Biểu tình chống điện hạt nhân tại Tokyo, 05/05/2012
REUTERS/Kim Kyung-Hoon
Một chiến dịch phản đối chính phủ Nhật viện trợ xây nhà máy điện nguyên tử cho Việt Nam vừa được khởi động ngày hôm qua 14/05/2012. Sáng kiến này do Giáo sư Nguyễn Thế Hùng, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện tại Việt nam và Kỹ sư Nguyễn Hùng ở Úc đề xuất và ngay tức khắc đã được hơn 100 người Việt trong và ngoài nước hỗ trợ.
Bản kiến nghị dự kiến sẽ gửi đến các cơ quan ngoại giao Nhật và
thủ tướng Yoshihiko Noda, vào ngày 21/05, mang nội dung yêu cầu Nhật
Bản rút lại quyết định trợ giúp Việt Nam xây nhà máy điện hạt nhân tại
Ninh Thuận. Ngày 04/05/2012 vừa qua Nhật đã đóng cửa toàn bộ 54 nhà máy
điện hạt nhân của Nhật vì thiếu an toàn nhưng lại tiếp tục bán trang
thiết bị cho nước ngoài. Những người ký tên xem dự án nhà máy điện hạt
nhân tại Ninh Thuận là một hành động « vô trách nhiệm và vô đạo lý »
của chính phủ Nhật đối với dân tộc Việt Nam.
Trong ngày đầu tiên hôm qua, 116 người Việt trong và ngoài nước gồm
đủ mọi thành phần từ giáo sư đại học, nhà khoa học, nhà báo, giới bảo vệ
môi trường, cho đến các nhà tranh đấu cho dân quyền và người dân bình
thường đã ký vào bản kiến nghị gởi thủ tướng Nhật và các cơ quan ngoại
giao Nhật.
Trong số những người ký tên có nhà báo Thanh Thảo ở Quảng Ngãi. Ông
là một trong những nhà báo Việt Nam đầu tiên viết bài báo động về tai
họa sóng thần và thảm họa Fukushima hồi tháng ba năm ngoái. Trả lời câu
hỏi của RFI hôm nay 15/05, vì những nguyên nhân sâu xa nào mà ông ký tên
phản đối Nhật Bản, nhà báo Thanh Thảo giải thích :
« Tôi là một trong những nhà báo Việt Nam đầu tiên viết bài xã luận
trên báo Thanh Niên về vụ tai họa sóng thần mà Nhật Bản gánh chịu hồi
năm ngoái. Bài báo của tôi đã gây được nhiều xúc động trong nước Việt
Nam. (Nói thế) để biết là tình cảm của tôi đối với dân Nhật và nước Nhật
rất tốt đẹp. Nhưng tôi phản đối Nhật Bản viện trợ cho Việt Nam xây nhà
máy hạt nhân. Điều đơn giản là, sau tai nạn Fukushima thì Nhật đã phải
quyết định đóng toàn bộ 54 nhà máy điện hạt nhân . Điều đó nói lên cái
gì ? Đối với Nhật , phương thức dùng điện hạt nhân dễ gây thảm họa và
thực tế đã gây thảm họa. Vì thế nhân dân Nhật và chính phủ Nhật đã đồng
thuận bỏ nhà máy điện hạt nhân. Thế thì hà cớ gì mà Nhật lại viện trợ
cái mà mình đã bỏ cho Việt Nam, là một một nước mà xưa nay chưa từng
biết điện hạt nhân là cái gì cả ? Điều này rất khó hiểu. Cái mà mình
không muốn có cho mình thì không nên đưa cho người khác ... Phải nói
thẳng là chính phủ Việt Nam chưa bao giờ có kinh nghiệm về điều hành nhà
máy điện hạt nhân và những tai họa có thể gây ra cho đất nước mình …
Tốt nhất là không nên làm cái gì mà người ta từ bỏ. »
Trích đoạn thư phản đối chính phủ Nhật viện trợ xây nhà máy điện nguyên tử cho Việt Nam
"(...) Chính phủ Nhật Bản đã quyết định đóng cửa tất cả 54 nhà máy
điện nguyên tử tại Nhật sau thảm họa kinh hoàng vừa xảy ra tại nhà máy
phát điện nguyên tử Fukushima, như vậy thì chính phủ Nhật Bản không có
lý do gì lại giúp tài chính cùng cho phép các công ty Nhật Bản bán trang
thiết bị hay xây dựng nhà máy phát điện nguyên tử cho các nước khác
trên thế giới.
Đi ngược với quyết định ngưng hoạt động của toàn bộ những nhà máy
điện nguyên tử cùng với quyết định không xây thêm nhà máy mới trong
tương lai vì lo ngại tai nạn tại các nhà máy này ảnh hưởng đến sức khỏe
và an nguy của dân chúng và những tai hại cho nền kinh tế quốc gia,
chính phủ Nhật Bản lại chấp thuận viện trợ Việt Nam xây dựng một nhà máy
điện nguyên tử tại Phan Rang tỉnh Ninh Thuận.
Đây là một hành động vô trách nhiệm nếu không nói một hành động vô
nhân đạo và không đạo lý của chính quyền Nhật Bản đối với đất nước và
dân chúng Việt Nam nếu đem so sánh với việc làm của chính quyền Nhật Bản
lo cho an nguy của dân chúng Nhật Bản, nếu không coi đây là một hành
động phi pháp và đi ngược lại đạo lý của loài người. Nếu chính quyền
Nhật Bản đã quyết định ngưng hoạt động tất cả 54 nhà máy điện nguyên tử,
thì Nhật Bản không được trợ giúp tài chánh và cùng lúc cho phép các
công ty của Nhật Bản xây nhà máy điện nguyên tử tại các nước khác
(...)".
(Theo trang http://anhbasam.wordpress.com)
No comments:
Post a Comment