LTS -
Thời sự dồn dập hàng ngày trên cả Ðịa cầu có thể giúp chúng ta biết
được là chuyện gì đang xảy ra trên thế giới. Tuy nhiên, nhiều khi chúng
ta không hiểu được vì sao lại xảy ra một biến cố như vậy, và hậu quả sau
này sẽ ra sao... Cũng vì lý do ấy, nhật báo Người Việt mở thêm một tiết
mục và lưu trữ trên trang mạng Người Việt Online để quý độc giả tham
khảo. Ðó là mục “Hồ Sơ Người-Việt,” xuất hiện Thứ Năm mỗi tuần, với nội
dung trình bày khung cảnh khách quan của một vấn đề và, nếu có thể, một
số dự báo về tương lai hầu độc giả khỏi ngỡ ngàng khi sự biến xảy ra.
Xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả...
Hùng Tâm/Người Việt - Mục
Hồ Sơ Người-Việt mở đầu vào giữa tháng 4 với “Chuyện Dài Ai Cập” và lối
tính toán của Thượng Hội Ðồng Quân Lực cùng lực lượng Huynh Ðệ Hồi Giáo
nhằm tranh thủ quyền lực qua cuộc bầu cử tổng thống trong hai ngày
23-24 tháng 5 và cho tương lai sau đó.
Tiếp theo là một loạt bốn hồ sơ về đảng Cộng Sản
Trung Hoa với chi tiết về khung cảnh chính trị Trung Quốc trước Ðại Hội
Ðảng khóa 18.
Lần này, chúng ta tìm đến Miến Ðiện sau khi xứ
này có bầu cử, phong trào dân chủ thắng lớn và lãnh tụ là bà Aung San
Suu Kyi đã vào Quốc Hội.
Người ta có thể tin là qua thập niên thứ hai của
thế kỷ 21, biến cố quan trọng nhất cho Ðông Nam Á chính là sự xoay
chuyển của Miến Ðiện. Nếu Việt Nam mà tiến hành việc đó thì tình hình có
lợi hơn cho người dân Việt, nhưng chẳng may là sự thể này không xảy ra.
Trong khi chờ đợi, ta nên tìm hiểu vì sao chuyện Miến Ðiện lại có tầm quan trọng như vậy.
Miến Ðiện và ngã ba Ấn-Hoa-Anh
Người Việt thường nghĩ Việt Nam là bao lơn của
Ðông Nam Á trông ra Thái Bình Dương và là một bán đảo nằm giữa hai nền
văn minh cổ đại của Châu Á là Trung Hoa và Ấn Ðộ. Ðã có thời mà bán đảo
này được gọi là Indo-China (Ấn-Hoa) để ghi dấu sự kiện ấy. Khi dịch chữ
Indochina hay Indochine của Âu Châu ra Ðông Dương, chúng ta phần nào làm
mất đặc tính này và thật ra đã quên dần yếu tố Ấn Ðộ trong di sản văn
hóa của mình vì ảnh hưởng quá lớn của Trung Hoa.
Bà Aung San Suu Kyi, biểu tượng dân chủ của Miến Điện. (Hình: Paula Bronstein /Getty Images)
Nhưng nếu nhìn theo giác độ cả địa dư lẫn văn
hóa và chính trị thì Miến Ðiện, cường quốc khác của Ðông Nam Á, mới thật
sự là vùng giao lưu giữa Trung Hoa và Ấn Ðộ. Khi xứ này bắt đầu chuyển
hóa như người ta thấy từ năm 2010 thì cục diện Ðông Nam Á đang chuyển
động.
Về địa dư, Miến Ðiện là bao lơn trông xuống Vịnh
Bengal và biển Andaman, khu vực tiếp nhận ảnh hưởng song hành của cả
Trung Quốc và Ấn Ðộ. Khi nhà Nguyên Mông khuất phục Miến Ðiện (thế kỷ
13, đời Trần của nước ta), xứ nay trôi vào quỹ đạo Trung Hoa và chỉ được
chia cách bởi rặng núi Hoành Ðoạn.
Trung Quốc có cả một khu vực rộng lớn nằm kẹt
trong đất liền và các tỉnh từ Tứ Xuyên đến Vân Nam mà muốn thông thương
ra biển thì phải dùng ngả Miến Ðiện. Yếu tố địa dư đó cũng là thời sự
ngày nay.
