Như các báo chí của “nhà nước” CS đã đưa tin:
“Ban chỉ đạo Trung ương chống tham nhũng sẽ thuộc Bộ Chính trị”.
Và, như mọi
người đã biết, “Bộ Chính trị” của đảng Cộng sản Việt Nam, là cơ quan
quyền lực tối cao, có quyền định đoạt mọi thứ, kể cả đến sinh mạng của
con người từ hàng “cao cấp” cho đến bần dân lê thứ. Như thế, thì nay
“nhà nước” đã công khai lên tiếng: “Ban chỉ đạo Trung ương chống tham
nhũng sẽ thuộc Bộ Chính trị”. Nghĩa là, cái “ban chỉ đạo” này, dù chống
hay không chống tham nhũng cũng phải trực thuộc “bộ chính trị”; cơ quan
quyền lực tối cao của đảng Cộng sản Hà Nội, mà đã “trực thuộc” rồi, thì
“Bộ chính trị” của “đảng” sẽ điều hành hay chỉ đạo, chứ cái “Ban chỉ đạo
chống tham nhũng” này không hề có cái quyền quyết định lấy những biện
pháp để chống tham nhũng.
“… Thuộc bộ chính trị” rồi, thì cũng như
những con cá nằm trên thớt, mọi việc đều phải “đệ trình” lên “bộ chính
trị”, để được chống hay không chống những ai, và những ai thì không được
chống, mà còn cần phải bảo vệ nữa. Mà nghĩ cho cùng cái “biện pháp” này
thật vô cùng hữu hiệu, vì những “ông” đã và đang ngồi trong cái “Bộ
chính trị” toàn là những “Công tử Bạc Liêu” tiêu tiền như nước, có nhà
nghỉ mát sang trọng, đi xe hạng “siêu sang”. Ngoài ra, còn nào là những
“đại gia” đã và đang có những ngôi biệt thự dát vàng, dùng điện thoại
cầm tay có những chiếc vỏ nạm toàn kim cương, đá quý, tất cả đều là con
cháu của “bộ chính trị” cả. Và, những vật dụng xa hoa đó, nó từ đâu mà
có, nếu không phải do mồ hôi nước mắt, sinh mạng của mọi người dân, và
hơn thế nữa, là từ tài nguyên của quốc gia qua các “dịch vụ” bán đất,
nhượng biển, hải đảo – dầu hỏa và những khu mỏ vàng, hồng ngọc… để rồi
chia nhau bỏ túi; bởi vì lương của một “cán bộ – đảng viên” thì làm sao
mà có được những gia sản khổng lồ với hàng tỷ Mỹ kim, Âu kim đã gửi ở
các ngân hàng ngoại quốc.
Chính vì những lẽ ấy, cho nên đảng Cộng
sản Hà Nội, đã phải bảo vệ cho nhau bằng cách lôi cổ cái “Ban chỉ đạo
chống tham nhũng” vào nằm ngay trong cái gọi là “Bộ chính trị” cho nó
yên bề… gia thất, mà chưa biết khi “được đồng sàng” với “bộ chính trị”
như vợ với chồng rồi, thì không biết những kẻ ở trong cái “ban chỉ đạo
chống tham nhũng” này có còn muốn chống nữa hay sẽ không cần phải chống,
mà lại trở nên “êm ấm” cho trọn ái ân – tình chồng nghĩa vợ – đồng cam
cộng khổ với nhau, và chỉ khi nào “lịch sử sang trang”, thì sẽ phải đồng
ưu cộng hoạn- đồng tẩu – đồng mồ.
Nói tóm lại, một khi đã “thuộc bộ chính
trị” rồi, thì không bao giờ được “chống tham nhũng” mà phải nhập giang
tùy khúc, nhập gia tùy tục, mà khi thấy “giang” nó mát quá, thì sẽ cùng
nhau “tắm”; còn thấy cái “gia” nó giàu sang quá, thì sẽ cùng nhập mâm để
cùng “ăn cỗ”. Đảng Cộng sản VN vì biết tâm lý của những người “chống
tham nhũng” cho nên “đảng” đã nghĩ ra một cách toàn vẹn và hữu hiệu
nhất, là cho vào nằm chung, thế là xong, chấm hết. Vậy, từ nay, nếu có
nghe nói đến những chuyện “chống tham nhũng” thì đó là do “Bộ chính trị”
nói, chứ không phải những tiếng nói của những kẻ thiệt tâm chống tham
nhũng, lại càng không phải là tiếng nói của người dân bao giờ.
