Trong 26 năm qua từ ngày nhà cầm quyền Hà Nội theo đuổi chính sách “Đổi Mới” để cứu nguy chế độ, càng ngày nạn tham nhũng càng gia tăng. Năm nào các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng lên tiếng cảnh báo về tệ nạn tham nhũng và gần đây nhiều người đã công khai thừa nhận tham nhũng là quốc nạn, là giặc nội xâm rất nguy hiểm, càng ngày càng ăn sâu vào tận gốc rễ từ trung ương đến các địa phương. Tham nhũng hoành hành khắp nước trong mọi lãnh vực, từ thương mại, giao thông, y tế, canh nông, xã hội đến giáo duc, không có ngành nào thoát khỏi. Nhà nước đã từng đưa ra nhiều biện pháp trừng trị, nhưng tệ nạn tham nhũng đã không suy giảm mà lại gia tăng, càng ngày càng tệ hại hơn trước.
Theo cựu tổng bí thư Lê Khả Phiêu, mối quan hệ quyền lực và đồng tiền đã chi phối cán bộ mọi cấp, dẫn đến tình trạng lạm quyền, chạy chức và tham nhũng. Điễn hình là trong năm 2005 đã nổ lớn vụ tham nhũng PMU-18 tại Bộ Giao Thông Vận Tải, khiến nhiều tai to mặt lớn của Bộ nầy, trong đó có Bí Thư Đảng Ủy Nguyễn Việt Tiến, nguyên Thứ Trưởng cũng bị tố cáo tham nhũng. Một vụ khác khá lớn đã xảy ra năm 2009 liên quan đến công ty Securency của Úc đã hối lộ cho các viên chức cao cấp Việt Nam hàng chục triệu Mỹ Kim để được thầu in bạc Việt Nam. Báo chí Úc đã nêu đích danh một trong số đó là ông Lê Đức Thúy, Thống Đốc Ngân Hàng Việt Nam.
Trong một cuộc phỏng vấn do Bác Sĩ Phạm Hồng Sơn thực hiện thời gian gần đây, ông Lê Hồng Hà, cựu Đại Tá quân đội nhân dân và nay là nhà bất đồng chính kiến lão thành tại Hà Nội, đã đưa ra một nhận xét rất bi quan. Theo ông, đất nước càng phát triển lại càng bị tụt hậu về nhiều mặt so với các nước trong khu vực. Tình hình xã hội hiện nay ở mức xấu chưa từng thấy kể từ năm 1975. Sự xuống cấp của đất nước hầu như khắp mọi lãnh vực từ chính trị, an ninh, đạo đức, văn hóa, giáo dục, xã hội. Nguy nhất là về chính trị, uy tín của Đảng CSVN đã xuống thấp chưa từng thấy, gần như không còn ai tin vào Đảng CSVN nữa.
Theo kết quả nghiên cứu do Phòng Thương Mại Công Nghiệp công bố ngày 4-4-2012, gần 50% doanh nhân Việt Nam cho biết họ đã phải hối lộ các quan chức nhà nước bằng những số tiền lớn hoặc những món quà đắc tiền để có thể trúng thầu các dự án.
Tại Hội Nghị công tác chống tham nhũng ngày 7-3-2012, Phó Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã lên tiếng báo động tình trạng quan liêu, tham nhũng và lãng phí ngày càng nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, gây bức xúc xã hội.
Về pháp luật, từ năm 1998, Việt Nam đã có pháp lệnh phòng chống tham nhũng, và đến năm 2005 thì luật phòng chống tham nhũng đã được ban hành.