Vì địa dư hình thể cũng là tài nguyên thiên
nhiên bên dưới, Miến Ðiện có dầu thô khí đốt, có than đá và khoáng sản
gốc kim loại (thiếc, đồng), lâm sản và tiềm năng lớn về thủy điện - dùng
sức nước biến ra điện. Có diện tích gấp đôi Việt Nam (676 ngàn so với
331 ngàn cây số vuông) mà lại giàu tài nguyên thiên nhiên, Miến Ðiện là
quốc gia có tiềm lực hơn Việt Nam và thực tế thì từ lâu đã giàu hơn Việt
Nam. Nhưng trong khi nước ta bị chiến tranh thì họ bị nạn độc tài.
Người Việt ta ít chú ý đến sự kiện là trước và
sau khi là thuộc địa của Ðế quốc Anh, Miến Ðiện là nơi sinh hoạt của
thương nhân Ấn Ðộ. Anh khuyến khích “Ấn hóa” Miến Ðiện trong mục tiêu
bảo vệ quyền lợi của đế quốc tại Ấn. Nhân đây, Hồ Sơ Người-Việt xin ghi
thêm là có một thời khá lâu mà chúng ta quên mất rằng nếu người Hoa có
ảnh hưởng trong hệ thống phân phối lúa gạo thì người Ấn cũng chi phối hệ
thống tiền tệ và chuyển ngân tại miền Nam.
Trước khi bị Mông Cổ khuất phục sau hơn 30 năm
chinh chiến (1277-1301), trong bốn thế kỷ Miến Ðiện từng là đế quốc hùng
mạnh tại Ðông Nam Á, ngang ngửa Ðế quốc Khờme và hơn hẳn Xiêm La (Thái
Lan) hoặc Ðại Việt, khi ấy mới chỉ bằng phân nửa Việt Nam hiện nay. Sau
này, Miến Ðiện vẫn muốn tìm lại ngôi vị cũ trong lịch sử.
Thế rồi, vì mục tiêu cai trị từ 1886 đến 1948,
Ðế quốc Anh áp dụng một chính sách chủng tộc đặc biệt: sắc dân Miến được
trao thẩm quyền hành chánh chính trị, chia sẻ sinh hoạt kinh tế với dân
Ấn, còn các sắc tộc thiểu số ở khu vực ngoại vi hiểm trở của lãnh thổ
thì nhận trách nhiệm về an ninh và quân sự. Người Miến không được vào
quân đội.
Chuyện ấy có thể giải thích chứ không biện bạch cho chế độ quân phiệt sau này.
Sau khi giành lại độc lập nhờ sự sa sút kiệt quệ
của Ðế quốc Anh trong Thế Chiến II, Miến Ðiện ra khỏi khối Thịnh Vượng
Chung của Anh và xây dựng một nước dân chủ, đa nguyên theo khuynh hướng
kinh tế xã hội chủ nghĩa. Ðấy là lúc mà nhân vật U Thant đã làm tổng thư
ký Liên Hiệp Quốc. Nhưng sau đó, kể từ 1962, dưới sự chỉ huy của Tướng
Ne Win, các tướng lãnh đã đảo chính và lập ra một chế độ độc tài quân
phiệt - từ 1962 đến 2011.
Ðộc tài là ngả theo Trung Quốc
Gần nửa thế kỷ nằm dưới ách độc tài quân phiệt, Miến Ðiện trôi vào quỹ đạo Trung Quốc.
Bắc Kinh thúc đẩy tiến trình đó khi cắt hẳn việc
yểm trợ các tổ chức phiến loạn cộng sản theo xu hướng cực đoan của Mao
Trạch Ðông và bình thường hóa quan hệ với chế độ quân phiệt Miến. Việc
bành trướng đó còn được một lợi thế khác là từ năm 1988, Hoa Kỳ đoạn
giao với Miến Ðiện. Bị cô lập hóa, chế độ quân phiệt Miến càng phải
nương tựa vào Trung Quốc.
Lãnh đạo Bắc Kinh nhìn ra hai mối lợi từ Miến Ðiện.
Về tài nguyên thì Miến sẽ bổ sung cho sự khan
hiếm nguyên nhiên vật liệu của Trung Quốc. Về địa dư chiến lược thì Miến
có thể giúp Bắc Kinh mở vòng giao kết với Trung Ðông, từ Vịnh Ba Tư rồi
Pakistan qua Ấn Ðộ Dương, Vịnh Bengal đến eo biển Malacca trổ qua Ðông
Hải, miền Tây Thái Bình Dương.