“Bộ chính trị”! Chỉ cần nghe nói đến cái
tên thôi, là mọi người đã nhớ đến không biết bao nhiêu lần những cuộc
tang thương, dâu bể cũng đã bắt đầu từ đó mà ra, vì không bao giờ có một
sự gì mà không không qua cái lò của “bộ chính trị”. Đây là một cái lò
đã từng tôi luyện cho những kẻ nắm quyền sinh sát trong tay. Tất cả
những kẻ đã qua cái lò này, đều đã qua cả hàng nghìn “độ nóng” của chủ
nghĩa Cộng sản, để rồi phải biết cách để đẩy những con người lương thiện
đi vào những cái lò thiêu thật sự, để cho thân xác của những nạn nhân
bất hạnh này chỉ còn lại là tro bụi mà thôi !
Vế cái “Ban chỉ đạo chống tham nhũng” thì
cũng không ai biết trong cái “ban chỉ đạo” này, gồm có những ai, họ
cũng không có lên tiếng về việc họ “trực thuộc bộ chính trị”, mà theo
như cái cách nói: “đổi mới – kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”; thì người ta có thể nghĩ ra được như thế này:
Ban chỉ đạo chống tham nhũng… theo định hướng của Bộ chính trị đảng Cộng sản Việt Nam.
Nghĩa là không có chống tham nhũng gì hết, vì cả “bộ chính trị” toàn là
những kẻ tham nhũng gộc, là những tên triệu phú, tỷ phú Cộng sản, với
những tài sản kếch xù mà kể cả những người Việt tỵ nạn đã và đang thành
công tại hải ngoại dù có nằm mơ, thì cũng không bao giờ có thể thấy
được, thì làm sao mà chống, mà biết đâu… khỏi chống, vì để còn hưởng ơn
mưa móc…
Khi nói ra những điều này, thì chắc ai
cũng thấy cảm thương cho tất cả những đồng bào ruột thịt thân yêu của
mình, là những nạn nhân của những vụ “cưỡng chế”, họ bị mất đất, mất
nhà, mất hết, kể cả sinh mạng của người thân; nhưng giờ đây, khi tất cả
đã “được” nhốt chung, nằm chung với “Bộ chính trị” rồi, thì người dân
oan, không biết phải khiếu nại ở đâu được nữa, vì những người dân thấp
cổ bé họng sẽ không bao giờ dám đụng đến một cơ quan quyền lực nhất nước
là “Bộ chính trị” !
Tuy nhiên, nói để cùng nhau chia xẻ với
đồng bào, chứ không có nghĩa là chúng ta đều phải tuyệt vọng; bởi vì
theo như cái nguyên lý – định luật của ông Trời, thì tất cả mọi con
người ở trên thế gian này, vào một lúc nào đó, có thể rơi vào đường
cùng, nhưng không bí lối; mà đôi khi càng bị rơi vào những nơi vực sâu,
bí đạo, thì rồi sẽ tìm ra những lối thoát vô cùng mầu nhiệm… như những
con chim đang cất tiếng bi thương trong những chiếc lồng sắt trước khi
bị làm những miếng mồi ngon cho những buổi tiệc; nhưng biết đâu, rồi
chính những tiếng kêu của những con chim đáng thương ấy, sẽ thấu đến tận
Trời cao, và rồi có một ngày cả bầy chim sẽ được “phóng sinh”, sẽ xoải
cánh tung bay giữa bầu trời xanh bao la ngan ngát và lồng lộng nắng gió
Tự Do…
Đó là, ngày không còn cái “Bộ chính trị” nữa !
Pháp quốc, 18/5/2012
Hàn Giang Trần Lệ Tuyền
———————————————————–
Lập Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng thuộc Bộ Chính trị
Hội nghị trung ương Đảng lần thứ
năm, bế mạc sáng 15/5, đã thống nhất chủ trương thành lập Ban chỉ đạo
trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị; lập lại
Ban Nội chính Trung ương Đảng.
Sáng 15/5, hội nghị lần thứ năm Ban
chấp hành Trung ương Đảng khóa 11 đã hoàn thành nội dung chương trình
đề ra sau 9 ngày làm việc. Phát biểu bế mạc, Tổng bí thư Nguyễn Phú
Trọng đã làm rõ một số vấn đề và khái quát lại những kết quả quan trọng
mà hội nghị đã đạt được.
