Tác Giả: BBC |
|
Tổ chức "Phục hưng Việt Nam" bị nói đã cung cấp thiết bị phá sóng cho mạng lưới trong nước
Thiết bị chèn sóng được nói là tang vật thu được
Đại tướng Phùng Quang Thanh vừa gửi thư khen ngợi bộ đội biên phòng vì đã phá kế hoạch "tháng Tư đỏ lửa" của tổ chức "Phục hưng Việt Nam", theo nguyên văn những gì báo chí nhà nước ở Việt Nam mô tả. Hồi tháng Tư, báo chí trong nước đã đưa tin về vụ cơ quan công an bắt tạm giam và khởi tố bị can tội 'hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân' đối với ông Võ Viết Dziễn ở tỉnh Trà Vinh. Ông này hiện đang bị điều tra hoạt động lật đổ theo chỉ đạo của tổ chức "Phục hưng Việt Nam", một tổ chức thành lập năm 1978 ở hải ngoại và bị chính quyền trong nước cho là phản động, qua mạng internet. Thế nhưng nay, qua thư khen của bộ trưởng quốc phòng, có thể thấy ông Võ Viết Dziễn chỉ là một mắt xích trong mạng lưới "Phục hưng Việt Nam" hoạt động ở trong nước. Bức thư của Tướng Thanh, đăng trên báo Quân đội Nhân dân, viết: "Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã chỉ đạo Cục Trinh sát Bộ đội Biên phòng phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh xác lập chuyên án C012". Trong chuyên án này, bộ đội biên phòng đã đập tan kế hoạch “Tháng tư đỏ lửa”, "bắt giữ một số đối tượng cùng các thiết bị viễn thông khác để phá sóng phát thanh, tuyên truyền các luận điệu phản động; gây cháy, nổ tại các khu phố người Hoa ở tỉnh Bình Dương, rải truyền đơn có nội dung phản động tại một số thành phố lớn, nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, tạo tiếng vang...". Ông Phùng Quang Thanh khen ngợi: "Thay mặt Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, tôi nhiệt liệt biểu dương và khen ngợi những chiến công xuất sắc của Cục Trinh sát Bộ đội Biên phòng và Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh trong đợt cao điểm tấn công tội phạm vừa qua". Ông cũng cảnh báo trong thời gian tới "cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch sẽ tiếp tục diễn ra cam go, ác liệt với diễn biến mới, phức tạp, đặc biệt ở các địa bàn trọng điểm, các tuyến biên giới đất liền". Ông bộ trưởng yêu cầu các lực lượng quân đội "nêu cao tinh thần cảnh giác" để đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, nhất là trên các địa bàn biên giới, biển, đảo. Rải truyền đơn, phá sóng Vẫn theo báo chí trong nước, khi bắt giữ ông Võ Viết Dziễn tại Trà Vinh, cơ quan công an cho hay ông Dziễn đã nhiều lần gặp gỡ và nhận chỉ thị của người trong tổ chức này để về nước "tập hợp nhiều người ra Hà Nội tham gia biểu tình chống Trung Quốc với chiêu bài đòi Hoàng Sa, Trường Sa". Ông Võ Viết Dziễn còn bị cáo buộc nhận tiền của "Phục hưng Việt Nam" để mua máy tính liên lạc và đất đai để làm kinh tế cho tổ chức này. Ông cũng được cung cấp máy tính và thiết bị chèn phá sóng truyền thanh "nhằm mục đích tuyên truyền chống phá nhân dịp ngày lễ 30/4". Báo VnExpress viết: "Theo cơ quan an ninh, ông Dziễn được giao nhiệm vụ tìm những khu phố người Hoa (chủ yếu ở Bình Dương) để đốt phá, gây chia rẽ đoàn kết dân tộc; rải truyền đơn vào Lễ 30/4 và 1/5". Khi bắt ông, nhà chức trách cũng tịch thu nhiều máy móc thiết bị để phục vụ các mục đích nói trên. Khi cơ quan công tố hoàn tất cáo trạng, họ có thể mang ông ra tòa. BBC không thể kiểm chứng trực tiếp được các chi tiết về vụ việc nêu trên truyền thông Việt Nam. Tội danh "lật đổ" được sử dụng ngày càng nhiều ở trong nước trong thời gian gần đây cho thấy hình thái khác của các hoạt động được cho là chống đối chính quyền. Mới nhất, hồi đầu tháng, 18 người thuộc tổ chức Hội đồng Công án Bia Sơn ở Phú Yên đã bị khởi tố về tội danh “Âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân” theo quy định tại điều 79 Bộ Luật Hình sự. Mức án tối đa của Điều 79 là chung thân hoặc tử hình cho người đứng đầu và 15 năm cho đồng phạm. Theo tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch, trong năm 2011, Việt Nam đã bắt và truy tố hình sự với 33 bloggers và nhân vật đấu tranh, trong khi 27 người khác cũng chuẩn bị phải ra tòa. |
Trở Về Trang chính
▼
No comments:
Post a Comment