Khi thực hiện chiến lược bành trướng, Trung Quốc
có nhiều dự án xây dựng hạ tầng, khai thác tài nguyên và thủy điện, và
tạo cơ hội khai thông việc chuyển vận từ Vân Nam rồi Tứ Xuyên qua Vịnh
Bengal. Song song, Bắc Kinh cũng mở ảnh hưởng vào địa dư và an ninh Miến
qua các sắc tộc thiểu số sống trong khu vực núi rừng giao tiếp với
Trung Quốc.
Bắc Kinh vừa mua chuộc các sắc tộc này và vừa
dùng nhu cầu ổn định Miến Ðiện làm lợi thế thuyết phục các tướng. Nếu
chế độ quân phiệt Miến mà do dự và đòi mặc cả với Bắc Kinh thì các lực
lượng võ trang của dân thiếu số như Karen hay Kachin có thể gây khó
khăn.
Chiến lược Bắc Kinh là biến thủ phủ Côn Minh của
tỉnh Vân Nam thành thủ đô kinh tế của khu vực Ðông Nam Á, nơi mà hệ
thống hỏa xa và thủy vận từ Miến Ðiện qua Lào và cả Việt Nam sẽ nằm
trong vòng quản trị và kiếm soát của Trung Quốc. Chuyện ấy không là dự
đoán, dự án hay dự phóng mà đã đi vào thực tế: tại đảo Ramree của Miến,
Bắc Kinh đã lập mạng lưới dẫn dầu và khí đốt từ Phi Châu, Vịnh Ba Tư và
Vịnh Bengal vào thẳng Côn Minh để khỏi phải vòng qua Eo biển Malacca,
vừa dài vừa tốn mà lại do Hoa Kỳ kiểm soát.
Vì 80% lượng dầu khí nhập vào Trung Quốc là phải
qua Eo biển Malacca, Miến Ðiện là giải pháp tiết kiệm và an toàn hơn
cho Bắc Kinh. Ðấy cũng là lý do khiến Trung Quốc mở ra hệ thống xe lửa
cao tốc xuyên qua đỉnh núi tại Pakistan và dưới vùng bình nguyên của
Miến.
Khi tường thuật hoặc phiên dịch thời sự về Miến
Ðiện, chúng ta thường chỉ chú ý đến ách độc tài hay hy vọng dân chủ tại
xứ này. Sự thật nó còn phức tạp gấp bội nếu mình nhìn ra yếu tố kinh tế
và an ninh của Trung Quốc, hay Miến Ðiện, hay cả khu vực Ðông Nam Á. Căn
bản nhất, chế độ quân phiệt Miến Ðiện không chỉ có hại cho dân Miến và
có lợi cho Bắc Kinh. Nó còn đảo lộn an ninh Ðông Nam Á và đe dọa quyền
lợi của cường quốc nằm bên kia Vịnh Bengal, là Ấn Ðộ.
Từ nhiều năm liền, chính quyền New Dehli thấy ra
mối nguy bị Trung Quốc bao vây từ phía Tây là Pakistan qua phía Ðông là
Miến Ðiện. Vốn dĩ có quan hệ kinh tế lâu đời với Miến, Ấn Ðộ đã vào
phát triển dự án dẫn khí từ Sittwe, phía Bắc đảo Ramree, để đưa khí đốt
từ ngoài khơi Miến Ðiện qua xứ Bangladesh đến tiểu bang Tây Bengal của
mình. Song song, Ấn cũng mở xa lộ nối liền ba thành phố Kolkata của Ấn
(mà ta gọi theo tên cũ là Calcutta), Chittagong của Bangladesh và Rangon
(của Miến mà ta gọi theo tên cũ là Ngưỡng Quang) vào một tập thể kinh
tế của Ấn Ðộ Dương.
Tức là không chỉ riêng Trung Quốc, cường quốc
kinh tế kia là Ấn Ðộ cũng chú ý đến Miến Ðiện. Ðộng lực kinh tế là khai
mở một khu vực rộng lớn mà bị kẹt trong đất liền tại miền Bắc Ấn và qua
đó lôi kéo một xứ Hồi Giáo là Bangladesh (xưa kia là Ðông Hồi của
Pakistan) vào mạng lưới kinh tế của mình. Ðộng lực an ninh là đảo ngược
dàn phong tỏa của Trung Quốc và chủ động nối liền Ấn Ðộ Dương với Thái
Bình Dương hiện do Hoa Kỳ kiểm soát và bảo vệ.
Ðây là lý do vì sao mà các nước trong khu vực và
cả Hoa Kỳ đều đánh giá sự chuyển hóa tại Miến Ðiện là biến cố quan
trọng nhất Ðông Nam Á trong thập niên đầu của thế kỷ 21.