Về đấu tranh phòng chống tham nhũng, hội
nghị nhất trí cho rằng, từ khi Nghị quyết Trung ương 3 (khóa 10) được
ban hành, các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và cả hệ
thống chính trị đã chủ động, tích cực vào cuộc. Công tác phòng chống
tham nhũng, lãng phí đã có chuyển biến tích cực, nhất là trong phòng
ngừa, công khai, minh bạch hóa hoạt động của bộ máy nhà nước, cải cách
thủ tục hành chính, quản lý tài sản công. Trên một số lĩnh vực, tham
nhũng, lãng phí từng bước được kiềm chế. Tuy nhiên, công tác này chưa
đạt được yêu cầu “ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng”.
Trung ương nhấn mạnh, phải kiên trì và
đẩy mạnh nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo tinh
thần Nghị quyết Đại hội 11 của Đảng và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa
11), chú trọng cả phòng và chống tham nhũng, lãng phí; tập trung thực
hiện các nhiệm vụ, giải pháp sớm khắc phục các nguyên nhân vừa nêu trên.
Ban chấp hành Trung ương thống nhất chủ
trương thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực
thuộc Bộ Chính trị; lập lại Ban Nội chính Trung ương, vừa thực hiện chức
năng một ban Đảng, vừa là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Trung
ương về phòng chống tham nhũng.
Về pháp luật đất đai, hội nghị nhất trí cho rằng đất đai thuộc sở hữu
toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Quyền
sử dụng đất cũng là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt nhưng không
phải là quyền sở hữu. Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được
Nhà nước giao cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện các chính
sách đất đai; không đặt vấn đề điều chỉnh lại đất nông nghiệp đã giao
cho hộ gia đình, cá nhân.Trung ương Đảng cho rằng cần khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai và hoàn thiện pháp luật về đất đai để sớm khắc phục những hạn chế, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phân bổ hợp lý, sử dụng đất đai đúng mục đích, tiết kiệm và có hiệu quả, bảo đảm lợi ích trước mắt và lâu dài, bảo vệ môi trường sinh thái. Đất canh tác nông nghiệp cần được bảo vệ nhằm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, giữ vững ổn định chính trị – xã hội và phát triển bền vững.
Trung ương Đảng khẳng định tiếp tục giao
đất, cho thuê đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân có thời hạn,
nhưng có thể kéo dài hơn để khuyến khích nông dân gắn bó hơn với đồng
ruộng và yên tâm đầu tư sản xuất; đồng thời mở rộng hạn mức nhận chuyển
quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với điều kiện cụ thể từng vùng để
tạo điều kiện cho quá trình tích tụ, tập trung đất, từng bước hình thành
những vùng sản xuất hàng hóa lớn trong nông nghiệp.
Về tổng kết, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp
năm 1992, Tổng Bí thư nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là yêu
cầu khách quan, cần thiết. Các đề xuất sửa đổi phải dựa trên kết quả
tổng kết thực tế thi hành Hiến pháp năm 1992 và các đạo luật có liên
quan; quán triệt đầy đủ yêu cầu thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước
trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Nghị quyết đại hội 11 của
Đảng; tiếp tục kế thừa quy định của Hiến pháp năm 1992 và các Hiến pháp
trước đây còn phù hợp.
Về quy trình sửa đổi Hiến pháp, hội nghị
thống nhất cần thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 2 (khóa
11), tiến hành một cách chặt chẽ, khoa học, dưới sự lãnh đạo của Đảng;
có cơ chế bảo đảm sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học, các
nhà quản lý và tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân về nội dung sửa
đổi, để Quốc hội có đầy đủ cơ sở xem xét, quyết định.
Về vấn đề tiền lương, bảo hiểm xã hội,
Trung ương yêu cầu, trong năm 2012-2013, phải khẩn trương bổ sung, sửa
đổi một số chính sách cần và có thể điều chỉnh ngay nhằm sớm khắc phục
những bất hợp lý nổi cộm hiện nay; ưu tiên điều chỉnh tiền lương cho cán
bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang gắn với việc khắc phục
tình trạng quá nhiều loại phụ cấp; soát xét lại chế độ tiền lương trong
các doanh nghiệp nhà nước, khắc phục tình trạng bất hợp lý, chênh lệch
quá lớn giữa cán bộ quản lý và người lao động.
Trung ương Đảng yêu cầu khẩn trương
nghiên cứu xây dựng đề án cải cách chế độ tiền lương giai đoạn 2013-2020
cùng với các đề án có liên quan, tạo bước đột phá trong việc tạo nguồn,
bảo đảm cho cải cách tiền lương, thu được kết quả; tiến hành đồng bộ
cải cách tiền lương với cải cách hành chính, tinh giản bộ máy tổ chức,
biên chế, tái cấu trúc nền tài chính công và các lĩnh vực có liên quan
khác.
No comments:
Post a Comment