình độ
tiểu doanh lên kích thước cao hơn là doanh nghiệp tư nhân lại mở rộng
ảnh hưởng, nên từ năm 2004, lãnh đạo Bắc Kinh lại thụt lùi và hết dám
yểm trợ tư doanh. Điều mà họ sợ nhất là tư nhân biến báo năng động có
thể cấu kết với đảng viên để dẫn đến sự hình thành của một lớp trung lưu
mới và sẽ đe doạ quyền uy và chính sách của đảng.
- Vì thế, ta thấy ra một mâu thuẫn của đảng là
rất cần mà cũng sợ tư doanh. Lý do then chốt nằm trong chủ trương xây
dựng một hệ thống tư bản nhà nước mà thực chất là "tư bản quả đầu", tư
bản của một thiểu số là các đại gia hay thân tộc đảng viên. Rồi đảng lâm
bế tắc với chế độ kinh tế chính trị đó vì tính chất bất công và bất lực
của hệ thống doanh nghiệp nhà nước. Bây giờ ta mới qua chuyện Quảng
Đông, Ô Khảm và nhân vật Uông Dương.
Vũ Hoàng: Nhân
vật này hiện ở trong Bộ Chính trị và có hy vọng tiến vào Thường vụ Bộ
Chính trị sau Đại hội tới. Ông nhắc tới ông ta vì những lý do gì, vì
chuyện Ô Khảm hay tư doanh?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa là vì tất cả ngần ấy lý do tròng chéo phức tạp.
- Sinh năm 1955 tức là còn trẻ hơn Trương Đức
Giang gần chục tuổi, nhân vật này đi từ dưới lên và là đảng viên xuất
sắc từ Đoàn Thanh niên trước khi về trung ương và lần lượt đi các tỉnh.
Làm Bí thư Quảng Đông, ông ta chủ trương là phải cho địa phương và tư
doanh nhiều quyền tự do quyết định hơn, từ kinh doanh đến luật lệ áp
dụng. Nhưng dù yểm trợ tư doanh, ông không theo quan điểm của trung ương
mà lại cho rằng nếu doanh nghiệp kém năng suất và bị lỗ thì cũng chẳng
nên cứu, một lý luận rất tư bản. Ngược với chính sách Bạc Hy Lai tại
Trùng Khánh là lấy công quỹ lo cho phúc lợi của người dân theo kiểu bao
cấp, Uông Dương phát biểu là nên nghĩ tới sản xuất ra cái bánh to hơn
thay vì chỉ tính chuyện chia phần bánh hầu ai ai cũng có một mẩu! Năm
ngoái, khi dân làng Ô Khảm biểu tình tấn công cán bộ địa phương vì bị
cướp đất, ông ta cách chức cán bộ và đưa dân biểu tình lên lãnh đạo Ô
Khảm. Tất nhiên là ngần ấy chuyện đều được Bắc Kinh lặng thinh theo dõi
xem kết quả ra sao, nhìn từ quan điểm của đảng.
Vũ Hoàng: Thế
còn lời phát biểu gần đây của ông Uông Dương, rằng đảng Cộng sản không
đem lại hạnh phúc cho người dân? Theo ông nhận xét thì chuyện ấy có ý
nghĩa thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: -
Nhìn từ bên ngoài thì đấy là lý luận phản động từ một địa phương có ý
đồ nổi loạn! Nhưng y như lời phát biểu của Trương Đức Giang về tư doanh,
quan điểm ấy cũng có thể là lời cảnh báo của một số đảng viên cấp lãnh
đạo. Dù báo chí quốc doanh không loan tải loại tin này cho quần chúng
nhưng rõ ràng là thượng tầng đảng Cộng sản đang có tranh luận khá cơ bản
về tương lai vì nhiều mâu thuẫn khó dung hòa giữa tư tưởng và thực tế.
Ta nên theo dõi các cuộc tranh luận trước và sau Đại hội 18 tới đây và
rút tỉa kinh nghiệm cho Việt Nam.
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.
Nguyễn Xuân Nghĩa & Vũ Hoàng RFA
No comments:
Post a Comment