An ninh và dân chủ
Hồ Sơ Người-Việt xin đi tới kết luận.
Miến Ðiện đang chuyển ra khỏi chế độ độc tài
quân phiệt. Tiến trình ấy không đơn giản, gọn gàng và mau chóng mà còn
gặp rất nhiều chông gai.
Miến Ðiện là một xứ đa chủng, đa số là sắc dân
Miến sinh sống trong vùng đồng bằng sông Irrawaddy nhưng một phần ba là
các sắc dân thiểu số cư ngụ tại khu vực hiểm trở và chiến lược vì tiếp
giáp với Trung Quốc, hoặc Thái Lan. Các sắc dân đó, như Chin, Kachin,
Shan, Karen... có lực lượng võ trang riêng và thực tế là mối lo của Miến
tộc.
Ðã thế, trong từng sắc dân còn có nhiều bộ tộc
khác biệt do bao đợt di dân trong lịch sử, từ Tây Tạng, Trung Quốc, Ấn
Ðộ hay Bangladesh, Thái Lan và Cam Bốt. Khác biệt về cả truyền thống lẫn
ngôn ngữ và ý thức về sự căn thuộc - tôi là gốc Hoa, người Karen hay
công dân Miến Ðiện?
Sau khi giành lại độc lập, Tướng Aung San - thân
phụ của Phu nhân (Daw) Aung San Suu Kyi thời nay - đã chủ trương xây
dựng một chế độ đa nguyên đa chủng và chấp nhận quyền tự trị của các sắc
tộc thiểu số. Không may là ông lại bị đối thủ chính trị ám sát năm
1948. Ngày nay, vai trò của bà Suu Kyi (xin đọc như su-shi) có thể là
yếu tố hòa đồng và hàn gắn chủng tộc. Nhưng chưa chắc đã vượt qua nổi
những chướng ngại và nghi ngờ tích lũy từ hơn nửa thế kỷ, chưa nói đến
âm mưu khuynh đảo hay khuấy động của Trung Quốc hay các lân bang Miên,
Thái.
Khi nhìn vào Miến Ðiện, vấn đề không chỉ là dân
chủ hay độc tài, hoặc xây dựng các định chế dân chủ cho một quốc gia đã
bị nạn độc tài tàn phá quá lâu. Vấn đề còn là xây dựng dân chủ và an
ninh trong khi quá nhiều sức ly tâm có thể xé quốc gia này làm nhiều
mảnh.
Lợi thế của Miến Ðiện và phong trào dân chủ là
có sự yểm trợ của các nước dân chủ như Anh, Ấn Ðộ, Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Một lợi thế khác, dù có vẻ tượng trưng, là tính chất thành viên của Hiệp
Hội 10 Quốc Gia Ðông Nam Á ASEAN mà năm tới Miến Ðiện sẽ là chủ tịch
luân phiên. Vì vai trò quốc tế đó mà hệ thống quân phiệt sẽ phải hành xử
tương đối đàng hoàng và tiếng nói bà Suu Kyi có trọng lượng hơn.
Nhưng then chốt là chính các tướng lãnh đứng sau
hậu trường chính trị Miến Ðiện cũng phải học tập về xây dựng và phát
triển quốc gia, vốn dĩ là một tiến trình gian nan chứ không giản dị. Với
lợi thế kinh tế rất lớn của nguồn tài nguyên dồi dào, Miến Ðiện có thể
phân bố quyền lợi cho công bằng và tốt đẹp cho mọi sắc tộc, nhưng việc
phân phối ấy phải có những bước quy định về pháp lý và hiến chế, một vấn
đề rất chuyên môn và đầy trọng lượng chính trị. Nền dân chủ Miến phải
đảm bảo được cả an ninh cho tổ quốc.
Xét như vậy, bài toán của Miến Ðiện còn bội phần
khó khăn hơn Việt Nam. Vậy mà chế độ quân phiệt vẫn dám làm. Lãnh đạo
xứ này quả là khá hơn lãnh đạo Hà Nội.
Ghi chú:
Bài “Tướng Lãnh Trong Cộng Ðảng Trung Hoa” tuần
trước có gõ sai tên một sĩ quan thuộc “Thái tử đảng” nhưng gần với phe
Hồ Cẩm Ðào là Ðề Ðốc Lưu Hiểu Dương, chứ không phải là Trương Hải Dương.
Xin quý độc giả điều chỉnh cho. (HT/NV)
No comments:
Post a Comment