Trở Về Trang chính

Monday, April 23, 2012

Xin đừng mạo danh Nhân dân nữa - Minh Văn

Minh Văn - Khi hiểu và biết rõ bản chất của một sự việc nào đó thì khái niệm đã được định hình trong nhận thức của chúng ta. Tuy là vậy nhưng từ khái niệm hình thức đến bản chất sự vật có một khoảng cách khá xa, nhiều khi nằm ngoài sức tưởng tượng của mọi người. Không ít hiện tượng khiến cho chúng ta ngạc nhiên và thậm chí là bị sốc nặng. Ví dụ: Khi nói về chiến tranh thì trong tiềm thức ai cũng hình dung được sự ác liệt và đau thương mất mát mà nó mang lại. Tuy vậy, khi được chứng kiến thực địa của cuộc chiến, cảnh tượng kinh hoàng đã khiến cho nhiều người yếu tim bị ngất xỉu. Tương tự như vậy, là người Việt Nam, chúng ta không ai lạ gì bản chất của chế độ Độc tài toàn trị trên đất nước mình. Chế độ đó cướp hết mọi quyền căn bản của người dân nhưng lại mạo danh nhân dân. Bản chất là vậy, và chúng ta cũng hiểu như vậy, tuy nhiên nếu ai đó có đầu óc dân chủ mà vô tình được chứng kiến sự lừa đảo trắng trợn này thì không tránh khỏi bị sốc, tôi cam đoan chắc chắn như vậy.

Mọi người đã rõ là ở Việt Nam có rất nhiều tên gọi được gắn cái đuôi “Nhân dân” đằng sau, nhưng thực tế không phải là của nhân dân mà chỉ là do nhà nước mạo danh mà thôi. Ví dụ: Công an nhân dân, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm soát nhân dân, quân đội nhân dân, Đại biểu nhân dân, Hội Đồng nhân dân...

Hôm nay và ở đây tôi chỉ xin đề cập đến một nội dung trong số đó, với một câu chuyện nhỏ để ngỏ hầu quý vị thấy rõ luận điểm trên.

Luật tổ chức Hội Đồng nhân dân của Việt nam quy định rằng: “Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên”.

Còn nữa: “Hội đồng nhân dân thực hiện quyền giám sát đối với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp; giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân, giám sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và của công dân địa phương”. 

Chúng ta đã thấy sự mâu thuẫn tuyệt đối và quy định nhập nhằng ngay trong việc định nghĩa này rồi. Tại sao Hội đồng nhân dân đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân lại là cơ quan quyền lực nhà nước? Và tại sao lại chịu trách nhiệm trước cơ quan nhà nước cấp trên? Chúng tôi tưởng Hội đồng nhân dân do nhân dân bầu ra thì chỉ vì nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân thôi chứ? Ấy là chưa kể trên thực tế Chủ tịch Hội đồng nhân dân lại thường do chủ tịch hoặc phó chủ tịch ủy ban nắm giữ, hay cụ thể hơn là người của đảng Cộng sản. Như vậy thì ai giám sát ai, và Hội đồng nhân dân còn có vai trò gì nữa, ngoài tính hình thức? 