Như thế tham nhũng là một tệ trạng mà giới lãnh đạo Hà Nội đã biết rõ từ lâu và cố tìm cách giải quyết, nhưng vẫn cứ bị lúng túng mãi. Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu trong diễn văn khai mạc Hội Nghị trung Ương IV như sau:”Xây dựng, chỉnh đốn đảng là công việc rất phức tạp, nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến sinh mệnh của đảng và sự tồn vong của chế độ”. Cựu Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu cũng đã từng đưa ra đề nghị phải khắc phục tệ trạng tham nhũng từ Bộ Chính Trị và Trung Ương Đảng, nghĩa là từ cấp cao nhất xuống tầng lớp cán bộ thấp nhất.
Nhiều người am hiểu tình hình đã cho rằng nhà cầm quyền Hà Nội sẽ không bao giờ có thể diệt trừ tham nhũng một cách hữu hiệu được. Tại sao họ bi quan như vậy?
Trên nguyên tắc, trước khi tìm các biện pháp đối phó để giải quyết bất cứ một vấn đề gì, thì công việc quan trọng đầu tiên là phải tìm hiểu nguyên nhân gốc rễ của nó. Là con người, ai cũng dễ bị tiền tài và quyền lực cám dỗ. Bất cứ ai có quyền hành trong tay cũng có khuynh hướng lạm quyền, nhất là dưới chế độ độc tài, độc đảng như Việt Nam hiện nay. Đó là một môi trường béo bỡ cho bất công và tham nhũng sinh sôi nẩy nở. Ngay cả lúc đương sự bị tố cáo tham nhũng, cùng phe cùng đảng độc quyền xét xử, họ sẽ bao che cho nhau, hoặc cùng lắm cũng chỉ xử lấy lệ, vì tòa án cũng là công cụ của đảng và phải xử theo lệnh đảng!
Vì thế, tại các quốc gia dân chủ, người ta luôn luôn tổ chức định chế chính trị đa đảng và tam quyền phân lập, trong đó lập pháp, hành pháp và tư pháp phải độc lập nhau và liên hệ kiểm soát nhau để tránh nạn lạm quyền, độc đoán. Thêm vào đó, quyền tự do báo chí phải được nghiêm chỉnh tôn trọng để báo chí có thể phê phán một cách công khai những việc làm sai trái, tham nhũng của các cơ quan nhà nước.
Trở lại tình hình Việt Nam, muốn diệt trừ tham nhũng, nhà cầm quyền Hà Nội phải thực thi năm điều quan trọng.
(1) Trước hết, Đảng CSVN phải từ bỏ chủ trương độc tài đảng trị và hủy bỏ Điều 4 Hiến Pháp, vì đó là gốc rễ của hầu hết mọi bất công và tham nhũng hiện nay.
(2) Khuyến khích người dân tố cáo tham nhũng và nhà cầm quyền phải có những biện pháp bảo vệ an ninh cho họ, không để họ bị trả thù như đã xảy ra cho hai nhà báo Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn văn Hải trong vụ án tham nhũng PMU-18 năm 2005.
(3) Bất cứ ai phạm tội tham nhũng đều bị nghiêm trị theo pháp luật, bất kể người đó giữ chức vụ gì.
(4) Tòa án phải được tổ chức độc lập với hành pháp và Đảng CSVN. Mọi phiên tòa phải được tiến hành theo đúng thủ tục pháp ly, công khai, có luật sư biện hộ, có báo chí và công chúng tham dự.
(5) Tôn trọng tự do ngôn luận, tự do báo chí. Tại những nước dân chủ tiến bộ, báo
chí luôn luôn đóng một vai trò rất quan trọng trong việc phanh phui, tố cáo tham nhũng, nhất là những trường hợp liên quan đến các quan chức cao cấp.
Tóm lại, đó là những nguyên tắc căn bản mà nhà cầm quyền Hà Nội phải thực hiện để diệt trừ quốc nạn tham nhũng tận gốc rễ. Nhưng liệu Đảng CSVN có đủ cam đảm và thực tâm giải quyết tệ trạng nầy hay không, đó lại là vấn đề khác.
Nguyễn Thanh Trang
No comments:
Post a Comment