Chúng ta cứ tạm hiểu: đó là một cái Hội đồng của nhân dân, đại diện cho người dân trong việc giám sát các hoạt động của cơ quan nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi công dân Việt Nam. Ấy vậy nhưng tôi đã bị sốc nặng khi được chứng kiến một buổi tập huấn của nhà nước (Chính xác hơn là Đảng Cộng sản) đối với các đại biểu Hội đồng nhân dân. Các đại biểu Hội đồng nhân dân được dồn tập trung vào một cái hội trường để các cán bộ lãnh đạo và Tuyên Huấn của Đảng Cộng sản tập huấn. Mỗi khi những lời giáo huấn kết thúc, thì bên dưới hội trường những đại biểu Hội đồng nhân dân lại vỗ tay rào rào tán thưởng? Tôi giật mình tự hỏi: - Liệu đây có phải là đại biểu Hội đồng nhân dân đích thực? Làm gì có chuyện đại biểu Hội đồng nhân dân đi tâng bốc và nịnh bợ đối tượng chịu sự kiểm tra, giám sát của mình? Xen kẽ giữa các bài phát biểu và căn dặn của các bậc lãnh đạo là những tiết mục văn nghệ do đại biểu Hội đồng nhân dân tiến hành, đó là các bài hát ca ngợi lãnh tụ và đảng Cộng sản? Tại sao lại có chuyện đi ca ngợi đối tượng chịu sự giám sát của mình nhỉ? Nếu vậy thì còn giám sát làm sao được nữa? Tôi chợt hiểu ra trò lừa đảo ở đây: Đó là các đại biểu “Hội đồng nhân dân” này là của nhà nước, chứ chả có ai đại diện cho nhân dân cả. Ấy sao lại gọi là Hội đồng nhân dân? Đó chính là trò đội lốt dân chủ, dân chủ hình thức hay mạo danh nhân dân của nhà nước Cộng sản. Tại sao lại không gọi là Hội đồng tay sai X, hay Hội đồng lừa đảo Y, mà lại cứ phải mạo danh Nhân dân như vậy? Thật là tội nghiệp cho người dân Việt Nam, họ bị nhà cầm quyền nhân danh nhân dân để cướp đi hết các quyền của nhân dân. Đó chính là hành động kẻ cướp mạo danh nhân dân.

Tôi đau lòng mà nhận ra rằng: Đảng Cộng sản đã đánh giá con Bò cao hơn người dân Việt Nam. Trên đời này làm gì có chuyện ai đó lại đi đào tạo và tập huấn cho kẻ giám sát và kiểm tra mình? Họa chỉ có người điên? Có phải người dân Việt Nam ngu dốt mà không biết điều đó? Hay biết mình bị lừa mà vẫn phải chấp nhận vì không làm gì được kẻ độc tài bạo quyền? Có lẽ lý do là ở vế thứ hai, tức là biết mình bị lừa nhưng bị ép buộc phải chấp nhận. Họ chấp nhận để nhà cầm quyền đánh giá mình thấp hơn trí tuệ của một con Bò.

Như quý vị đã thấy, theo Luật quy định thì quyền lực của Hội đồng nhân dân thật là to và oách, nhưng thực tế đó chỉ là cái bánh vẽ. Hội đồng nhân dân chỉ là cái cơ quan do nhà nước nặn ra để lừa bịp mọi người và cộng đồng quốc tế: rằng Việt Nam có dân chủ. Đại biểu hội đồng nhân dân là người của nhà nước, họ không khác gì con rối do nhà nước đẽo gọt và giật dây. Con rối này có tên: Đại biểu Hội đồng nhân dân. Trên thực tế nó chỉ có mỗi một nhiệm vụ là ca ngợi sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của đảng Cộng sản. Đóng vai nhân dân trong trò hề chính trị đã quá lỗi thời và hết vai trò lịch sử này.

Cái màn kịch rẻ tiền và thô thiển chỉ để đánh lừa trẻ con đó tại sao vẫn cứ được tiếp diễn ở Việt Nam? Tại vì đó chỉ là vở tuồng mà nhà nước Cộng sản tự biên tự diễn cho nhau xem mà thôi, người dân nào có ai quan tâm. Và rằng người dân Việt Nam biết rõ sự lừa đảo trơ trẽn của một chế độ nhà nước ngược đời nhưng chưa biết làm cách nào để quẳng nó vào sọt rác lịch sử. Chúng tôi đã hiểu và người dân Việt Nam đều hiểu, xin nhà cầm quyền Việt Nam từ nay đừng mạo danh nhân dân nữa mà tội nghiệp!

23/4/2012

Minh Văn

No comments:

Post a Comment